BBT: Trần Diệu Hiền là Việt Kiều tại Mỹ có chuyến du lịch ngắn ngày tại Mông Cổ. Dưới đây là bài viết của tác giả. Lưu ý rằng, tất cả là dưới mắt nhìn của một người Việt sống tại Mỹ. Xin giới thiệu cùng các bạn.
Có lẽ bị nhiễm Kim Dung hơi nhiều, hay là thích món ăn “Mongolian beef” trong những nhà hàng Trung Hoa, nên chúng tôi đã không ngần ngại đường xa trắc trở vượt gần hai ngày dể đi từ San Francisco đến nước Mông Cổ nơi mà chàng “trâu nước” Quách Tỉnh đã được nuôi lớn, đất nước của Thành Cát Tư Hãn.
Chúng ta hay có câu đố vui “người nào lùn nhất?- đó là người “mông cổ” vì chỉ có “mông và cổ” mà thôi. Nhưng xin thưa với quý vị điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế. Bản thân tôi rất ngạc nhiên khi gíáp mặt với người “Mông Cổ” thứ thiệt: các thiếu nữ rất cao, trung bình cao hơn người Việt và ăn mặc rất ư là “a la mode” không thua gì các người mẫu, cho dù là ở vùng miền quê xa thủ đô, hay làm việc lao động tay chân như chùi dọn, nấu bếp vẫn mặc váy, quần sọt hoặc quần lửng ngang gối, và áo chỉ có “hai dây an toàn” rất ư là…hấp dẫn.
Chúng tôi đến thủ đô Ulanbator (UB) của Mông Cổ theo chuyến bay của hãng Korean Air vào 11 giờ tối ngàyđầu tháng Bảy. Phi trường UB rất nhỏ. Thủ tục nhập cảnh rât dễ dàng, có thể đem vào bất cứ hàng gì không phải là vũ khí và ma túy. Có lẽ vì đất nước đó không thể trồng rau trái gì nên không sợ bị nhiẽm. Chúng tôi thấy người Đại Hàn đem qua từng kiện kim chi, nước uống đóng chai, mì ăn liền…
Nhân viên hải quan và di trú rất nhã nhặn và thân thiện. Chúng tôi gặp trở ngại là hành lý không đến cùng chuyến bay. Nhân viên của phi trường vui vẻ cho tour guide của chúng tôi vào luôn trong khu vực giới hạn để giúp thông dịch và điền tờ “khiếu nại” (claim) với hãng bay.
Ra khỏi phi trường với hai tay “nhẹ nhàng” vì không có hành lý thì cũng gần 12 giò khuya. Chúng tôi được hướng dẫn về khách sạn Palace để sáng sớm hôm sau bắt đầu lên đường xuôi Nam thám hiểm sa mạc Gobi.
Chỉ ra khỏi khu vực thủ đô không quá 50 km, cảnh vật và đời sống hoàn toàn thay đổi. Không còn nhà xây cao tầng, không còn đường trải nhựa và dĩ nhiên cũng không còn nạn kẹt xe. Tất cả là đồng không mông quạnh với các lều trại (ger) như quý vị xem trong phim “Anh Hùng Xạ Điêu”. Hơn 2/3 dân Mông Cổ thích sống cuộc sống du mục trong các lều để dễ di chuyển khi thời tiết thay đổi. Lạnh thì thiên di về nơi ấm hơn.
Từ UB đến sa mạc Gobi phải đi hai ngày xe trên những lối mòn do bánh xe đi trước hằn trên cỏ úa. Tất cả không có một bản chỉ dẫn. Mọi thứ đều tùy thuộc vào kinh nghiệm của tài xế. Những người này hầu như ai cũng hơn 20 năm lái xe “liên tỉnh”. Tài xế thường nhìn theo màu sắc của các ngọn núi phía trước mà định hướng. Thật là quá “risky”. Trên đồng rộng mênh mông núi non trùng điệp dãy này nối tiêp dãy khác, và có lúc bị bão sa mạc làm cát bụi tung mù trời không thấy gì hết, mà cũng không thể liên lạc với thế giới “văn minh” vì không có sóng tiếp vận điện thoại (nếu mà xãy ra sự cố gì thì cũng không ai tiếp cứu) thế mà không bị lạc đường. Thật cũng rất “mạo hiểm” đó quý vị ạ!!! Nhưng mà “lỡ” ra đi rồi thành ra chúng tôi chỉ còn việc “cầu nguyện” cho “đi đến nơi, về đến chốn”.
Đến ngày thứ ba của hành trình chúng tôi đến sa mạc Gobi và bắt đầu đi thăm các cảnh trí thiên nhiên bằng lạc đà và ngưạ như thung lũng Yol Valley, Tungenee Valley nơi tập trung của nhiều chim eagle, cũng như thăm viện bảo tàng Gobi nơi trưng bày nguồn gốc sự hình thành sa mạc và các sinh thực vật sống trong đó. Điểm chính của sa mạc Gobi là đồi cát Khongor San Dune. Đồi cát này dài nhất thế giới 180Km. Đồi cát màu vàng nhưng dưới ánh mặt trời đôi lúc phản chiếu màu trắng như tuyết. Tiếc rằng buôỉ chiều đến đó trời bị mưa giông bất ngờ nên chúng tôi không thể leo cao lên trên đồi. Chỉ có cưỡi lạc đà đi dọc một đọan và sáng hôm sau thì đi hiking một đoạn nữa mà thôi (vì quá dài không có sức để đi đó).
Kế đến chúng tôi đi đến Bayanzag để coi Flaming Cliffs toàn bằng đá đỏ (địa danh đang được đề cử là kỳ quan thiên nhiên thế giới), vùng này do một nhà địa chất Hoa Kỳ khám phá. Sau đó thì đến Ongii khiid để thăm vết tích của một ngôi chùa Lama- “Monastry of Bari Lama”. Chùa này do các thấy tu Lama xây dựng và tu hành nhưng đã bị tàn phá năm 1933. Ngày nay thế giới đang kêu gọi sự giúp đỡ về công, của để tái xây dựng lại.
Tiếp theo chúng tôi thằm viếng Kharakhorum là kinh thành xưa thời Đại Hãn (Ancient capital city of Chingis Khan). Ở đó có đền Erdene- Zuu và đây cũng là trung tâm phật giáo đầu tiên của Mông Cổ.
Trong thời gian “vi hành” trên miền sa mạc, chúng tôi nghỉ đêm trong những lều trại (tourist ger), đó là loại “mobile home” cũa người du mục (normadic). Mỗi lều có dường kính khoảng 6.5m và được chống đỡ bằng 2 cột chính giữa. Lều được che kín bằng nilon và vải nỉ. Trên nóc thì khoét một lỗ tròn để thông gió và ánh sáng. Ở vùng sa mạc dùng điện bằng năng lượng mặt trời, cho nên vào mùa hè thì đến khoảng 10 giờ tối là hết…điện. Các trại dành cho du khách thì tương đối có ít nhiều tiện nghi như nhà tắm, nhà vệ sinh (tập thể). Chứ trại của dân thì không có và người dân giải quyết vấn đề đó một cách rất thiên nhiên trên những cánh đồng trơ trụi, bát ngát.
Chúng tôi có dịp thăm viếng gia đình những người du mục để biết đến đời sống của họ. Dân du mục Mông Cổ rất đơn giãn và thô sơ; mọi sinh hoạt của gia đình bao thế hệ cũng gom vào trong một cái lều đó. Một bếp lò được xây ở chính giưã để nấu ăn và làm lò sưởi. Không có một sự “riêng tư” nào. Chủ yếu người du mục sống bằng chăn nuôi gia súc: thịt để ăn; lông, da để làm y phục, hay các vật dụng khác. Các đàn dê, cừu, bò, ngưạ, lạc đà, suốt ngày nhởn nhơ, thơ thẩn gặm cỏ khắp cánh đồng. Chủ nhân của các đàn gia súc này phải đóng dấu trên lưng con vật của mình để phân biệt.
Nếu Ấn Độ có số lượng bò bằng ½ dân số, thì Mông Cổ có số lượng ngựa bằng 10 lần dân số. Chả trách, từ thời xa xưa của đế chế của Thành Cát Tư Hãn, người ta đã nói, vó ngựa Mông Cổ đến đâu thì cỏ không thể mọc lên được.
Chúng tôi được nếm sữa ngựa tươi mới vắt. Sữa ngựa có chất nồng giống bia (nhưng không có gas) và hơi chua như có trộn ya-ourt. Nếu uống nhiều có thể bị say như say rượu. Đàn ông Mông Cổ rất thích uống sữa ngưạ (?!).
Do hình thể địa lý và khí hậu, Mông Cổ không thể trồng nhiều loại rau mà chỉ có khoai tây, cà rốt hành và bắp cải, nên dân du mục chủ yếu là ăn thịt. Đặc biệt không có thịt heo cho nên thịt heo, rau trái rất mắc và chỉ có bán ở thủ đô UB. Nhưng không có ai béo phì đến cần phải “diet” như ở xứ sở cờ hoa. Thịt bò Mông Cổ ở Gobi rất mềm (nhưng không bằng ở Kobe- Nhật), chẳng hổ danh là “Mongolian beef”. Nhưng chế biến theo cách Mông Cổ thì không được ngon bằng lối của Đại Hàn. Bởi vậy nhà hàng Korean food ở UB rất nhiều mà ngon và rẻ so với ở Hoa Kỳ (so với khẩu vị của chúng tôi mà thôi)
Nguời du mục Mông Cổ có vẻ hơi “mê tín” thí dụ như chết cũng không cần chôn chỉ bỏ xác ngoài đồng và có một loại chim ăn thịt người rỉa ăn. Nhưng họ cho rằng chim này từ chối không ăn thịt người chết nào mà khi còn sống không được lương thiện; Bởi vậy người dân ai cũng tránh làm điều…bất lương!!!
Hoặc là ngay trong đời sống hiện tại bây giờ họ vẫn còn tin vào thiên nhiên và thần thánh. Có nhiều vùng người dân cho là linh thiêng thì họ làm, nhưng “Ovoo” là kết hợp những hòn đá thành những khối cao để cầu nguyện. Trên đường đi đến Gobi chúng tôi đi qua một nơi mà mọi tài xế đều tin tưởng là thiêng nhất nên họ đều dừng lại, đi quanh 3 vòng theo chiều kim đồng hồ, rồi đặt vào một hòn đá và cầu nguyện thì mọi ước nguyện sẽ thành…!!! Ở nơi đó chúng tôi thấy có nhiều cái nạng bằng gỗ của những người tàn tật. Hỏi ra thì được trả lời là nạng của nhưng người cầu nguyện và nay họ lành bệnh có thể đi lại được rồi nên đem nạng đến để đó để minh chứng. Đồng thời chúng tôi cũng thấy có rất nhiều tiền “cúng” để đầy (chắc là tạ ơn???)
Sau cuộc hành trình xuôi Nam hơn tuần lễ, chúng tôi trở về lại thủ đô UB để kịp tham dự Nadaam National Festival
Hằng năm, vào 2 ngày 11 và 12 tháng Bảy, Mông Cổ tổ chức Lễ hội Nadaam như là quốc lễ để vua tuyển chọn nhân tài ra giúp nước. Ngày nay lễ hội đó chỉ có tính chất tinh thần truyền thống vì không còn ai mang gươm, cưỡi ngựa ra trận. Có 3 cuộc thi chính trong Nadaam festival là thi vật (wrestling), bắn cung (archery) và đua ngựa (horse race). Mỗi năm Tổng thống Mông Cổ đều dự lễ khai mạc và lễ bế mạc để trao giải thưởng cho người thắng cuộc. Đặc biệt kỳ này còn có sự tham dự của Hoàng Tử Nhật bản và dĩ nhiên là rất nhiều du khách trên thế giới trong đó có chúng tôi.
Có rất nhiều cuộc đua ngưạ dành cho các loại tuổi. Mỗi chặng đua dài 17 km trên cánh đồng; Chúng tôi theo dõi trận đua của ngựa 3 tuổi và một điều thích thú xẩy ra là con ngưạ về nhất lại không có nài trên lưng (đúng là “ngựa quen đường cũ”!), và theo luật thi đấu thì con ngựa này sẽ lãnh hạng nhì và người cưỡi con ngựa về đích tiếp theo sẽ được hạng nhất.
Người Mông Cổ cũng cho rằng trong trận đua ngựa, nếu khói bụi càng tung lên mịt mù bao nhiêu thì trong năm theo đó sẽ được càng nhiều may mắn. Chỉ tội cho du khách khán giả phải chịu đựng hít thở bầu không khí vừa nóng nực cháy da vừa tổn thương buồng phổi.
Trên đường phố ở Thủ đô UB chúng tôi thấy nhiều tiệm để bảng “VietNam Auto repair” vừa tiếng Anh, vừa tiếng Mông Cổ. Chúng tôi đã viếng Toà đại sứ nước Việt Nam ở UB và được nhân viên sứ quán cho biết có khoảng 100 Việt Kiều sinh sống tại UB. Trong đó có 10 du học sinh do Chính phủ gởi đến học về chăn nuôi. Chúng tôi có dịp tiếp xúc trao đổi với một vài gia đình Việt kiều Mông Cổ và được biết, tất cả đều đến lập nghiệp cũng hơn 5 năm. Có người ban đầu được gởi đi học, sau thì ở lại làm ăn luôn. Kinh doanh chính của người Việt ở UB là sửa xe hơi vì người Việt khéo tay, cần cù và ở thủ đô người ta sử dụng xe hơi nhiều hơn xe 2 bánh. Một điểm ghi nhận được nữa là ở Mông Cổ người ta cho lưu hành cả hai loại xe có tay lái bên trái và bên phải. Cho dù luật giao thông thì áp dụng cho tay lái bên trái như ở Hoa Kỳ.
Về giáo dục hiện nay trẻ em bắt đầu học thêm một ngoại ngữ chính thức trong chương trình từ lớp 4. Giáo dục phổ thông tính từ lớp một đến lớp 11 rồi thi vào đại học. Những nhân viên làm cho Chính phủ sẽ được phép có một ngừơi con theo học đại học miễn phí, còn ngoài ra đều phải trả học phí đại học. Ứơc tính trung bình khoản 5- 6 ngàn USD một năm. Học sinh phải học cả hai lối chữ viết cyric va alphabet vì ngôn ngữ Mông Cổ viết theo lối chữ Nga. Trên các bàn phím computer, chữ của Mông Cổ được khắc thêm vào bề mặt hông để chuyển đổi từ latinh abc sang.
Để khuyến khích gia tăng dân số Chính phủ tài trợ 500.000( tức khoảng 500 USD) cho các cặp vợ chồng kết hôn, và nếu sanh con thì mỗi người con sẽ được trợ cấp 24 USD mỗi tháng cho đến 18 tuổi không kể đến thu nhập của cha mẹ là bao nhiêu.
Trung bình một người tốt nghiệp đại học có việc làm thu nhập khoản từ 200 USD/tháng trở lên. Còn bình quân thì thu nhập đầu người ở mức 1,800 USD/ một năm. Nhưng mà vẫn có sự chênh lệch lớn giữa thủ đô và miền quê.
Ngày nay dư âm của thời “Đại Hãn” của thế kỷ 12,13 chỉ còn lại trong lịch sử; nhưng người Mông Cổ rất tôn sùng Thành Cát Tư Hãn (Chenggis Khan). Sau thời kỳ bành trướng của vó ngựa Ngoại Mông thì Mông Cổ bị rơi vào sự cai trị của Trung Quốc và tiếp theo là Cộng Sản Xô Viết. Cho đến 1989 theo chân phong trào Thiên An Môn, một số người trẻ tuổi đã liên kết cùng nhau tranh đấu cho sự tự do, dân chủ một cách ôn hoà. Họ kêu gọi mọi ngưòi cùng tụ tập ở quảng trường Sukhbaatar cùng hát vang bài hát “ The Sound of bell” làm đánh động con tim mọi người dân và với lòng đoàn kết cao độ người Mông Cổ. Họ đã thiết lập một nền dân chủ tuy còn rất non trẻ nhưng đang bước những bước đi vững chắc để xây dựng một “thời oanh liệt” mới không làm hổ danh con cháu của Đại Hãn.
Tháng Bảy, 2007
Trần Diệu Hiền
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét