Le phai va dam duong dau

“Lề phải” và “dám đương đầu”

Quốc Học

Trong khi Bộ trưởng Bộ Truyền thông Thông tin Lê Doãn Hợp từng nói báo chí nên đi đúng “lề đường bên phải” thì tuần trước Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền lại yêu cầu báo chí khi tham gia phòng chống tham nhũng “phải dám đương đầu”.

Để báo chí làm đúng tôn chỉ mục đích của mình, cần xác định điều quan trọng nhất là báo chí và các cơ quan quản lý báo chí phải làm đúng theo Hiếp pháp và pháp luật, xem đó là cơ sở vững chắc nhất để hoạt động chứ không phải là chuyện “lề phải” hay “dám đương đầu”.

Thật ra, phát biểu của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp với báo chí khi ông vừa nhậm chức nằm trong bối cảnh xác định cách quản lý báo chí với một bộ vừa mới được thành lập. Lúc đó ông cho rằng quản lý bằng mệnh lệnh thì báo chí sẽ mất tự do và cho rằng báo chí sẽ hoàn toàn tự do nếu đi đúng lề đường bên phải.

Vấn đề là trong một thế giới biến đổi từng ngày, thế nào là “phải”, thế nào là “trái” không thể dựa vào ý kiến chủ quan của bất kỳ cá nhân hay cơ quan nhà nước nào. Giả thử đầu năm còn ưu tiên phát triển kinh tế, giữa năm ưu tiên chống lạm phát và cuối năm tập trung kích cầu cho nền kinh tế, vậy “phải” hay “trái” ở đây sẽ thay đổi theo từng thời kỳ. Cái mà báo chí cần tuân thủ là pháp luật, cụ thể là các bộ Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật báo chí… còn lại nhà báo sẽ phải chịu trách nhiệm cho những điều mình viết ra và công bố trên báo chí. Từ đó, báo chí mới có thể đăng tải những ý kiến phản biện chính sách, ngỏ hầu tìm ra các giải pháp tốt nhất cho nước nhà trong từng thời điểm cụ thể.

Phát biểu của Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cũng nằm trong bối cảnh việc đưa tin chống tham nhũng được dư luận đánh giá là có chững lại, chính ông cũng nhận xét: “Không thể phủ nhận hiện nay tâm lý một số phóng viên có phần lo ngại”. Thế nhưng để thay đổi tình hình đó, không phải chỉ có thể kêu gọi phóng viên dám đương đầu là đủ. Các cơ quan phòng chống tham nhũng nước ta phải cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác cho báo chí và phải có trách nhiệm trả lời báo chí khi có yêu cầu.

Lấy ví dụ vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và môi trường nước TP.HCM, được cho là có liên quan trong vụ án công ty tư vấn PCI của Nhật khai có hối lộ cho ông này để được trúng thầu nhiều dự án. Giả thử báo chí làm theo cách cũ của nhiều năm trước, khi ông Sĩ chưa bị tòa kết luận có tội hay không, mà đã viết bài cáo buộc theo hướng ông này có nhận hối lộ là chuyện hoàn toàn đáng chê trách vì không chuyên nghiệp. Nhưng im lặng trong một thời gian dài vì thiếu thông tin như mấy tháng trước cũng là biểu hiện báo chí thiếu tin tưởng vào quyền được thông tin của báo chí hay do những ràng buộc khác. Báo chí hoàn toàn có thể và phải được phép điều tra về tài sản công khai của ông Sĩ hay viết quá trình làm việc của ông Sĩ khi cũng đã để xảy ra các sai sót ở những công trình khác. Báo chí phải được quyền tiếp cận với cơ quan quản lý ông Sĩ trực tiếp để truy vấn về quá trình kiểm tra cách gọi thầu, cách giao thầu xem có sơ hở gì có khả năng bị lợi dụng không. Báo chí cũng phải được quyền tiếp cận thông tin để xem chất lượng tư vấn của PCI ảnh hưởng như thế thế nào đến chất lượng công trình. Và theo luật, các quan chức liên quan phải trả lời báo chí vì họ là đại diện cho một nhu cầu của người dân – nhu cầu được thông tin. Cuộc sống của họ đang ngày đêm bị tác động bởi những dự án có sự tham gia của PCI, một hãng có nhân viên bị chính ngay nước họ điều tra, truy tố vì tội hối lộ.

Một nền báo chí chuyên nghiệp không cần được chỉ đâu là lề đường phải đi cũng như không cần phải được khuyến khích “mạnh dạn chống tham nhũng”.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét