Phạm Đức Nhì
NGỌN CỎ! MỘT BÀI THƠ HAY?
Trong Thơ Đến Từ Đâu của Nguyễn Đức Tùng, do tên ở vần B, Nguyễn Thị Hoàng Bắc được xuất hiện ngay ở phần đầu cuốn sách. Khi được hỏi “cái gì là quan trọng nhất trong thơ?” Câu trả lời của chị dứt khoát và gây ấn tượng:“ Sự tự khai….. Lúc nào tôi nói thật, nói thẳng được, nổi điên lên mà nói, nói mặc kệ thiên hạ sự, nói cóc sợ ai, không ‘quan trên ngó xuống người ta trông vào’ thì tôi viết được mấy lời kha khá.”
Bài Ngọn Cỏ được chị viết ra trong tinh thần đó. Một số người bảo thủ thì mỉa mai là chị đã “đái ra thơ”. Nhưng cũng có nhiều người khen, trong đó có Đinh Linh (đã dịch bài thơ sang tiếng Anh) và nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Tôi cũng thích Ngọn Cỏ và hôm nay có hứng đưa ra mấy lời bình phẩm.
Ngọn Cỏ
tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa.
Giải thích-(nhận biết tứ thơ): nghe tiếng nước đái của mình tí tách, tác giả nhớ đến thân phận người phụ nữ (ngày xưa) “đái không qua ngọn cỏ”. Nay được ngồi chễm chệ trên bồn cầu, chị nghĩ đến ngày được đứng hiên ngang như các nam tử hán mà “tí tách như mưa”.
Diễn dịch-(qua tứ tìm ý của tác giả): Nguyễn Thị Hoàng Bắc cho rằng tư thế đứng đái như nam giới là biểu hiện tinh thần cách mạng, đấu tranh đòi nam nữ bình quyền, chấm dứt thái độ cam tâm chấp nhận thân phận mỏng hèn của phụ nữ.
Phân tích và nhận định nghệ thuật
Về hình thức, Ngọn Cỏ không theo một thể thơ truyền thống nào. Số chữ trong câu biến đổi tùy theo dòng cảm xúc của tác giả. Vần bắt với nhau thật tự nhiên (tí tách-hổ phách, tuôn ra-đàn bà, chễm chệ-sẽ-mập phệ, như mưa-gió đùa ).
Tứ và ý thơ táo bạo, độc đáo - chỉ thay đổi tư thế đái là có thể khởi xướng một cuộc cách mạng nữ quyền. Có thể nói cảm xúc trong bài thơ rất thật và đầy ắp, không mạnh bạo nhưng có thể chảy thành dòng rõ ràng, với tốc độ vừa phải, phù hợp với tứ thơ. Đây đó cũng có cánh hoa héo, ngọn cỏ úa làm giảm giá trị của bài thơ.
1/ Từ nhỏ giọt hình như không phù hợp với thực tế. Chỉ có những người mắc bệnh gì đó về đường tiểu mới đái nhỏ giọt, còn bình thường thì đều để nó chảy thành dòng. (Dĩ nhiên khi nước đái cạn hết sẽ có vài giọt cuối cùng). Hơn nữa, nếu dùng từ nhỏ giọt sẽ mâu thuẫn với từ tuôn ra ở đoạn kế tiếp.
2/ Chữ rồi trong “được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ” không cần thiết, có thể bỏ đi.
3/ “To con mập phệ” có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng đến dòng chảy của thơ. Còn nếu giữ lại:
a/ Dư thừa vần: chễm chệ- tôi sẽ (không cần mập phệ).
b/ Mạch suy luận không hợp lý: ngồi trên bồn cầu không phải là lý do dẫn đến to con mập phệ.
c/ Làm giảm nét đẹp của người phụ nữ vùng lên: phụ nữ đâu cần to con mập phệ mới đứng đái được. Dáng thon thon hoặc mảnh khảnh đứng đái trông còn đẹp hơn
4/ Câu kết “Ngọn cỏ gió đùa” của bài thơ hoàn toàn “trật bàn đạp”
Đang biểu lộ thái độ hùng dũng, vùng lên “đứng đái đàng hoàng” như các đấng nam nhi mà lại kết thúc bằng “ngọn cỏ gió đùa”- chấp nhận thân phận đàn bà như ngọn cỏ, gió muốn đùa hướng nào cũng phải chịu, thì đúng là cung đàn lạc điệu. Nguyễn Đúc Tùng vì đang phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng Bắc nên chỉ lịch sự cho rằng câu cuối bài thơ gây cảm giác mơ hồ (ambiguous).
Nguyễn Thị Hoàng Bắc sau đó bật mí:
Nếu tường minh hàm ý mấy chữ ấy bằng ngôn ngữ bình thường thì đại khái có thể diễn đạt là “ngọn cỏ gió đùa? xin lỗi nghen!” hoặc “ngọn cỏ gió đùa? không dám đâu!”
Ô! Thật lạ! Chị viết “ngọn cỏ gió đùa” mà lại muốn người đọc hiểu là “ngọn cỏ gió đùa? không dám đâu!”, nghĩa hoàn toàn trái ngược, thì đúng là làm khó người đọc quá.
5/ Sự diễn dịch từ TỨ qua Ý có khe hở; phép ẩn dụ không che phủ hết mọi khía cạnh. Muốn khuyên người dân xài hàng nội hoá, một cô khá đẹp, giữ chức vụ cao trong chính phủ, khi trả lời phỏng vấn đã viện dẫn hai câu ca dao:
“Ta về ta tắm ao ta
Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”
Cô này liền bị một đấng mày râu chơi xỏ: “Xin nghiêng mình kính phục cái tinh thần tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ của cô. Chỉ tiếc rằng một người đẹp như cô lại chấp nhận.. ở dơ.”
Câu ca dao trên đã có lỗ hở - không kín kẽ, không che chắn được hết mọi bề - nên nàng yểu điệu thục nữ kia đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Bài thơ Ngọn Cỏ cũng thế. Chọn cái tư thế đứng đái của phụ nữ để ngụ ý rằng phụ nữ có thể sánh vai cùng nam giới, bình đẳng với nam giới, phép ẩn dụ đó rất hay, rất ý nhị nhưng không kín kẽ, giống như thuốc chữa được bệnh nhưng lại có phản ứng phụ.
Trời sinh ra đàn ông có cái “củ lẳng”. Dù có bị hao mòn theo năm tháng cỡ nào đi nữa cũng còn ít nhất 2 hoặc 3 phân (cm). Khi tiểu tiện chỉ cần đưa tay nâng nhẹ nó lên thì điểm rơi của dòng nước có thể cách xa bàn chân đến hơn nửa mét. Không sợ vương quần. Không sợ rơi trúng bàn chân.
Nhưng than ôi! Phụ nữ thì lại khác. “Cái ấy” trời sinh nó dính sát vào da. Muốn kéo ra thì không có chỗ nào cầm để kéo. Mà có chịu đau cố kéo thì nó cũng chẳng ló ra được bao nhiêu. Cho nên cái tư thế “đái không qua ngọn cỏ” (đái ngồi) là thích hợp nhất, là hợp với thiên lý nhất.
Nguyễn Thị Hoàng Bắc lại muốn làm cuộc cách mạng-muốn đứng đái như các đấng nam nhi thì … hơi kẹt. Đến đây, chắc Nguyễn Thị Hoàng Bắc sẽ lên tiếng:“Thì ngày xưa mấy bả cũng đứng đái hà rầm đó, có sao đâu?”
Tôi đã lần mò ra tận miền Bắc - nơi hiện tượng đứng đái của phụ nữ phổ biến hơn ở trong Nam - để phỏng vấn các cụ bà. Một bà cụ thẳng thắn nói với tôi:
Đúng thế! Ngày xưa chúng tao cũng có đái đứng nhưng chỉ ở những nơi cỏ cao, cỏ sắc; ngồi xuống không khéo nó đâm vào thì hỏng mất của quý. Hơn nữa, chúng tao mặc váy, mà nếu có mặc quần thì cũng là quần ống rộng, vén lên, thả xuống dễ dàng, lại không mặc quần lót nên chỉ vén quần lên là “con bé” nó chìa mặt ra rồi. Nhưng không phải dễ đâu. Cái thế đái đứng cũng phải học mãi mới được. Lấy chân trái làm trụ thì phải nghiêng mặt “con bé” về bên phải. Khi nước ra thì phải liệu thế nhấc chân phải lên. Mới đầu nước đái cũng bắn đầy vào chân, nhưng dần dần mình biết ý, điều chỉnh dòng nước ra từ từ, nhấc cao chân lên một tý và rồi mọi chuyện đều tốt đẹp.
Nghe chuyện mấy bà cụ Bắc Kỳ rồi nghĩ đến Nguyễn Thị Hoàng Bắc tôi lại thấy ái ngại cho chị. Ống quần thì không được rộng như các cụ ngày xưa, lại còn thêm cái quần “xì” cản đường, muốn hùng dũng đứng đái trên đầu ngọn cỏ như chị quả thật thiên nan, vạn nan. Mà dù có cố gắng làm cho kỳ được thì cái hình ảnh ấy cũng không được “nên thơ” cho lắm.
Dẫu có một chút hoa héo, cỏ úa Ngọn Cỏ vẫn là một bài thơ hay, có khả năng hấp dẫn người đọc. Nguyễn Thị Hoàng Bắc qua bài thơ này đã thể hiện một ngòi bút vững vàng. Về hình thức, chị đã thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của thơ truyền thống, đã vượt qua thơ mới. Bài thơ có số chữ trong câu tự do biến đổi. Vần nối kết tự nhiên. Vị ngọt của thơ ca khá đậm đà.
Về nội dung, chị không đi quá đà như một số nhà thơ đương đại, biến bài thơ thành những câu đố tối mù khó hiểu, hoặc những bài học triết lý siêu hình làm nhức đầu người đọc. Tứ thơ lạ và thú vị. Đặc biệt, cảm xúc trong thơ đầy ắp, trải xuống trang giấy thành dòng chảy lai láng.
Con đường chị tạo ra để dẫn đưa người đọc đến với trái tim mình có nhiều hoa thơm cỏ lạ và cũng không tránh khỏi có một hai cánh hoa héo hoặc một hai cọng cỏ úa mà nếu chị muốn, có thể tỉa bỏ dễ dàng.
Riêng phép ẩn dụ của chị có kẽ hở nhưng vì là cái tứ chủ đạo của bài thơ nên đành chịu. Nhưng có sao đâu! Nó lại là cái duyên của bài thơ, đem đến cho người đọc những nụ cười vui vẻ.
Viết xong đầu xuân năm Tân Mão (2011)
PĐN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét