Cần làm, bớt nói

Cần làm, bớt nói

Nhắc đến giáo dục, hầu như ai cũng thấy mình có thẩm quyền để lên tiếng. Điều đáng tiếc là ngay cả các chuyên gia giáo dục, tại nhiều diễn đàn góp ý cho ngành giáo dục, chỉ nhắc đi nhắc lại các cụm từ quá quen thuộc như “chấn hưng giáo dục”, “triết lý giáo dục”, “đổi mới giáo dục” chứ ít khi đi vào các vấn đề cụ thể. Ngành giáo dục lại thiếu vắng những công trình nghiên cứu làm nền tảng cho những cải cách cần thiết.

Hiện đang nổi lên một suy nghĩ khá phổ biến rằng, tìm ra được, định ra được cái “triết lý giáo dục” cho Việt Nam ắt sẽ giải quyết mọi vấn nạn của nền giáo dục nước nhà. Cứ như thể “triết lý giáo dục” là liều thuốc nhiệm mầu mà nền giáo dục đang thiếu.

Thiết nghĩ công cuộc cải cách giáo dục nước nhà chỉ có thể thành công nếu chúng ta tiến hành song song nhiều việc – những công việc rất cụ thể - chứ không thể trông chờ vào một sự đột phá nào đó xuất phát từ việc “ngộ ra” triết lý giáo dục của riêng ta. Những công việc đó có thể bao gồm các nghiên cứu, các khảo sát để xác định chính xác các vấn đề của nền giáo dục Việt Nam; những cải tổ nhỏ có thể thực hiện ngay để giải quyết các vấn đề cấp bách nhất; và việc soạn thảo một chiến lược cải cách giáo dục tổng thể, trong đó, tính thực tiễn được nhấn mạnh thay cho những tranh luận về khái niệm.

Nói ngành giáo dục không có nghiên cứu nào về thực trạng giáo dục Việt Nam có thể là võ đoán nhưng nếu có đi nữa, kết quả những nghiên cứu này không đến được với công chúng. Đã có ai khảo sát tâm lý giáo viên hiện nay ra sao khi xã hội đang dần nghiêng về việc phê phán, lên án giáo viên phạt đòn học sinh, chẳng hạn. Có ai nghiên cứu xem học sinh phải học thêm mỗi tuần bao nhiêu giờ, cụ thể cho từng khối lớp, từng vùng nông thôn, thành thị, lý do vì sao và chi phí như thế nào. Đã có nhà tâm lý học nào thử tìm hiểu xem vì sao học sinh ngày càng thụ động hay nhà ngôn ngữ học nào đi hỏi cho ra lẽ vì sao học sinh viết ngày càng sai chính tả.

Tất cả những phát biểu, những nhận định về tình hình giáo dục phải dựa trên số liệu cụ thể, những quan sát hay những thí nghiệm thực tế mà các câu hỏi ở trên chỉ là những ví dụ minh họa. Sai lầm lớn nhất của nhiều phát biểu về giáo dục là khái quát hóa tình hình dựa trên cảm nhận cá nhân hay thực tế hẹp quanh mình.

Ở bình diện lớn hơn, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần có những dự án nghiên cứu để trả lời cho được những câu hỏi cần giải đáp ngay, chẳng hạn, vì sao ngày càng ít sinh viên chọn các ngành khoa học xã hội, phải làm gì để đảo ngược xu hướng này; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay là bao nhiêu, tỷ lệ này tăng hay giảm qua từng năm, tác động của nó lên xu hướng chọn ngành học của sinh viên, có hay không tình trạng bạo lực học đường, nguyên nhân từ đâu… Người ta thường nói hệ thống đại học Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp chê sinh viên ra trường phải đào tạo lại nhưng cũng chỉ là những phát biểu cảm tính dựa vào một hai trường hợp cụ thể nào đó. Mọi trích dẫn hầu như chỉ quy về một phát biểu dạo nào của đại diện hãng Intel!

Những vấn đề lớn như dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học cũng được quyết định không dựa trên một khảo sát chuyên nghiệp nào cả. Chẳng trách gì nhiều người hoài nghi dạy tiếng Anh tăng cường kiểu như thế chỉ để giúp ai đó bán được sách giá cao ngất ngưởng.

Ngành giáo dục có lợi thế là có cả hàng trăm ngàn con người đang ngày đêm cọ xát với những vấn đề thiết thân với họ. Nếu chỉ cần phát huy dân chủ thật sự, để các thầy cô, các nhà sư phạm lên tiếng nói về các vấn đề họ đang băn khoăn, trăn trở, những giải pháp họ đề ra, những thử nghiệm họ đã tiến hành, chắc chắn ngành giáo dục sẽ giải quyết được vô số vấn đề nhỏ, đang cản trở quá trình cải cách toàn diện. Đó cũng là một cách “Khoán 10” trong giáo dục và ắt cũng tạo nhanh một diện mạo mới cho ngành như Khoán 10 từng tạo cho nông nghiệp.

Chúng ta thử đọc những công trình nói về công cuộc cải cách giáo dục ở các nước sẽ thấy họ bàn những chuyện rất cụ thể. Tờ The Economist số ra ngày 17/9/2011 có hai bài tổng hợp các công trình như thế. Để cải thiện thành tích học tập của học sinh, các nước nghiên cứu ứng dụng Internet vào giảng dạy và học tập như thế nào, bất bình đẳng trong thu nhập xã hội ảnh hưởng lên chất lượng học tập ra sao, giao quyền tự chủ cho nhà trường sẽ giúp cải thiện tình hình như thế nào… Đáng chú ý là một xu hướng quay về với những quy luật cơ bản: kỷ luật học đường, sự nghiêm khắc của giáo viên, đồng phục cho học sinh, sự nhất quán trong quan điểm giáo dục của lãnh đạo nhà trường…

Chúng ta cũng có thể tiến hành ngay những cải tổ nhỏ và phải có những đợt truyền thông rộng rãi để mọi phụ huynh biết và hỗ trợ, giáo viên hiểu và thực thi, ví dụ, không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 nữa hay sửa đổi thế nào đó để một bản in sách giáo khoa có thể dùng được nhiều năm, tiết kiệm tiền của cho từng gia đình và toàn xã hội.

Riêng việc soạn thảo một chiến lược cải cách toàn diện nền giáo dục nước nhà là một nỗ lực chung của toàn xã hội. Bài học từ các nước trên thế giới cũng có rất nhiều. Vấn đề then chốt là đừng quá câu nệ vào từ ngữ hay khái niệm – hãy để thực tiễn chứng minh cái đúng, cái sai.

Lấy nghề báo để minh họa, dạy cho sinh viên ngành báo chí cách viết tin thì dễ lắm, chỉ cần ba tháng đến sáu tháng là đã có thể truyền đạt hết mọi kỹ thuật viết tin cho sinh viên. Nhưng nếu chỉ dừng ngang đó thì ngành báo chí sẽ chẳng bao giờ đào tạo được những nhà báo tương lai, biết hoài nghi trước mọi nguồn tin, biết sục sạo những đầu tin người ta muốn che giấu, biết phân biệt đúng sai, chính tà - những nhà báo yêu nghề với hoài bão đem lại công bằng cho cuộc sống.

Như vậy sứ mệnh của người thầy trong trường hợp này đâu phải chỉ là truyền đạt kiến thức, để trả lời cho một câu hỏi khác, học như thế nào? Người thầy phải trang bị cho sinh viên óc phê phán, lối tư duy lật tới lật lui một vấn đề, phương pháp đón nhận cái mới, cách phân biệt đâu là thông tin, đâu là ý tưởng. Thay đổi góc nhìn, lúc này là đòi hỏi của thực tế chứ đừng tự trói buộc vào những quan niệm cứng nhắc.

Nếu chúng ta còn cứ băn khoăn, cãi nhau là nên dùng từ “tự trị” hay “tự chủ” trong giáo dục đại học, nên có một bộ sách giáo khoa hay cho tự do soạn sách… thì sẽ không bao giờ soạn được chiến lược này.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét