Chạy chức chạy quyền nên hợp thức hoá?

Thoạt đầu đọc tựa đề tôi cứ tưởng nhà báo mỉa mai, nhưng đọc bài viết thì hoá ra đây là một ý kiến nghiêm chỉnh của một vị cựu viện trưởng Viện Khoa học hành chính (1). Có vẻ lí luận của ông là ở các nước có nền kinh tế thị trường (như Mĩ và phương Tây) người ta có chạy chức chạy quyền, và VN thì đang theo đuổi kinh tế thị trường [định hướng XHCN], nên VN cũng nên cho phép chạy chức chạy quyền. Thoạt đầu nghe qua thì cũng … có lí, nhưng tôi nghĩ ông viện trưởng đã sai (thậm chí nguỵ biện) ngay từ căn bản.



Cái sai lầm đó là do ông hiểu sai chữ "chạy" (tiếng Anh là "run") ở các nước phương Tây. Ở phương Tây, hay cụ thể Úc này, họ có cụm từ "run for office" mà ý nghĩa chính là vận động, chứ không có nghĩa chạy chức chạy quyền theo nghĩa của VN. Cần phải phân biệt hai sự việc này thì mới thấy cái sai của ý kiến luật hoá chạy chức chạy quyền ở VN.

Run for office có nghĩa là vận động để được tiến cử trong đảng và được dân bầu. Khi một vị trí dân biểu trở nên trống (do người trước nghỉ hưu hay từ chức), thì mỗi đảng sẽ tiến cử một ứng viên. Vì đảng có nhiều ứng viên, nên họ phải cạnh tranh nhau để được tiến cử. Cạnh tranh không phải chi tiền để mua chức như kiểu VN, mà là qua một cương lĩnh và thành tích hoạt động trong quá khứ. Khi được đảng tiến cử, ứng viên còn phải cạnh tranh với các ứng viên của các đảng đối thủ, nhưng lần này là tranh thủ cử tri. Đây là giai đoạn cần tiền để vận động và họ phải tranh thủ yểm trợ của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp là những mạnh thường quân của các đảng chính trị, nhưng họ đóng góp khá cân đối. Nếu họ cho đảng A 10 ngàn đôla thì họ cũng cho đảng B số tiền đó để không mang tiếng thiên vị (và họ cũng chẳng biết đảng nào sẽ chiến thắng). Ứng viên phải trình bày một chiến lược khả dĩ để phát triển cộng đồng và qua đó thuyết phục cử tri. Hai chữ "thuyết phục" ở đây rất quan trọng. Thật vậy, các ứng viên cạnh tranh và vận động cử tri qua thuyết phục, chứ không phải qua đảng tiến cử. Đảng tiến cử anh, nhưng anh có thuyết phục được cử tri hay không là chuyện khác. Điều nhấn mạnh là tất cả đều diễn ra một cách minh bạch.

Còn ở VN, chạy chức chạy quyền có một ý nghĩa hoàn toàn khác với chữ "run for office" ở phương Tây. Ở VN, chạy chức chạy quyền thực chất là MUA. Họ mua chức và mua quyền. Mua bằng tiền là chính. Chúng ta đã nghe quá nhiều về chuyện mua quan bán chức ở VN. Từ cấp thấp đến cấp cao. Chúng ta từng nghe chuyện một ông bí thư huyện ở Hà Tĩnh nhận 75 triệu đồng của một người muốn chen chân vào chức tạp vụ trong huyện. Ngay cả một ngành cao quí là giáo dục mà cũng có nạn chạy chức. Một "suất giáo viên" với cái giá 100 triệu đồng không làm ai sốc. Còn các chức cấp Sở, Vụ, Bộ nghe nói giá còn "ác liệt" hơn. Do đó, chạy chức chạy quyền ở VN là một hình thức hối lộ - tham nhũng, chứ không phải như "run for office" bằng hình thức thuyết phục công chúng ở phương Tây.

Thật vậy, chạy chức chạy quyền ở VN là một hình thức hối lộ - tham nhũng. Hành động đó tạo cho những kẻ có quyền cơ hội để tham nhũng. Ngay cả một cựu quan chức cao cấp cũng nói "Đây chính là hành vi tham nhũng của những người có chức có quyền. Tôi không chấp nhận được chuyện chạy việc, chạy chức, chạy quyền nhưng không biết làm thế nào để ngăn chặn. Những hành động chống đối của cá nhân chỉ là “ném đá ao bèo” mà thôi. Thực tế, nhiều người đứng lên tố cáo đã chuốc phải phiền phức, thiệt hại cho chính bản thân" (2). VN thường rập khuôn theo Tàu, và tôi ngờ rằng phong trào mua quan bán chức ở VN cũng chỉ là một bắt chước từ Tàu mà thôi (3). Ở Tàu, có người không mua chức được bằng tiền, thì họ mua bằng … tình (3). Không có lí do gì mà hợp thức hoá hành động sai trái đó. Một xã hội mua qyan bán chức như thế sẽ đi đến đâu. Tôi thấy đó là một ý nghĩ hơi điên rồ.

Tuy nhiên, qua bài phỏng vấn của ông, một người trong cuộc, chúng ta mới biết rằng "Hiện tôi cho rằng bộ máy khá tắc trách. Khi những người trong cuộc cấu kết với nhau rồi thì chỉ những người trong cuộc biết với nhau thôi, còn người ngoài cuộc bó tay." Điều ngạc nhiên là chính ông viện trưởng "cũng muốn chạy để có chức," nhưng ông đính chính rằng "Vào để tôi có cơ hội đóng góp được nhiều hơn. Cho nên đừng nhầm lẫn giữa cái người ta muốn chức với mục tiêu vào chức ấy để lời dụng, kiếm lời cho cá nhân, có hại cho cái chung." Xem ra đính chính của ông khó thuyết phục ai. Đã bỏ tiền ra mua chức thì người bỏ tiền phải xem đó là một đầu tư. Mà, đầu tư là phải lấy lại vốn và có lời. Chỉ có một cách để đạt hai mục tiêu lấy lại vốn và kiếm lời là tham nhũng và ăn cắp của dân. Và, thế là xã hội bị cuốn hút trong một vòng tròn không có lối ra. Ngạc nhiên một điều là vị viện trưởng này có bằng tiến sĩ và mang hàm phó giáo sư! Nên chăng cần xem lại luận án của ông có đạt chuẩn học thuật, hay đó là một sản phẩm của một qui trình mua bán mà ông đang đề xướng.

===





Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét