Lâu lắm rồi mới nghe một bài giảng seminar vừa hay vừa có ích. Trưa nay Viện Garvan có một khách mời là Giáo sư Mark Caulfield (1) từ Genomics England (Anh). Ông đến đây để nói về dự án “The 100,000 Genomes Project”. Dự án là một loại “Khoa học lớn” – big science được khởi xướng từ … Thủ tướng Anh!
Gs Caulfield kể rằng một hôm, sau khi đắc cử, thủ tướng Anh triệu tập một nhóm giáo sư ngành y đến để bàn chuyện tương lai, và ông hỏi trong ngành y cái gì là “lớn” hiện nay mà nước Anh cần phải đi đầu. Các giáo sư trả lời rằng genomics và ứng dụng genomics là chủ đề lớn hiện nay. Thủ tướng hỏi tiếp rằng “với sự hạn chế về ngân sách và tài nguyên hiện nay, và nếu tôi phê chuẩn một ngân sách cho genomics thì các ông sẽ làm gì”, các vị giáo sư trả lời rằng có nhiều bệnh hiếm mà y khoa đang bó tay nhưng với công nghệ genomics thì có thể giúp để đi đến chẩn đoán sớm và hi vọng điều trị tốt hơn. Ông thủ tướng thổ lộ rằng con trai của ông cũng mới qua đời vì một bệnh hiếm và ông rất hào hứng với ý tưởng của các giáo sư, rồi ông hỏi mỗi phân tích mỗi genome tốn bao nhiêu, thì các giáo sư nói tốn khoảng 1000 bảng Anh. Ông thủ tướng không do dự phê chuẩn 100 triệu bảng Anh để nghiên cứu. Với 100 triệu bảng Anh, các nhà khoa học có thể nghiên cứu genomics trên 1000 bệnh hiếm, và thế là lấy tên dự án là “The 100,000 Genomes Project”!
Đây là một dự án lớn, và đòi hỏi hợp tác từ hàng ngàn bác sĩ chuyên khoa, các chuyên gia di truyền học, sinh học, thống kê học, khoa học máy tính, sinh tin học. Họ sẽ xây dựng một trung tâm dữ liệu lưu trữ toàn bộ các sequence của 1000 bệnh hiếm, và dữ liệu sẽ được chia sẻ với bất cứ nhà khoa học nào trên thế giới. Họ sẽ phát triển các kĩ thuật và phương pháp chẩn đoán các bệnh hiếm qua phân tích genomics. Gs Caulfield cho rằng sau khi hoàn tất, dự án sẽ để lại một di sản lâu dài về năng lực nghiên cứu của Anh và những dữ liệu di truyền chưa từng có trước đây. Ông nói một cái ý chẳng có gì mới nhưng cần lặp lại là: làm big science cần phải có hợp tác của nhiều bộ môn khoa học, và chỉ có hợp tác mới mở rộng được biên cương khoa học.
Trông người lại nghĩ đến ta. Tôi ước gì Chính phủ VN cũng tỏ ra quan tâm đến khoa học và y khoa như ông thủ tướng Anh. Không đòi hỏi thành viên chính phủ phải am hiểu khoa học, chỉ cần họ biết lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia thứ thiệt. Tôi tưởng tượng đến ngày mà ngài thủ tướng VN triệu tập các giáo sư y khoa để hỏi họ xem vấn đề lớn nhất hiện nay là gì, và với tiền bạc còn eo hẹp họ sẽ làm gì. Có bao giờ họ nghĩ đến những dự án “big science”, thay vì những thứ linh tinh, tủn mủn.
VN có thể làm dự án như Anh làm không? Tôi nghĩ là làm được. VN là nơi có nhiều bệnh hiếm mà thế giới có khi rất khó tìm, là “trung tâm” của các bệnh truyền nhiễm, tức là nơi có "chất liệu" cho "big science". VN có nhiều chuyên gia về khoa học máy tính, về tính toán, rất cần thiết cho các dự án như của Gs Caulfield. VN tuy còn thiếu chuyên gia về di truyền, nhưng có thể “nhập” từ ngoài. Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất ở VN hiện nay là xây dựng năng lực nghiên cứu. Một cách xây dựng năng lực nghiên cứu thực tế và hiệu quả là “vừa học, vừa làm”, tức là tham gia vào những dự án “big science” để có thêm kĩ năng chuyên môn và mở rộng tầm nhìn về nghiên cứu khoa học. Đó cũng là một cách để hội nhập quốc tế.
====
0 nhận xét:
Đăng nhận xét