BẠN CÓ THÍCH CHỜ ĐỢI ?

BẠN CÓ THÍCH CHỜ ĐỢI ?

Khởi nghiệp đang là trào lưu và rất nhiều người muốn theo đuổi con đường này. Tuy nhiên trước tình hình kinh tế suy thoái và rơi vào tình cảnh tồi tệ, không ít người lưỡng lự. Vậy bây giờ có phải là thời điểm tốt để khởi nghiệp hay không?




Hãy lắng nghe ý kiến của Paul Graham, người sáng lập Y-Combinator, vườn ươm khởi nghiệp thành công và nổi tiếng nhất nước Mỹ, một trong những người có ảnh hưởng nhất cộng đồng startup tại Mỹ.

Nhiều chuyên gia sợ rằng nền kinh tế không mấy sáng sủa hiện nay không khác gì những năm 75 thế kỉ trước...


Nhưng đấy cũng là thời điểm Microsoft và Apple được thành lập.

Điều đó gợi ý rằng lúc kinh tế suy thoái chưa hẳn là không tốt để bạn khởi nghiệp. Sự thật còn rõ ràng hơn: Tình hình kinh tế thực ra không ảnh hưởng gì nhiều.

Có một điều chúng tôi rút ra được sau khi đầu tư vào hàng đống các công ty khởi nghiệp (startup) đó là:


Phẩm chất của người sáng lập mới ảnh hưởng đến sự thành bại. Tình hình kinh tế cũng có ảnh hưởng, nhưng chả là gì so với vai trò của người sáng lập.


Điều đó có nghĩa rằng vấn đề ở đây là bạn là gì chứ không phải bạn khởi nghiệp khi nào. Nếu bạn giỏi, bạn sẽ thành công ngay cả khi kinh tế xấu. Ngược lại, nếu bạn kém thì nền kinh tế dù có tốt cũng chẳng cứu được bạn. Nếu cứ nghĩ rằng "Không nên bắt đầu kinh doanh khi kinh tế đang xấu" thì cũng dở chả khác gì cho rằng "Cứ đơn giản mở một công ty là sẽ giàu" khi thị trường có dấu hiệu bong bóng.


Vậy nếu muốn tăng cơ hội cho mình, bạn nên quan tâm đến việc tìm người đồng sáng lập nhiều hơn là tình trạng của nền kinh tế. Và những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của công ty sẽ không nằm ở các bản tin, mà ở trong tấm gương, khi bạn nhìn vào chính bản thân mình.


Nhưng với những người đang muốn khởi nghiệp, có đáng để chờ cho đến khi kinh tế sáng sủa hơn? Có thể đáng để chờ nếu bạn định mở một nhà hàng, nhưng chả ích gì khi bạn làm công nghệ. Công nghệ phát triển nhanh hay chậm độc lập với thị trường chứng khoán. Vậy nên khi có ý tưởng, bắt tay vào làm ngay sẽ tốt hơn là ngồi chờ. Sản phẩm đầu tiên của Microsoft là trình thông dịch Basic cho máy Altair, và đó chính là thứ người ta cần khi đó vào năm 1975. Nếu Bill Gates và Allen hoãn đến năm sau thì có lẽ đã quá muộn.


Tất nhiên bạn còn nhiều ý tưởng khác nữa sau này. Luôn có những ý tưởng mới. Nhưng nếu bạn đang có một ý tưởng cụ thể, hãy tiến hành làm ngay.


Điều này cũng không có nghĩa rằng bạn có thể lờ đi tình hình kinh tế. Khi kinh tế khó khăn thì cả khách hàng lẫn nhà đầu tư đều ít tiền. Khi khách hàng không dư dả thì cũng không hẳn là vấn đề, thậm chí bạn còn có thể đắc lợi từ đó bằng cách bán các sản phẩm giá rẻ. Các công ty mới thường cạnh tranh bằng giá thấp, vì vậy ở khía cạnh này khi kinh tế khó khăn bạn sẽ có lợi hơn các công ty lớn.


Nhà đầu tư mới là vấn đề thực sự. Thường các startup cần phải có một khoản đầu tư bên ngoài, và khi kinh tế không tốt các nhà đầu tư cũng dè dặt hơn. Thực ra họ không nên như vậy. Ai cũng biết rằng ta nên mua khi tình trạng kinh tế xấu (giá rẻ) và nên bán khi kinh tế tốt. Nhưng, trong thị trường cổ phiếu, thời điểm tốt được định nghĩa là lúc mọi người đều nghĩ nên mua vào, mà thực tế thì không phải lúc nào cũng như vậy. Và đó là lý do tại sao chỉ có một số nhỏ những người đi ngược với đám đông mới có những quyết định đầu tư đúng đắn.


Thế nên, vào năm 1999, khi bong bóng dot-com bùng nổ, nhà đầu tư chen lấn nhau để mua vào cổ phiếu của một startup tồi, và hiện nay ta có thể đoán là họ sẽ lại dè dặt mua ngay cả những cổ phiếu của công ty tốt.


Bạn cần phải thích ứng với điều này. Thực ra cũng chả phải điều gì mới: các startup luôn phải thích ứng với sự đỏng đảnh của nhà đầu tư. Thử hỏi bất kì người sáng lập ở bất kì ngành nào xem nhà đầu tư của họ có hay õng ẹo không, và để ý đến thái độ của họ xem. Nay phải giải thích làm cách nào công ty của bạn sẽ phát triển, mai phải giải thích làm cách nào để chống chọi với suy thoái.


Thật may, cách bạn làm startup cũng giống như cách bạn chống chọi với suy thoái: vận hành với chi phí thấp nhất có thể. Bao năm nay tôi vẫn luôn nói với các nhà sáng lập rằng con đường chắc chắn nhất đi đến thành công đó là trở thành "những con gián" trong một thế giới toàn các tập đoàn khổng lồ (biết khôn ngoan lựa chọn vị trí an toàn cho mình, dù vị trí đó không được hào nhoáng cho lắm). Khi hết tiền, một startup sẽ chết ngay lập tức. Vì vậy chi phí hoạt động càng thấp thì bạn càng khó chết. Và cũng thật may mắn chi phí hoạt động cho một startup thường thấp. Dù một đợt suy thoái thế nào xẩy ra thì nó vẫn cứ rẻ.


Nếu thảm họa hạt nhân có xảy ra thì thà làm "con gián" còn hơn giữ việc làm ở các công ty lớn. Khách hàng sẽ ra đi lần lượt khi họ không còn đủ tiền trả cho bạn, nên bạn sẽ không bất ngờ mất hết khách. Thị trường không đối xử với bạn như cách các công ty "sa thải nhân sự".


Giả sử nếu bạn đã bỏ việc, startup của bạn thất bại và bạn không tìm được việc làm khác thì sao? Sẽ là vấn đề nếu bạn làm việc trong mảng sale và marketing, vì sẽ cần hàng tháng trời để tìm việc mới khi kinh tế khó khăn. Nhưng các hacker (những người đam mê và có khả năng trong ngành công nghệ nói chung) thì linh động hơn. Những hacker giỏi luôn tìm được việc gì đó để làm. Có thể không được như mơ những ít nhất cũng không chết đói.


Một lợi thế khác khi kinh tế xấu đó là sẽ có ít cạnh tranh hơn. Công nghệ cũng như những đoàn tàu đều đặn rời ga. Nếu mọi hành khách khác đang nép vào góc vì sợ, bạn có thể có cả khoang để đi.


Là người sáng lập, bạn cũng là một nhà đầu tư. Bạn mua cổ phiếu bằng công sức của mình. Lý do Larry và Sergey giàu không hẳn bởi họ đã làm ra những thứ trị giá hàng chục tỉ đô, mà bởi họ là những nhà đầu tư đầu tiên vào Google. Và cũng như bất kì nhà đầu tư nào khác, bạn nên mua khi tình hình khó khăn.


Vài đoạn trước bạn có gật gù đồng ý rằng mấy tên đầu tư thật ngu không, khi tôi nói họ chần chừ đầu tư vào thị trường xấu, ngay cả khi đó là thời điểm đáng lý ra rất nên đổ tiền vào? Các ông sáng lập cũng không khá hơn. Khi tình hình khó khăn, nhiều người chọn con đường đi học tiếp. Chắc hẳn lần này cũng vậy. Thực ra, chính tại vì hầu hết mọi người đều không tin những gì tôi nói ở vài đoạn trước - ít nhất là họ cũng không dám làm thử như tôi nói.


Vậy có thể thời kì suy thoái là lúc tốt để khởi nghiệp. Cũng khó nói liệu lợi thế từ việc ít bị cạnh tranh có bù được bất lợi khi ít được đầu tư không. Dù sao kiểu gì cũng không phải là vấn đề lắm. Quan trọng là ở con người. Và dù là ai đi chăng nữa nhất là trong ngành công nghệ, thời điểm hành động luôn là ngay bây giờ.


Paul Graham/Pandora
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét