Vẫn còn những thỏa thuận khác!
+ Cuối tuần trước, Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương đã chính thức thông báo phạt 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 1,7 tỷ đồng do đã thỏa thuận ấn định giá dịch vụ bảo hiểm xe ô-tô trái phép.
Trong vụ điều tra này, Cục Quản lý Cạnh tranh gặp may vì các doanh nghiệp bảo hiểm này đã có những hành động “lạy ông tôi ở bụi này”: tại hội nghị các tổng giám đốc bảo hiểm phi nhân thọ ngày 15-9-2008, có đến 19 trên 25 doanh nghiệp đồng lòng ký kết “Bản thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới” và “Điều khoản biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô-tô”. Thỏa thuận này nâng mức phí tiêu chuẩn bảo hiểm vật chất ô tô (mức phí tối thiểu) từ 1,3% lên 1,56%/năm (chưa tính 10% thuế VAT) nhưng chỉ mới thực hiện khoảng 50 ngày thì bị Cục Quản lý Cạnh tranh thổi còi.
Đây là bằng chứng rõ ràng nhất để khép các doanh nghiệp này vào “hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ” một cách trực tiếp. Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có thị phần kết hợp vượt quá 30% bị cấm không được có các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như ấn định giá, phân chia thị trường tiêu thụ… Mười chín doanh nghiệp này lại có thị phần kết hợp lên đến 99,79%.
Lẽ ra mức phạt còn có thể cao hơn 1,7 tỷ đồng vì con số này chỉ bằng 0,025% tổng doanh thu của năm 2007 trong khi Cục Quản lý Cạnh tranh từng đề nghị mức phạt 0,1% và luật cho phép phạt đến 10% tổng doanh thu của năm liền kề trước đó.
Điều đáng nói là từ khi Luật Cạnh tranh ra đời từ năm 2005 đến nay, có rất ít vụ việc điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí độc quyền như thế. Có vẻ như cơ quan quản lý vẫn còn e dè trong nhiều trường hợp do chưa thể “cân đong” lợi hại giữa chuyện thượng tôn pháp luật và lợi ích nhóm dưới danh nghĩa lợi ích chung của nền kinh tế.
Hiệp hội Ngân hàng, chẳng hạn, đã nhiều lần kêu gọi các thành viên là các ngân hàng thương mại cùng nhau hạ mức lãi suất huy động. Văn bản của hiệp hội viết rất khéo như nêu lý do là theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, cũng như dùng từ chung chung là “thống nhất hành động” nhưng nhìn dưới cặp mắt cạnh tranh, những thỏa thuận như thế là vi phạm Luật Cạnh tranh.
Cũng là một sự trùng hợp khi cuối tuần trước, TBKTSG nhận được thư bạn đọc, trong đó có đoạn: “Hiện tại những người dân lao động chúng tôi có một ít tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng để cải thiện thêm thu nhập hạn chế phần nào khó khăn trong cuộc sống lúc này. Nhưng tôi được biết là hiện tại các ngân hàng đang thỏa thuận với nhau để hạ lãi suất tiền gửi và xem đây là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nhìn rộng ra, chính ngành ngân hàng cũng chịu cái tác hại của những thỏa thuận về lãi suất cho vay và lãi suất huy động như thế. Ngân hàng nhỏ, tiềm lực yếu cũng không lo lắng gì về chuyện cạnh tranh với ngân hàng lớn, tiềm lực mạnh; ngân hàng cho vay tràn lan cũng được đối xử như ngân hàng cẩn trọng trong kinh doanh. Một môi trường thiếu vắng sự cạnh tranh lành mạnh sẽ chẳng giúp gì giới ngân hàng chuyên tâm cải thiện hoạt động của mình.
* * *
+ Như thường thấy trước đây, sau khi Fitch Ratings giảm một bậc định mức tín nhiệm phát hành nợ của Việt Nam từ BB- xuống B+, đã có nhiều ý kiến phản bác cách đánh giá này. Đáng chú ý có phát biểu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bày tỏ sự ngạc nhiên về việc giảm bậc này vì họ rất lạc quan về tình hình vĩ mô của kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây. Một chuyên gia kinh tế của ngân hàng Standard Chartered Bank ở Singapore cho rằng việc hạ mức tín nhiệm này không phù hợp với những gì họ quan sát được trong thời gian qua vì những vấn đề Fitch nêu ra đều là vấn đề dài hạn, nhưng gần đây lại có nhiều cải thiện.
Có lẽ điều quan trọng không phải là những nhận định về chuyện đã qua; quan trọng hơn nhiều là điều kiện phát hành nợ trong thời gian tới.
Trong một số báo gần đây, TBKTSG đưa tin một số tập đoàn kinh tế nhà nước đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trong quý 4-2010, mỗi tập đoàn định vay chừng 1 tỷ đô-la Mỹ. Mới tuần trước, hãng Bloomberg đưa tin tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thương lượng với một nhóm ngân hàng nước ngoài để vay chừng 300 triệu đô-la Mỹ với thời hạn 5 năm. Đồng thời EVN cũng định phát hành thêm 1 tỷ đô-la trái phiếu.
Dù đồng tình hay không với nhận định của Fitch, việc hạ mức tín nhiệm nói trên sẽ làm tăng chi phí vay vốn của doanh nghiệp trong nước. Không rõ việc thương lượng đã tính đến định mức mới chưa, nhưng khoảng vay 300 triệu đô-la của EVN được Bloomberg cho biết có mức lãi bằng lãi suất Libor cộng thêm 4 điểm phần trăm. Lần phát hành trái phiếu 1 tỷ đô-la hồi đầu năm, lãi suất theo tờ Financial Times bằng lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cộng 3,33 điểm phần trăm (trong khi Philippines chỉ phải trả thêm 1,84 điểm phần trăm và Indonesia – 2,28 điểm phần trăm khi phát hành loại trái phiếu tương tự). Chính đó mới là điều đáng quan tâm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét