HOA KHIẾT BÔNG

HOA KHIẾT BÔNG
Nguyễn Trúc Hà

Tháng tư. Chiều tà.

Cái nóng hầm hập trên mặt đường phả theo những con gió táp lên mặt tôi. Lững thững bước theo con dốc hướng lên tượng chúa Kito, tôi phóng tầm mắt ra ngoài biển nơi có vài con tàu đang di chuyển chầm chậm ra khơi. Gió thổi tung những con sóng trắng bọt trườn liếm lên bờ cát...

Chợt tôi thấy một cô gái đang ngồi cắm cúi bên đường. Một tay nắm cái rổ nhựa màu đỏ, tay kia rà trên những đám cỏ hoang như đang tìm kiếm vật gì. Tôi bước lại gần, có chừng một nắm cây lạ trong rổ. Lá cây nhỏ có răng cưa, trên ngọn có hoa cánh màu vàng nhỏ xinh xinh. Cô gái chừng hơn 20 tuổi, áo bà ba xanh bạc da trời thấm ướt mồ hôi, rám đầy nắng gió. Đúng là dân miền biển, tôi thầm nghĩ. Cô nắm vành nón đã sờn cũ ngước lên khi thấy bóng tôi trùm lên những ngọn cỏ, đôi má bầu ửng đỏ vì sức nóng của mặt đường. “Cô hái cây gì đó?”, cô không trả lời tiếp tục cắm cúi nhổ cây. Tôi ngồi xuống, tìm cây nhổ giúp, bắt chuyện. “Tôi giúp cô nha, chắc cây này về làm thuốc hả ?”. “Anh là khách du lịch?”, cô không trả lời mà hỏi lại. “Không tôi người ở đây”. “Anh xạo rồi, tôi thấy anh lạ, người ở đây tôi biết hết.” Tôi cười “Cô đúng, tôi mới đến ở trạm Kiểm dịch, tôi được biệt phái ra đây một thời gian”. “Anh làm nghề gì ?” “Bác sỹ.” 



Cô gái ngừng nhổ cây, quay lại nhìn tôi dò xét. Lúc này tôi mới thấy rõ đôi mắt to đen chứa chất một nét buồn. “ Sao? Nhà em có người bệnh? Nhưng anh không phải bác sỹ người”. Cô nhíu mày nhìn tôi ngạc nhiên. “Anh là bác sỹ thú y, không phải cho người mà là cho thú. Người ta hay nói thú y là y như thú ”. Có vẻ lần đầu tiên mới biết trên đời này lại có cả bác sỹ cho động vật, cô bật cười, nụ cười làm giãn khuôn mặt u buồn. Kể từ đó, câu chuyện chúng tôi nhẹ nhàng, vui hơn. “Thôi, hôm nay đủ rồi, chào anh em về đây”. Đến lúc này tôi mới nhận thấy mặt trời đã khuất núi, từng cơn gió biển mang hơi nước thổi xoa mát dịu. Cô gái dáng thâm thấp, đậm người, cắp chiếc rổ, tay nắm vành nón vì gió mạnh, tóc bím đuôi sam tung tăng theo bước chân xuống dốc, xa dần. Tôi chợt nhận ra mình chưa biết tên cô. 


Hôm sau tôi lại gặp em. Liên tiếp trong một tuần, cứ 4 giờ chiều, tôi lại lên con dốc, nhổ cây và nói chuyện trong cái nắng nóng. “Cha mẹ em là ngư dân, nhà có hai anh em, anh trai là phi công thời lính VN cộng hòa, nay đang định cư ở Mỹ”. Tôi lái chuyện “Anh vẫn chưa biết tên em?” Giấu mặt dưới vành nón, em cười, “Em cùng tên loài hoa này. Anh tìm hiểu đi !” “Vậy tên em là Hoàng đúng không? Hoàng là vàng, cánh hoa vàng tươi nè” Em cười:“Không phải ! Nhưng sao cũng được.”
 
Sau khi đề nghị của tôi được chấp nhận, cuối tuần, tôi theo em về nhà chơi. Căn nhà gạch ngói cũ, bên cạnh là hàng dừa cao vút. Bố em đang cùng mấy người ở trần mồ hôi nhễ nhại đứng cạnh con tàu gỗ. Dường như họ đang đóng con tàu đánh cá. Tất cả ngừng tay búa, tay bào nhìn tôi dò xét. Tôi nhanh nhẩu chào thật to. Đó là cách tôi thường làm mỗi khi đi công tác xuống dân để tạo sự gần gũi. Tuy nhiên, có vẻ họ không mấy thiện cảm khi thấy tôi. Sau hồi im lặng, ông bảo con gái: “Con mời anh vào nhà uống nước, cha bận việc.” 


Tối đó tôi xin phép đưa em đi uống nước (thời đó, những năm đầu 80, chỉ là uống nước giải khát thông thường). Sau đó chúng tôi đi dạo dọc bãi biển. Chúng tôi chậm bước bên nhau. Đúng là “biển một bên và em một bên”. Từ xa tiến vào, những con sóng cố vươn trùm lên chân chúng tôi. 
“Đố em biết con gì sinh ra và mất đi chỉ trong 2 giây đồng hồ?”, tôi vừa hỏi vừa nắm tay em. Em hơi giật mình nhưng hai tay ôm lấy cánh tay tôi, ngước nhìn tôi, ánh mắt long lanh trong đêm không trăng, lắc đầu, mái tóc em xòa bay theo con gió biển thoang thoáng mùi hương là lạ. “Thua chưa? Mất gì nhé? Nhưng mà em gội đầu bằng lá cây gì anh chưa từng thấy mùi này?” “Đố anh biết, anh thua thì coi như mình hòa vì em không biết con gì sinh ra và chết đi chỉ có 2 giây, chắc anh đố mẹo chứ làm gì có con nào như thế.” “Đó là con sóng, em thấy không: con sóng biển hình thành và tan biến đi chỉ có 2 giây thôi. Vậy mùi hương tóc em là gì?”. “Là mùi hoa Dừa đó. Anh chưa thấy ai gội đầu bằng hoa dừa đúng hôn? Má làm cho em, má nói hoa Dừa sẽ làm tóc mượt và bền với gió biển”. Tôi xoay người, ôm em vào lòng, đặt nụ hôn trên mái tóc em. Em ngước lên từ từ. Đôi môi tôi trượt xuống lướt qua sống mũi em. Một con sóng lớn đánh vào chân chúng tôi tung những giọt nước biển lên. Môi em mặn. Cái hôn mặn nồng. Nước mắt em hòa cùng nước biển… “Sao em khóc, anh chân tình mà ?” “Không, chỉ là em chưa từng.” Em xoay người ra hướng biển. Tôi ôm em từ sau lưng. Em dựa người vào lòng tôi. “Đứng trước biển cả anh không được dối lòng đấy, biển cả thiêng liêng lắm anh biết không.” “Anh biết, và anh cũng thật lòng. Anh chỉ sợ em thôi vì anh là con trai Hà Nội, vô miền Nam đây chỉ có một mình, cuộc sống sau này của anh là đất Sài Gòn, đó cũng sẽ là quê hương mới của anh.”

Một tuần trôi qua. Chúng tôi bên nhau mỗi buổi chiều và tối.

Một tối nọ cũng trên bãi biển lộng gió, em thì thầm bên tôi “Em đang bị bệnh, những cây thuốc em hái hàng ngày để nấu làm thuốc uống và bôi lên”. “Em bệnh gì ?”. “Ung thư.” Vừa nói, em vừa cởi khuy áo ngực. Tôi tròn mắt, một cục u nổi lên giữa hai bầu vú căng tròn không áo lót. Em nhìn tôi dò xét, nhưng dòng nước mắt từ khóe lăn dài xuống. Tôi ôm em siết chặt “Anh sẽ và mãi mãi yêu em dù có chuyện gì xảy ra. Em hãy yên tâm uống thuốc, rồi sẽ khỏi thôi.” Tôi cứ liên tục nói về khả năng kỳ diệu của thuốc Bắc, thuốc Nam chữa khỏi bệnh nan y trong suốt quãng thời gian còn lại của đêm hôm đó. Trời về khuya. Trước khi chia tay, em bỗng nói “Anh vẫn chưa biết tên của cây hoa mình hái. Đó là cây Khiết bông.” “Khiết bông ? Tức là hoa tinh khiết?” Tôi gặng hỏi, em im lặng mỉm cười... “Nếu em đi xa, anh sẽ nhớ em chứ?” Tôi sững người: “Đừng nói nữa, thôi em vào nhà đi, chiều mai mình lại gặp nhau trên con dốc nghe em”. 

Hôm sau, tôi hăm hở lên dốc. Những cánh hoa Khiết bông rung rinh trước gió. Vắng lặng không một bóng người. Tôi ngạc nhiên, chạy vội lên đỉnh dốc. Không có ai. “Khiết bông !” tôi hét to. Chỉ có tiếng gió biển rít qua hàng cây phi lao.Tôi đi bộ về xóm chài, cảm giác hụt hẫng, linh tính báo cho tôi một điều gì đó không hay. Trước mắt tôi là căn nhà đã bị niêm phong có du kích đứng canh, một vài người hiếu kỳ túm năm tụm ba chuyện trò, chỉ trỏ. “Có chuyện gì vậy bác?” tôi ghé đầu hỏi nhỏ một người. “Tối qua nhà này đi vượt biên rồi. Bây giờ chính quyền niêm phong nhà”. Tim tôi nhói lên, nỗi đau mất mát ùa đến, tôi lặng người lê bước dọc bãi biển. Khiết bông, cầu cho em đi may mắn không gặp trở ngại gì. Anh sẽ mãi khắc vào tim gương mặt, dáng hình em và mối tình ngắn ngủi của chúng mình. Gió biển quất vào mặt tôi. Nước biển hay nước mắt mặn trên đầu môi?

Sau này, khi đã trở thành người miền Nam, tôi mới biết Khiết bông là gì vì người Nam hay nói lái.

Biển đã mang em đi. Nhưng trong tâm trí tôi vẫn in mãi hình bóng người em của những chiều trên bãi biển...

Tp Hồ Chí Minh, tháng 5/2015

P/S: ThS, BSTY Trúc Hà nguyên là cán bộ Cơ quan thú y vùng VI.


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét