Mấy hôm trước báo chí rộ lên chuyện đào tạo y khoa, và có một số ý kiến nói rằng chương trình đào tạo bác sĩ VN không giống ai. Trong bài này tôi bàn về mô hình đào tạo y khoa bên Úc và vài so sánh bên VN. Bài này hơi mất tính thời sự vì chuyện bây giờ không còn ồn ào nữa. Nhưng thế lại hay vì mình có thì giờ suy nghĩ về những vấn đề chung quanh. Bài đã đăng trên TTCT và đây là bản gốc.
Tình trạng thiếu bác sĩ ở Việt Nam, đặc biệt ở các vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, rất nghiêm trọng và đã kéo dài qua nhiều năm nhưng vẫn chưa cải tiến. Trước nhu cầu lớn như thế, không ngạc nhiên khi các quan chức muốn mở rộng các chương trình đào tạo y khoa. Nhưng cũng như bất cứ ngành nghề nào, số lượng và phẩm chất là hai khía cạnh rất khác nhau. Trong ngành y, vì có liên quan đến tính mạng của con người, nên phẩm chất đào tạo – chứ không phải số lượng – cần phải xem là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiều người phàn nàn rằng Việt Nam thiếu bác sĩ, nhưng con số thực tế cho thấy một bức tranh khác. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ở VN cứ10,000 dân thì có 12 bác sĩ, và con số này tương đương (hoặc cao hơn) so với Thái Lan và Malaysia (12 trên 1 vạn dân), nhưng thấp hơn so với các nước Âu châu (khoảng 40 bác sĩ trên 1 vạn dân). Tuy nhiên, tình trạng thiếu bác sĩ ở vùng ĐBSCL có thể xem là nghiêm trọng. Tính trung bình, cứ 10,000 dân trong vùng ĐBSCL chỉ có ~6 bác sĩ, tức chỉ bằng phân nửa tỉ lệ quốc gia.
Đứng trước tình hình thiếu thốn bác sĩ và nhu cầu sức khoẻ đặt ra trong cộng đồng, không ai ngạc nhiên khi các quan chức nóng lòng đào tạo nhiều bác sĩ để đáp ứng nhu cầu. Nhưng cũng vì sự hấp tấp này mà một số chương trình đào tạo y khoa ở ĐBSCL được xem là “không giống ai”. Thật ra, có thể nói rằng hầu hết các chương trình đào tạo y khoa, nhất là sau đại học, của VN cũng khác với thế giới. Tôi nghĩ có thể xem mô hình đào tạo bác sĩ ở Úc như là một điểm để tham khảo, vì chương trình đào tạo bác sĩ ở Úc được đánh giá cao. Chẳng hạn như chương trình y khoa của Đại học New South Wales và Sydney nằm trong “top 50” trên thế giới. Bài này sẽ giới thiệu một số nét chính về đào tạo y khoa ở Úc và vài suy nghĩ về đào tạo y khoa ở Việt Nam.
Hai mô hình đào tạo
Ở Úc chương trình đào tạo bác sĩ cấp đại học thường theo hai mô hình chính. Mô hình thứ nhất có thể tạm gọi là “mô hình cử nhân”; theo đó, các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xuất sắc được tuyển chọn qua kì thi có tên là UMAT (Undergraduate Medicine and Health Sciences Admission Test) và phỏng vấn cá nhân. “Xuất sắc” ở đây có nghĩa là điểm tốt nghiệm trung học phổ thông phải ở mức 99-100%. Sinh viên được tuyển thường theo học 5-6 năm (tuỳ trường) và tốt nghiệp với bằng cử nhân y khoa và cử nhân phẫu thuật (MBBS). Nhưng bắt đầu từ 2011, một số trường y của Úc đã theo xu hướng chung trên thế giới và thay đổi tên văn bằng MBBS thành M.D (tức Doctor of Medicine).
Mô hình thứ hai là mô hình sau đại học, và gần đây (từ 2011) được nhiều trường y ở Úc ưa chuộng. Theo mô hình này, các thí sinh đã tốt nghiệp cử nhân với hạng xuất sắc muốn theo học y khoa sẽ được tuyển chọn qua một kì thi GAMSAT (Graduate Australian Medical Schools Admission Test) và phỏng vấn cá nhân. Với mô hình này, sinh viên theo học y khoa 4 năm, và cũng tốt nghiệp với văn bằng M.D. Có thể nói rằng mô hình sau đại học rất tương đương với mô hình đào tạo y khoa ở Mĩ.
Chương trình huấn luyện cấp cử nhân (MBBS hay MD) thường được cơ cấu thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là chương trình học cơ bản (7-8 course), như quá trình phát triển của một cá nhân, lão hoá, môi trường, xã hội, và y đức. Giai đoạn 2 là học tiền lâm sàng. Giai đoạn 3 là tập trung học về lâm sàng, nhưng vẫn học khá nhiều môn về khoa học cơ bản và khoa học xã hội. Ba giai đoạn học kéo dài khoảng 5-6 năm.
Sau khi tốt nghiệp M.D. (hay MBBS) các bác sĩ còn phải qua hai giai đoạn huấn luyện trước khi hành nghề độc lập. Tất cả các sinh viên tốt nghiệp y khoa phải qua ít nhất một năm làm việc dưới sự hướng dẫn và giám thị của của một bác sĩ có thâm niên cao. Giai đoạn này được gọi là internship(thực tập), và thường xoay quanh các khoa cấp cứu, y khoa tổng quát, và ngoại khoa. Sau khi hoàn tất chương trình internship, trên lí thuyết, bác sĩ có thể đăng kí với Hội đồng Y khoa (Medical Board) của bang, và có thể hành nghề độc lập. Nhưng trong thực tế thì hầu hết bác sĩ sau giai đoạn internship phải qua một giai đoạn huấn luyện nội trú (gọi là resident) thường kéo dài 2 năm (nhưng cũng có khi 3 năm) trước khi trở thành độc lập. Giai đoạn này có thể xem như là sau đại học, và cũng là thời gian mà bác sĩ quyết định nên theo đuổi sự nghiệp chuyên khoa hay hành nghề bác sĩ đa khoa.
Ở Úc, đào tạo chuyên khoa thường do các trường college quản lí. Mỗi chuyên khoa có một college (không thuộc đại học). Ở Úc có hơn 10 college chuyên khoa. Thời gian huấn luyện để thành bác sĩ chuyên khoa rất khác nhau giữa các chuyên ngành, nhưng thường là 3-6 năm. Trong thời gian theo học chuyên khoa, bác sĩ có danh xưng là registrar. Sau khi đã hoàn tất chương trình huấn luyện chuyên khoa của các college, bác sĩ registrar được trao chức danh fellow, và bây giờ họ đã trở thành bác sĩ chuyên khoa (specialist). Bác sĩ chuyên khoa có thể hành nghề tư, hoặc trong bệnh viện với vai trò consultant (cố vấn).
Do đó, tính từ lúc đào tạo cấp cửa nhân đến lúc hành nghề độc lập như là một bác sĩ đa khoa, một cá nhân phải qua gần 9 năm học và huấn luyện. Để trở thành bác sĩ chuyên khoa, thời gian học và huấn luyện có thể dao động từ 12 đến 15 năm. Đó là một thời gian khá dài so với các ngành nghề khác, nhưng dĩ nhiên y khoa vì liên quan đến con người, nên không có sự nhân nhượng về chất lượng và thời gian đào tạo. Hiện nay, một số chuyên gia về giáo dục y khoa đang kêu gọi kéo dài thời gian đào tạo bác sĩ đa khoa để đáp ứng nhu cầu sức khoẻ trong thế kỉ 21. Bác sĩ đa khoa trong thế kỉ 21 không chỉ có kĩ năng tốt về lâm sàng, mà còn phải có kĩ năng quản lí các bệnh mãn tính và phòng bệnh từ cơ sở.
Một vài so sánh
Nhìn chung, các chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa ở Việt Nam (như Đại học Y Hà Nội) có khá nhiều khác biệt so với với các chương trình bên Úc. Khác biệt từ khâu đầu vào và chương trình giảng dạy. Ở Việt Nam sinh viên có thể theo học ngành y theo chương trình “cử tuyển” hay nâng cấp từ y sĩ trung cấp thành bác sĩ. Nhưng ở Úc thì tuyệt đối không có chế độ cử tuyển và nâng cấp, nhưng có việc dành ưu tiên (tức hạ một ít điểm) cho ứng viên người thổ dân vì cộng đồng này rất ít bác sĩ. Ngành y có liên quan mật thiết đến con người, do đó, những người theo học phải được tuyển chọn rất cẩn thận, chứ không có cử tuyển. Ứng viên không chỉ phải có điểm tốt nghiệp trung học rất cao, mà còn phải qua một kì phỏng vấn để sàng lọc những ứng viên thật sự có tâm. Người viết bài này tham gia phỏng vấn hàng năm, và thấy qui trình cũng như câu hỏi chủ yếu nhắm đến việc tuyển chọn những ứng viên thật sự quan tâm đến việc phục vụ người dân chứ không phải vào ngành y để … kiếm tiền.
Ở Việt Nam, tôi thấy chương trình học y khoa dành khá nhiều thời lượng (lên đến 25%) cho các môn học chính trị và kinh tế. Chẳng hạn như ở trường y, tổng số đơn vị học là 320, trong đó có đến 82 đơn vị là liên quan đến lịch sử triết học, triết học Mác Lê, Kinh tế chính trị Mác Lê, lịch sử đảng, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v. Nhưng ở Úc, sinh viên y khoa không cần học các môn học chính trị và triết học hay kinh tế học; thay vào đó, họ học y đức và khoa học xã hội và nhân văn.
Thời gian đào tạo bác sĩ đa khoa ở Úc không khác so với Việt Nam, nhưng có khác biệt rất lớn về đào tạo bác sĩ chuyên khoa. Ở Úc và có thể nói là trên thế giới (có lẽ ngoại trừ China), không có chương trình đào tạo “Chuyên khoa I” và “Chuyên khoa II” như ở Việt Nam, và thời gian đào tạo cũng không phải chỉ 2-3 năm. Có thể nói rằng theo cái nhìn của Úc, các bác sĩ chuyên khoa ở VN không phải là bác sĩ chuyên khoa như ở Úc, nơi mà việc tuyển chọn rất khắt khe và chương trình đào tạo rất chặt chẽ.
Vài suy nghĩ về chất lượng
Vấn đề chất lượng đào tạo ngành y ở Việt Nam được công chúng quan tâm trong thời gian gần đây. Theo thống kê, mỗi năm các trường y đào tạo được 6500 bác sĩ, và theo tôi đó là một con số không nhỏ trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn (ở Úc hiện nay, mỗi năm có khoảng 3000 sinh viên tốt nghiệp bác sĩ đa khoa). Với một số lượng bác sĩ tốt nghiệp như thế, và những tai nạn gần đây, không ngạc nhiên khi công chúng nêu vấn đề chất lượng. Nhưng ít ai nêu câu hỏi cụ thể: thế nào là chất lượng đào tạo trong ngành y. Theo tôi, chất lượng đào tạo có thể tiếp cận từ khâu đầu vào, chương trình đào tạo, đến khâu đầu ra.
Đầu vào ngành y ở VN rõ ràng không đồng đều. Ngoại trừ ở các đại học lớn và lâu đời thì điểm vào ngành y rất cao, còn các trường mới mở thì điểm chưa được xứng đáng với ngành y. Ngoài ra, tình trạng cử tuyển và đào tạo nâng cấp cũng là một vấn đề có thể ảnh hưởng đến chất lượng ngành y. Tôi nghĩ có thể tham khảo mô hình tuyển chọn của Úc mà Mĩ, tức chuyển đào tạo bác sĩ sang mô hình sau đại học, theo đó ứng viên phải tốt nghiệp cử nhân với hạng tốt và phải qua một kì thi tuyển và phỏng vấn để nhận dạng người có khả năng. Dĩ nhiên, vẫn có cơ chế ưu tiên cho các ứng viên vùng sâu vùng xa, và phỏng vấn là một mô hình tuyển chọn rất tốt.
Chương trình đào tạo ngành y ở VN (tôi chỉ nói các trường lớn và tương đối lâu đời) về tên gọi và danh nghĩa cũng không khác so với các trường bên Úc. Nhưng trong thực tế thì có sự khác biệt lớn về nội dung và cơ sở vật chất giữa Úc và Việt Nam. Ở Úc và nhiều nơi trên thế giới (ngay cả Thái Lan), sinh viên y khoa học khá nhiều về khoa học cơ bản và sinh học với thực hành trong labo, nhưng ở VN thì vẫn còn thiếu thầy cô có kinh nghiệm và labo cho sinh viên. Vì thế không ngạc nhiên khi rất nhiều bác sĩ VN chưa cập nhật nổi những kiến thức cơ bản về sinh học, di truyền học, và sinh hoá vốn rất quan trọng cho ngành y. Ngoài ra, nghiên cứu về sinh hoá ở các trường y VN còn rất lu mờ. Số bài báo khoa học quốc tế về sinh hoá của các trường y VN chỉ đếm đầu ngón tay, và phần lớn là do hợp tác với nước ngoài. Trong khi đó số bài báo về sinh học của một đại học Hàn Quốc (như Đại học quốc gia Seoul) đã cao gấp 2 lần tổng số bài báo về sinh học của Việt Nam.
Rất khó đánh giá chất lượng đầu ra, nhưng chúng ta có thể so sánh với một số nước chung quanh về tỉ lệ thi tuyển y khoa. Ở Úc, các bác sĩ tốt nghiệp ở ngoài nước Úc có thể hành nghề y nếu họ qua một kì kiểm định về kiến thức và kĩ năng lâm sàng do Hội đồng Y khoa Úc điều hành. Kết quả kiểm định của các bác sĩ tốt nghiệp từ Việt Nam không được khả quan. Chẳng hạn như năm 2009, có 19 bác sĩ thi về kiến thức y khoa, và chỉ có 7 người (~37%) được đỗ. Tỉ lệ này tương đối thấp khi so với bác sĩ Miến Điện (100% đỗ), Ấn Độ(52%), Nam Phi (68%), và Trung Quốc (43%). Tỉ lệ bác sĩ tốt nghiệp từ Việt Nam đỗ về lâm sàng cũng chỉ dao động trong khoảng 30-50%, và thấp hơn các bác sĩ từ các nước như Philippines, Ấn Độ và Miến Điện.
Đối với việc chăm sóc sức khoẻ, phẩm chất là quan trọng hơn hết. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy khi chất lượng chăm sóc thấp, kể cả trình độ và kĩ năng của bác sĩ, thì nguy cơ tử vong ở bệnh nhân tăng cao. Ở Úc, mỗi năm có trên 15000 bệnh nhân tử vong vì những sai sót y khoa, kể cả sai sót của bác sĩ trong quá trình chẩn đoán, điều trị và quản lí. Đây là những cái chết có thể ngăn ngừa được. Ở Việt Nam, chưa có một nghiên cứu tương đương như thế, nhưng qua phản ảnh trên báo chí về những “tai nạn” y khoa thì con số chắc còn cao hơn bên Úc. Việc hấp tấp tăng số bác sĩ có thể đáp ứng các chỉ tiêu (con số) thống kê, nhưng khó có thể nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân. Không nên nhân danh đáp ứng nhu cầu để hạ thấp các tiêu chuẩn về phẩm chất trong đào tạo y khoa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét