Khám phá Mông Cổ (III)

.

Ngày 3/8/2010, tình cờ chúng tôi nhận E-mail của anh Lê Quang Vinh,  cựu sinh viên, hiện là doanh nhân tại Ulanbator, giới thiệu Link bài viết của tác giả Nguyễn Vũ Tùng trên báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần về chuyến ngao du của nhóm thành viên Tây Bắc Group trên đất nước thảo nguyên Mông Cổ.


Xin chân thành cảm ơn anh Lê Quang Vinh và tác giả Nguyễn Vũ Tùng.

Motthoimongolia trân trọng giới thiệu loạt bài viết rất hay này.

Tiêu đề là chúng tôi đặt.


Loay hoay gần một ngày lo sắp xếp xe cộ, đồ đạc, thăm thú loanh quanh Ulanbator, giờ đây chúng tôi đã hành lý gọn gàng, gằn lên từng nhịp ga, sẵn sàng lao vào con đường chinh phục thảo nguyên.
 "Biển cảnh báo" trên đường

Hành trình đầu tiên tới thành phố Darkhan, cách Ulanbator hơn 200 km về phía Bắc, là thành phố lớn thứ hai của Mông Cổ. Ra khỏi thành phố chừng 20 km đã là thảo nguyên mênh mông rồi. Con đường thẳng tắp như sợi chỉ xuyên qua thảo nguyên ngút ngàn tầm mắt. Đây là con đường huyết mạch Bắc Nam, nối với biên giới Nga nên khá tốt, đường nhựa phẳng lỳ, xe ô tô chạy vun vút, xe máy cũng tít mù. Nếu nhìn từ Google Earth, những con đường cao tốc ở Mông Cổ sẽ khác xa so với những gì chúng ta thường tưởng tượng về một con đường. Từ trên cao nhìn xuống, đường cao tốc giống như bạn nhúng 5 ngón tay vào một bát bột màu rồi quẹt một đường 5 ngón ngoằn ngoèo trên một tấm toan xanh lá mạ. Ngoại trừ vài con đường huyết mạch Bắc – Nam và Đông – Tây, nối một vài thành phố lớn, còn lại đường hầu hết chỉ là những vệt bánh xe ô tô chạy trên trảng cỏ, ngoằn ngoèo đầy ngẫu hứng.

 

Đoạn tới Darkhan là một trong đoạn đường tốt nhất tại Mông Cổ. Thế nhưng cũng mất tới 5 giờ để vượt qua hơn 200 km. Phần vì cảm giác chinh phục không gian rộng mở với những khung cảnh hoành tráng và mới lạ làm cho cả nhóm ê a với những cú phi cắt ngang dọc cánh đồng, phần vì cơn mưa chập tối với những cơn gió lộng quét ngang dọc thảo nguyên và cắt nhịp hành trình khiến khi chúng tôi tới được Darkhan, đã tới hơn 10 giờ đêm. Thành phố im lặng, im lặng và im lặng. Gần như không có cảm giác có thể thấy được bóng người. Cái duy nhất khiến chúng tôi nghĩ mình đã đến trung tâm Darkhan chỉ là mấy ngọn đèn đường vàng hiu hắt trong cơn mưa lất phất. Chạy vài vòng quanh khu trung tâm, cố tìm được một ai đó để hỏi thăm, nhưng đáp lại vẫn chỉ là khung cảnh vắng lặng như một thành phố không người. Nếu hôm qua ở Ulanbator, tuy cũng vắng vẻ nhưng vẫn cảm nhận được sức sống của thủ đô thì hôm nay đây, dường như Mông Cổ thật sự mới bắt đầu.

Sáng sớm tinh mơ. Khách sạn nơi chúng tôi tá túc đêm qua nằm ở tầng một một khu tập thể kiểu Liên Xô. Vẫn vắng vẻ như thế, dù bây giờ đã là 8 giờ sáng. Vào thời điểm này trong năm, ngày ở đất nước này vô cùng dài, 6 giờ, trời đã tang tảng sáng để cho một ngày mới thật sự bắt đầu lúc 9-10 giờ, khi mà các cửa hàng cửa hiệu mở cửa. Mấy quán ăn sáng phục vụ người nước ngoài gần chỗ khách sạn cũng chỉ sẵn sàng cho thực đơn sáng vào lúc 10 giờ. Ngày kéo dài tới tận 9 giờ tối, trời mới bắt đầu xâm xẩm và phía chân trời xa tít đằng đông, lúc này mới có một vài vì sao lấp lóe trên nền trời xanh thẫm. Mông Cổ có diện tích gấp 5 lần Việt Nam (khoảng hơn 1,5 triệu cây số vuông), nhưng dân số chỉ 3-4 triệu người, trong đó tới 1/3 ở thủ đô. Khoảng 1,5-2 triệu người còn lại, sống rải rác trên diện tích chừng 1,5 triệu cây số vuông. Tính xem, một cây số vuông chỉ có một người, bất luận già trẻ lớn bé gái trai. Một cây số vuông có một người, một em bé chẳng hạn, thì bạn có chạy cả ngày mới gặp vài ba nóc nhà, dăm bảy người là chuyện bình thường.

 

Bắt đầu từ Darkhan, chúng tôi rời bỏ đường lớn để theo đường tắt tới một địa danh nổi tiếng: Amabayasgalant Khiid. Cỏ ràn rạt dưới bánh xe và những cuộn đất đỏ ươm màu mỡ tóe sang hai bên theo vệt xe lăn. Thi thoảng một chú chuột đồng hoặc sóc thò đầu lên khỏi ổ tò mò tròn mắt nhìn, rồi lại hốt hoảng chạy long tóc gáy khi xe lao tới gần. Trời cao xanh trong vắt không một gợn mây, phía dưới là những mảng xanh non mát mắt của đồng cỏ không một bóng người ngút tầm mắt. Chấm phá trong hai sắc xanh là những vệt nâu thẫm của những vạt đất mà máy cày vừa lật lên.

Bỏ những con đường nhựa, dưới lá cờ Việt Nam đỏ thắm dán trên mũi xe, chúng tôi khám phá thảo nguyên... Nhưng rồi vệt đường cũng chẳng có mà theo nữa, trước mặt chỉ mênh mông cỏ. Sự cố xe cộ khiến chúng tôi có một bài thử nghiệm đầu tiên về việc cắm trại giữa cánh đồng. Nơi dựng trại gần một ger của người Mông Cổ, và sát cạnh sông Orhon. Con sông này chảy lên hướng Đông Bắc rồi hợp vào con sông lớn nhất Mông Cổ, sông Selenge, để chảy tới tận hồ Bai Kan, hồ nước ngọt lớn nhất thế giới.

Đất nước Mông Cổ có địa hình núi cao ở phía Tây Nam và thoải dần về phía Đông Bắc. Phía Nam ngăn cách bởi sa mạc Gobi, do vậy hầu hết hệ thống sông ngòi nơi đây đều có dòng chảy xuôi về hướng Đông Bắc mà Selenge là con sông hút hết các dòng nước còn lại để cung cấp nước cho hồ Bai Kan. Phía tả ngạn của dòng sông Selenge là một hệ thống sông nhỏ hơn có tên là Onon. Vùng đất nằm giữa hai hệ thống sông này chính là nơi quê hương phát tích của một bộ tộc nổi tiếng, bộ tộc sinh ra Chingis Khan, Thành Cát Tư Hãn, người đã khiến Mông Cổ từ một bộ tộc nhỏ bé trở nên một đế chế đã từng là vĩ đại nhất trong lịch sử. Khi xưa, người Mông Cổ trải vó ngựa trên thảo nguyên mênh mông để chinh phục thế giới và hôm nay đây, chúng tôi cũng lộc cộc trên những yên xe cào cào, đi lại những con đường mà vó ngựa Mông Cổ đã qua, cố gắng cảm nhận được lý do vì sao, một bộ tộc nhỏ bé, trình độ văn minh rất thấp so với những nước đã phát triển cùng thời như nước Kim ở phía Nam, Trung Đông ở phía Tây, châu Âu ở Tây Bắc, lại có thể mở rộng bờ cõi đến như vậy trong chỉ một vài chục năm. Có thể nói, suốt chuyến đi, chúng tôi cũng chỉ cảm nhận được một phần vô cùng bé nhỏ của câu chuyện cho đến một sự cố cuối cùng… Nhưng thôi, đó là câu chuyện của những ngày mai.

 

Trời tối mịt khi đồng hồ chỉ 10 giờ. Trên cao xanh thăm thẳm, những ngôi sao lấp lóe. Dưới đây, một bãi cỏ mượt mà cạnh dòng sông nước chảy êm đềm, chúng tôi quây quần bên 3 cái lều được bao vòng quanh bởi 6 chiếc xe cào cào, cuộn chặt mình vào trong túi ngủ, trải mình qua một đêm thật yên bình. Không có những tiếng côn trùng rúc rích, không có tiếng chó sủa vơ vẩn hay tiếng gà gáy cầm canh. Không gian xung quanh dường như tan biến, để lại trên bãi cỏ này chỉ có 6 chiến binh đang trải nghiệm con đường của những kỵ mã năm xưa. Giấc ngủ êm đềm cứ từ từ tràn vào từng túp lều, rúc vào từng túi ngủ, để rồi lúc bừng lên là những tia nắng ấm áp của một ngày mới, không gian mênh mang chợt hiện ra ngay trước cửa lều. Bức tranh hoành tráng ấy của thiên nhiên đã bị màn đêm che khuất, giờ đây mở toang ra trước mặt chúng tôi. Đủng đỉnh đàn bò đi ăn sớm, lon ton bên cạnh là những chú cừu lông xoăn tít, tung tăng mấy chú dê con lạc mẹ, bắng nhắng vài chú chó chăn cừu, cố lùa cả đàn đi theo mấy cậu mã quan đã lộp cộp vó ngựa tít xa xa. Một ngày mới trên đồng cỏ bắt đầu.


Du lịch vô lo với bảo hiểm Liberty
Không chỉ bảo hiểm tai nạn con người, chi phí nằm viện và sử dụng dịch vụ y tế ở nước ngoài, chi phí chỗ ở phát sinh thêm và dịch vụ hỗ trợ y tế 24 giờ trong những trường hợp khẩn cấp, bảo hiểm thất lạc và mất mát hành lý, bảo hiểm những sự cố phiền toái phát sinh trong khi đi du lịch, bảo hiểm du lịch của Liberty – Liberty TravelCare còn chi trả 120 USD cho mỗi 6 tiếng đồng hồ bị trễ tại sân bay nước ngoài trong những trường hợp chuyến bay bị trì hoãn hoặc hủy. Với quyền lợi bảo hiểm cho tai nạn cá nhân lên đến 150.000 USD và chi phí y tế điều trị ở khi đang du lịch ở nước ngoài tối đa là 180.000 USD, cùng với phạm vi và quyền lợi bảo hiểm mở rộng, người mua không chỉ tận hưởng chuyến du lịch ở nơi đến là các nước trên thế giới mà còn an tâm khi tài sản và nhà cửa của mình ở Việt Nam được bảo hiểm trong suốt thời gian họ đi du lịch. Tham khảo thêm thông tin tại www.libertyinsurance.com.vn.
P.V

Nguyễn Vũ Tùng
(Còn tiếp)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét