Câu chuyện tình Mỹ-Việt: David Brown - Tuyết Lê-Brown

Một câu chuyện đẹp và dễ thương. Chàng là David Brown (người Mĩ, dĩ nhiên), và nàng là Bạch Tuyết (khỏi nói cũng biết là người Việt). Họ gặp nhau ~50 năm trước ở Biên Hoà, vượt qua nhiều dị biệt về văn hoá và phản đối của gia đình bên nàng, để thành hôn và sống cho đến nay.

Xin nói thêm là tôi biết David mới năm ngoái khi ông ấy viết một lá thư khen bài viết của tôi (China's "New" Language of Diplomacy đăng trên tạp chí Asia Sentinel). Sau này tôi mới biết ông là một cây bút rất quen thuộc với những bài bình luận sắc sảo về Biển Đông và Việt Nam. Nay mới biết thêm là ông là một "chàng rể" của Việt Nam!

Nhưng này, nói nhỏ với David: trong hình ông đang cầm chai nước mắm hiệu Con Mực, là nước mắm của Thái Lan, không phải của Việt Nam, David ơi! :-)


=====

Câu chuyện tình Mỹ-Việt: David Brown - Tuyết Lê-Brown 


WESTMINSTER, CA (NV) - Chiều 29 Tết, trong khi trong bếp còn ngổn ngang với đám bánh Tét đang gói dở, nhà ngoại giao kỳ cựu, chuyên gia quốc tế về Ðông Á, cây bút phân tích tình hình biển Ðông nổi tiếng, David Brown, được cử đi chợ mua... nước mắm.

Lý do là vì, vợ ông, bà Tuyết Lê-Brown (tên Việt là Bạch Tuyết) chợt nhận ra rằng có lẽ chai nước mắm ở nhà không đủ để nấu món thịt kho trứng, món ăn Tết truyền thống của người miền Nam Việt Nam.



Bà Tuyết Lê-Brown gói bánh Tét chuẩn bị mừng Tết Ất Mùi tại nhà riêng ở Fresno, California. (Hình: Gia đình David Brown cung cấp)

Việc phải đi mua nước mắm vào giờ chót, theo bà Bạch Tuyết, cũng phần lớn là “lỗi tại ông,” vì “ông ấy rất mê nước mắm, cho nước mắm vào hầu hết mọi món ăn.”
“Tôi mà không cản thì chắc ông ấy uống cả nước mắm nữa!” Bà Bạch Tuyết “than phiền” bằng cái giọng không giấu được hạnh phúc và niềm hãnh diện: “Ông ấy yêu Việt Nam còn hơn cả tôi yêu Việt Nam nữa!”

Tổ ấm ở Fresno

Chốc nữa đây, khi mua xong và mang được chai nước mắm về nhà, phân tích gia David Brown sẽ được vợ “điều động” lau bát đĩa, hút bụi, dọn bàn thờ, và lo mọi chi tiết cho việc trang hoàng nhà cửa đón Tết. Thỉnh thoảng ông cũng sẽ được vợ vời vào bếp, nhờ nếm xem món thịt kho đã đủ nhừ, nêm nếm có vừa miệng chưa, một công tác ông... rất thích.

Tổ chức ăn một cái Tết hàng năm theo đúng truyền thống Việt Nam là một trong những điều, mà dù bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn nào, bà Bạch Tuyết cũng cố gắng thực hiện, để nhắc các con bà là “chúng có dòng máu Việt Nam” trong huyết quản.

Trong khi đó, nói về hôn nhân của mình, ông David Brown, trong một lần trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, tỏ bày: “Tôi rất hạnh phúc khi kết hôn với nhà tôi. Hai chúng tôi đều rất quan tâm đến Việt Nam. Tôi thấy mình gắn bó với Việt Nam như đã gắn bó với gia đình vợ, cả hai cùng mong mỏi những điều tốt nhất cho đất nước này...”

Ai bảo rằng những cuộc hôn nhân dị chủng thường gặp nhiều sóng gió?



Ông David Brown giúp vợ nêm cho vừa miệng món thịt kho trứng, món ăn Tết truyền thống của người miền Nam. (Hình: Gia đình David Brown cung cấp)

Thiên duyên tiền định

Cặp đôi Tuyết Lê-Brown và David Brown là hai khuôn mặt quen thuộc trong giới “mê” mạng xã hội Facebook, cả ở Mỹ lẫn ở Việt Nam. Những hình ảnh và “status” thường xuyên xuất hiện trên Facebook cho thấy sinh hoạt đầm ấm của hai người chia sẻ một mục đích chung.

Nhưng phải có cơ duyên đến thăm, sinh hoạt với họ vài hôm tại tư gia, mới thấy rõ hơn cuộc sống hàng ngày của cặp “chồng Mỹ vợ Việt” khá đặc biệt này.

Ðiểm đặc biệt đầu tiên là bà Bạch Tuyết “rất Mỹ!” Mỹ trong phong thái, trong cách phục sức, trong cách phát âm tiếng Anh không chỗ nào chê. Ngược lại, ông David Brown rất Việt Nam. Việt Nam trong lối nói tiếng Việt gần như hoàn chỉnh, với số ngữ vựng, sự am hiểu về tình hình chính trị Việt Nam có lẽ còn nhiều hơn một người Việt Nam quan tâm chuyện Việt Nam, và nhất là cách hoàn toàn lệ thuộc vào vợ trong sinh hoạt gia đình, để cho nội tướng của mình sắp đặt, điều khiển mọi việc, kể cả việc... sai đi chợ.

Ngày tôi đến Fresno thăm hai ông bà, xe vừa trườn tới trước nhà, hai người đã ra đón chào tận cửa. Trong khi ông nhanh nhẹn mở cốp xe giúp khiêng vali, máy ảnh, bà lách tách bấm máy chụp hình chồng với khách, rồi lại trao máy cho chồng chụp khách với mình. Ân cần, trang trọng, tạo cho khách cảm giác họ là người khách quý. Phong thái của giới ngoại giao!

Buổi tối hôm ấy, sau bữa cơm, trong phòng khách đầy dấu tích nhiều của nước Á Ðông mà ông David Brown từng đến để đại diện Hoa Kỳ, như Việt Nam, Japan, Malaysia... tôi được dịp ngồi nghe hai vợ chồng ông thay phiên nhau kể về mối tình dài gần 50 năm của mình. Không khí trong phòng thêm đầm ấm hơn mỗi khi có những chi tiết người này không nhớ phải quay qua hỏi người kia. Cả những thoáng mắt nhìn nhau.

Tất cả bắt đầu khi chàng thanh niên David Brown, 22 tuổi, nhân viên ngành phục vụ nước ngoài (foreign service) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, được cử đến phục vụ tại Việt Nam năm 1965, thời điểm chiến tranh Việt Nam bắt đầu leo thang.



Lê Thị Bạch Tuyết và David Brown thuở còn hẹn hò. (Hình: Gia đình David Brown cung cấp)

Phi cơ vừa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, khi hơi nóng của bầu không khí ẩm ướt phả thẳng vào mặt, ông Brown kể, ông đã nhận thức ngay là ông còn rất nhiều điều phải học, và thứ tiếng Việt Nam mà ông được dạy cả hàng năm trước đó, chẳng là gì cả. Cách phát âm các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, của ông còn rất khác so với người bản xứ.

Với ông, khả năng nói tiếng địa phương vô cùng quan trọng. Công việc của một nhân viên ngành “foreign services” của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là phải dùng tài ngoại giao, sự duyên dáng của mình để kết bạn với người bản xứ. Phải tìm ra ai là ai, mình có thể nói chuyện với người nào, ai là người có thể giúp mình tìm hiểu vùng đất xa lạ, nhưng phải nhanh chóng am tường. Hơn thế nữa, ông lại là một nhân viên thuộc Phòng Chính Trị.

Khoảng năm 1967, số nhân sự thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam lên đến trên dưới 30 người. David Brown và khoảng 6, 7 nhân viên trẻ, độc thân khác được biệt phái đi đến các tỉnh để mở rộng tầm hoạt động.

Nhớ lại thời gian này, ông Brown nói với nụ cười, “lúc đó ai cũng tưởng tôi là CIA, vì biết nói, biết viết tiếng Việt thì chắc chắn phải là 'xịa' rồi.” Thật ra ông được giao cho chức vụ “District Senior Advisor,” của trong “Chương Trình Ðiều Nghiên, Toán Lưu Ðộng,” địa bàn hoạt động là Biên Hòa, Hố Nai, Tam Hiệp, Long Bình, làm việc tại trụ sở của USAID, Biên Hòa.

Và Biên Hòa chính là nơi ông gặp cô gái miền Nam Việt Nam tên Tuyết, người sau này cùng ông chia sẻ cuộc đời.

Bà Tuyết Lê-Brown cho biết lúc đó mới 17 tuổi, bà đã phải “nói dối” là mình 18, để được USAID nhận vào làm nhân viên trả lời điện thoại.

“Hồi ấy còn nhỏ lắm, nhưng tôi đã để ý đến David vì đôi mắt xanh, dáng người cao lớn, và vì lối phát âm tiếng Việt rất chuẩn.” Bà nhớ lại.

Một buổi chiều, khi cả hai cùng phải làm việc trễ, chàng trẻ tuổi David đánh bạo ngỏ ý muốn đưa cô Bạch Tuyết về nhà trên chiếc xe gắn máy của mình. Ngẫm nghĩ giây lát, Bạch Tuyết gật đầu bằng lòng, một quyết định trói chặt cuộc đời hai người với nhau từ đó.



Cô dâu Lê Thị Bạch Tuyết và chú rể David Brown bước ra khỏi nhà thờ sau lễ cưới. (Hình: Gia đình David Brown cung cấp)

Vượt khác biệt văn hóa

Trả lời câu hỏi về những khó khăn phải đối diện vì hai nền văn hóa khác nhau, bà Tuyết Lê-Brown kể về vụ “chạm trán” ngay từ hôm đầu tiên của họ.

“Hôm ấy, trên đường về, David đưa tay chạm vào đùi tôi. Tôi sợ quá, vừa giận, vừa sợ, hất ngay tay anh ta ra.” Tuyết Lê-Brown kể.

Thế là suốt con đường về, cô Bạch Tuyết im lặng không nói chuyện với David nữa, mặc cho chàng trai Mỹ hết lời xin lỗi.

Phản ứng bất ngờ của người con gái Việt Nam khiến David ngỡ ngàng. Cố gắng phân tích, ông chợt vỡ lẽ ra rằng trong thời gian dài được huấn luyện về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thiếu sót không giải thích cho ông (và các đồng nghiệp) biết tí gì về cách đối xử với phái nữ của đất nước này.

Ngỡ ngàng thứ hai là gia đình Tuyết, nhất là người cha, hoàn toàn phản đối việc con gái mình có một người bạn trai ngoại quốc. Ông Brown cho biết điều này làm ông hết sức ngạc nhiên, ông cứ tưởng mình đẹp trai, là nhân viên Bộ Ngoại Giao Mỹ, vừa oai, vừa nhiều tiền, thì cha mẹ Tuyết chắc chắn sẽ sẵn sàng đón nhận. Ông lầm. Dù nghèo, dù tài chánh gia đình khó khăn, bằng lòng cho con gái lấy một người Mỹ, theo văn hóa Việt Nam thời đó, là một quyết định mà cả hai người trẻ thật lòng yêu nhau này, phải mất một thời gian lâu mới thuyết phục được cha mẹ Tuyết chấp nhận.

Ông Brown cho biết trong nhiều tháng trời, cứ cuối tuần là đến nhà hầu chuyện với thân phụ của Tuyết vài tiếng đồng hồ, đa số là chuyện chính trị Việt Nam, chỉ để mong được thấy Tuyết thấp thoáng xuất hiện lúc mang nước ra mời.

Cuối cùng, ông cảm thấy mình “chiến thắng vinh quang” khi được phép đưa Tuyết đi chơi riêng. Tuy gọi là riêng, lúc nào thân phụ Tuyết cũng phái đứa em trai, làm “escort,” đi cùng. Tuyết và David phải dần dà tìm cách hối lộ cậu em để hai người có được những giây phút riêng tư.

Khi biết không thể ngăn cản được mối tình thắm thiết của hai người, người cha đưa ra ba điều kiện: Thứ nhất, chàng trai David phải có người sang cưới hỏi con gái ông theo đúng phong tục Việt Nam; thứ hai, phải theo đạo Công Giáo của vợ; và các con sau này cũng phải theo đạo Công Giáo.



Ông David Brown (trái) và hai con gái cùng vợ là bà Tuyết Lê-Brown (phải). (Hình: Gia đình David Brown cung cấp)

Tình yêu như sức mạnh phi thường khiến David vượt qua tất cả. Hôn lễ của hai người được cử hành vào Tháng Sáu, 1969, một thời gian ngắn trước khi David Brown được chuyển về lại Hoa Kỳ.

Lấy được nhau rồi, họ phải đối diện nhiều khác biệt văn hóa khác, chẳng hạn việc giúp đỡ gia đình.

Ông Brown kể: “Chúng tôi thường xuyên phải gửi tiền về Việt Nam. Chúng tôi cãi cọ hoài về việc đó. Tôi thấy nó chẳng hợp lý gì cả. Chúng tôi cũng đang phải cố gắng gầy dựng cho cuộc sống của chính mình. Mãi sau này tôi mới hiểu tâm trạng của Tuyết, hiểu rằng, nàng cũng như bao nhiêu người khác đều cảm thấy mình, vì may mắn hơn, có trách nhiệm phải lo lắng cho người thân còn ở lại.”

“Lúc đó bà Tuyết đã thuyết phục ông bằng cách nào?” Tôi hỏi.

“Ồ, bằng cách khi con chúng tôi còn nhỏ, mà bà tự đi tìm việc làm. Tuyết làm người bán hàng ở một tiệm quần áo đàn ông, rồi sau đó làm ở một tiệm bán vải. Chỉ một thời gian ngắn, Tuyết nhận được một cái “pin” khen thưởng của cửa tiệm, là người tiếp khách tốt nhất.” Ông Brown kể, rồi kết luận: “Có lẽ hành động của vợ đã làm tôi xấu hổ, khiến tôi bằng lòng giúp đỡ gia đình nàng. Tôi nghĩ vậy.”

Rồi trước đôi mắt ngạc nhiên của vợ, ông chia sẻ nhận định của mình, có thể là lần đầu: “Tuyết có lẽ là người đàn bà Việt Nam tuyệt vời nhất mà tôi gặp, thông minh, tràn đầy sức sống, bướng bỉnh, không cho phép cuộc đời đánh bại mình. Với tôi, Tuyết không là một người đàn bà chỉ hấp dẫn về thể chất. Nàng có một sức mạnh ý chí. Lấy chồng rồi, vừa lo cho con, vừa lo trách nhiệm của một người vợ nhân viên ngoại giao, nàng còn học thêm để lấy cho xong bằng cao học trong ngành y tế tâm thần.”

“Và giờ đây, khi nhìn vợ, thỉnh thoảng tôi lại tự nhủ mình là người đàn ông may mắn, vì Tuyết đến với tôi, thực sự hoàn toàn không phải là việc đến với một người đàn ông Mỹ nhiều tiền.” Ông thú nhận.

Ông bà David Brown có hai con gái, một người tốt nghiệp Ðại Học Harvard, người kia tốt nghiệp Brown University, một cháu trai hơn ba tuổi. Họ định cư ở thành phố Fresno, California. Bà Tuyết Lê-Brown là một Tham Vấn Tâm Lý Lâm Sàng (Board licensed Clinical Psychotherapist).

Khi không đọc sách, trả lời phỏng vấn, hay viết những bài phân tích cho các tờ Asia Times, Asia Sentinel, East Asia Forum... David Brown giúp vợ nấu ăn, làm vườn, và nhất là đi chợ, mua những thứ để nấu món ăn thuần túy Việt Nam, chẳng hạn như... nước mắm.

Về thức ăn ngày Tết, ông thích thịt kho, dưa món, và mê bánh Tét hơn bánh Chưng. “Ðương nhiên, vì ông ấy có vợ là người miền Nam!” Bà Tuyết dí dỏm khẳng định.




Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét