Vấn đề xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học


Tôi nghĩ một trong những vấn đề làm cho khoa học VN khó “cất cánh” là vấn đề xét duyệt và cung cấp kinh phí. Có thể thêm phần quản lí dự án nữa. Trong bài ngắn này tôi chỉ muốn nói phần xét duyệt đề cương nghiên cứu trước. Nhìn từ ngoài và nhìn từ xa thì qui trình xét duyệt đề tài nghiên cứu ở VN cũng chẳng khác mấy so với các nước tiên tiến, nhưng chỉ khi nào va chạm với thực tế thì mới thấy “nói vậy mà không phải vậy”, vì có rất nhiều lắt léo, ngóc ngách làm cho qui trình này chẳng giống ai. Những lắt léo đó làm cho nhiều người làm khoa học chân chính chán nản và bỏ cuộc.


Cũng như ở các nước khác, mỗi năm các nhà khoa học VN nộp đề cương nghiên cứu. Bước kế tiếp là Sở Khoa học và Công nghệ (hay cơ quan có chức năng tương tự) tổ chức xét duyệt đề cương; nếu được phê chuẩn thì nhà khoa học sẽ được cung cấp kinh phí để thực hiện dự án. Nhìn như thế thì chẳng có gì khác với nước ngoài. Nhưng trong thực tế thì qui trình diễn ra không hẳn như mô tả. Đầu tiên là không phải đề cương nào cũng được chọn để ra hội đồng khoa học đánh giá. Người quyết định chọn đề cương lại là người của Sở KHCN, tức là một quan chức, thường thường là cấp trung. Có rất nhiều trường hợp quan chức này chẳng làm khoa học, hay nếu có làm thì chuyên môn chẳng có dính dáng gì đến đề tài nghiên cứu. Ấy thế mà quan chức này quyết định bước kế tiếp của đề tài nghiên cứu!

Nếu đề cương lọt qua “mắt xanh” của quan chức Sở KHCN, thì chính quan chức này sẽ chọn hội đồng đánh giá đề tài nghiên cứu. Hội đồng khoa học thường có từ 7 đến 8 người. Trên danh nghĩa, những người ngồi trong hội đồng là những “chuyên gia hàng đầu” hay có khi gọi là “đầu ngành”, những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghiên cứu khoa học. Nhưng trong thực tế thì không hẳn vậy. Rất nhiều trường hợp mà hội đồng chỉ bao gồm những người chẳng phải là “chuyên gia” (chứ chưa nói đến đầu ngành hay không), thậm chí chưa bao giờ làm nghiên cứu khoa học.

Tôi có vài kinh nghiệm về các hội đồng này vì được ngồi như là một quan sát viên, nên cũng biết chút chút về cách làm. Cách làm của hội đồng này có thể nói là khá … hài hước. Khi vào họp, mỗi người trong hội đồng cầm một mảnh giấy, trong đó họ viết ra những nhận xét về đề cương nghiên cứu. Có người viết 3-4 trang, và khi phát biểu, họ chỉ đơn giản đọc 3-4 trang đó như là đọc diễn văn. Tôi đã chứng kiến có những người đưa ra những nhận xét cực kì sai lầm mà họ nói rất tự tin và dõng dạc! Có lần một chuyên gia nọ, được xưng tụng là chuyên gia số 1, đưa ra những con số về một đề tài mà tôi có thể khẳng định là sai từ đầu chí cuối. Có không ít người mang chức danh “phó giáo sư”, “giáo sư” với học vị [thấy xưng tụng là] tiến sĩ, nhưng trình độ chuyên môn và kiến thức căn bản thì hụt hẫng nghiêm trọng. Có người chẳng có chuyên môn gì trong ngành nhưng cũng đưa ra những nhận xét cứ như là chuyên gia thứ thiệt, nhưng nếu người có kinh nghiệm thì biết những nhận xét đó chỉ lấy từ … Google. Có người thì rất thích bắt bẻ tiếng Việt (như dấu hỏi / ngã, cách hành văn, v.v.) nhưng bản thân anh ta thì viết tiếng Việt (trong bản nhận xét) vẫn còn sai và văn phong thì chẳng ra cái thể thống gì. Tôi rất ngạc nhiên khi có người đòi mọi người phải xưng hô với anh ta là “Thầy thuốc nhân dân”. (Tôi ít khi nào thấy một người hợm hĩnh như thế trong đời). Phần lớn những người ngồi trong hội đồng chưa bao giờ làm nghiên cứu nghiêm chỉnh, chưa bao giờ có một công trình công bố quốc tế mà ngồi trong hội đồng để đánh giá một người đã từng có hàng mấy chục bài trên các tập san quốc tế.

Điều đáng nói là tính phi dân chủ trong xét duyệt. Trong buổi xét duyệt đó, người chủ trì đề tài phải chịu trận suốt 2 giờ đồng hồ để nghe người khác phê bình mình, mà không có cơ hội trả lời. Có lần tôi thấy anh chủ trì đề tài bức xúc quá, đưa tay xin phát biểu phản biện, nhưng người chủ toạ gạt phăng đi và nói rằng “Anh phải nghe người ta góp ý rồi trả lời sau”. Đến khi 8 người đọc xong phần nhận xét, anh ta xin phát biểu thì vị chủ tọa nói “hết giờ rồi”. Mỗi thành viên trong hội đồng nhận bao thư tiền rồi ra về. Tôi thấy anh chủ trì đề tài giận tím mặt vì không có dịp phản bác lại những nhận xét vô lí của hội đồng xét duyệt.

Tất cả những qui trình tôi mô tả trên đây cho thấy trong việc xét duyệt đề tài còn quá nhiều vấn đề. Tôi nghĩ đến vài vấn đề nổi cộm và đề nghị ngắn sau đây:

Vấn đề nổi cộm nhất là qui trình này tạo cho các quan chức có quyền quá lớn trong quyết định đề tài khoa học. Đáng lí ra Sở KHCN phải giao quyền cho giới khoa học, và Sở chỉ đóng vai trò quản lí và điều hành. Vấn đề khoa học nên để cho giới khoa học tự quyết, chứ sao lại để cho quan chức hành chính quyết định?

Vấn đề thứ hai là thành viên trong hội đồng xét duyệt không xứng đáng ngồi trong đó. Cần phải có những tiêu chuẩn cụ thể và minh bạch trong việc chọn thành viên bình duyệt đề tài nghiên cứu, chứ không thể làm theo tình cảm cá nhân được. Những thành viên phải có công trình nghiên cứu liên quan, hay có chuyên môn liên quan, và nhất là phải có công trình công bố trên các tập san quốc tế. Ngoài ra, những người này phải tỏ ra có văn hoá khoa học, chứ không nên chọn những người hẹp hòi hay thiếu cởi mở (qua các lần xét duyệt trước).

Vấn đề thứ ba là bình duyệt mở, tức là để cho các thành viên trong hội đồng nói trực tiếp chủ đề tài, vừa tốn thì giờ của nhiều người lại vừa kém văn minh. Tôi chưa bao giờ thấy những cách nói xối xả như là mắng người chủ đề tài như ở VN. Có lần tôi thấy một ông phó giáo sư trình độ rất kém khi đọc nhận xét về đề tài mà ông có vẻ rất giận, giọng run run và hành xử rất “cà khấc” cứ như là … con nít. Nói chung tôi thấy không ít người trong giới khoa học ở VN có vấn đề về văn hoá khoa học, họ hành xử với đồng nghiệp rất “ác ôn”, hoàn toàn không lịch sự như ở ngoài này. Cho dù đồng nghiệp có sai sót đi nữa, thì cũng không nên nói “Anh nên về đọc sách …” (kiểu nói rất phổ biến ở VN) mà phải có cách nói khác chứ (ví dụ như: cách diễn giải của anh hình như không phù hợp với dữ liệu anh trình bày, hay là tôi hiểu sai ý của anh?). Do đó tôi nghĩ nên có bình duyệt kín, sau đó hội đồng (chỉ khoảng 5 người thôi) mời chủ trì đề tài để phỏng vấn hay giải trình những vấn đề nêu trong bình duyệt kín.

Ngoài ra, qui trình chọn đề tài để đưa ra hội đồng xét duyệt có khi như là một cuộc “đấu thầu”. Qui trình này có thể tóm tắt như sau: (i) bước đầu, Bộ (ví dụ như Bộ Y tế) kêu gọi các nhà khoa học nêu ý tưởng; (ii) các nhà khoa học nộp ý tưởng; và (iii) các nhà khoa học khác, có thể không phải là người nêu ý tưởng, tham gia đấu thầu, và người đấu thầu giá thấp nhất sẽ được mời viết đề cương và xét duyệt. Có thể nói ngay rằng đó là một qui trình rất lạ. Trong khoa học, người ta bảo vệ ý tưởng và giữ kín ý tưởng, chứ không phải đấu thầu trước công chúng như thế. Càng không có chuyện người khác lấy ý tưởng rồi ra giá thấp nhất. Ngay cả các chuyên gia bình duyệt đề cương nghiên cứu cũng phải cam đoan bảo mật tuyệt đối, không được phép tiết lộ ý tưởng và phương pháp của đề cương nghiên cứu.

Nhưng cách bình duyệt như trên vẫn còn diễn ra ở VN. Gs Phạm Duy Hiển từng nói rằng ông rất chán ngán với kiểu làm này, và ông sẽ không bao giờ để cho mình bị “tra tấn” bởi những người rất hăng nói những gì mà chính họ cũng không hiểu họ nói gì! Tôi thật thông cảm cho ông. Chính cách làm đó đã làm nản lòng biết bao nhà khoa học trẻ. Có người thề rằng sẽ không bao giờ ra trình với mấy hội đồng mà trong đó có quá nhiều người ngồi nhầm chỗ. 

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét