Tim Hunt là một giáo sư nổi tiếng, nay đã 72 tuổi, từng đoạt giải Nobel y khoa năm 2001, nhưng chỉ vì một câu nói vô duyên và kì thị giới tính mà nay bị mang tiếng xấu. Ông nói rằng nữ giới và nam giới nên cách li trong môi trường nghiên cứu khoa học, vì nữ giới hay yếu đuối, ướt át, và làm cho nam giới sao lãng công việc. Chỉ một câu nhận xét như thế mà làm dậy sóng dư luận, và nhiều người yêu cầu ông từ chức. Thật ra, ông cũng biết thân, nên đã từ chức giáo sư danh dự của University College London (UCL). Đúng là vạ miệng!
Trong một hội nghị về truyền thông khoa học (World Conference of Science Journalists) ở Hàn Quốc vào tuần qua, ông nói trước cử toạ rằng "Tôi muốn nói với các bạn vấn đề của các nàng. Ba điều xảy ra khi họ ở trong lab: bạn phải lòng với họ, họ phải lòng với bạn, và khi bị phê bình họ khóc" (1). Theo những người có mặt trong hội nghị thì sau câu phát biểu đó, cả hội trường im lặng lạnh như đá, nhưng chỉ vài phút sau thì các trang mạng xã hội như twitter dậy sóng. Một giảng viên nữ thuộc Đại học City (London) viết rằng Tim Hunt nghĩ rằng chúng ta (ý nói nữ giới) vẫn sống trong thời đại Victoria. Đến thứ Tư tuần qua thì ông tự đệ đơn từ chức Giáo sư danh dự của UCL.
Trong một bài trên The Guardian, Tim Hunt có thanh minh câu nói đó. Ông thú nhận là có thốt lên câu đó, nhưng không có ý xấu. Tuy nhiên, ông nói thế nào thì lời nói đã thốt ra và đi vào "record". Tôi không rõ ông ấy nói đùa hay thật, vì nhà khoa học hay nói đùa trong hội nghị. Nhưng nếu đùa mà chọn chủ đề này là quá nhạy cảm. Đó là chưa nói chính ông cũng thú nhận là ông nổi tiếng là một gã ma cô trong khoa học. Những câu như thế chẳng giúp gì cho ông cả. Thật ra, trước đây cũng đã có hai người nổi tiếng khác bị vạ miệng vì đề cập đến nữ giới. Một người là hiệu trưởng Đại học Harvard mà sau này cũng từ chức. Một ông khác, cũng từng đoạt giải Nobel, so sánh các nhà báo nữ và nam khi viết về khoa học; ông này cũng bị chỉ trích dữ dội.
Tôi có vài nghiên cứu sinh là nữ, và cũng từng chứng kiến họ khóc. Kinh nghiệm làm tôi sốc là một em nghiên cứu sinh người Tàu tên là MC, một hôm em ấy nhận được lá thư từ chối từ ban biên tập với những phê bình khá nặng nề, rồi em ấy ... khóc. Lúc đó, tôi lúng túng không biết làm gì vì mình chưa chuẩn bị cho tình huống này. Vỗ vai thì không dám, nên tôi chỉ biết khuyên chung chung. Sau này, người ta bắt tôi phải đi học một khoá về cách quản lí nữ nhân viên. Nhưng tôi không đồng ý với ông Hunt là cần phải cách li họ với nam đồng nghiệp. Đúng là có những mối tình nảy nở trong lab, nhưng tôi thấy kết cục đều rất có hậu, chứ không làm sao lãng công việc.
Thật ra, những gì ông Hunt nói phản ảnh một vấn đề lớn hơn trong khoa học: bình đẳng nam nữ. Nói trắng ra là nữ giới chịu nhiều thiệt thòi trong khoa học hơn nam giới. Bạn thử tưởng tượng, một em nghiên cứu sinh 23-24 tuổi (tức trong độ tuổi lập gia đình), sau khi xong tiến sĩ ở tuổi 28 (ở VN xem là "già" rồi), và qua một giai đoạn hậu tiến sĩ thì đã quá 30 tuổi. Nhiều người đã có gia đình lúc đó. Sau giai đoạn hậu tiến sĩ, họ phải cạnh tranh với nam giới để được thăng tiến trong các nấc thang khoa bảng, nhưng cạnh tranh ở thế bất lợi hơn vì họ phải lo cho con cái và "đấng" ông chồng, và đủ thứ công việc không tên. Với vị thế như vậy, làm sao họ có thể cạnh tranh trong việc nghiên cứu, công bố, hội nghị, tạo uy danh so với nam giới? Do đó, không ngạc nhiên khi thấy trong số những người leo đến chức danh "giáo sư" rất ít nữ giới.
Đó là kinh nghiệm thực tế tôi thấy trong trường của tôi, và tôi nghĩ ở VN tình hình có khi còn tồi tệ hơn. Trong mấy lần phong chức danh giáo sư ở VN, tôi thấy số ứng viên nữ giới chỉ đếm đầu ngón tay. Càng lên cao bậc thang khoa bảng, nữ giới rơi rụng càng nhiều. Dĩ nhiên, không phải họ dở hay bất tài; sự thật là họ phải cạnh tranh trong tư thế có 1 tay (vì tay kia lo cho gia đình, con cái). Vấn đề là mình phải làm gì để nâng cao sự bình đẳng nam nữ trong khoa bảng. Ở vài nơi, người ta có hẳn chính sách để khuyến khích nữ giới tham gia khoa học và công nghệ, nhưng theo tôi biết thì vẫn chưa mấy thành công.
===
(1) http://www.buzzfeed.com/catferguson/nobel-prize-winner-is-a-sexist
(2) http://www.theguardian.com/science/2015/jun/13/tim-hunt-hung-out-to-dry-interview-mary-collins
0 nhận xét:
Đăng nhận xét