Khám phá Mông Cổ (II)

.
Ngày 3/8/2010, tình cờ chúng tôi nhận được e-mail của anh Lê Quang Vinh,  cựu sinh viên, hiện là doanh nhân tại Ulanbator,  giới thiệu link bài viết của tác giả Nguyễn Vũ Tùng trên báo Thể thao và Văn hóa cuối tuần về chuyến ngao du của nhóm thành viên Tây Bắc Group trên đất nước thảo nguyên Mông Cổ. 


Xin chân thành cảm ơn anh Lê Quang Vinh và tác giả Nguyễn Vũ Tùng.

 
Motthoimongolia trân trọng giới thiệu loạt bài viết rất hay và bổ ích này.


Tiêu đề là chúng tôi đặt.




Phần 2: Ngàn lẻ một chuyện... xe ở Mông Cổ


Trong hành trình kiếm mấy chiếc cào cào đủ sức vượt Mông Cổ, nhóm Tây Bắc group đã phát hiện ra nhiều điều thú vị: những kị sĩ thảo nguyên ngày nào giờ trở thành tay lái lụa trên xe ô tô off-road (địa hình) và hầu hết chủ các garage ô tô ở đất nước này là người Việt Nam!
Đi xe Cào cào khám phả Mông Cổ


Khi ở Việt Nam, tìm hiểu qua các forum của Tây ba lô, rồi liên lạc với các bạn Mông Cổ, dường như chuyện không đơn giản. Giá cho thuê xe cào cào Nhật khoảng hơn 100 USD một ngày, xe Planeta của Nga cũ rích cũng tới 30 USD một ngày. Xe Trung Quốc thì rẻ hơn nhưng chưa biết chạy thế nào. Trên đường đi mà có hỏng hóc thì chỉ có xe Nga may ra dân địa phương còn chữa nổi, các loại xe khác thì có mà tha về Ulanbator. Lần trước, Vĩnh, tay dị nhân lãng tử có nhắc đến ở phần trước, chạy xe Nga trên đồng cỏ Mông Cổ, hỏng hộp số, đã phải mất đến cả tuần chạy đi chạy lại cả trăm cây số để thay được cái hộp số chết tiệt ấy. Rồi một bạn Mông Cổ ở Việt Nam, khi biết dự định của chúng tôi, đã vội can: “đi xe máy ở Mông Cổ không giống ở Việt Nam đâu”…


Bản đồ hành trình dự kiến với khoảng 60% chạy offroad, không theo các tuyến đi thông thường và có đường quốc lộ. Hành trình này cũng khoảng 30 % là cắt qua thảo nguyên, không có đường.


Thế nên, ngay khi đặt chân tới Ulanbator, công việc quan trọng hàng đầu của chúng tôi là đi kiếm xe máy. Trong nhóm đi lần này, có 6 tay lái, nửa là đại gia, thế là, tiểu đội đại gia này kéo nhau đi kiểm tra xe cào cào Nhật, đời 2008, giá 120 USD một ngày. 12 ngày, gần 1.500 USD, bằng tiền mua một con xe máy tàm tạm ở Việt Nam! Tuy rất buốt ruột nhưng các “đại gia” này cũng đành móc túi đi kiếm xe. Nửa còn lại, được một anh bạn thổ dân khác dẫn đi kiếm xe Nga... Pành pành pành pành… mù mịt khói… rồi tịt ngúm. Planeta kiểu như Minsk ở Việt Nam, là chiếc xe phổ biến nhất trên toàn cõi Mông Cổ. Tuy vậy, kiếm ra chúng trên đường phố cũng đỏ con mắt. Dân Mông Cổ giờ đây không còn chạy xe máy nhiều nữa mà chuyển sang các thể loại ô tô, do vậy, không dễ mà tìm được xe. Nek, cậu bạn Mông Cổ là một “con ma xó” tha lôi chúng tôi lang thang khắp các chợ xe. Xe cũ thôi nhưng giá cũng không rẻ. Mua một con tàng tàng vừa chạy vừa run cũng tới 1.500 USD. “Thuê à? bọn tao chỉ bán chứ không cho thuê”.


Ồ thế bọn tao mua rồi 2 tuần nữa bán lại cho bọn mày?” - “Ờ, thế thì được!, vì bọn tao là cửa hàng bán xe chứ không phải cửa hàng cho thuê”! Ba anh già Mông Cổ ngồi nói chuyện với nhau nửa giờ rồi ra giá mua lại bằng nửa giá bán với điều kiện là xe không bị hỏng hóc gì. Mà cũng cọc cà cọc cạch không đủ 3 chiếc. Xe này mà chạy thảo nguyên lỡ có gì thì cũng toi. Nek, cũng lo nỗi lo của những tay du mục sắp tới, vò đầu bứt tai một hồi, gọi điện tán loạn rồi quyết định dẫn chúng tôi tới một nơi khác.


Kể thêm một chút về khu chợ bán xe ở Ulanbator. Đó là một khu chợ rất lớn, nằm phía bắc thành phố. Trong chợ bạt ngàn các loại xe ô tô mà dân Mông Cổ ưa chuộng nhưng đa phần là secondhand. Xe Hàn có vẻ được bày bán nhiều nhất. Các loại xe tải nhỏ, xe 12 chỗ Huyndai Starex đời cũ, xe bán tải… giá rất rẻ, chừng vài ngàn đến mươi ngàn đô đã được con xe khá tươm. Xe Landcruise đời 2005 giá khoảng 20- 25.000 USD. Thuế má cũng thấp nên dân Mông Cổ mua xe ô tô dễ như ta mua xe máy.


Đầu tiên, lùa một đàn cừu nho nhỏ vài chục chú, giá mỗi chú khoảng 50-60 USD. Thế là đủ tiền ra chợ chọn một con xe bãi khoảng 2-3.000 USD rồi. Giống nhà mình gọi người vào cân lợn bán rồi ôm tiền đi mua xe máy! Vui phết, cả gia đình kéo nhau đi chọn xe. Bố thì trỏ xe tải, mẹ thì trỏ xe con, con thì trỏ xe 12 chỗ cho rộng còn nhảy nhót bên trong. Thế là cãi nhau loạn xị ngậu.


Xe thì lắm nhưng đường thì toàn thảo nguyên nên các tay lái Mông đều là những tay lái “lụa” mà dân chơi offroad ở Việt Nam phải gọi bằng cụ. Nếu thấy một em gái chân dài lái một chiếc sedan chạy vòng và vòng vèo trên những con đường ổ voi, loanh quanh tìm mô đất để ghếch được một bánh lên mà vượt qua thì đảm bảo các tay offroad Việt Nam phải tôn bằng nữ hoàng offroad!


Tuy vậy, có một điều thú vị là hầu hết các garage sửa xe ở Ulanbator đều do thợ Việt Nam làm chủ. Suốt dọc con đường từ trung tâm tới chợ xe có rất nhiều các gara trưng biển “Gara Việt Nam”. Ngoài những đơn vị như ngoại giao, người Việt ở Mông Cổ chủ yếu làm nghề sửa xe ô tô. Có một nhóm nhỏ sinh viên ngành nông nghiệp chừng 10 người theo học bổng trao đổi chính phủ. Rỗi rãi, các em cũng ra làm thêm ngoài gara. Thợ Việt khéo, chịu khó và không nề hà công việc nên được dân Mông chuộng. Xe của Mông Cổ thì phần lớn là loại secondhand, đường xá thì lộ cộ, xe hỏng vặt cũng nhiều nên chắc việc bảo dưỡng bảo trì, sửa chữa đều một tay vào các gara cỡ nhỏ chứ loại này vào hãng là hơi khó. Lúc cao điểm, đã có tới hơn 1.000 thợ Việt sinh sống ở Ulanbator, Long, một tay thợ cho biết. Nay, kinh tế khó khăn nên anh em về còn một nửa.


Nơi Nek dẫn chúng tôi đến nằm ở trong thành phố. Đó là một câu lạc bộ chơi xe phân khối lớn. Có một đống xe Cruise 400 và dăm chú xe cào cào các loại, tuy đời cũ 8x nhưng chúng tôi mừng húm vì nghĩ đến cảnh cưỡi bọn Planeta khói, bẩn, ầm ĩ, tậm tịt thì cũng chả thú lắm. Mấy bạn chủ club ra chiều băn khoăn vì không biết có sắp giao trứng cho ác không. Minh Johnie trấn an bằng cách vén bụng lên khoe chiếc thắt lưng Harley Davidson (hàng hiệu HD duy nhất hắn sở hữu), show với mấy bạn Mông rằng thì là mà bọn tao là dân chơi xe đấy, giao xe cho bọn tao là yên tâm lắm chứ không phải cho mấy thằng a-ma-tơ đâu. (Nói thật chứ thà giao xe cho bọn a-ma-tơ còn hơn. Bọn p-rồ này nó sẽ hành cái xe của mình đến nơi đến chốn).


Trao đi đổi lại mãi, rồi cũng nhờ Nek dùng thêm kế ngoại giao nhân dân, nào là tình hữu nghị Việt Nam Mông Cổ, nào là tình đồng đội của dân chơi xe toàn thế giới, nào là không nhẽ bọn mày để dân chơi xe như bọn mày lại đi khám phá đất nước bằng ô tô, cuối cùng, các bạn Mông quyết định cho chúng tôi “mượn” xe với giá thật là mềm mại, chỉ đắt hơn xe Nga một chút, một cái giá nằm mơ so với giá xe mà nơi khác ra giá: 120USD đời 2008.


Mấy chiếc xe này thậm chí mới chỉ có giấy hải quan chưa có biển, club liền in ra một công văn đi đường rất đàng hoàng, xác nhận là đội xe thể thao xuyên Mông Cổ của Việt Nam đang đi thực hiện chuyến đi theo chương trình thể thao văn hóa gì đó, đảm bảo không có vấn đề gì với cảnh sát trên đường. Thực tế cảnh sát thấy chúng tôi cũng không hỏi han gì, đôi chỗ còn tận tình chỉ bảo đường xá. Vấn đề xe thế là xong, cả nhóm kéo nhau đi chuẩn bị đồ đạc khác cho chuyến đi, để mặc club hì hục cả đêm lắp lắp chuyển chuyển, dọn từ một đống xe cũ kỹ xếp chật nhà thành 6 con xe khả dĩ cho hành trình xuyên Mông Cổ, hành trình mà ngay cả club xe cào cào nọ cũng phải thừa nhận là “hoành tráng” và “đến bọn tao cũng chả đi”.

(Còn tiếp)
Nguyễn Vũ Tùng







Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét