Dạy bé chăm sóc răng miệng

Mình luôn nghĩ rằng một nụ cười đẹp sẽ làm cho gương mặt tỏa sáng, đem lại niềm vui cho bản thân và những người xung quanh. Mà muốn có một nụ cười đẹp, ngoài thái độ chân thành còn cần đến hàm răng trắng đẹp, thẳng đều. Thế hệ chúng ta, vì những khó khăn riêng, đã không được đầu tư đúng mức trong việc chăm sóc răng miệng. Nhưng đến thế hệ con cái chúng ta thì không nên để các bé phải chịu thiệt thòi như thế. Với mình, dạy bé chăm sóc răng miệng là công việc rất nghiêm túc từ những tháng đầu đời, là một phần quan trọng trong "chiến dịch" bảo vệ nụ cười của bé.

Trong bài viết này, mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc dạy bé chăm sóc răng từ khi còn nhỏ.

Giúp bé hình thành những thói quen tốt

Muốn bé tự giác đánh răng thì trước hết phải rèn luyện cho bé thói quen đánh răng như một điều không thể thiếu sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Bé được tập đánh răng từ khi còn nhỏ sẽ dễ chấp nhận việc này hơn là mẹ cứ làm giùm cho bé để rồi bé sinh thói dựa dẫm. Ngay từ khi bé chưa mọc răng, mẹ có thể cho bé dùng loại bàn chải massage thật mềm để bé tập khua khoắng trong miệng. Mẹ vẫn phải giúp bé vệ sinh răng miệng định kỳ hàng ngày vì công việc của bé chủ yếu là để rèn luyện thói quen và kỹ năng chứ không thể đòi hỏi bé có thể vệ sinh miệng thật sạch trong giai đoạn này. Bé sẽ tập cách cầm bàn chải, tập cách chà xát đầu bàn chải trong miệng. Nên tạo hứng thú cho bé bằng những lời kể chuyện ngộ nghĩnh hay những bản nhạc thú vị. Khi bé được một tuổi, đã có khoảng 6 cái răng sữa làm vốn, mẹ có thể dạy bé đánh răng thực sự: hai mẹ con cùng đánh chung với nhau, mẹ hướng dẫn bé đánh như thế nào, đánh trong bao lâu và súc miệng thật kỹ để đảm bảo răng miệng sạch sẽ.

Bên cạnh việc vệ sinh răng miệng, còn nên tập cho bé thói quen ăn uống tốt: không ngậm khi ăn, không ăn kẹo trước giờ đi ngủ, hạn chế uống nước ngọt có gas và ăn bánh kẹo ngọt đến mức có thể (cũng không cần phải cấm đoán một cách cực đoan khiến tuổi thơ của bé bị bớt đi niềm vui, và mẹ có thể chọn cho bé những loại bánh kẹo ít gây hại cho răng miệng). Ba mẹ cũng phải để ý nếu bé có thói quen mút môi, nghiến răng... thì điều chỉnh ngay cho bé vì những điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cấu trúc răng và hàm của bé.

Khi bé được 2 tuổi, hãy cho bé đi nha sĩ kiểm tra răng miệng 6 tháng một lần, dù bé không bị sâu răng. Mục đích chính là để bé làm quen với phòng khám, không xem việc đi nha sĩ là một điều đáng sợ, đồng thời để nha sĩ phát hiện kịp thời những bất ổn về răng miệng của bé nếu có. Với tình hình nước ta hiện nay thì mình thường đưa Anh Thi đi những phòng khám tư có cơ sở vật chất tốt và những bác sĩ hiểu được tâm lý trẻ em.

Dạy bé vệ sinh răng miệng đúng cách

Bé chăm đánh răng chưa đủ, mà bé còn phải biết vệ sinh răng miệng đúng cách. Muốn vậy thì người lớn phải hướng dẫn cho bé. Hãy dạy bé lấy lượng kem vừa đủ, đánh đều các mặt răng, chải từ trên xuống dưới chứ không chải ngang, thao tác nhẹ nhàng để không làm tổn thương nướu nhưng phải kỹ lưỡng để đảm bảo răng miệng sạch sẽ, kết hợp vệ sinh lưỡi khi đánh răng, súc miệng kỹ nhiều lần. Toàn bộ việc đánh răng nên diễn ra trong 2 đến 3 phút. Khi Anh Thi còn nhỏ, mình thường chọn những bản nhạc ngắn có thời lượng như vậy, khi nào nhạc ngừng là con đánh răng xong. Bây giờ có loại bàn chải biết nói và hát trên nền nhạc rất thú vị, dạy bé đánh răng trong thời gian chính xác là 2 phút, mình cũng mua sẵn cho Kitty một cái. Chị Anh Thi lớn rồi mà cũng đòi mua để sau này hai chị em cùng đánh răng cho vui.

Cũng cần lưu ý là thay vì làm thay cho bé, hãy dạy bé tự làm lấy. Điều đó hình thành cho bé thói quen tự lập trong việc chăm sóc bản thân. Ban đầu mẹ có thể làm mẫu cho bé, rồi sau đó cùng bé đánh răng và cùng soi gương, nếu bé làm sai thì hãy điều chỉnh cho bé. Khi bé đã thành thạo hơn, có thể để bé tự đánh răng một mình, sau đó mẹ có thể kiểm tra xem bé đã làm sạch chưa. Đừng bắt bé há miệng để mẹ kiểm tra một cách thô thiển, mà khuyến khích bé bằng những câu kiểu như: "Con đánh răng xong rồi à, cho mẹ ngắm hàm răng trắng xinh tí nào."

Biến việc đánh răng thành một công việc thú vị

Rất nhiều bé lười đánh răng vì thấy đó là một công việc nhàm chán. Đừng cáu gắt với bé, cũng đừng sốt ruột mà lôi bé ra để mẹ làm quách cho xong. Những điều đó chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt là bé đã đánh răng xong, chứ không tạo cho bé thói quen chăm sóc răng miệng một cách tự giác. Muốn bé yêu thích việc đánh răng thì hãy biến việc đánh răng thành công việc thú vị trong mắt bé.

Khi bé bước vào thời kỳ mọc răng, bé rất thích những đồ chơi gặm nướu để thỏa mãn thú vui "gặm nhấm". Hãy chọn cho bé những loại bàn chải mềm chuyên dụng được thiết kế như cái gặm nướu để bé vừa học vừa chơi. Mình mua cho Kitty chú cá heo xanh bằng silicone có đầu bàn chải mềm. Kitty cũng được ba sắm cho bộ bàn chải với đầu massage cho từng giai đoạn: 3 tháng, 6 tháng... Kitty rất thích và bây giờ bé có thể sử dụng bàn chải khá thành thạo. Ngày xưa Anh Thi cũng được tập đánh răng từ khi còn nhỏ xíu nên con gái rất chăm đánh răng. Đến bây giờ con 8 tuổi, chưa hề bị một vết sâu răng nào dù là rất nhỏ.

Với bé lớn hơn, hãy cho bé vào toilet và vừa đánh răng vừa soi gương. Nếu bé quá thấp, hãy kê ghế cho bé đứng và người lớn luôn đứng cạnh để bảo vệ và hướng dẫn cho bé. Mẹ hãy đánh răng cùng bé, nếu có thể thì mẹ con cùng sử dụng những chiếc bàn chải kiểu dáng giống nhau để tạo cho bé cảm giác là bé đã lớn rồi, và giữa hai mẹ con không có sự khác biệt. Khi bé đánh răng xong, hãy khen ngợi thành quả của bé, ví dụ hít hà và khen miệng bé thơm quá, răng bé trắng quá. Nếu bé đánh răng chưa sạch, đừng chê bé mà giả vờ ngạc nhiên: "ôi sao vẫn còn cọng rau/mẩu thịt... đi lang thang cạnh các bạn răng nhỉ? Phải đuổi chúng ngay thôi."

"Đồ nghề" để bé chăm sóc răng nên có màu sắc tươi tắn, hình trang trí đẹp mắt hoặc có các nhân vật hoạt hình mà bé yêu thích. Hãy chọn những loại kem đánh răng cho trẻ em với hương vị trái cây ngọt ngào để bé không ngại đánh răng.

Chọn bàn chải và kem đánh răng cho bé

Vì coi trọng việc dạy bé chăm sóc răng miệng nên mình cũng rất cẩn thận khi chọn bàn chải và kem đánh răng cho bé. Với bé dưới một tuổi, mình chọn loại bàn chải chuyên dụng cho bé trong từng giai đoạn và dùng với nước uống thông thường hoặc nước muối thật loãng. Đầu bàn chải không bằng lông mà là các sợi silicone để massage nướu và răng và loại bỏ chất bẩn. Khi bé được 1 tuổi, mình sắm cho mẹ và con mỗi người một chiếc bàn chải MAM để đánh răng cùng nhau. Giai đoạn này bé dùng kem đánh răng không chứa florua, nếu bé chẳng may nuốt phải chút xíu thì cũng chẳng sao. Bé được 3 tuổi là tự đánh răng thành thạo rồi, mình sắm cho con 1 bàn chải pin để dùng ở nhà và một bàn chải thường loại cho trẻ em để mang đi học. Lúc này bé có thể dùng kem đánh răng có chứa florua với hàm lượng dưới 1000 ppm, hương vị trái cây ngọt ngào để bé không ngán đánh răng. Bé 6-7 tuổi trở lên có thể dùng kem đánh răng người lớn, tuy nhiên nếu kem cay thì có thể bé ngại đánh kỹ. Vì thế mình mua cho Anh Thi loại kem đánh răng với thành phần tương tự kem của người lớn giúp ngừa sâu răng hiệu quả, nhưng có vị trái cây thơm ngọt, dành cho bé từ 6 tuổi trở lên. Kem này do một người bạn mình làm bác sĩ nhi khoa ở Mỹ đề xuất, mình thấy chất lượng cũng rất tốt. Mình mua khá nhiều bàn chải cho Anh Thi để thay đổi 3 tháng một lần, có bàn chải dùng ở nhà và bàn chải đi học riêng, lông bàn chải mềm và tốt để bé đánh răng kỹ mà không bị chảy máu, đồng thời có các nhân vật hoạt hình để con mê đánh răng nữa.


"Cái răng cái tóc là góc con người" - câu nói đó quả là không sai. Hàm răng khỏe đẹp không chỉ giúp bé có nụ cười xinh mà còn bảo vệ sức khỏe lâu dài của bé. Nếu các bạn có nhu cầu tham khảo thêm thì kỳ sau mình sẽ update "đồ nghề" chăm sóc răng miệng cho 2 cô con gái của mình với hình ảnh và nhãn hiệu cụ thể. Bây giờ thì show vài tấm hình Kitty đang học cách dùng bàn chải từ khi chưa có răng nhé.




Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét