Chuyên gia, ODA và Vinashin

Chuyên gia, ODA và Vinashin

+ Kết luận của cơ quan điều tra được báo chí đăng tải vào cuối tuần trước về việc đề nghị truy tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông - Tây TP.HCM có hành vi nhận hối lộ 262.000 đô-la của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI Nhật Bản) có một chi tiết đáng lưu ý. Đó là việc ông Sĩ, theo điều tra, đã nâng mức lương của chuyên gia nước ngoài lên cao hơn so với dự toán được duyệt, có lẽ nhằm giúp PCI hợp thức hóa các khoản tiền hối lộ cho ông Sĩ.

Kết luận của cơ quan điều tra sẽ được tòa án xem xét nhưng trước mắt nó đã khẳng định những điều mà công luận từng lên tiếng trước đó. Rõ ràng, khoản tiền thù lao cho chuyên gia nước ngoài trong các dự án ODA thường cao ngất ngưỡng so với chi phí thuê chuyên gia trên thị trường lao động quốc tế, chưa kể các chi phí khác như nhà cửa, xe cộ. Trong khi đó các dự án ODA, nhất là loại dự án tư vấn, hợp tác kỹ thuật, việc thuê chuyên gia từ nước cấp vốn ODA là yêu cầu bắt buộc và chi phí thuê chuyên gia chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng số vốn vay ODA. Chúng ta lại có quy định cho các chuyên gia nước ngoài thực hiện dự án ODA tại Việt Nam được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập, được chuyển đổi ra ngoại tệ và mang ra khỏi Việt Nam các khoản thu nhập từ tiền lương thực hiện dự án ODA hoặc các khoản thu hợp pháp khác. Đây chính là chỗ dựa cho các công ty như PCI khai khống lương chuyên gia, nâng giá hợp đồng và thiệt hại cuối cùng là do nơi tiếp nhận vốn ODA gánh chịu.

Trước đây, lập luận chứng minh vốn vay ODA không phải là “tiền chùa” chỉ tập trung vào các điểm như nước đi vay phải sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị của nước cho vay. Sâu hơn chút nữa thì có ý kiến rằng nước tiếp nhận vốn phải miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa phải mua từ nước cho vay, phải nhận một phần vốn vay ở dạng hiện vật nhập từ nước cho vay, phải chịu sự biến động của tỷ giá… Nay nếu đúng như thông tin trong kết luận của cơ quan điều tra, cứ mỗi dự án phải trích 10-11% tổng chi phí để “lại quả” thì hóa ra các dự án thực hiện bằng vốn vay ODA càng không rẻ chút nào. Công ty nào đã sẵn sàng hối lộ để được trúng thầu sẽ tìm cách “ăn gian” chất lượng nhằm bù đắp được chi phí bôi trơn mà vẫn có lãi. Đó chính là những thông tin còn quan trọng hơn bản thân vụ án của ông Huỳnh Ngọc Sĩ, buộc chúng ta phải lưu tâm và hy vọng qua vụ án này, quan niệm cho rằng vốn vay ODA là tiền chùa, cứ xài thoải mái sẽ phần nào giảm bớt…

* * *

+ Cũng là chuyện chuyên gia nhưng nhìn từ góc độ tái cơ cấu Vinashin lại là vấn đề khác. Đúng là cần phải có biện pháp, không để Vinashin “vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư của đất nước” như kết luận của Bộ Chính trị. Triển khai kết luận này, cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin do Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu với Phó trưởng ban là Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Và đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ lại có Chỉ thị số 1479/CT-TTg, trong đó có đặt ra yêu cầu: “Phương án cơ cấu lại tổ chức tập đoàn sẽ phải được hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong quý 4-2010”.

Thiết nghĩ với một khối lượng công việc đồ sộ và phức tạp, liên quan đến nhiều ngành chuyên môn hẹp, Ban chỉ đạo nên tuyển dụng ngay một số chuyên gia hàng đầu, nhất là chuyên gia tài chính và chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp. Thậm chí, cũng không loại trừ khả năng mời các công ty chuyên lo chuyện tái cấu trúc ở nước ngoài vào giúp một tay. Chi phí dù lên đến vài triệu đô-la cũng không đáng là bao so với món nợ khổng lồ trên 4,5 tỷ đô-la của Vinashin. Trên thương trường quốc tế, chuyện tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp là một nghiệp vụ được nhiều nơi cung ứng với chất lượng cao, đã trở thành một ngành dịch vụ có bề dày kinh nghiệm.

Việc tái cơ cấu Vinashin không thể dựa vào cảm tính, cũng không thể chỉ là những lời kêu gọi động viên chung chung. Những quyết định tái cơ cấu cụ thể sẽ là những quyết định khó khăn, phải cân đong đo đếm từng khía cạnh riêng lẻ vì, như kết luận của Bộ Chính trị, “trong quá trình giải quyết phải đảm bảo hài hoà quan hệ lợi ích giữa các bên, không gây khó khăn, đổ vỡ cho các tập đoàn, tổng công ty khác cũng như các tổ chức tín dụng”. Nếu chuyển khó khăn của Vinashin sang cho doanh nghiệp khác, nếu buộc ngân hàng gánh thêm trách nhiệm cấp tín dụng mới cho Vinashin khi chưa rõ hiệu quả thì việc tái cơ cấu sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bên cạnh đó, nhiệm vụ thương thảo lại các khoản nợ nước ngoài rõ ràng cần các chuyên gia am hiểu luật lệ tài chính quốc tế.

Vì vậy, Ban chỉ đạo cần được sự tư vấn khách quan, không bị lợi ích nào chi phối để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, đúng đắn. Chính yêu cầu “các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc thông tin, tuyên truyền khách quan, chính xác, kịp thời về tình hình và các chủ trương, biện pháp xử lý đối với tập đoàn” sẽ là biện pháp dùng công luận để đánh giá tính hiệu quả của việc tái cơ cấu dưới sự giúp sức của các chuyên gia do chúng ta chủ động sử dụng.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét