MỠ HAY VÀNG TÂM
Nguyễn Ngọc Huân
Buổi sáng trời se lạnh. Đường Nguyễn Chí Thanh đã thay cây trồng mới lần hai. Giữa dòng người xuôi ngược, bên đường 2 nhóm người đanh tranh luận sôi nổi. Một nhóm mặt đỏ, tai tía, nói năng vẻ bặm trợn. Nhóm kia da trắng, mặt bệch, lẻo khẻo, ngôn từ vẻ uyên thâm.
- Không Vàng Tâm, thì các ông bảo cây gì? Cái ông đeo kính, mặt phệ có vẻ như đứng đầu nhóm một hùng hổ hỏi.
- Dạ thưa các anh, đây là cây gỗ Mỡ ạ. Phía bên kia, một tay trẻ măng, cặp kính cận dầy như đít nồi nhỏ nhẹ.
- Đề nghị Tiến sỹ nói rõ. Ông sếp của hắn gợi ý.
- Dạ, theo sách Đỏ…
Nói đến đây thì vị Tiến sỹ ngừng một lát, lấy giọng, rồi tiếp một hơi:
- Dạ, theo Sách Đỏ Việt Nam do nhà xuất bản Khoa học in năm 2007, tại trang 45, dòng 14 từ trên xuống, thì “Vàng Tâm có tên khoa học Manglietia Dandyi là loại cây gỗ quý có mùi thơm không bị mối mọt, dùng trong xây dựng nhà cửa, đóng đồ gia dụng, làm đồ mỹ nghệ. Đây là loài bị đe dọa tuyệt chủng do số lượng ngày càng ít”, ạ.
Chỉ nghe tiếng phương tiện giao thông ầm ầm. Trời vẫn se lạnh, lất phất mưa.
- Đấy tôi nói mà: Làm gì có Vàng Tâm nhiều thế.
Đám người nhóm một tụm lại, thì thầm trao đổi. Rồi một vị veston trịnh trọng, đằng hắng bước ra, giọng rất là khoan thai:
- Thưa các nhà khoa học. Mỡ là tên gọi khác của Vàng Tâm. Ừ, ừ,… Thì mà là… cứ như mỗi vùng miền gọi khác nhau vậy. Chẳng là hạn… Ngoài Bắc gọi cái Bát, dân Trung bảo cái Đọi, mà người Sài Goòng nói là cái Chén. Đều là cái dùng đựng cơm cả mà.
Công chức Thủ đô có khác. Nói xong, vị này nhoẻn cười, vẻ đắc thắng. Liền theo là đồng thanh:”Đúng rồi, Vàng Tâm 100%”. Vài tiếng vỗ tay “Bốp, Bốp”
Đương khi ban-văn-kăng, một cậu mặt thư sinh, e thẹn bước ra:
- Dạ theo tên gọi khoa học, thì 2 cây có khác nhau: Vàng Tâm là Manglietia Dandyi, còn Mỡ là Manglietia conifer, ạ. Vàng Tâm là loài gỗ cực tốt và quý hiếm, trong khi Mỡ được trồng rất nhiều ở Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình. Nói chung là khắp các tỉnh trung du, miền núi nước ta. Mỡ chủ yếu được dùng để phủ xanh đồi trọc, lấy nguyên liệu làm giấy, lõi nhỏ và ít, giá trị không có gì đặc biệt, tương đương như cây keo và bạch đàn.
Đương trớn làm ăn, bỗng dưng đưa mấy ông khoa học vô. Rách việc. Miễn là trong lõi nó vàng là được. Vàng Tâm là lõi vàng. Lõi vàng là Vàng Tâm. Mấy tay khoa học chỉ rành tiếng Tây, đâu sâu tiếng Hán…
Cuộc tranh luận tiếp diễn.
Không biết một nhóm “cãi”, một nhóm “phản biện” đến bao giờ thì dứt. Chỉ nghe tiếng hai hàng cây mới trồng đồng thanh ca “Cây đổ rền vang như tiếng pháo, tiếng hò nhịp theo tay kéo gỗ... Rừng ơi! trong tiếng ca hôm nay, vang lên cuộc đời sáng tươi trong tương lai!” bài hát nổi tiếng một thời của ông Phạm Tuyên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét