Làm báo kiểu mới
Trái ngược với nhiều tiên đoán bi quan về tương lai của báo chí, có nhiều dấu hiệu cho thấy báo chí đang phát triển mạnh! Thoạt nghe rất trái tai nhưng cũng rất dễ đồng tình với nhận xét này nếu chúng ta không đánh đồng “báo chí” với “báo in”.
Ngày xưa, có lẽ thói quen của nhiều người là sáng ra, cầm tờ báo đọc một mạch các tin bài quan trọng rồi thôi. Có ai sáng đã đọc rồi, trưa vẫn tìm báo đọc, chiều tìm tin mới và tối loay hoay lùng sục các sạp báo coi còn sót tờ nào nữa không! Hiếm lắm.
Nhưng đó chính là hình ảnh cách đọc báo của nhiều người hiện nay. Họ đọc sáng, đọc chiều, đọc tối; họ đọc trên máy tính, quay sang đọc trên máy điện thoại di động, tối về nằm đọc trên máy tính bảng. Họ đọc tờ này, nhảy sang tờ khác, tin trên mạng này, qua tin trên mạng khác. Họ đọc bất kỳ khi nào có bạn bè giới thiệu.
Như vậy đã có thể kết luận được chăng, rằng nhu cầu tin tức vẫn tăng mạnh, chỉ có điều cái phương tiện chuyển tải thông tin không còn là tờ báo in nữa mà thôi.
Vậy cái nghịch lý nhu cầu đọc tin tăng, nhu cầu đọc báo in giảm, sẽ dẫn chúng ta đi đâu, sẽ đưa tương lai báo chí về chỗ nào?
Trong một bài viết gần đây, giảng viên trường Harvard Kennedy School Nicco Mele tiên đoán tương lai của báo chí là mô hình báo nhỏ. Dù Mele không nói mô hình báo nhỏ là như thế nào, có thể hình dung theo kịch bản dưới đây. Đã từng có người giả định trong tương lai một nhạc sĩ chỉ cần có 1.000 người hâm mộ thật sự, sẵn sàng trả 100 đô-la mỗi người trong một năm cho nhạc sĩ này yên tâm sáng tác, không còn phải lo lắng giữa “nhạc thị trường” hay “nhạc nghệ thuật”. Mô hình này có thể tồn tại là nhờ tính kết nối thông qua Internet.
Nay giả thử một một nhà báo, có chừng 5.000 người theo đọc (trên blog cá nhân hay trên Facebook), mỗi người sẵn lòng bỏ ra chừng 100.000 đồng/năm trả cho nhà báo này để được đọc tin bài do anh sản xuất, vị chi anh ấy sẽ có thu nhập chừng 500 triệu đồng/năm! Nghe như chuyện giả tưởng nhưng cứ nghĩ lại, mỗi tháng, bấm 10.000 đồng (bằng giá hai tờ báo ngày hiện nay) chuyển cho anh nhà báo qua điện thoại di động để được đọc tin bài mà mình thích, e cũng không đến nỗi quá viễn vông. Vấn đề là bản quyền bởi nếu tin bài nào đăng lên đều bị nơi khác lấy lại vô tội vạ thì mô hình này sẽ đổ vỡ ngay.
Và nghĩ xa hơn một chút, người đọc làm “fan” một hai nhà báo kiểu đó thì được còn bắt họ đọc gì cũng phải trả tiền kiểu đó, chắc chắn cũng không khả thi. Nói cách khác, mô hình nhà báo đơn độc như trên ắt chỉ thành công với một số người đếm được trên đầu ngón tay và như thế cũng không giải quyết được gì cho mô hình báo chí và nghề báo trong tương lai.
Từ đó mới thấy những mô hình làm báo mới xuất hiện có lý của nó và có thể thành công. Đó là một mô hình dựa vào mô hình xuất bản của Amazon, loại bỏ nhà xuất bản trung gian, chỉ còn người đọc và nơi phát hành sách. Áp dụng vào báo chí, đó là sự loại bỏ cơ quan báo chí, chỉ còn lại người viết và nơi chuyển tải nội dung đến tận tay người đọc.
Trở lại giả định nói trên, thay vì 5.000 người, anh nhà báo có đến 50.000 người đọc, đương nhiên “phí nuôi sống” anh sẽ tụt xuống còn 10.000 đồng/năm chứ không còn phải đến 100.000 đồng/năm như trước nữa. Hay nói cách khác có chỗ nào đó bán sỉ, tập hợp được 10 anh nhà báo như thế thì người đọc vẫn trả tiền như cũ nhưng đọc được bài viết của 10 người thay vì chỉ 1 người. Đó là bộ khung của mô hình báo quy mô nhỏ của tương lai.
Sẽ có người lo ngại, như thế những ai viết chuyện giật gân, câu khách sẽ sống khỏe và dần dần sẽ chỉ còn những bài viết rẻ tiền, dung tục? Rất có thể như vậy nhưng cũng rất có thể nhu cầu thông tin của con người không xoay quanh chuyện xì-căng-đan của các sao giải trí; họ thật sự cần những kiến giải giúp hoạch định cuộc sống.
Lấy ví dụ, các doanh nhân đang lo chuyện phải cạnh tranh khi thuế nhập khẩu giảm ắt rất muốn biết một phân tích sâu tình hình, kèm theo là những khuyến nghị hữu ích. Lúc đó chắc họ sẵn sàng trả tiền để đọc bài đang cần tìm và không chịu bỏ xu nào cho loại bài nhảm nhí.
Như vậy, tương lai của tổ chức báo chí gồm đầu ra nhỏ, phục vụ cho một số đối tượng chứ không phải đại trà, thu tiền người đọc chứ không phải sống nhờ quảng cáo. Đã có những tổ chức báo chí kiểu mới như thế đang sống được, sống khỏe ở các nước.
Cách viết tin bài cũng thay đổi để làm sao người làm tin bài như một nhà tư vấn, một người bạn tâm tình, vừa cung cấp chuyện mới, vừa giải thích nó là gì, nó tác động đến cuộc sống ra sao, cần phải có thái độ như thế nào. Cách đưa tin cũng phải thay đổi, ưu tiên cho sự tương tác với người đọc. Người đọc phải có tiếng nói, như thể tạo dựng một cuộc trò chuyện thì tin bài mới có sức lan tỏa. Người đọc sẽ giúp lọc tin sai, tin viết ẩu, họ sẽ làm giám khảo nghiêm khắc cho mỗi bài viết. Bốn cột trụ làm nên nghề báo vẫn còn đó mà người bình thường không thay được: xác minh, giải thích, chứng kiến và điều tra.
Vấn đề còn lại là tính tổ chức của tòa soạn bởi để một bài báo có chất lượng ra đời, đâu phải chỉ là công sức của người viết, nó còn là sự kiểm chứng thông tin của nhiều người khác, là công sức biên tập, là sự hỗ trợ thông tin nền, là sự động não tập thể về đề tài và hướng triển khai, là uy tín của một tổ chức giúp người viết tiếp cận được nguồn tin. Nhìn ở góc độ này, cuộc tìm kiếm mô hình báo chí cho tương lai vẫn tiếp diễn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét