Tu bo tu duy duoi kip

Từ bỏ tư duy đuổi kịp

Nguyễn Vạn Phú

Một khung (box) trong báo cáo “Huy động và sử dụng vốn” của Ngân hàng Thế giới vào đầu tháng 12-2008 đặt vấn đề đề “Mất bao nhiêu năm để đuổi kịp”. Mặc dù các tác giả đã nhấn mạnh đây chỉ là giả thuyết, rằng dự báo xu hướng tăng trưởng lâu dài là chuyện khó đối với các nhà kinh tế, rằng việc dự báo xem Việt Nam sẽ mất bao nhiêu năm để đuổi kịp các nước láng giềng là một công việc mạo hiểm, hầu như người ta chỉ chú ý đến các số năm dài dằng dặc mà báo cáo đưa ra: mất 51 năm để theo kịp Indonesia, 95 năm để theo kịp Thái Lan, và 158 năm đối với Singapore.

Mặc dù cảnh báo khoảng cách tụt hậu của Việt Nam so với các nước láng giềng có tác dụng tích cực, nhất là để phòng ngừa sự lạc quan quá đáng ở những nhà lãnh đạo cứ luôn nhấn mạnh con số tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, lối tư duy đuổi kịp này có nhiều điều bất cập cần phân tích.

Thứ nhất, ngay chính báo cáo nói trên cũng nhận định khoảng cách hàng chục hay hàng trăm năm đó là khi dùng giá cố định của từng nước để tính toán. Còn nếu chuyển sang tính tốc độ tăng trưởng thu nhập đầu người bằng đô-la thì số năm để Việt Nam bắt kịp ba nước Indonesia, Thái Lan và Singapore lần lượt rút ngắn còn 15, 22 và 63 năm.

TS Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia cao cấp của Liên hiệp quốc về thống kê từng viết khá kỹ về vấn đề này: “Vì hiểu GDP một cách đơn giản, đã có nhiều người lập luận rằng vào năm 2003 GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính bằng đô-la trên thị trường chỉ là 471 đô-la, tức là chưa bằng 1/5 Thái Lan. Như vậy, dù đạt tốc độ phát triển kinh tế 8% một năm thì 20 năm nữa Việt Nam cũng chỉ bằng Thái Lan hiện nay. Trong thời gian đó, tất nhiên Thái Lan không đứng yên một chỗ, họ sẽ cắm cổ chạy khỏi nơi hiện tại. Như vậy có hy vọng gì mà đuổi kịp Thái Lan?
Tình hình “bấn” như vậy thì người ta mách là nhà nước hiện nay phải bằng mọi cách tăng tốc độ tăng GDP trên 10% một năm, đồng thời thầm ước là Thái Lan chỉ đạt 5% một năm. Song như thế thì cũng 33 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan, lúc đó mỗi nước sẽ có GDP đầu người là 12.000 đô-la tính theo giá hiện nay. Suy nghĩ kiểu số học này hoàn toàn là sai lầm”.

Ông giải thích: “Thứ nhất là giá trị tiền Việt Nam so với đô-la không cố định ở thời điểm 2003. Khi nền kinh tế ở mức thu nhập đầu người thấp, đồng nội địa tính bằng đô-la theo hối suất thị trường không phản ánh sức mua. Do đó dựa trên hối suất thị trường GDP bình quân đầu người của Việt Nam rất thấp, chẳng hạn như năm 2003, chỉ là 471 đô-la. Số tiền này chỉ cho phép sống dù cùng khổ cũng không quá một tháng ở Mỹ. Nếu tính bằng sức mua, 471 đô-la có giá trị tương đương gấp 5,2 lần, tức là bằng khoảng 2,500 đô-la. Thứ hai, giá trị của đồng nội địa theo đô-la sẽ tăng khi nền kinh tế tăng trưởng, và do đó về dài lâu dù kinh tế theo giá cố định không tăng nhanh, và dù lạm phát không tăng, GDP bằng đồng đô-la sẽ tăng nhanh hơn tốc độ phát triển”.

TS Vũ Quang Việt kết luận: “Điều này cho thấy là khi nền kinh tế tăng trưởng có chất lượng, đồng nội địa được thị trường đánh giá cao so với đồng đô-la, khoảng cách thu nhập tính bằng đô-la sẽ giảm nhanh chóng. Cuộc chạy đua chỉ nhằm đạt tốc độ phát triển cao không thể là chỉ tiêu duy nhất một nền kinh tế cần đạt được”.

Theo chúng tôi, tư duy đuổi kịp sẽ khiến mọi người quá chú trọng đến tốc độ tăng trưởng, cứ chăm bẵm đầu tư để GDP năm sau tăng cao hơn năm trước mà không đếm xỉa gì đến các vấn đề khác như hiệu quả, chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống và nhất là các vấn đề môi trường, cách sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

GDP có thể duy trì ở mức cao nhưng đi kèm cũng có thể là những mầm mống gây bất ổn sau thời gian tăng trưởng như thâm hụt ngân sách cao, đầu tư bất kể hiệu quả, nợ nước ngoài cao, mất cân đối cán cân thanh toán, lạm phát… Bài học tăng trưởng nóng của năm 2007 vẫn đang còn in hằn trong tâm trí nhiều người.

Tư duy đuổi kịp cũng gắn với suy nghĩ ganh đua bằng mọi giá trong khi thế giới ngày nay là một thế giới liên lập. Chúng ta không thể trông mong láng giềng tăng trưởng chậm để chúng ta đuổi kịp mà ngược lại, còn muốn họ tăng trưởng mạnh lên mới có nhu cầu mua hàng hóa hay dịch vụ của chúng ta. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay không được ai xem là cơ hội để nước họ vượt lên phía trước mà tất cả đều phải chung tay giải quyết bởi GDP của Trung Quốc giảm chẳng hạn sẽ kéo theo nhiều khó khăn cho các nước phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc như Úc hay Hàn Quốc.

Thay cho tư duy đuổi kịp, điều quan trọng là xem chúng ta có tiến đối với chính chúng ta hay không, nếu GDP tăng mạnh nhưng chất lượng cuộc sống giảm sút vì ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước, tức chúng ta đã tụt hậu so với chính mình. Nếu khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan rút còn 10 năm, chẳng hạn, nhưng khoảng cách giàu nghèo ở nước ta càng lớn, giáo dục càng mất phương hướng, tham nhũng càng tràn lan, sẽ không ai muốn đuổi kịp theo con đường đó cả.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét