Kich cau, nhung kich nhu the nao

Kích cầu – nhưng kích như thế nào?

Nguyễn Vạn Phú

Mỗi khi hoạt động sản xuất kinh doanh rơi vào chỗ đình trệ người ta liền nghĩ đến chuyện kích thích kinh tế mà ở Việt Nam thường được gọi một cách hình tượng “kích cầu”.

Kích thích hoạt động kinh tế thường từ được xem xét từ hai góc độ cung và cầu; biện pháp cũng thường được tính đến từ hai nguồn tài khóa và tiền tệ. Với Việt Nam hiện nay tìm cách kích thích nền kinh tế mà không gây ra lạm phát là một bài toán khó, cần cân nhắc thấu đáo.

Từ tặng tiền đến miễn thuế

Cách kích cầu có tác dụng nhanh nhất là đưa tiền do người dân chi tiêu. Nghe qua tưởng chuyện đùa nhưng đã có nhiều nơi trên thế giới áp dụng cách đó. Tuần trước gói giải pháp kích thích kinh tế của Đài Loan có cả biện pháp cấp phiếu mua hàng cho dân Đài Loan trước Tết Nguyên Đán năm nay, mỗi người được chừng 3.600 Đài tệ (gần 2 triệu đồng). Nếu tất cả mọi người dùng phiếu để mua hàng thì GDP Đài Loan nhờ đó sẽ tăng chừng 0,64% trong năm 2009. Hồi đầu năm Mỹ cũng quyết định “thối lại” tiền thuế cho dân Mỹ, đa số được chừng 600 đô-la mỗi người. Người dân có chi tiêu thì hàng hóa sản xuất ra mới bán được và nhờ đó doanh nghiệp mới hoạt động, công nhân có việc làm và nhà nước lại thu được thuế.
Việt Nam chắc không có chuyện trao tiền mặt như thế nhưng vẫn có thể có những biện pháp gần tương đương như giảm hay miễn thuế VAT trong một thời gian nhất định hay với một số mặt hàng nhất định (nếu miễn thuế VAT trong một thời gian ngắn, rất có thể kích thích người ta đi mua hàng để được giảm giá ngay lúc đó vì sau thời gian miễn thuế giá hàng sẽ trở về như cũ).

Một trong những biện pháp kích thích như thế nhưng có hiệu quả lan tỏa rộng là giảm giá xăng, kể cả giảm thuế nhập khẩu xăng để buộc các công ty kinh doanh xăng dầu giảm giá hơn nữa. Theo tính toán của tờ Wall Street Journal, khi giá xăng giảm từ 147 đô-la/thùng còn 50 đô-la/thùng, toàn bộ nền kinh tế Mỹ nhận được một khoản “trên trời rơi xuống” chừng 250-300 tỷ đô-la mà không cần chi xu nào từ ngân sách. Vấn đề là làm sao thúc đẩy các công ty kinh doanh xăng dầu giảm giá cho đúng với mức giá thực tế của thế giới, đừng để họ lập luận rất trái với quy luật kinh doanh như mua xăng lúc giá cao nên phải bán cho hết mới giảm giá được!

Ở góc độ tăng cung, các biện pháp thường được tiến hành gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cho khấu trừ chi phí rộng rãi hơn, hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp khác với mục đích là làm sao doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hóa hay dịch vụ hơn. Thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ 28% còn 25% bắt đầu từ năm 2009 là một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, các biện pháp nên hướng đến hỗ trợ tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế, vừa thu ngoại tệ về nhằm bảo đảm cán cân thanh toán và tạo nhiều công ăn việc làm. Ở đây việc xác định một tỷ giá hối đoán hợp lý là điều cần cân nhắc sớm. Lấy ví dụ ngành du lịch, một dạng xuất khẩu tại chỗ, hiện đang gặp nhiều khó khăn vì khách du lịch chê đến Việt Nam chịu giá phòng, giá tour quá đắt so với các nước khác. Giá phòng khách sạn ở Hàn Quốc chẳng hạn có thể vẫn được giữ nguyên như đầu năm khi tính bằng đồng won nhưng nếu chuyển sang trả bằng đô-la thì giảm đi rất nhiều, cùng với sự sụt giá của đồng won so với đô-la Mỹ, chẳng lạ gì khách sẽ cho là rẻ. Việc xuất khẩu các mặt hàng cũng vậy – một tỷ giá gắn với đồng đô-la đang lên giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực đang làm cho hàng Việt Nam mất tính cạnh tranh. Số liệu xuất khẩu trong chiều hướng giảm của mấy tháng gần đây cho thấy điều đó.

Kích cầu đầu tư

Tuy nhiên, tin tức rộ lên khắp các nước liên quan đến các gói giải pháp kích thích nền kinh tế tập trung quanh chuyện kích cầu đầu tư. Trung Quốc gây ngạc nhiên cho toàn thế giới khi công bố gói kích thích tài chính trị giá đến 586 tỷ đô-la đến năm 2010. Cho dù có nhiều phân tích tỏ ý nghi ngờ con số chi tiêu thật sự từ ngân sách nhà nước là bao nhiêu, tuyên bố của Trung Quốc phải chăng là màn PR cho hội nghị G-20 diễn ra sau đó, chắc chắn sẽ có những khoản tiền lớn Trung Quốc sẽ đổ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, trường học, sân bay… nhằm, trước hết tạo công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân thất nghiệp sau khi hàng loạt nhà máy phải đóng cửa.

Tổng thống đắc cử Obama cũng cho rằng ưu tiên của ông ngay sau khi nhậm chức là làm sao thông qua gói kích thích kinh tế, trong đó có những dự án hạ tầng như sửa sang hệ thống đường sá, cầu cống đã xuống cấp của Mỹ và xây dựng các cơ sở sản xuất năng lượng thay thế. Bản thân các dự án hạ tầng có độ trễ về hiệu quả nên Obama chú trọng đến loại dự án chỉnh trang, sửa chữa nhằm tạo công ăn việc làm là chính và tăng nhanh thời gian phát huy hiệu quả của dự án. Trong khi Trung Quốc nhấn mạnh đến con số 586 tỷ đô-la, Obama nhấn mạnh con số 2,5 triệu việc làm sẽ được tạo ra trong hai năm tới nhờ gói kích thích này.

Nói đến biện pháp này, nhiều người Việt Nam lo ngại nếu chính sách tài khóa mở rộng, sẽ có khả năng nền kinh tế rơi vào chỗ mất ổn định như những tháng đầu năm. Vấn đề là nếu nóng vội kích cầu đầu tư thông qua các tập đoàn kinh tế nhà nước vì đây là nơi dễ triển khai nhất, dễ dùng mệnh lệnh hành chính nhất, chúng ta sẽ rơi vào bế tắc cũ vì đầu tư thông qua các tập đoàn và tổng công ty đã được chứng minh là kém hiệu quả nhất. Có thể giải quyết mâu thuẩn này, trước hết, bằng cách thúc đẩy giải ngân những dự án ODA đang trì trệ. Đây là những khoản vay đã có sẵn, lãi suất thấp, dự án cũng đã sẵn sàng. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc mang tính thủ tục, hành chính hay tệ quan liêu bàn giấy chính là cách kích cầu đầu tư hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.

Đây cũng là dịp triển khai các dự án đầu tư công bị đình trệ vì giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng vọt trong những tháng đầu năm. Tận dụng cơ hội giá cả đang giảm, chúng ta có thể khởi động lại hàng loạt dự án để tạo thêm công ăn việc làm. Vấn đề là thúc đẩy quá trình cải cách để mở rộng cơ hội tham gia cho nhiều công ty từ thành phần kinh tế tư nhân, là nơi có độ linh hoạt cao trong việc tuyển dụng và tính toán chi phí.

Dù sao chuyện được nhiều người quan tâm hiện nay là lãi suất hay nói rộng ra là chính sách tiền tệ hướng đến kích thích kinh tế. Theo chúng tôi, vấn đề không nằm ở lãi suất, nhất là ở Việt Nam khi chi phí cho lãi suất cao hay thấp chưa hẳn đã tác động đến quyết định vay hay không vay của doanh nghiệp. Nếu không có cơ hội, lãi suất thấp chưa hẳn đã kích thích doanh nghiệp vay tiền làm ăn. Vấn đề là khơi thông dòng chảy của đồng vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp. Phải giúp một số ngân hàng lành mạnh hóa tình hình tài chính, tách rời các khoản vay địa ốc, xem chúng như những tài sản xấu cần giải quyết riêng mới mong ngân hàng tiếp tục cho vay sản xuất kinh doanh. Cho đến nay mà Ngân hàng Nhà nước còn phải buộc các ngân hàng thương mại báo cáo lại các con số cho vay địa ốc thì giải pháp chưa thể nào có nhanh được. Nếu hạ lãi suất cơ bản và giảm dự trữ bắt buộc khi chưa làm được chuyện tách bạch này, rất có khả năng ngân hàng sẽ lại đảo nợ địa ốc và bơm lại chiếc bong bóng nguy hiểm này.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét