Ở miền Nam trước 1975, các tác phẩm của TLVĐ được dùng làm sách giáo khoa môn văn bậc trung học, nhưng ở miền Bắc thì những tác phẩm này bị cấm một thời gian khá dài. Mãi đến sau 1975 nhà cầm quyền mới cho in lại những tác phẩm của nhóm TLVĐ, nhưng ít ai chú ý rằng bản mới bị kiểm duyệt, với một số chi tiết bị xoá bỏ. Ngay cả sách của cụ Hoàng Xuân Hãn cũng bị kiểm duyệt. Có lẽ phải gọi đó là một sự kiểm duyệt quá khứ.
Tôi mới đọc một bài viết của Phạm Phú Minh đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ (trước đây là Tạp chí Thế Kỷ 21) về tình trạng kiểm duyệt sách ở VN. Xin trích một vài đoạn liên quan:
"Nhà văn Trúc Chi kể cho tôi nghe một câu chuyện lý thú nhưng đáng rơi nước mắt. Một số năm trước đây nhà văn về thăm Hà Nội, một buổi dạo chơi bờ hồ Hoàn Kiếm, ghé vào một hiệu sách mua cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng mà ông rất thích thời trẻ tuổi. Mang về khách sạn đọc, ông tìm mãi không thấy đoạn tả cảnh chùa Long Giáng mà ngày xưa ông rất mê, đọc hết cuốn sách cũng không thấy đoạn ấy ở đâu, cuối cùng phải kết luận là đoạn ấy đã bị cắt bỏ. Vì sao mà cắt bỏ, ai có quyền cắt bỏ thì ông không thể nào biết được.
Năm ngoái trong cuộc hội thảo về TLVĐ do chúng tôi tổ chức tại báo Người Việt, cô Tanaka Aki trong phần phát biểu của mình, đã kể rằng trong chương trình học văn học Việt Nam tại đại học Tokyo, cô đã được giáo sư Kawagichi giao cho dịch một phần cuốn Đời Mưa Gió của Khái Hưng và Nhất Linh sang tiếng Nhật, và cô đã khám phá ra có sự khác biệt giữa ấn bản mới mà cô mua tại Sài Gòn do Hội Nhà văn xuất bản năm 2010 khi so với ấn bản do nhà xuất bản Đời Nay in trước năm 1975. Và sau đó cô phải vứt bỏ cuốn do Hội Nhà văn xuất bản để chỉ dùng cuốn của Đời Nay."
Nhưng dĩ nhiên sách của TLVĐ không phải là nạn nhân duy nhất. Ngạc nhiên thay, ngay cả tác phẩm liên quan đến học giả Hoàng Xuân Hãn cũng bị kiểm duyệt. Chẳng hạn như bài trong một bài phỏng vấn ông do Thuỵ Khê thực hiện ở Pháp, ông nói:
"Được cái người Pháp khinh địch, khinh mình, cho nên không dè họ thua. Nhưng đến lúc Điện Biên Phủ, thì nói thực, lúc ấy không có súng ống tối tân không đời nào mà đánh được Pháp. Pháp lúc ấy được Mỹ giúp ghê lắm rồi, về súng ống ghê rồi. Chỉ có bom nguyên tử họ không giúp, hay là 100 máy bay họ không giúp một lần, họ chỉ giúp lẻ tẻ thôi. Hồ Chí Minh, lúc ấy tụi Tàu đặt vấn đề ra, nếu không theo nó, không nghe nó về mặt chính trị, nó không cho súng ống thì cũng chết. Cho nên nó đưa những tụi cải cách ruộng đất ở bên Tầu vừa xong, nó đưa sang, nó cầm một vài ông - gọi là Bộ Trưởng lúc ấy - những người lúc ấy không phụ thuộc Hồ Chí Minh. Sự cải cách gọi là địa phương nhưng mà lên đến huyện, lên đến tỉnh đã có người Tàu điều khiển cả rồi. Thành ông kia là phải nuốt chuyện ấy để mà nó giúp cho súng ống. Họ cũng biết là được Điện Biên Phủ thì mới có chuyện gì, chứ thua Điện Biên Phủ thì lúc ấy thua hoàn toàn."
Nhưng khi bài này được in lại ở trong nước trong cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, ai đó đã cắt bỏ câu "Hồ Chí Minh …. súng ống", và thêm thắt vào câu mang nghĩa đánh bóng lãnh tụ: "Hồ Chí Minh, lúc ấy đã phải dùng nhiều cách, và nhiều con đường: chính trị, ngoại giao sáng suốt và mềm dẻo để có súng ống mà đánh Pháp."
Bài viết còn có lời thuật của ông Nguyễn Minh Cần về việc kiểm duyệt tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi:
"Hồi những năm 60-70 thế kỷ trước, Trường Chinh và Tố Hữu lúc đó phụ trách về tuyên huấn, văn hóa, giáo dục... Các ông ấy cho rằng trong nguyên bản tờ Bình Ngô Đại Cáo ở đoạn cuối, trước chữ 'Than ôi !' có một câu mà các ông cho là duy tâm, mê tín quá là câu 'Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy' (bản dịch của Trần Trọng Kim), thế là các ông quyết định bỏ đi, mà mập mờ cho ba chấm vào trước câu sau. Thế là những sách có in Bình Ngô Đại Cáo trong thời đó đều bỏ câu đó đi, có khi họ quên để cả ba chấm nữa."
Đến Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi mà còn bị kiểm duyệt thì tác phẩm của nước ngoài bị cắt xén và sửa đổi là chuyện có thể xảy ra. Gần đây hơn, chúng ta đã từng biết vụ kiểm duyệt bản dịch cuốn sách "The Spy Who Loved Us" (Tên gián điệp thương chúng ta) của Thomas A. Bass viết về Phạm Xuân Ẩn (2, 3). Câu chuyện đằng sau vụ này rất ư sống động, và nó cho chúng ta một bài học là nếu muốn đọc sách nước ngoài thì nên dùng nguyên bản, đừng có dại dột dùng bản dịch của những dịch giả mà uy tín học thuật chưa được khẳng định.
Một bài học khác là khi cần tham khảo những sáng tác của các tác giả xưa (ví dụ như các tác giả ở miền Nam trước 1975) thì nên tìm bản gốc, chứ dựa vào bản mới xuất bản sau này thì có khi bị lầm và đánh tráo. Một nền học thuật chẳng biết tôn trọng sự thật là một nền học thuật thối nát (corrupted). Những người tiếp tay làm cho nền học thuật đó trở nên thối nát cần phải bị lên án.
====
0 nhận xét:
Đăng nhận xét