Đây là phần 2 của bài bàn về tác giả công trình khoa học. Bài trước bàn về tiêu chuẩn, bài này đề cập đến vấn đề vị trí tác giả vốn là một đề tài tế nhị. Bạn có thể thành thù (và ngược lại) cũng vì cái vị trí này. Cá nhân tôi có 2 lần trải qua chất vấn về vai trò của mình trong bài báo khoa học. Lần đầu tiên khi tôi xin chức danh NHMRC Fellow, qua lần sàng lọc đến phần phỏng vấn (8 người) họ hỏi tôi rằng sao thấy đứng tên tác giả đầu nhiều quá, vậy ông có thật sự độc lập không? Câu này quan trọng vì nếu tôi giải thích không xong thì họ sẽ đánh rớt. Lần đó tôi bị rớt. Vài năm sau tôi quay lại xin tiếp, và lần này thì tôi đứng tên tác giả cuối cùng hơi nhiều, nên họ lại hỏi “ông có thực sự làm gì không hay chỉ ăn theo nghiên cứu sinh và người trong nhóm?” Thiệt tình! Kiểu nào cũng bị chất vấn. Nhưng dĩ nhiên tôi đã chuẩn bị nên lần đó trả lời ok, và tôi được bổ nhiệm. Câu chuyện cho thấy đứng tên ở đâu trong bài báo cũng quan trọng, nhất là đối với những người mới xây dựng sự nghiệp. (Còn người đã lên đến vị trí đỉnh thì chuyện đứng tên ở đâu không quan trọng nữa; cái quan trọng hơn là xin tiền!)
Nhưng ở VN có nhiều trò (phải nói là “trò”) lợi dụng đứng tên tác giả làm nhiều điều không mang tính khoa học hay học thuật gì cả. Hài hước nhất và thấp nhất là kiểu viết “Nguyễn Văn A và cộng sự”) mà tôi có bàn trong bài này.
Bài đã đăng trên sgtt.vn: http://sgtt.vn/Khoa-giao/183545/Ky-2-Dung-meo-de-cuop-cong.html.
----
Vị trí tác giả và công trạng
Khoảng 50% các bài báo khoa học, nhất là trong ngành y, có 5 tác giả trở lên. Vấn đề đặt ra là cách sắp xếp thứ tự trong danh sách tác giả của bài báo phải như thế nào để phản ánh công trạng của thành viên tham gia trong công trình nghiên cứu. Theo cách hiểu thông thường của người ngoài khoa học, thứ tự tác giả phải dựa vào mức độ đóng góp của tác giả. Theo đó, người có đóng góp nhiều nhất hay quan trọng nhất phải là tác giả số 1; người có công quan trọng kế tiếp phải là tác giả số 2, và tác giả sau cùng có đóng góp ít nhất. Nhưng trong thực tế thì vị trí của tác giả bài báo khoa học có thể không phản ảnh đúng công trạng hay mức độ đóng góp.
Trong khoa học có những qui ước ngầm, những qui ước có khi bất thành văn, mà người ngoài khó hiểu được. Có thể xem đó là một nét “văn hóa ngành”. Chẳng hạn như trong ngành y, tác giả đầu (số 1) thường là nghiên cứu sinh hay những người có đóng góp nhiều nhất cho bài báo và công trình nghiên cứu, và trong trường hợp tác giả số 1 là nghiên cứu sinh, tác giả số 2 thường là thầy cô hay người hướng dẫn của nghiên cứu sinh, và tác giả sau cùng có thể là người đứng đầu của nhóm nghiên cứu (tức “sếp”). Vị trí của các tác giả còn lại là kết quả của thỏa thuận nội bộ, hay quyết định của tác giả sau cùng. Dĩ nhiên, không phải bài báo nào cũng theo qui ước đó, nhưng xu hướng chung là như thế. Chỉ có người trong cuộc mới biết ai là người thực sự đóng góp nhiều ít ra sao. Do đó, đối với độc giả ngoài khoa học, rất khó biết chính xác ai có đóng góp gì cho công trình nghiên cứu.
Mấy năm gần đây, các tập san khoa học có qui định mà theo đó các tác giả phải “khai báo” họ đã đóng vai trò gì, có đóng góp gì trong công trình nghiên cứu. Chẳng hạn như trong công trình nghiên cứu về ô nhiễm arsenic công bố trên tập san Nature, có phần viết về đóng góp của từng tác giả, và chúng ta biết rằng các tác giả Việt Nam chủ yếu là bố trí thử nghiệm và thu thập dữ liệu, và các tác giả ngoại quốc chủ có công trong việc đề xuất ý tưởng, phân tích dữ liệu, và soạn thảo bài báo. Theo tôi thấy cách làm này (tuyên bố công trạng) cần được triển khai ở các tập san khoa học trong nước, vì tính minh bạch và qua đó cho phép người đọc tự đánh giá đóng góp của nhà khoa học.
Ở Việt Nam, có lẽ do hoàn cảnh đặc thù và áp lực đề bạt nên người ta còn có những mẹo rất lạ lùng. Đó là mẹo lợi dụng cụm từ “và cộng sự”. Trong một số bài báo khoa học trên các tập san khoa học nội địa, có những bài báo mà dòng tác giả được ghi theo công thức “Nguyễn Văn A, và cộng sự”. Người đọc không biết “cộng sự” là ai, họ làm việc ở đâu, và có đóng góp gì cho bài báo. Nếu quả thật là “cộng sự” thì họ nên được ghi tên trong phần cảm tạ, chứ không phải đứng tên tác giả. Tuy nhiên, mặt trái của ghi tác giả một cách lấp lửng “và cộng sự” như thế lại có lợi trong việc tính điểm để nâng cao khả năng được phong hàm giáo sư, phó giáo sư! Nếu bài báo có 10 tác giả thì theo qui định, mỗi tác giả được 1/10 điểm, nhưng khi ghi “Nguyễn Văn A, và cộng sự” thì hội đồng chỉ tính 2 tác giả, và ông A được 50% điểm. Mẹo này hài hước đến độ khó tin, và thấp đến độ “xưa nay hiếm”, nhưng nó vẫn được áp dụng trong thế giới học thuật ở Việt Nam!
Đến cướp công
Nhà khoa học xây dựng uy danh của mình trên trường hoạt động khoa học quốc tế cũng giống như một công ti xây dựng thương hiệu trong trường thương mại. Trách nhiệm và uy tín là hai khía cạnh quan trọng số 1 trong việc xây dựng uy danh trong hoạt động khoa học. Đứng tên tác giả của một bài báo khoa học là một hình thức hiển nhiên nhất trong việc tạo uy tín và chịu trách nhiệm khoa học. Nhưng trong thực tế, ai có quyền hay xứng đáng đứng tên tác giả của một bài báo khoa học là một vấn đề tế nhị, thường gây ra tranh cãi, bất hòa trong đồng nghiệp, thậm chí dẫn đến kiện cáo. Ở nước ta, vấn đề này có vẻ trầm trọng hơn, nhưng ít khi nào được bàn đến. Rất nhiều nghiên cứu sinh phàn nàn rằng trong khi họ phải cật lực làm nghiên cứu, các thầy cô lại dành quyền đứng tên tác giả bài báo khoa học!
Cơ cấu quyền lực và qui định bất hợp lí trong các trung tâm khoa học có khi dẫn đến tình trạng cướp công trong khoa học. Năm 1943, Albert Schatz là một nghiên cứu sinh trẻ tuổi với một sứ mệnh tìm cho được thuốc để điều trị bệnh lao. Sau vài năm làm việc cật lực, Schatz khám phá thuốc kháng sinh streptomycin và là tác giả của một bài báo khoa học về khám phá này. Sếp và cũng là người hướng dẫn luận án của Schatz là Selman Waksman, bắt đầu dành công trạng về phía mình, bằng cách làm một cuộc vận động trong giới khoa học rằng ông là người khám phá ra streptomycin và không đề cập gì đến người nghiên cứu sinh của mình! Trong khi Waksman ngấm ngầm dành công trạng, cậu học trò Schatz hoàn toàn không hay biết gì cả, vì trong thực tế, cả Schatz và Waksman cùng kí tên trong bằng sáng chế (patent) streptomycin. Nhưng sau vài năm, Schatz mới biết được rằng Waksman đã bí mật kí một hợp đồng và bán bản quyền sáng chế (với một số tiền lớn) cho một công ti dược lớn, và trong hợp đồng này không có tên của Schatz! Schatz kiện Waksman ra tòa, và phán quyết công ti dược phải trả tiền sáng chế cho Schatz. Tuy nhiên, với vị thế của mình, vận động của Waksman đã thành công mĩ mãn: ông ta được trao giải thưởng Nobel vào năm 1952 vì “có công khám phá streptomycin.” Ủy ban Nobel chẳng biết đến Schatz bao giờ và do đó công trạng của anh ta không hề được ghi nhận. Công trạng của Schatz chỉ mới được tái phát hiện khi giới sử học xem lại quá trình khám phá thuốc kháng sinh quan trọng này.
Đây đó ở Việt Nam cũng xảy ra tình trạng các sếp tự tiện ghi tên họ là tác giả đầu của bài báo khoa học dù công trình là do nghiên cứu sinh làm. Nếu các vị này thực sự có cống hiến quan trọng về ý tưởng, thu thập dữ kiện, phân tích, diễn giải và soạn thảo bài báo, thì cũng không có gì sai trong “thông lệ” này. Nhưng có nhiều trường hợp, các sếp chẳng có cống hiến gì đáng kể cho công trình nghiên cứu, ngoài việc thảo luận đôi ba lần về nghiên cứu và đọc qua bản thảo bài báo, lại có tên trong bài báo, và đó mới là vấn đề cần quan tâm. Có một số trường hợp tệ hại hơn nữa là nghiên cứu sinh chỉ đứng tên trong phần “Cảm tạ”!
Cướp công có khi xảy ra một cách có hệ thống. Có những trường hợp nghiên cứu sinh và một người hướng dẫn hoàn thiện đề cương nghiên cứu, nhưng khi ra trình hội đồng khoa học, người hướng dẫn bị loại ra, và thay vào đó là người của trường đại học địa phương làm người hướng dẫn nghiên cứu! Dĩ nhiên người được chỉ định thay thế chẳng dính dáng gì đến đề tài, chẳng đóng góp 1 chữ nào trong đề cương (chứ chưa nói đến ý tưởng). Việc họ sẵn sàng đứng tên hướng dẫn mà chẳng có dính dáng gì đến đề tài nghiên cứu quả là ngoài sự tưởng tượng của một người có nhân cách bình thường. Điều đáng buồn là những vụ như thế không chỉ xảy ra mà xảy ra thường xuyên ở Việt Nam. Sự việc nói lên văn hóa khoa học có vấn đề.
Mặc dù “tập quán” cướp công và các sếp đứng tên tác giả trong bài báo của các nhà nghiên cứu dưới quyền rất phổ biến, rất nhiều nạn nhân (phần lớn là nghiên cứu sinh) không dám phàn nàn, vì sợ bị trả thù và trù dập. Một số thì giữ “thái độ Hàn Tín”, “nín thở qua sông”. Nếu những người có chức danh ăn cắp ý tưởng của nghiên cứu sinh, hoặc không cho phép nghiên cứu sinh có tên trong các bài báo, hoặc thản nhiên “ngồi nhầm chỗ” trong việc duyệt đề tài và hướng dẫn sinh viên, thì rõ ràng đó là một hình thức cướp bóc trắng trợn.
Cái lực đằng sau của hiện tượng “cướp công” trên là tình trạng bất bình đẳng trong quyền lực khoa học. Những câu chuyện về bóc lột tri thức phát sinh ở bất cứ nơi nào mà các sếp và giáo sư giữ một vai trò mang tính quyết định tương lai của nghiên cứu sinh hay nhà khoa học dưới cấp. Trong cơ cấu bất bình đẳng như thế, vấn đề tác giả và tác quyền là một đề tài cấm kị. Phải làm gì để tránh tình trạng nhập nhằng trong vấn đề quyết định ai là tác giả và vị trí của tác giả trong bài báo ? Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ có thể làm vài việc căn bản sau đây:
· Trường đại học và trung tâm nghiên cứu cần phải phát triển một chính sách cụ thể về đóng góp trong nghiên cứu, và chỉ rõ các điều kiện cần thiết để các nhà nghiên cứu có thể xác định vị trí của tác giả trong bài báo;
· Nên hoạch định tác giả và vị trí tác giả trước khi tiến hành nghiên cứu, nhất là trong giai đoạn thảo luận và thiết kế nghiên cứu;
· Việc hoạch định này phải dựa theo các tiêu chuẩn của ICMJE đề ra, và tất cả các tác giả phải đồng ý trước khi tiến hành nghiên cứu.
Cụm từ “tác giả” là dịch từ chữ “Author” trong tiếng Anh, và từ Author có nguồn gốc Latin là “Auctor” có nghĩa nguyên thủy là người có uy tín hay người có thẩm quyền. Đứng tên tác giả một bài báo khoa học, hiểu theo nghĩa này, cũng có đồng nghĩa với tạo cho mình một uy tín và thẩm quyền, và quan trọng hơn hết là phải chịu trách nhiệm trước công chúng về các phát biểu trong bài báo. Đứng tên tác giả mà không đáp ứng tiêu chuẩn và tráo đổi vị trí tác giả đều là những hình thức vi phạm đạo đức khoa học. Tuy chưa có ai làm nghiên cứu, nhưng qua những bản tin trên báo chí, tình trạng này có vẻ càng ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Một nền khoa học lành mạnh cần phải được xây dựng trên nền tảng của sự minh bạch và liêm chính, chứ không thể dung dưỡng những tác giả ma, tác giả danh dự, và những kẻ cướp công trong khoa học.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét