Hôm nay, 26/1, là ngày Quốc khánh của Úc và thế là tôi có được thêm một ngày nghỉ và nghĩ. Đối với cá nhân tôi đây cũng là ngày đánh dấu thêm một năm ở Úc. Ba mươi lăm năm về trước, đúng vào ngày này, tôi đến phi trường Sydney. Hai năm sau, từ một người không có quốc tịch, tôi trở thành công dân Úc. Thời gian 35 năm là hơn 1/3 thế kỉ (nói vậy cho nó "oai"), gần đủ để suy nghiệm về cuộc đời mình và chung quanh. Tôi nghiệm ra mình ở một vị trí chông chênh giữa một bên là quê hương và một bên là nơi an cư lạc nghiệp.
Một điều lạ lùng là dù thời gian tôi đã ở đây lâu hơn thời gian tôi ở VN, nhưng tôi vẫn không thấy gắn bó với đất nước này. Dù mang quốc tịch Úc, nhưng tôi không xem mình là người Úc. Dù đất nước này đã cho tôi tất cả và tôi cũng đóng góp cho đất nước này hết mình, thậm chí giúp làm nên lịch sử cận đại của Úc, nhưng tôi vẫn không gọi Úc bằng hai chữ "quê hương" ngọt ngào. Lăn lộn và cọ xát trong xã hội này lâu như thế nhưng tôi vẫn thấy mình đứng bên lề. Đọc báo chí Úc hàng ngày, tôi cũng thấy "bức xúc" đó, nhưng lại chép miệng nói "Chuyện của họ" (khác với tâm trạng đọc báo VN tôi lại thấy "Chuyện của mình"). Tôi tự đặt câu hỏi tại sao, và phải lâu lắm mới nghiệm ra điều hiển nhiên là vì mình không sinh đẻ ra ở đây, không có quãng thời gian thiếu niên ở đây, và do đó tôi không chia sẻ lịch sử và những giá trị đi kèm lịch sử, nên tôi mới có cảm giác "bên lề" như thế.
Mà, hình như người ngoại quốc cũng không xem tôi là người Úc. Nhớ có lần tôi nói chuyện trong một hội nghị bên Mĩ, chẳng hiểu vì thích hay vì muốn làm quen, họ bao quanh tôi và hỏi tôi là người gì. Khi tôi trả lời là Australian, họ lắc đầu nói "Không, tôi muốn hỏi trước đó ông đến từ đâu". Khi nói từ VN thì họ mới hài lòng. Năm kia, tôi được mời đến nói chuyện trong một hội nghị lớn ở Jakarta, ban tổ chức nghiễm nhiên ghi tôi là người đến từ Việt Nam, tôi phải nhắc họ là tôi đến từ Úc, nhưng họ nói "Oh, anh là công dân Úc, chứ anh là người Việt Nam, đúng không?" Như vậy, cái căn cước Úc của tôi chỉ là chuyện pháp lí, chứ người ta vẫn nhìn tôi là một người Việt 100%. Cũng đúng thôi, trong tâm trí của người Nam Dương, nói đến người Úc phải là người da trắng gốc Anh mang dòng máu kì thị chủng tộc, chứ sao là một anh chàng da vàng tóc đen được. Chưa nói cảm nhận đó đúng hay sai, nhưng là cảm nhận thật và người ta phán xét như thế.
Ấy thế mà càng lạ lùng hơn là khi tôi về VN, nơi tôi nghĩ đó là quê hương, nhưng khi đối diện với thực tế tôi lại thấy mình xa lạ. Xa lạ ngay từ lúc đến phi trường, không chỉ cái không gian lạnh lùng, mà ở cái quầy di trú dành cho người Việt và dành cho người nước ngoài. À, thì ra người ta xem mình là người nước ngoài. Đến khi đặt chân về quê, cảm giác xa lạ càng cao vì những gì trong kí ức của mấy mươi năm trước đã thay đổi và không còn nữa. Nói như Nhà văn Nguyễn Đình Toàn [trong một ca khúc tôi rất thích] là "ta mất người như người đã mất tên". Bạn bè giờ này họ xem mình là "Việt kiều". Thú thật, tôi không ưa chữ đó, vì nó hàm ý nói như là những kẻ ngoài cuộc. Cũng giống như "Hoa kiều", vốn là những người sống với phương châm mà nhiều người nhạo báng là "Nơi nào buôn bán được là quê hương, nơi nào hối lộ được là tổ quốc". Không ưa chữ "Việt kiều", nhưng tôi cũng hiểu đó là một cách nói ngắn gọn. Nhưng cách nói đó cũng làm cho mình cảm thấy một khoảng cách tinh thần nhất định với quê hương.
Cho đến bây giờ, dù về VN làm việc thường xuyên, mà tôi vẫn thấy mình xa lạ ngay trên quê hương mình. Tôi cố gắng tự tìm lời giải thích tại sao, nhưng vẫn chưa đi đến câu trả lời sau cùng. Tuy nhiên, tôi nghĩ có thể đó là một khoảng cách về thế hệ. Sau 35 năm, một thế hệ mới đã hình thành, và lịch sử mới đã diễn ra. Tôi có dự phần vào cái lịch sử đó (chưa nói đúng sai), không thể chia sẻ lịch sử và không có cảm xúc như thế hệ mới. Tôi không chia sẻ cái gu văn hoá nghệ thuật với thế hệ mới. Những bài nhạc họ say sưa hát theo tôi thì không thích; ngược lại, những gì tôi thích thì họ cho là xưa sến. Tôi nghĩ chính vì không chia sẻ cảm nhận và giá trị văn hoá như thế nên tôi vẫn là người ngoài cuộc.
Ấy vậy mà tôi vẫn đọc tin tức hàng ngày ở trong nước. Tôi vẫn theo dõi những diễn biến ở trong nước với nhiều trăn trở chỉ biết giãi bày trên trang giấy hay màn hình. Tôi thậm chí còn xuất bản sách ở trong nước, và hợp tác với hàng chục đồng nghiệp trong nước. Ngày nọ, tôi ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy ISI xếp tôi vào một trong những tác giả có nhiều bài công bố từ trong nước! Nhìn như vậy, với những thực tế đó, tôi là người trong cuộc.
Sau 40 năm, đất nước thống nhất, nhưng hình như lòng người vẫn chưa thống nhất. Một di sản đau buồn của một đất nước bị chia cắt và theo đuổi 2 ý thức hệ chính là sự thiếu đồng cảm. Nhưng một di sản còn đau buồn hơn là sự áp đặt của một hệ giá trị lên toàn xã hội. Chúng ta, người Việt Nam, có thể dễ dàng đồng cảm về lịch sử [hãy cứ cho là] thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn, nhưng chúng ta không dễ chia sẻ lịch sử cận đại. Làm sao đa số người miền Nam có thể chia sẻ những dòng chữ nguỵ tạo nhưng được áp đặt như là sự thật lịch sử. Thử đọc một đoạn văn của Tạ Duy Anh, một người được xem là khá "thoáng" và có suy nghĩ: “[...] Bọn ngụy ào lên như lũ quỷ, quyết bắt sống thằng Thiết. Như sau này anh em trinh sát kể lại, chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội. Nó đã hy sinh như một người anh hùng trên chiến trận.” Ở một đoạn khác tác giả tỏ ra vui mừng trong sự giết người, mà tưởng giết ai, hoá ra giết đồng hương mình:
“… quân ta ào lên, bắt giết, đâm, dẫm đạp. Một mụ ngụy cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa hết hy vọng. Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng ngụy bị mình xọc lê vào bụng, nghe 'thụt' một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng súng phang vào giữa mặt hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giẫy chết như con tôm sống bị ném vào chảo mỡ… ”
Một người viết văn khác cũng có tiếng hay viết về Phật cũng có những danh từ kinh dị như “mụ ngụy cái”, “lũ thám báo”, và cũng phịa khá tốt về những chuyện lính "nguỵ" moi tim mócgan người để ăn nhậu. Nhà văn là người tạm xem là "trí thức" mà còn có những câu chữ hôi tanh và hằn học như thế thì nói gì đến chuyện hoà giải dân tộc.
Hôm trước tôi có nhận xét rằng người thanh niên (có những lời nói xúc phạm những người đã hi sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974) là sản phẩm của tuyên truyền. Nhưng ai chịu trách nhiệm về những suy nghĩ lệch lạc của anh ta? Tôi nghĩ chính bộ máy tuyên truyền theo ý thức hệ và những người như Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, v.v. có đóng góp giúp hình thành suy nghĩ của anh thanh niên đó. Bảo Ninh, qua truyện “305” trong tập “Lan man khi kẹt xe” đã lên án dân miền Nam là vong bản, theo đế quốc, bỏ nước ra đi, bỏ lại người thân ở quê nhà. Một con người không tồi tệ mà còn suy nghĩ và viết ra như thế thì chúng ta không nên ngạc nhiên về người thanh niên kia vốn ít học và kém tư duy hơn.
Tôi và nhiều người khác khó có thể chia sẻ những giá trị và cái nhìn của những nhà văn trên. Thật ra, họ cũng chỉ là sản phẩm hay nạn nhân của bộ máy tuyên truyền mà thôi. Do đó, tôi nghĩ người Việt ở nước ngoài như tôi cảm thấy mình chông chênh cũng là điều có thể hiểu được. "Hội chứng" chông chênh đó xuất phát từ sự thiếu đồng cảm và chia sẻ giá trị lịch sử của nước mình đang ở và của quê hương mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét