.
Nguyễn Quế Côi
Nén nhang dâng lên Mẹ nhân 15 năm ngày Mẹ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đã là con người ai cũng có mẹ. Mẹ là người đã mang nặng đẻ đau, là người luôn dành hết tinh lực của cuộc đời cho các con. Đối với các con, mẹ không bao giờ phân biệt SANG HÈN. Đứa nào Mẹ cũng coi như nhau, quan tâm như nhau cho dù mối quan tâm của mẹ tùy vào gia cảnh và năng lực của mỗi người. Tất cả cuộc đời Mẹ chỉ vì một mục tiêu duy nhất là các con mẹ trưởng thành và không làm gì hoen ố thanh danh của gia đình, tổ tiên, dòng họ.
Mỗi chúng ta cần phải nỗ lực để hiểu về Mẹ. Khi chúng ta còn chưa hiểu và chưa thấy hết nỗi vất vả, gian lao của Mẹ thì chúng ta vẫn chưa trưởng thành và chưa được coi là đã thành NGƯỜI. Trong chúng ta, người may mắn nhiều thì sẽ hiểu được Mẹ sớm hơn, người may mắn ít thì hiểu muộn hơn còn không ít người bất hạnh chỉ hiểu được lòng Mẹ khi mẹ đã ra đi mãi mãi. Chúng ta hiểu Mẹ không phải để trả ơn Mẹ bằng mâm cao cỗ đầy, bằng đồ trang sức đắt tiền hay ngôi biệt thự tráng lệ mà để chúng ta quan tâm đến Mẹ hơn, cố gắng làm những việc tốt để Mẹ vui. Mẹ chỉ vui khi các con Mẹ đã trưởng thành, Anh em hòa thuận, đủ ăn đủ tiêu không phải lo lắng nhiều đến Cơm-Áo-Gạo-Tiền và nhất là biết nghĩ đến người khác. Nói thì rất dễ những làm được thì khó vô cùng. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một điều kiện nhưng tựu trung lại cách báo hiếu Mẹ tốt nhất là mỗi chúng ta phải tự hoàn thiện mình, nỗ lực phấn đấu để có được gia đình êm ấm. Tôi là người may mắn hiểu được Mẹ tương đối sớm. Có lẽ do hoàn cảnh đưa đẩy...
Tôi là con út trong gia đình. Là con út cho nên tôi thấy mình có quyền to lắm. Tôi hay ăn vạ khi thấy có gì không vừa ý và mỗi lần như vậy Anh Chị tôi lại bị Mẹ mắng te tua. Cả nhà chỉ mình tôi là được ăn học đến đầu đến đũa. Các Anh Chị tôi đều phải nghỉ học giữa chừng để đi làm. Sau này đều trưởng thành nhờ các khóa chuyên tu, hàm thụ. Được cưng chiều như vậy cho nên tôi có tính ích kỷ chỉ nghĩ đến mình...
Tôi may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa là được cử đi học ở nước ngoài trong khi nhiều người phải ra chiến trường đầy máu lửa. Năm học tiếng chúng tôi ở 3 người một phòng. Sinh hoạt chung thì phân chia trách nhiệm rõ ràng: Mỗi người lo đồ và nấu ăn 1 tuần; Ai ăn xong sau phải rửa bát. Tôi rất sợ rửa bát cho nên thường ăn rất nhanh và hầu như suốt bẩy năm ở Mông cổ tôi ít khi phải rửa bát. Việc này cũng làm cho nhiều đại ca phải sống với tôi rất phiền lòng. Nhân dịp này tôi cũng xin gửi lời cáo lỗi đến các bậc huynh trưởng và xin hứa nếu kiếp sau còn được ở với nhau tiểu đệ sẽ sửa lỗi lầm.
Tôi nhớ mãi vào một buổi chiều mùa đông lạnh giá. Nhiệt độ dưới hai mươi độ âm. Hôm đó đến phiên tôi phải đi mua đồ ăn cho cả phòng. Chiều học xong 2 tiết, tôi gửi cặp sách cho bạn mang về và cuốc bộ đến cửa hàng giao tế để mua hàng. Các bạn biết đường từ trường Tổng hợp đến cửa hàng giao tế phải xa gần 3 km. Hôm đó thấy có dâu tây ngon tôi mua thêm vài ký. Thế là một tay xách 10 kg gạo, tay còn lại xách thịt, rau, dâu tây cũng phải trên 10 kg. Hăng hái được khoảng 500 m. Sau đó cứ đổi tay cho dù 2 túi nặng gần như nhau và nghỉ liên tục. Quãng đường nghỉ cứ ngắn dần, ngắn dần. Có lúc tôi chỉ muốn quẳng hết đi vì trời quá lạnh, mệt thở không ra hơi, phổi đau rát, chân tay mỏi nhừ tê cóng. Cố gắng lê mãi cũng về được đến vườn hoa sau nhà Quốc hội. Tôi không thể đi thêm được nữa. Tôi bỏ hết đồ trên đường và ngồi phịch xuống ghế công viên để nghỉ. Mệt mỏi, chán chường. Tôi cảm thấy sao mà khổ thế. Nước mắt cứ ứa ra và cổ tôi nghẹn ngào không thở được. Tôi cố tìm cách nín khóc để thở và... bỗng tôi thở hắt ra được và khóc òa thổn thức. Tôi khóc thực sự, khóc to như một đứa trẻ. May là lúc đó không có ai đi ngang qua. Tôi vừa khóc vừa gọi mẹ. Sau một lúc ngớt cơn khóc tôi nhớ về Mẹ. Con người ta vào những lúc khó khăn nhất của cuộc đời luôn cầu cứu Mẹ. “Mẹ ơi” đó là câu cửa miệng của mỗi người thốt ra khi gặp điều gì đó bất ngờ, sung sướng hay đau khổ. Nhớ đến mẹ tôi thấy hiện lên một cuốn phim về cuộc đời lam lũ vất vả của mẹ. Tôi nhận thấy nỗi khổ của tôi lúc này chưa bằng hạt cát giữa biển khơi cuộc đời của Mẹ...
Quê tôi trước đây thuộc vùng Kinh Bắc, nay là ngoại thành Hà nội, nơi các làn điệu quan họ luôn thấm vào mỗi tâm hồn từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ tôi nghe các cụ kể lại là một liền chị có tiếng vừa xinh đẹp lại hát hay. Chẳng hiểu có phải do Mẹ tôi sinh vào năm Đinh, Nhâm, Quí, Giáp cao số không mà tình duyên lận đận. Đúng như người ta thường nói “ Hồng nhan, bạc phận ”. Mẹ tôi phải làm lẽ khi tuổi đã gần ba mươi. Bố tôi là con người cao to, đẹp trai, hào hoa, phong nhã. Nghe Mẹ tôi kể thì tài tán gái và hát cô đầu của cụ các con cháu không ai theo kịp.
Do muộn bề con cái, Bố tôi đến với Mẹ bởi yêu nét người của Mẹ cho dù Bố tôi kém Mẹ đến hai tuổi. Sau khi cưới, Mẹ già có con ngay và chỉ sinh được một anh trai còn Mẹ tôi cũng sinh cho Bố tôi 2 trai và 2 gái. Mẹ tôi rất đảm đang. Lấy Bố tôi Mẹ dùng tiền riêng mua mảnh đất để ở riêng chứ không ở chung với Ông Bà nội. Chỉ trong khoảng 10 năm Mẹ đã mua được 3 mẫu ruộng và một mẫu đất vườn. Mẹ vay mượn xây được ngôi nhà ngói 5 gian bề thế. Các bạn phải biết rằng trong kháng chiến chống Pháp, một gia đình nông dân mà xây được nhà ngói không phải dễ dàng nhất là đối với một người phụ nữ một nách 4 con nhỏ. Những lúc nông nhàn Mẹ tôi gồng gánh đi các làng thu mua sắt vụn. Cuộc đời bốn anh chị em tôi hằn trên hai vai u cục bởi gánh nặng và đi bộ nhiều của Mẹ.
Tôi là khắc tinh của Cha và là tội đồ của Mẹ. Khi tôi được sinh ra, làng tôi đã bị giặc Pháp càn quyét. Chúng đã đốt cháy hết các ngôi nhà trong làng bởi làng tôi là làng du kích. Bố tôi cũng bị bắn trong trận càn kinh hoàng đó. Mẹ tôi kể lại là nhà tôi bị chúng chất cây đỗ khô vào đầy nhà và đốt. Ngọn lửa cháy gần một ngày nhà mới đổ vì các cột gỗ lim vừa to vừa chắc. Nhà cháy, chồng chết. Tôi không hiểu với sức mạnh nào mà Mẹ đã vượt qua được những khổ đau, chất chồng ngày ấy. Có lẽ bốn anh chị em chúng tôi là lý do, là sức mạnh, là điểm tựa để Mẹ vượt qua được chính bản thân trong những thời khắc nguy nan nhất của cuộc đời.
Với hai bàn tay trắng, mẹ đã cùng bà con trong làng dựng tạm lại nhà để ở và xây dựng lại cuộc sống mới. Do vất vả, buồn đau, Mẹ không có sữa cho tôi bú. Ba tháng tuổi tôi đã phải ăn nước cháo. Tôi gày gò, bé nhỏ như thằng đánh bả gà cho nên Mẹ thương và cưng chiều tôi nhất. Mỗi lần Mẹ đi bán sắt vụn bên Hà nội về tôi lại được một xâu bánh phồng xanh đỏ hình các con giống. Bỏ miếng bánh vào mồm, chưa kịp nhai bánh đã tan theo nước bọt đang ứa đầy miệng. Tôi rất hay ốm vặt. Những khi tôi bị ốm Mẹ đi chợ về thay vì bánh phồng là một miếng gan hay thịt nạc luộc. Mẹ bắt tôi phải ăn hết ngay kẻo Anh, Chị tôi biết. Kỷ niệm tuổi thơ của riêng tôi là xâu bánh phồng xanh đỏ hay miếng thịt lợn luộc béo ngậy đã theo tôi suốt cuộc đời.
Nhà tôi ngày càng nghèo bởi món nợ hai lần làm nhà. Cứ mùa xong là nhà chẳng còn hạt thóc vì phải trả nợ hết. Cả nhà tôi phải ăn độn khoai lang khô nhiều khi đã bị mốc xanh lè. Mẹ được cử làm cán bộ phụ nữ xã và bị buộc không được đi buôn bán nữa. Nhà đã nghèo nay lại càng nghèo...
Vào năm học cấp 3, tôi bắt đầu thay da đổi thịt, luôn cảm thấy đói và lúc nào cũng tưởng như chưa được ăn. Chiều về bao giờ cũng tranh nấu cơm vì tôi biết là Mẹ ăn sau bao giờ cũng để lại chút cơm để dành cho tôi lúc đi học về bụng luôn bị đói. Chút cơm nguội ăn với vài hạt muối biển đầy sạn mà cảm thấy ngon hơn cả sơn hào hải vị bây giờ. Tôi nhớ mãi vào một đêm năm tôi học lớp 9. Hôm đó có trận đấu bóng giao hữu giữa các khối (tôi tuy người bé nhỏ nhưng là tiền đạo có hạng) chắc do vận động nhiều mà đêm đó tôi không sao ngủ được vì đói. Bụng đau quặn, réo sôi sùng sục. Tôi nằm khóc tức tưởi vì đói. Mẹ nghe thấy tôi khóc, biết rõ nguồn cơn. Giữa đêm khuya Mẹ đã lục cục dạy xuống bếp nấu cho tôi bát cơm nóng hổi. Cơm nóng ăn với sung muối sao mà ngon đến thế. Giá lúc đó có ai đề nghị đổi bát cơm lấy cả núi vàng chắc chắn tôi cũng không đổi. Tôi ăn ngấu nghiến. Mẹ ngồi bất động nhìn tôi ăn. Khuôn mặt hốc hác của mẹ đẫm đầy nước mắt. Tôi không dám nhìn Mẹ. Tôi biết nếu lúc đó tôi khóc hay không ăn chắc sẽ làm Mẹ tủi thân gấp vạn lần. Tôi vừa ăn vừa nuốt ngược dòng nước mắt. Tôi xót xa thấy thương Mẹ vô cùng.
Kể từ hôm đó, những buổi không phải đi học tôi cố gắng đi làm phụ Mẹ. Các bạn biết không thời ấy chúng tôi chỉ là lao động phụ. Dù có làm tốt đến mấy cũng chỉ được tính 5 điểm. Còn lao động chính là xã viên hợp tác xã thì được tính 10 điểm. Một ngày công 10 điểm đến mùa được lĩnh 800g thóc. Thật xót xa. Hết giờ làm tôi lại đôi quang gánh đi nhặt phân rơi. Mỗi tháng cân cho Hợp tác xã cũng được vài tạ. Số phân đó được trả bằng thóc đã đỡ thêm cho Mẹ phần nào...
Tôi chợt bừng tỉnh vì tiếng cười đùa của đàn em nhỏ tan trường. Nhìn các em vui vẻ, hạnh phúc, no đủ tôi ước ao sau này sẽ phấn đấu để các con tôi cũng được như vậy. Có như thế mới đền đáp được công lao mà Mẹ đã dành cho tôi. Tôi cảm thấy mạnh khỏe hơn. Hai tay hai túi hàng nặng, tôi bước nhanh về ký túc xá để chuẩn bị cơm chiều.
Trên 40 năm đã trôi qua, tôi không bao giờ quên được mùi vị của bát cơm sung muối ngày đó. Cho dù ở bất cứ nơi đâu tại châu Âu hay châu Mỹ mỗi khi gặp khó khăn tôi lại nghĩ đến Mẹ. Những lúc ấy hình bóng mẹ ngồi khóc nhìn tôi ăn cơm sung muối lại hiện về tiếp cho tôi thêm sức mạnh và sưởi ấm lòng tôi...
Mùa Vu lan năm Tân Mão
0 nhận xét:
Đăng nhận xét