Se ra sao, nam 2009?

Sẽ ra sao, năm 2009?

Nguyễn Vạn Phú

Nếu thử đọc lại các bài báo trên số đầu ra năm 2008, không một tác giả nào có thể dự đoán được một phần những gì thực sự diễn ra trong năm. Không ai thấy được quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dẫn đến sự sụp đổ của nhiều tên tuổi đã đứng vững qua nhiều biến động trước đây. Có lẽ thế nên tờ Economist, trong số báo đặc biệt “Thế giới năm 2009” tập hợp các tiên đoán cho năm tới đã phải đăng bài “Năm 2008, chúng tôi xin lỗi”, vừa thú nhận họ không dự báo được những sự kiện chính trong năm vừa qua, vừa phân bua tiên đoán sai hay đúng, không quan trọng. Vấn đề là chụp bắt được những xu hướng chính sẽ định hình cho năm tới.

Điều có thể nói chắc chắn cho năm 2009 là khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước vẫn diễn biến khó lường. Chẳng hạn, nhiều nhà phân tích cho rằng đồng đô-la Mỹ trước sau gì cũng sẽ mất giá mạnh so với đồng tiền nhiều nước khác vì hiện nay chính phủ Mỹ tung hàng ngàn tỷ đô-la để vừa cứu các tập đoàn tài chính, vừa để kích thích nền kinh tế. Tiền không phải là tài sản nên sẽ đến lúc các nhà đầu tư phải quay lưng với đồng đô-la, nhất là khi lãi suất đồng tiền này quá thấp như hiện nay. Lẽ ra nước Mỹ phải gánh chịu mức lạm phát cao nhưng nhờ giá dầu và các hàng hóa khác đang xuống thấp nên áp lực lạm phát chưa cao. Lạm phát cũng là lối thoát cho gánh nặng nợ nần của Mỹ nhưng sẽ tạo gánh nặng mới cho người dân Mỹ. Có lẽ năm 2009, đây là hai lực kéo chi phối nền kinh tế nước này và sẽ có những tác động sâu rộng lên kinh tế thế giới.

Nỗ lực thoát khủng hoảng tại nhiều nước cũng sẽ tập trung vào các vấn đề cơ bản hơn của hệ thống tài chính nhiều khiếm khuyết. Trước mắt, các diễn giải cổ vũ đơn thuần cho toàn cầu hóa theo kiểu “Thế giới phẳng” sẽ gặp phải sự hoài nghi gấp nhiều lần trước đây. Mặc dù lãnh đạo nhiều nước cam kết không lập nên rào cản thương mại thế giới, xu hướng tự do hóa thương mại, vì những lý do khách quan như bế tắc trong thanh toán quốc tế, sẽ chững lại. Các nước sẽ quay về nhiều hơn với thị trường nội địa, giảm bớt chuyện gia công bên ngoài (outsourcing), giảm bớt phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự tắc nghẽn tín dụng trong những tháng cuối năm 2008 sẽ tác động mạnh lên sản xuất và đến lượt mình, khách hàng truyền thống của ngành ngân hàng, tức các khoản vay để sản xuất, sẽ tạo một đợt khó khăn mới cho hệ thống tài chính, chứ không còn là tín dụng địa ốc dưới chuẩn và các sản phẩm phái sinh độc hại như năm 2008 nữa.

Với doanh nghiệp, mục tiêu của năm 2009 là tồn tại chứ không phải là tìm cách phát triển hay bành trướng như những năm trước. Trong bối cảnh đó, các công ty trước đây bị chê trách là giữ tiền mặt quá nhiều trên bảng cân đối kế toán sẽ có lợi thế hơn các công ty áp dụng cách thức “lúc cần mới có”, các doanh nghiệp đã định hình sẽ ổn định hơn loại doanh nghiệp mới hình thành và trên đà phát triển. Vì thế những khái niệm một thời thịnh hành như “just-in-time” (giữ mức nguyên vật liệu đúng theo nhu cầu sản xuất) sẽ nhường bước cho quan điểm “tiền mặt là vua”. Các tập đoàn lớn vì cũng không thể dựa vào thị trường của các nền kinh tế mới nổi để bù đắp cho thị trường các nước giàu nên có lẽ sẽ phải vẽ lại kế hoạch kinh doanh toàn cầu của họ. Sẽ có một xu hướng khá rõ từ cuối năm 2008 là các công ty chuyên về hạ tầng đang chuẩn bị cho một đợt làm ăn rầm rộ một khi chính phủ các nước triển khai các kế hoạch kích thích nền kinh tế, bắt đầu từ các dự án hạ tầng cơ sở.

Với người tiêu dùng, cũng trong ấn bản “Thế giới năm 2009”, tờ Economist tiên đoán các thương hiệu ăn chắc mặt bền sẽ đứng vững, kiểu như hãng xúp đóng hộp Campbell’s, các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton sẽ gặp khó, không những chỉ vì khách hàng hết tiền tiêu hoang mà còn vì mua sắm một cái ví Louis Vuitton giá hàng ngàn đô-la trong thời buổi khó khăn này chẳng khác gì cười nhạo vào mũi những đồng loại đang thất nghiệp. Xếp hạng thương hiệu của Interbrand năm 2008 đánh giá tổng giá trị bốn thương hiệu hàng đầu trong lãnh vực tài chính – Merrill Lynch, AIG, Morgan Stanley và Goldman Sachs vào khoảng 37 tỷ đô-la. Tất cả đều chao đảo trong năm 2008. Sẽ rất thú vị đón chờ Interbrand đánh giá chúng năm 2009 còn lại bao nhiêu.

Với các dự báo cụ thể hơn, trường đại học Michigan trong hội thảo Triển vọng kinh tế 2009 cho rằng giá dầu sẽ xoay quanh mức 60 đô-la/thùng trong suốt năm 2009 bởi sự đình trệ kinh tế khắp nơi kéo theo nhu cầu dầu thô giảm, OPEC khó lòng nâng giá dầu lên dù cố gắng cắt giảm sản lượng. Riêng Merrill Lynch trước đây tiên đoán giá dầu 2009 ở mức 90 đô-la/thùng đến đầu tháng 12-2008 lại giảm còn 50 đô-la/thùng.

Với Việt Nam, xu hướng chính của năm 2009 là nỗ lực tìm cách kích thích nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát vẫn còn cao (chỉ tiêu của Quốc hội thông qua là CPI tăng dưới 15%). Các cột trụ thu hút ngoại tệ về cho Việt Nam sẽ khó khăn nhiều hơn trong năm 2009 như tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại (mức dự báo chính thức là 13%), giải ngân các dự án FDI thấp, doanh thu ngành du lịch giảm… Vì thế những vấn đề của năm 2008 như mất cân đối trong cán cân thanh toán, lạm phát, tỷ giá… vẫn có thể xảy ra nếu không có sự điều chỉnh kịp thời từ chính sách vĩ mô. Chính sách kinh tế trong năm 2009 vì vậy sẽ là sự cân nhắc giữa “kích cầu” và ổn định kinh tế, giữa tạo công ăn việc làm và thâm hụt ngân sách do phải khởi động nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp, cơ hội và thách thức sẽ khác hẳn năm 2008 vì không còn loại cơ hội làm giàu qua đêm nhờ vào thị trường chứng khoán, tăng vốn chủ sở hữu nhờ phát hành cổ phiếu bất kể giá trị sổ sách. Cơ hội sẽ đến cho những ai tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu mới của thị trường thế giới và thách thức càng lớn cho những doanh nghiệp còn mắc kẹt một phần trong các dự án địa ốc không thể triển khai. Việc giới quản lý nhảy từ chỗ làm này sang chỗ làm khác để hưởng mức lương hay mức chia cổ phiếu cao hơn sẽ lắng lại trong năm 2009 khi duy trì việc làm ổn định, gắn bó số phận nghề nghiệp của mình với tương lai doanh nghiệp là xu hướng chủ đạo.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét