Nguyễn Ngọc Huân
Ngài với chúng tôi là đồng niên, đồng khóa (đồng khóa Đại học thôi!) nên có nhiều cái đồng. Chẳng hạn, tôi khoái bóng đá thì Ngài cũng mê mệt chẳng kém. Bẩy năm liền đeo bám nhau. Mỗi buổi chiều hễ Ngài “làm một tăng chứ ?” là tôi OK.
Không kể trời râm, gió lặng những chiều hè, cả khi mưa rơi, tuyết đổ nhiều ngày đông, hàn thử biểu chỉ con số 20, 21 âm, Ngài với chúng tôi vẫn xỏ giầy ra sân như thường. Thì biết làm gì khi rảnh rỗi vào cái thời buổi kỷ luật như nhất ấy. Lấy cái logic bây giờ mà luận thì không sao hiểu nổi cuộc đời sinh viên chúng tôi ngày ấy nó như vậy: chẳng dám buôn bán gì, không thèm thêm nếm chi; đồng trợ cấp còm cõi bạn dành cho kiểu gì cũng “nhiều no, ít đủ”.
Mặc dù sáng dạ, Ngài vẫn miệt mài nơi thư viện, còn tôi do chậm hiểu, nên cũng lấy Ngài làm gương, không dám sao nhãng chuyện sách đèn. Nên hễ chiều về, thấy hai cái bóng của Ngài lúi húi chỗ trả sách ở thủ thư là tôi cũng tót theo để còn kịp về nhét vào dạ dày mấy lát mỳ quẹt bơ coi như nạp chút năng lượng trước khi xỏ giầy ra sân thao diễn.
Nhưng có những cái tôi – Ngài bất đồng thực sự.
Cũng tiền vệ, tôi thiên về công, còn Ngài thì thủ. Những trận Ngài, tôi khác đội, khi “cú” lên, Ngài bỏ hẳn bóng để bắt người làm tôi không thể nào mà “đồng” được.
Ngài dáng thư sinh với cặp kính cận (đâu như lúc đầu Ngài đeo kính không độ !), trông đẹp giai lồng lộng. Nghe nói nhiều ả chết mê chết mệt vì cái mẽ ấy. Tôi thì đen số, chẳng ma nào nhìn, thành ra buồn lắm. Người ta bảo “Đỏ tình, đen bạc”. Ai chứ Ngài là một ngoại lệ. Ngài được cả đôi.
Bắt đầu từ cái ngày lên tàu xa xứ, số Ngài cũng đã đỏ hơn tôi rồi. Ôi ! Chiều Thu ấy, trời cao trong xanh, hương bưởi thơm đâu mà ướp đầy không khí. Cảnh và người thật lãng mạn. Tay Bình Bạc thì líu ríu bên cạnh người đẹp Tỉnh. Em cứ dúi vào tay hắn bọc chanh xứ Lạng. Bất thần em vít cổ hắn mà hôn "chụt" một cái rồi quay ngoắt chạy. Lão Công thì kín đáo đưa ánh mắt dõi tìm bóng nàng nào. Chỉ lão Tý và tôi là chẳng ma nào theo tiễn biệt. Trên sân ga Hàng Cỏ đầy những bịn rịn. Lẫn trong cảnh ấy, một bóng hồng thướt tha, tay thì chấm lệ, tay kia vẫy Ngài, bóng nàng nhoà theo bánh con tàu đang xa dần, gieo vào lòng người đi cái hy vọng tràn trề về tương lai tươi sáng. Chắc Ngài còn nhớ ? Tôi cứ ngờ rằng, nếu so với cái cảnh chia tay chiều hôm ấy thì tất cả các cuộc tiễn biệt trong những áng văn thơ xưa nay của cha ông ta, chấp cả đông tây, kim cổ, cũng đều chỉ là những trò vớ vẩn. Bóng hồng ngày ấy nay thành “Đệ nhất phu nhân” công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn, đảm việc nhà, giỏi việc nước. Quả, Ngài sướng thật.
Về nước, Ngài và chúng tôi vẫn thủy chung theo nghề đã học. Chẳng biết rủi hay may. Bởi vì, Ngài đã tiến được tới chức chánh phó giám đốc, chứ tôi thì vẫn mãi lính quèn. Chẳng thế có lần hỏi đến lương của tôi, Ngài chậc lưỡi “thế mày bị kỷ luật hay sao, hử”, làm cái mặt tôi nó hơi đỏ.
Đợt rồi, vào công tác tại Tp Hồ Chí Minh, Ngài biếu tôi ký chè Thái và gói bột sắn Bắc. Nói thật, về mặt này, Ngài cũng chu đáo hơn tôi. Là bởi tính tôi nó đoảng, chứ cái "tình thương, mến thương" ở nơi tôi thì cũng nóng bỏng như ở nơi Ngài. Vì là quà quý, nên thỉnh thoảng có khách sang trọng tôi mới dám pha ấm trà để đãi đằng, còn cái khoản bột sắn thì vẫn còn gói kỹ lắm.
Tôi cứ sợ cái mùi thơm chè và hương nhài ướp bột sắn đậm tình thân ái kia nó bay mất, Ngài ạ.
Tp Hồ Chí Minh, tháng 12/2008
0 nhận xét:
Đăng nhận xét