Ở nước ta, dấu ấn của nền kinh tế tiểu nông manh mún không phải đến thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà mất hẳn, trái lại nó vẫn tồn tại dưới dạng này dạng khác. Chuyện người ta ngang nhiên lấn chiếm không gian, đất đai, tài nguyên công cộng về làm của riêng hầu như nơi nào cũng xảy ra, bất chấp xã hội đã có hẳn luật về tài nguyên môi trường, có những quy ước chặt chẽ của cộng đồng.
Cứ lâu lâu, dư luận lại ồn lên chuyện nhà đầu tư, doanh nghiệp, công ty này nọ chiếm hết bãi biển, thậm chí ngang ngược cấm tiệt không cho người dân được vào, được sử dụng. Báo Thanh Niên vừa lên tiếng sự việc khu nghỉ mát Anna Mandara ở TP.Nha Trang độc quyền cát cứ, xua tất tật cả du khách lẫn dân địa phương không cho bén mảng đến lãnh địa của họ. Trên thực tế, không phải chỉ ở thành phố biển Nha Trang, bất cứ nơi nào trên dải bờ biển dài 3.260 cây số của nước ta, cứ bãi biển đẹp là bị chiếm, dưới cái mác dự án này nọ. Những nơi biển đẹp từng thu hút hấp dẫn du khách như Hạ Long (Quảng Ninh), Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)... hầu hết có tình trạng sứ quân cát cứ. Biển là của chung, dần dà bị biến thành của riêng. Người dân tự bao đời gắn bó với biển bỗng dưng bị ném lên bờ. Chả biết kêu ai.
Phải thừa nhận, trong quá trình tăng trưởng luôn phát sinh những điều thách thức. Xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nhưng cũng phải làm sao đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên được quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý, bền vững. Ngay cả việc duyệt dự án cho các nhà đầu tư (nội và ngoại) cũng cần tính đến quyền làm chủ tài nguyên của người dân, và không nên để mặc họ sau đó tự tung tự tác, tước đoạt quyền lợi của dân. Lại càng không nên ngấm ngầm chia chác tài nguyên khi đặt bút ký phê duyệt dự án. Dự thảo luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 này, trong dự thảo chỉ ra rất rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Và dĩ nhiên, luật không bao giờ chấp nhận tình trạng cát cứ.
Trong xã hội ta, kiểu “vua cũng thua thằng liều”, vun quén cá nhân, lợi ích riêng tư trên cơ sở chiếm dụng tài nguyên công cộng rất phổ biến chứ chẳng riêng chuyện bãi biển hay khu du lịch. Vỉa hè làm ra vẫn biết là để dành cho người đi bộ, chiếm luôn. Lòng đường chỉ để lưu thông, chiếm luôn. Công viên là nơi cho tất cả mọi người đến nghỉ ngơi, rèn luyện, giải trí, cũng chiếm luôn. Các khu đô thị đã được quy hoạch bài bản, đảm bảo đủ tiện ích cho dân cư, nhưng không ít người, thậm chí cả tổ chức, cơ quan đơn vị, cứ thấy hở ra chỗ nào là chiếm luôn chỗ ấy. Họ chiếm để sản xuất, buôn bán, sinh hoạt, nhiều khi cứ chiếm để đó đã, rồi tính sau. Dân mất chỗ nghỉ ngơi, trẻ mất chỗ chơi đùa, người tham gia giao thông mất chỗ đi lại an toàn, cả xã hội mất nguồn tài nguyên chung vào túi những cá nhân. Sự vô lý, bất công, nhiễu loạn cứ ngang nhiên tồn tại. Rất nguy hiểm cho một xã hội pháp trị.
Giải quyết tình trạng trên không khó. Trước hết, tuyên truyền nhắc nhở tất cả mọi đơn vị, cá nhân phải tôn trọng cộng đồng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Tuyên truyền giáo dục mà không xong, thì cứ chiểu theo pháp luật xử lý. Dân chắc chắn sẽ ủng hộ.
30.5.2015
Nguyễn Thông
0 nhận xét:
Đăng nhận xét