Chỉ có một chữ để mô tả trải nghiệm đó: chán. Tôi tìm mua cuốn "Thơ - thi pháp và chân dung" (của nhà phê bình văn học Đặng Tiến) suốt buổi sáng ở Sài Gòn mà đành chịu thua. Nhưng tôi có một trải nghiệm thú vị khi tìm cuốn sách, và đó là các nhà sách ở đây không biết bán sách.
Đến bất cứ nhà sách lớn nào, chỉ nói tên cuốn sách là họ nói "không có" hoặc "hết rồi". Họ không nói thêm một chữ nào. Họ rất nhàn nhã, chứ hoàn toàn không bận rộn. Họ không có bất cứ một nỗ lực tìm kiếm mà chỉ đứng một chỗ và phán. Tôi nghĩ nếu nói họ lười biếng là không hề oan ức chút nào. Đến Nhà sách Minh Khai, vớ được một cô "chân dài" đang đứng nhìn trời đất, thì cô ấy hỏi tên cuốn sách, nhưng tôi hỏi tại sao không tìm bằng tên tác giả, thì cô ấy khẳng định rằng hệ thống máy tính của nhà sách chỉ có khả năng tìm tựa đề sách, chứ không phải tên tác giả. Tôi không nghĩ chữ "ngu xuẩn" là quá đáng cho nhà sách này.
Xong nhà sách [mang tên một người không yêu sách là] Minh Khai, tôi "cày" hết khu sách cũ ở đường Minh Khai. Đây là con đường nổi tiếng có những nhà sách bán sách cũ. Tôi từng tìm được cuốn sách của thầy Quảng Độ ở khu này. Vậy mà chẳng có nhà sách nào có cuốn của Đặng Tiến. Tôi phát hiện một điều thú vị là họ đề tên "nhà sách" cho oai, chứ thật ra phần lớn chỉ bán lịch và sách bói toán, sác phong thuỷ là chính, chứ sách đàng hoàng thì rất hiếm.
Vui hơn là nhà xuất bản Phụ Nữ trên đường Alexandre De Rhode. Đây là nhà xuất bản cuốn sách của tác giả Đặng Tiến. Để chắc ăn, tôi gọi số điện thoại cho nhà xuất bản, nhưng lúc nào cũng được trả lời là sai số, dù số ghi trên mạng là đúng! Nói cách khác, nhà xuất bản cung cấp số điện thoại sai hay ẩu. Nhưng vì quyết chí tìm cho ra, nên tôi quyết định đi taxi đến đó. Khi tôi nói tên cuốn sách, người nhân viên của nhà xuất bản cứ ngớ ra, làm như là sách gì lạ lắm vậy. Hỏi một người khác thì được câu trả lời cụt ngũn: hết rồi. Không cần tìm. Không nói gì thêm. Tôi phân trần là tốn 70 ngàn đồng taxi đến đây mà chỉ nhận chữ "hết rồi" thì … uổng quá. Có lẽ tội nghiệp tôi, nên cô ta ban cho ân huệ thêm vài chữ: sách này chỉ in một lần thôi và đã in 5 năm rồi. Mới 5 năm mà gọi là cũ thì tôi quả thật … bó tay. Mất toi 70 ngàn một cách vô lí.
Họ giới thiệu tôi đến nhà sách Nguyễn Huệ (fahasa), nhưng tôi nghĩ đó không phải là nhà sách, mà là tiệm bán lịch và văn phòng phẩm. Ít thấy nơi nào bán sách mà không cần khách và thờ ơ như nhà sách Nguyễn Huệ. Cũng như nhà sách Minh Khai, những con người đứng bán sách ở đây rất lạnh lùng, không có thái độ giúp đỡ, thậm chí … vô giáo dục. Họ không bao giờ quan tâm đến nhu cầu của khách hàng. Tôi nghĩ nếu họ sập tiệm hay bị đóng cửa ngày mai, tôi không hề thương tiếc gì cho "nhà sách" này.
Sẵn đây xin kể bạn nghe một trải nghiệm mua sách bên Mĩ. Hôm đó, tôi lang thang trong một nhà sách ở Seattle (WA) tìm mua một cuốn sách khá cũ (trên 10 năm). Nhà sách không có, nhưng người bán sách nói tôi cứ đứng đó, cô ta gọi điện thoại vài ba nhà sách, và cuối cùng tìm ra một nhà sách có cuốn sách tôi tìm. Cô ta ghi ra địa chỉ rõ ràng, số điện thoại, và nói rằng cô ấy đã dặn rồi, tôi chỉ đến đó lấy sách thôi. Quả đúng như thế, chỉ cần 5 phút taxi, tôi đã có cuốn sách mình tìm. Thật là một phong cách phục vụ đáng nể, mà ngay cả ở Úc cũng khó có!
Nói tóm lại, nếu bạn muốn mua sách học thuật nghiêm chỉnh, không nên nghĩ đến các nhà sách ở Sài Gòn. Ở đây, đa số các cái gọi là "nhà sách" chỉ bán sách dịch từ tiếng Tàu, tử vi, phong thuỷ, sách dịch từ mấy tiểu thuyết "3xu" của các tác giả Mĩ. Còn thái độ phục vụ của những con người bán sách ở đây, Sài Gòn, thua người Mĩ cả ngàn năm ánh sáng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét