Khuyen nghi chinh sach: khong de

Khuyến nghị chính sách: Không dễ

Nguyễn Vạn Phú

Phân tích, đánh giá tình hình là một chuyện; đưa ra những lời khuyên cho việc định hình chính sách kinh tế vĩ mô không phải là chuyện đơn giản, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu dường như chưa có lời giải.

Báo cáo “Huy động và sử dụng vốn” của Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành nhân Hội nghị các nhà tài trợ vào đầu tháng 12 tại Hà Nội xác định ngắn gọn nguyên nhân chính của các khó khăn nổi lên trong nền kinh tế Việt Nam vào đầu năm 2008. Lúc đó, dòng vốn dồi dào đổ vào làm tiền đồng lên giá, chống lại sức ép đó có nghĩa phải bơm một lượng tiền khả dụng rất lớn cho nền kinh tế. Kết quả là sự bùng nổ tín dụng ngân hàng, lạm phát tăng cao, và hiện tượng bong bóng bất động sản. Báo cáo cũng dự báo khó khăn của năm 2009 có thể ở hướng ngược lại: luồng vốn đổ vào sẽ giảm đi do các nguồn FDI, xuất khẩu, kiều hối đều giảm.

Tuy nhiên, giải pháp mà báo cáo đưa ra để giải quyết vấn nạn này lại được chính các tác giả cho là không áp dụng được. Báo cáo viết: “Đối với các cơ chế bình ổn ngắn hạn, khuyến nghị chuẩn mực là để tỷ giá danh nghĩa dao động tự do”. Ngay sau đó là những phân tích ngược lại khuyến cáo này: “Những biến động lớn về tỷ giá hối đoái danh nghĩa có thể dẫn đến những hiệu ứng quan trọng liên quan đến dư nợ và có thể dẫn đến phá sản”. Các tác giả còn triển khai ý này bằng các ví dụ rất sống động như để tự giải thích vì sao Việt Nam không thể đi theo lời khuyên này. Không hiểu vì sao có sự tự mâu thuẫn này, phải chăng giữa các tổ chức đóng góp ý kiến cho báo cáo cũng còn khác biệt trong giải pháp khuyến nghị? Bởi không thể nào lý giải sự đối chọi giữa câu trước và câu sau như trong báo cáo: “Một tỷ giá linh hoạt có thể giúp xử lý tình huống và hành động của Việt Nam theo hướng này là rất đáng hoan nghênh” và “Sự linh hoạt về tỷ giá cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn định khi có những luồng vốn lớn ngắn hạn đổ vào hoặc chảy ra”!

Thật ra, các nhà kinh tế trong nước đã từng bàn đến vấn đề này sâu hơn ở góc độ đề nghị điều hành theo tỷ giá thực chứ không phải tỷ giá danh nghĩa. Chẳng hạn, theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2008, giá đô-la Mỹ tăng 5,11% so với tiền đồng trong khi chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong 11 tháng đó đã tăng tới 20,71%. Như vậy trong thực tế tiền đồng đang lên giá mạnh so với đô-la Mỹ chứ đâu có mất giá. Còn nếu so với cả một rổ tiền tệ của nhiều nước nữa thì tiền đồng đang lên giá mạnh hơn nhiều.

Nhập siêu là nỗi lo lớn của Việt Nam, nhất là vào khoảng giữa năm 2008 khi con số này tăng vọt. Thế nhưng báo cáo của WB nhận định: “Trong các cuộc tranh luận gần đây, dòng vốn chảy vào đã bị quy kết là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu cao. Song, chừng nào nguồn vốn còn được đầu tư vào và đầu tư đúng chỗ thì nhập siêu không còn là vấn đề đáng quan ngại.” Đây là nhận định chính xác nhưng với điều kiện tuân thủ các cụm từ “còn được đầu tư vào” và “đầu tư đúng chỗ”. Nó nguy hiểm ở chỗ người ta chỉ nghĩ WB nói nhập siêu không đáng lo ngại mà không nhớ lại dòng vốn đổ vào lúc đó chủ yếu là vốn nóng dễ quay đầu đi ra và dòng vốn này lại kích thích nhập siêu toàn những loại hàng xa xỉ như ô tô đắt tiền. Nó cũng không tính đến yếu tố nhập siêu lúc đó chủ yếu do giá dầu thô và các loại hàng hóa đều tăng cao ở mức kỷ lục – nếu thế là sao đầu vào đó có thể “chuyển đổi thành mức cung hàng hóa và dịch vụ cao hơn, từ đó dẫn đến xuất khẩu nhiều hơn và nhập khẩu ít đi” như nhận định của báo cáo?

Trong bối cảnh không thể để tỷ giá danh nghĩa dao động tự do, báo cáo nhấn mạnh đến hai cơ chế bình ổn khác là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ thì báo cáo cũng cho là khó có hiệu quả trong điều kiện tỷ giá không linh hoạt; Việt Nam chưa làm xong công cuộc cải cách tài chính. Chính sách tài khóa trở thành công cụ điều tiết vĩ mô chủ chốt nhưng báo cáo cũng nói “các thiếu sót mang tính thể chế trong lĩnh vực quản lý tài chính công, đặc biệt đầu tư công, làm hạn chế hiệu quả của công cụ này”.

Có lẽ những biến động trong cán cân thanh toán của nhiều nước trên thế giới dưới tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm những định chế như WB hay IMF vẫn đang lúng túng tìm lời giải. Do vậy họ khó lòng đưa ra những giải pháp cho những nền kinh tế như Việt Nam nhằm tránh hay giảm bớt những biến động lớn trong ngắn hạn.

Tuy thế, những khuyến nghị mang tính dài hạn của báo cáo lại đáng hoan nghênh vì chúng tô đậm những gì các nhà nghiên cứu trong nước từng đề cập: cải cách hệ thống ngân hàng, trao cho Ngân hàng Nhà nước quyền tự chủ về mặt kỹ thuật để thực hiện các chính sách tiền tệ, xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm tín dụng, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời cho thị trường, kiểm soát tốt các dự án đầu tư công, không để các tập đoàn kinh tế nhà nước chuyển hướng sang ngành nghề khác xa với ngành nghề kinh doanh chính của họ…

Không thấy ở báo cáo những dạng đề xuất chính sách rất phi chính thống nhưng có thể cần thiết trong giai đoạn hiện nay như các đề xuất của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn Nhóm Công tác về Sản xuất và Phân phối đề nghị Việt Nam cần xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát tài khoản vốn bởi họ lập luận đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn chịu kiểm soát trong khi đầu tư gián tiếp lại không. Bởi vậy họ phát biểu: “Các nhà sản xuất và phân phối ở Việt Nam sẽ không phản đối việc áp dụng kiểm soát vốn hạn chế đối với đầu tư danh mục qua biên giới, như những gì Peru và Chile đã làm”.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét