Đơn vị "đầu đàn" của Khoa học Việt Nam nghiên cứu như thế nào?

Xin giới thiệu một vài bình luận về nghiên cứu khoa học của Viện hàn lâm khoa học và công nghệ (VAST) mà tôi mới "đóng gói" lại. Bài đã được đăng trên báo Ngày nay Online. Trong bài này, tôi trình bày vài số liệu về năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học của VAST trong 2014 và 5 năm qua. Tôi nghĩ những số liệu này nói lên rằng năng suất khoa học của VAST cần phải được cải tiến, và nhất là chất lượng cần phải được xem lại. Tốt nhất là có một hội đồng độc lập để đánh giá lại toàn bộ hoạt động khoa học của VAST.




Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (sẽ gọi tắt là VAST) là một trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của Việt Nam. Nhưng hoạt động khoa học của VAST chưa được công bố rộng rãi trong hệ thống truyền thông. Có lẽ nhiều bạn đọc cũng như tôi tò mò muốn biết mức độ đóng góp của VAST cho khoa học Việt Nam như thế nào, và chất lượng nghiên cứu khoa học ra sao. Dĩ nhiên, để trả lời câu hỏi này một cách nghiêm chỉnh đòi hỏi phải có nhiều phân tích và nghiên cứu nghiêm chỉnh, nhưng ở đây, nhân dịp đọc qua một số dữ liệu về năng suất khoa học và đối chiếu với ngân sách của VAST, tôi chỉ muốn chia sẻ vài thông tin định lượng về công bố quốc tế của VAST trong 5 năm qua.

Nhân sự và ngân sách

Theo bài báo trên Ngày nay online, VAST có hơn 4000 cán bộ, viên chức, nhưng trong số này, 2419 người thuộc biên chế. "Lực lượng" nghiên cứu khoa học của VAST có thể bao gồm 877 tiến sĩ, 152 phó giáo sư, và 41 giáo sư. Tôi không rõ số còn lại 1349 người thuộc diện nào, nhưng đó là một con số không nhỏ.

Năm 2014 VAST có ngân sách 919 tỉ đồng (tức khoảng 46 triệu USD), tăng khoảng 7.7% so với ngân sách năm 2013 là 853.1 tỉ đồng. Tính trung bình, ngân sách cho mỗi cán bộ, viên chức trong biên chế là 19,016 USD, một con số không thấp.

Công bố quốc tế

Về đầu ra, năm 2014 Viện báo cáo là công bố được 2074 bài báo khoa học, nhưng số bài báo quốc tế là 803 bài. Thật ra, rất khó nói "bài báo quốc tế" ở đây có nghĩa là gì, vì có thể kể cả những bài trên những tập san không/chưa được chấp nhận vào các danh mục ISI hay Scopus. Trong thực tế, số liệu của Web of Science cho thấy tính từ 2010 đến 2014, VAST công bố được 1347 bài trên các tập san trong danh mục ISI (2). Riêng năm 2014 (số liệu chưa cập nhật đầy đủ), có 353 bài xuất phát từ VAST trong cơ sở dữ liệu của Web of Science. 

Có thể nói rằng đóng góp của VAST cho khoa học VN không cao như chúng ta tưởng. Tính từ 2010 đến 2014, số công bố quốc tế (chỉ tính bài báo ISI) của VAST chiếm khoảng 15% tổng số bài báo khoa học từ VN. Một lí do VAST có đóng góp khiêm tốn cho khoa học là vì tổ chức này chỉ tập trung về một số lĩnh vực khoa học tự nhiên. Các lĩnh vực “mạnh” của VAST, qua công bố quốc tế, có thể kể đến hóa học, vật lí, dược học, và toán. Nhưng tỉ trọng đóng góp của từng lĩnh vực cũng rất khác nhau (xem bảng dưới đây). Chẳng hạn như trong lĩnh vực hóa học, số bài báo của VAST chiếm khoảng 1/5 tổng số bài báo của cả nước, nhưng về dược học, VAST đóng góp gần phân nửa tổng số bài báo của cả nước. Riêng ngành toán, VAST chỉ đóng góp 10% trên tổng số bài báo của cả nước (có thể số bài báo chưa cập nhật, vì tôi nghĩ con số có lẽ cao hơn).

Bảng 1: Số bài báo ISI của VAST trong thời gian 2010-2014 và tỉ trọng toàn quốc

Lĩnh vực 
Số bài báo của VAST (2010-2014)
Phần trăm tính trên tổng số bài báo của Việt Nam
Hoá học
261
21%
Vật lí
255
26%
Dược học
163
47%
Khoa học vật liệu
129
20%
Toán học
114
10% (?)
Kĩ thuật
105
11%

Tuy nhiên, có lẽ phải nói công bằng hơn là không phải tất cả những bài báo của VAST là hoàn toàn do các nhà khoa học của VAST thực hiện. Trong thực tế, nhiều bài báo của VAST có sự hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài. Nước mà VAST có hợp tác nhiều là Hàn Quốc, chiếm gần 1/4 những bài báo của VAST. Đặc biệt hai đại học quốc gia Chungnam và Chungbuk có nhiều hợp tác với VAST. Ngoài Hàn Quốc, tỉ lệ bài báo hợp tác với Pháp (10%), Mĩ (9%), Nhật (9%), Đức (8%) cũng khá cao. VAST cũng có hợp tác với Nga (7%) và Tàu (khoảng 5%).

Con số công bố quốc tế dĩ nhiên phải đặt trong bối cảnh VAST có một “đội ngũ” khoa học hùng hậu, với 1070 giáo sư và tiến sĩ. Như vậy, tính trung bình 3 giáo sư, tiến sĩ "sản xuất" được 1 bài báo khoa học ISI. Có thể nói rằng năng suất khoa học như thế là khá thấp, nếu so với các trung tâm trong vùng như Thái Lan và Mã Lai, và Singapore (3), nơi mà năng suất khoa học trung bình là 2 giáo sư, tiến sĩ trên một bài báo ISI. Thật ra, năng suất khoa học của VAST thấp không có gì đáng ngạc nhiên, vì trong số 36 viện và trung tâm trực thuộc VAST, chỉ có 10 viện/trung tâm có công bố quốc tế thường xuyên, số còn lại có công bố không đáng kể hay thậm chí có năm chẳng có công bố quốc tế!

Cần nói thêm rằng Trung tâm nghiên cứu lâm sàng của ĐH Oxford (OUCRU) tại Việt Nam chỉ vài chục người trong biên chế, nhưng trong cùng thời gian, đã công bố 487 bài báo khoa học trên các tạp chí hàng đầu trên thế giới. Năng suất này cao gần gấp 5 lần so với năng suất của VAST. Thật vậy, OUCRU trở thành một trong 10 trung tâm nghiên cứu hàng đầu, cả về số lượng lẫn chất lượng, của Việt Nam.

Chất lượng nghiên cứu

Rất khó đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học, vì không có ai có thì giờ đọc tất cả bài báo và đánh giá. Do đó, giới quản lí khoa học và nghiên cứu khoa học có một cách đánh giá chất lượng qua phân tích chỉ số trích dẫn. Bài báo khoa học có chất lượng cao thường được các đồng nghiệp trích dẫn nhiều, ngược lại, những công trình kém chất lượng thường ít được trích dẫn.

Những chỉ số định lượng cho thấy chất lượng nghiên cứu khoa học của VAST có vẻ thấp hơn so với các nghiên cứu khác trên cả nước (chủ yếu là các trường đại học). Tính trung bình, mỗi bài báo của VAST được trích dẫn 1.93 lần (trong 5 năm qua, sau khi đã loại bỏ tần số tự trích dẫn). Trong cùng thời gian, mỗi bài báo ngoài VAST được trích dẫn 3.39 lần. Cần nói thêm rằng tỉ lệ tự trích dẫn của VAST là xấp xỉ 17%, cao hơn so với các công trình ngoài VAST (15%).

Tuy nhiên, so sánh trên có lẽ chưa công bằng, vì VAST chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nghiên cứu. Do đó, một cách so sánh tốt hơn là tần số trích dẫn cho từng lĩnh vực nghiên cứu. Bảng 2 sau đây cho thấy hầu hết mọi lĩnh vực (ngoại trừ khoa học vật liệu và toán), nghiên cứu của VAST có ít trích dẫn hơn so với những nghiên cứu ngoài VAST. Chẳng hạn như ngành hóa học (ngành hàng đầu của VAST), mỗi bài báo của VAST trong 5 năm qua được trích dẫn 2.88 lần, thấp hơn so với bài báo cùng ngành của các tác giả ngoài VAST với tần số trích dẫn trung bình là 2.96.

Bảng 2: Tần số trích dẫn trung bình trong thời gian 2010-2014 của các bài báo của VAST và ngoài VAST và Thái Lan

Lĩnh vực 
Tần số trích dẫn trung bình bài báo của VAST
Tần số trích dẫn trung bình bài báo ngoài VAST
Tần số trích dẫn trung bình bài báo của Thái Lan
Hoá học
2.88
2.96
5.36
Vật lí
2.32
2.42
4.77
Dược học
2.42
3.58
4.53
Khoa học vật liệu
2.91
2.74
3.95
Toán học
1.41
1.34
2.32
Kĩ thuật
2.25
2.63
3.74

Để đặt vấn đề chất lượng trong bối cảnh quốc tế, bảng trên cũng so sánh tần số trích dẫn trung bình của VAST và Thái Lan. Như có thể thấy, bất cứ lĩnh vực nghiên cứu chính nào của Việt Nam cũng đều có chỉ số trích dẫn thấp hơn hẳn Thái Lan.

Bằng sáng chế

Về chuyển giao kiến thức, một thống kê khác cho biết năm 2014 VAST đăng kí được 3 bằng sáng chế. Tuy nhiên, có lẽ đó là những bằng sáng chế đăng kí ở trong nước hay nơi khác chứ không phải ở Mĩ (USPTO). Trong năm 2014 Việt Nam chỉ có 1 bằng sáng chế duy nhất được USPTO cấp cho một sáng chế của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Cần nói thêm rằng trong năm 2013, Thái Lan được USPTO cấp 77 bằng sáng chế, Malaysia có 214 bằng, Indonesia 15, và Philippines 27.

Tóm lại, những số liệu trên đây cho chúng ta thấy dù VAST có một “lực lượng” khoa học khá hùng hậu và một ngân sách khá tốt (46 triệu USD năm 2014), nhưng đóng góp của VAST cho nghiên cứu khoa học nước nhà có vẻ còn khiêm tốn. Số bài báo ISI chỉ chiếm 15% tổng số bài báo của Việt Nam. Thật ra, trong thực tế, đóng góp của VAST có lẽ còn thấp hơn, vì khá nhiều bài báo của VAST là do hợp tác với nước ngoài hay do đồng nghiệp nước ngoài chủ trì. Môt phân tích trước đây của nhóm SCImago cho thấy gần 70% bài báo của VAST là do hợp tác với nước ngoài. Hợp tác quốc tế là rất cần thiết trong khoa học, nhưng con số 70% có lẽ quá cao. Chất lượng nghiên cứu khoa học của VAST cũng thấp hơn so với các nghiên cứu ngoài VAST, và thấp hơn hẳn so với các nghiên cứu của Thái Lan.

Ở nước ngoài, bất cứ một trung tâm khoa học nào cũng cần phải được bình duyệt sau một thời gian hoạt động. Những con số trên đây, tuy chưa phản ảnh đầy đủ hoạt động khoa học của VAST, nhưng cũng đủ để cho thấy năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học của VAST cần phải được thẩm định một cách nghiêm chỉnh hơn. Cách tốt nhất để thẩm định là lập một hội đồng độc lập gồm các nhà khoa học nước ngoài như các nước đang phát triển hay làm. Kết quả thẩm định có thể dẫn đến một sự tái cấu trúc hoặc "thay máu" theo chiều hướng tích cực hơn.

Đọc thêm:


(2) Số liệu trích từ Web of Science của ISI, tính từ 2010 đến 2014 (chưa đầy đủ), và con số của Viện KHCN được tính từ những bài báo có địa chỉ VIETNAM ACAD SCI TECHNOL, VAST, VIETNAMESE ACAD SCI TECHNOL, v.v.



Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét