Chuẩn bị để ăn dặm Baby Led Weaning

Khi bé gần được 6 tháng, mẹ có thể chuẩn bị để bé sẵn sàng với việc ăn dặm BLW. Trước hết, phải xem bé ngồi đã vững chưa, hay ít nhất là bé đã giữ cứng cổ chưa. Nếu bé chưa ngồi được nhưng cổ vững thì mẹ có thể hỗ trợ thêm cho bé, còn không thì lùi thời gian lại cho đến khi bé sẵn sàng hơn. Phương pháp BLW không đòi hỏi mẹ phải chuẩn bị nhiều đồ dùng cho bé. Ngoài những thứ lặt vặt như yếm, bộ đồ ăn an toàn bằng nhựa..., thì thứ không thể thiếu là chiếc GHẾ NGỒI ĂN.

Mẹ có thể chọn bất cứ loại ghế ngồi ăn nào miễn là nó hỗ trợ được việc ăn uống của bé: giúp bé ngồi thẳng, có khay ăn, có thể điều chỉnh cao thấp theo độ tuổi của bé, và dĩ nhiên là phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Trên thị trường có rất nhiều loại ghế ăn bằng gỗ hoặc nhựa. Mình đã đặt mua cho Kitty chiếc ghế này của hãng Fisher Price. Ghế có chức năng ngồi ăn và ngồi chơi, có thể điều chỉnh 3 cấp độ nên xài được từ 6 tháng đến 4 tuổi, có đai cột vào ghế người lớn, khay ăn tháo ra vệ sinh dễ dàng và đặc biệt là có thể xếp gọn ghế để mang đi đây đi đó, rất hợp với người thích vi vu như mình. Mình mượn tạm hình của hãng để minh họa.





Chiếc ghế "rừng xanh"



Khay chơi



Có thể cột vào ghế người lớn



Khay ăn tháo rửa dễ dàng



Xếp gọn xách tay

Khi tất cả đã sẵn sàng thì mẹ có thể cho bé tập ăn dặm được rồi đó. Dưới đây là những điều NÊN và KHÔNG NÊN làm khi thực hiện phương pháp BLW.

NÊN

1.  Tạo cơ hội cho bé tham gia bữa ăn gia đình bất cứ khi nào có thể. Như đã trình bày ở bài trước (Baby Led Weaning) - có rất nhiều lợi ích khi bé ăn cùng người lớn. Thứ nhất, mẹ không phải chuẩn bị thức ăn rườm rà, chỉ cần nấu những loại thực phẩm mà bé cũng ăn được, lấy ra một ít cho bé rồi mới nêm nếm cho người lớn ăn. Thứ hai, bé học được cách cầm và điều khiển dụng cụ nhờ bắt chước người lớn, do đó bé dễ dàng tự lập ăn uống một cách thành thạo. Thứ ba, bé được "sinh hoạt xã hội" trong bữa ăn với nhiều thành viên, kích thích óc quan sát và phát huy năng lực giao tiếp của bé. Thứ tư, ba mẹ có thể canh chừng khi ăn cùng bé, tiết kiệm được thời gian so với tổ chức ăn riêng cho bé.

Vậy bao giờ có thể cho bé bắt đầu ăn chung? Mẹ có thể nhận biết điều đó khi thấy bé nhìn người lớn ăn một cách tò mò và háo hức, mặc dù về cơ bản thời gian đầu khi ngồi vào bàn bé vẫn nghịch là chính.

2. Đảm bảo là bé ngồi vững ở tư thế thẳng lưng khi ăn (có thể hỗ trợ cho bé chút xíu nhưng về cơ bản là cổ bé phải vững). Thời gian đầu thì ba mẹ có thể cho bé ngồi vào lòng đối diện với bàn. Khi bé thể hiện kỹ năng bốc thành thạo hơn và cũng ngồi vững hơn thì hãy cho bé ngồi vào ghế.

3. Ban đầu, hãy cho bé thử những thức ăn cỡ nhỏ, vừa tay bé, chẳng hạn như những mẩu cà rốt, khoai tây luộc xắt nhỏ, những que đậu luộc mềm đã bỏ hạt, những sợi mì mềm, thịt gà xé nhỏ... Về sau khi bé đã quen và thành thạo hơn, hãy lựa trong thực đơn gia đình những thứ có kích cỡ phù hợp và cho bé ăn cùng để bé có cảm giác mình là "một phần của thế giới".

4. Cho bé những thức ăn đa dạng. Món ăn phong phú không chỉ giúp bé ngon miệng, cân bằng dưỡng chất mà còn kích thích vị giác của bé. Hãy để bé tự khám phá các món ăn và được phép chọn lựa những món mình yêu thích. Nếu bé từ chối một món nào đó thì đừng ép bé, tuy nhiên hay thử lại vào lần sau vì rất có thể bé sẽ "thay đổi quan điểm" đấy.

5. Cho bé một ly nước nhưng đừng lo lắng nếu bé chẳng thèm quan tâm đến nó, nhất là những bé bú mẹ (ai biểu "bình sữa" của mẹ đẹp làm chi, hehe)

6. Lót tấm trải không thấm nước dưới khu vực ăn của bé để giữ sạch sàn nhà. Hãy chuẩn bị cho việc bé sẽ bôi bẩn và bày bừa thay vì khó chịu về chuyện đó. Bé nào mới tập ăn cũng thế cả, nhưng dần dần thì bé sẽ ăn khéo hơn và ít làm rơi vãi hơn.

7. Cho bé bú khi bé muốn. Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính và bé sẽ tự điều chỉnh lượng sữa khi có nhu cầu ăn dặm nhiều hơn. Do đó mẹ đừng stress vì sao bé ăn ít rồi lại cố nhồi nhét bé và thế là đi ngược lại quy tắc của BLW.

8. Thận trọng và tham khảo ý kiến giới chuyên môn nếu trong gia đình có tiền sử các chứng bệnh về tiêu hóa và dị ứng.

KHÔNG NÊN

9. Đừng hối thúc bé. Hãy cho bé làm chủ tốc độ ăn. Nhiều mẹ nhìn bé ăn chậm chạp "ngứa mắt" quá lại giúp bé ăn bằng cách đút vào miệng bé là sai lầm.

10. Đừng trông mong bé ăn mọi thức ăn vào những lần đầu tiên. Chừng nào bé khám phá ra những món "đồ chơi" này thật ngon miệng thì bé mới bắt đầu nhai và sau đó là nuốt.

11. Đừng để bé ngồi một mình với thức ăn. Hãy trông chừng bé.

12. Đừng cho bé thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, xúc xích... và đừng cho bé ăn món có nêm muối, đường.

Nguồn tham khảo: http://rapleyweaning.com
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét