Nguyễn Ngọc Huân
Công hơn tôi một tuổi, lại học cùng lớp 7 năm liền ở Mông Cổ, nhưng bề ngoài chững chạc, nên tôi gọi là anh.
Không chỉ riêng chúng tôi, mà tất cả cánh sinh viên khi ấy đều công nhận anh là người tốt, thậm chí quá tốt. Anh thủ thỉ không chỉ những khi trò chuyện. Trong các cuộc họp cũng vẫn cái giọng ấy, đều đều, nhẹ nhàng.
Không phải nhờ tài tổ chức, mà anh chính là trung tâm đoàn kết. Bản thân anh luôn gương mẫu về cách sống.
Về nước, anh được phân công công tác tại Viện Thú y Nha Trang, ở bộ môn Sinh Hoá, làm Bí thư Chi bộ. Đùng một cái, nghe tin anh xin chuyển công tác. Hóa ra, giữa cuộc cạnh tranh sinh tồn trong cơ chế thị trường, người tốt quá cũng khó sống. Đâu như anh bị quy chụp cái tội gì đó. Ai chứ anh thì bọn tôi sao tin có khuyết điểm về tác phong được !
May nhờ có bà xã trong ngành, anh xin chuyển về Nội Bài Airport. Thi thoảng có dịp, khi chúng tôi ra Hà Nội, hoặc nhân dịp anh vào Sài Gòn, chúng tôi lại hàn huyên, nhắc về chuyện cũ.
Những chuyện về bắt bồ câu ban đêm; chuyện dùng giát giường bắt cá; những trận đấu bóng chuyền hữu nghị với các bạn sinh viên nước ngoài mà tôi chuyền hai, còn anh là tay đập chủ công; đợt đi lao động ở Hợp tác xã Hữu nghị…
Đám cưới Công - Tĩnh năm 1980 tại Gia Lâm, Hà Nội
Lan man đến chuyện Nguyễn Văn Toán và tôi làm phù rể cho đám cưới anh với chị Tĩnh năm 1980, dịp chúng tôi về phép, ảnh chụp đen trắng vẫn còn đây. Rồi chuyện Bình Bạc, anh và tôi, đi thực tập ở Төв Аймаг, xin được các bạn Mông Cổ con cừu đem về. Cánh sinh viên kéo nhau ra bờ sông Thôn cắm trại, làm món thịt cừu hầm trong bình sữa, trong đá nóng, ngoài củi đốt, thịt cừu thơm phức, uống với bia sao mà ngon thế. Từ đấy, sông Thôn có được chứng kiến cảnh thơ mộng như vầy lần thứ hai ?
Anh Công (ảnh chụp 28 Apr., 2010)
Có lẽ chúng tôi là lớp thú y đầu tiên tham gia đầy đủ các khóa thực tập về quê cùng sinh viên bạn. Nhớ lần đi thực tập dược, ban đêm trời lạnh thấu xương, nằm lều bạt không quen không ngủ được, làm thầy cùng các bạn rất lo lắng. Đến nỗi, thầy phải ra lệnh cho chúng tôi quay trở về Ulan Bator vì sợ chúng tôi đổ bệnh.
Khóa chúng tôi 5 người thì Công như người anh cả. Cả 5 đều song toàn về văn-thể: hát hay, đàn được; bóng đá, bóng chuyền đều nòng cốt.
Thế mà đã ba chục năm, thời gian qua đi, kỷ niệm thì còn đấy.
Dịp này, nếu ai có qua sân bay Nội Bài, nhớ ghé thăm Xí nghiệp Xuất ăn Sân bay, cho gửi lời thăm anh Hồ Thành Công, nhé.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 2008
0 nhận xét:
Đăng nhận xét