Qua bài viết dưới đây của Trần Nhương, độc giả biết thêm về dất nước Thảo nguyên mênh mông dưới cái nhìn của các nhà văn Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.
Thủ đô Ulanbato không lớn, có nét gì khá gần gũi với Hà Nội. Chỉ khác một điều Ulan không có xe máy và xe đạp như ta. Dòng xe ô tô nối đuôi nhau nhưng rất trật tự, ai đi làn nào cứ đi làn ấy không chen lấn nhau. Nếu có va chạm thì ôn hoà giải quyết. Đặc biệt trong thành phố xe ô tô không được bấm còi. Chúng tôi đi trên đường phố Ulan mà nghĩ về Hà Nội “ dập dìu tài tử giai nhân / Xe đạp, xe máy chen chân phố phường “. Hà Nội có một cái gì đấy như ở vùng sâu vùng xa của thế giới, có một cái gì đấy không có phong cách hiện đại.
Dân số Mongolia chừng hơn hai triệu thì gần một nửa ở thủ đô, còn lại hơn một nửa ở các thành phố khác và thảo nguyên mênh mông. Bình quân cứ ba hộ dân có một ô tô, nên lượng xe ở Ulanbato khá lớn. Dân Mongolia vào loại tay chơi, xe hỏng thì mua xe khác chứ ít sửa chữa. Nắm được nhược điểm này một số anh em Việt nam ta sang đây mở xưởng sửa chữa xe. Khéo tay, nhanh trí và khôn vặt của người Việt thật đắc dụng. Nghe nói bà con ta làm ăn khấm khá cả, hoà đồng với dân chính quốc. Giá xe ôtô ở đây không cao ngất ngưởng như nhà ta. Tôi hỏi chú lái xe Saga thường chở chúng tôi đi rằng cái xe 7 chỗ còn khá mới chú đang lái đây giá bao nhiêu. Saga trả lời khoảng 10.000ÚSD. Vậy là quy ra tiền Việt thì chỉ khoảng 160 triệu. Tôi bảo mấy vị trong đoàn là nếu bên ta giá xe như thế này thì nhà văn chúng ta sẽ đi ôtô thâm nhập thực tế các địa phương cho nó nhanh.
Ban Dat dẫn chúng tôi đi thăm thủ đô. Đến quảng trường Su khê ba to mênh mông, chúng tôi chụp ảnh bên tượng đài Thành Cát Tư Hãn. Các cô cậu bán tranh, bán huy hiệu, đồ lưu niệm vây quanh, nhưng không bám khách một cách khó chịu như ở các điểm tham quan của ta. Tôi mua một tranh vẽ ngựa bằng sơn dầu và một tranh vẽ một Khan mặc quần áo dân tộc bằng giấy dó. Hội hoạ Mongolia có nét gần gũi với Trung Quốc và Việt Nam. Chúng tôi lại ao ước Hà Nội có một quảng trường thông thênh như thế này. Một thủ đô gần 1triệu dân mà có quảng trường như thế, còn Hà Nội của chúng ta 5 triệu dân thì không có một quảng trường nào khả dĩ gọi là rộng.
Thủ đô Ulanbato có sông có núi, nằm gọn dưới thung lũng. Trên một sườn núi phía nam thành phố nổi bật chân dung Thành Cát Tư Hãn xếp bằng đá trắng. Bạn có thể nhìn thấy chân dung đó từ cả chục cây số. Tất cả các cơ quan công quyền ở đâu cũng treo chân dung Thành Cát Tư Hãn. Nhân dân Mongolia bây giờ rất tự hào về con người đã làm cho đế quốc Mongolia hùng mạnh vào thế kỷ XIII. Từ vật lưu niệm như dây đeo chìa khoá đến cái ví, cái túi, thảm len… đều in chân dung người anh hùng dân tộc. Trên một ngọn núi gần kề với ngọn núi có chân dung Thành Cát Tư Hãn là đài tưởng niệm Hông quân Liên Xô. Nhờ có Hồng quân giải phóng nên năm 1921 Mongolia tuyên bố độc lập và là nước xã hội chủ nghĩa. Hàng ngày du khách thường lên núi này viếng cảnh và ngắm nhìn toàn cảnh Ulanbato. Bạn bè Mongolia kể rằng nhiều năm từng đàn hươu từ trên núi ùa xuống thành phố. Sau khi dong chơi thoả thuê lại kéo nhau lên núi. Bao nhiêu năm nay đàn hươu ấy không một ai săn bắn. Chim muông bay rợp thành phố, nhất là bồ câu có thể mổ bánh mỳ trên tay bạn mà không hề lo sợ bị tóm cổ. Họ sống thân thiện và bảo vệ các con vật hoang dã như một ý thức bản năng tuyệt vời. Nếu ở ta thì đàn hươu kia đã xóa sổ từ khi nảo khi nào. Có cái cây Sưa trên gò Đống Đa họ còn chặt trộm nữa là…
Từ khi Liên Xô sụp đổ thì Mongolia cũng trở thành chế độ cộng hoà đa đảng. Cả nước có tới gần 20 đảng phái nhưng đảng Nhân dân cách mạng cũ vẫn nắm quyền lãnh đạo. Các đảng phái tranh cử với những chỉ tiêu phúc lợi xã hội rất cụ thể, chẳng hạn như trợ cấp một đứa trẻ từ khi ra đời đến năm 16 tuổi mỗi tháng mấy chục ngàn Ringgít. Một cặp vợ chồng khi cưới nhau cũng được phụ cấp hàng tháng…
Đất nước Mongolia là đất nước thượng võ nên rất kính phục các đô vật. Người ta có thể cãi lại Tổng thống nhưng không bao giờ cãi lại đô vật và nhà sư. Phật giáo là quốc đạo của Mongolia. Chùa chiền ở đây có nét riêng về kiến trúc. Sắc phục các nhà sư là màu đỏ mận. Chúng tôi đến thăm ngôi chùa Tăng Đan, nơi đây có một tượng phật cao tới 36 mét, gắn hơn 200 viên đá quý và 150 kg vàng. Nguyễn Khắc Phục là người am hiểu Phật giáo giảng giải cho tôi về đạo Phật của Mongolia chủ yếu theo thiền phái Mật tông ảnh hưởng Phật Tây tạng thường gọi là Tibet.
Chúng tôi đi nhiều nơi ở Ulanbato nhưng không thấy một vụ tai nạn giao thông nào. Ăn mày hầu như không có, duy nhất có một tối chúng tôi vừa từ nhà hàng bước ra thì thấy một cháu bé chạy ra xin tiền.
Đường phố thủ đô Ulanbato thường có lối đi bộ riêng. Vườn hoa rất nhiều dọc các phố nhưng chỉ có hàng rào hoa còn không thấy trồng hoa, cây cảnh gì. Tôi đoán có lẽ mùa đông băng tuyết nhiều nên người ta chả trồng gì. Phố xá có nét gì khá hoang dã, cây cỏ mọc mà không có bàn tay chăm sóc . Hay là bạn không có Công ty công viên cây xanh như ta. Nhà cao tầng chưa nhiều, các đường phố hao hao của Nga. Chắc là ngày xưa ảnh hưởng Nga hơi mạnh.
Cước dịch vụ viễn thông thì rẻ hơn ở ta. Nguyễn Khắc Phục bỏ ra 40 USD mua một sim để cho cả đoàn dùng. Ngày nào chúng tôi cũng xếp hàng alô về nhà. Vùng phủ sóng di động cũng khá, có khi giữa thảo nguyên sóng vẫn đầy 5 vạch. Phục đầu bạc hay bấm điện cho ai đó tận phía trời tây, gã hồi hộp và nói năng dịu ngọt lạ thường.
Có một điều chúng tôi không ưng ý là mạng internet hơi bị kém. Tôi và Phục đầu bạc có con web nên rất cần đường truyền để vào web. Một buổi tối hai tên chúng tôi đi bộ để tìm một quán nét mà không sao tìm thấy. Chúng tôivào một cửa hàng bán sim điện thoại hỏi. Chủ nhà chỉ cho chúng tôi đi tiếp một quãng thì có. Hai thằng hồ hởi đi. Đến nơi thì đẫ đóng cửa, đó là quán cà phê nét. Hầu như không có quán nét chỉ nét như bên ta. Có hai khả năng: 1- lớp trẻ Mongolia không nhiều thì giờ vào chơi game, chát như bên ta, họ không dỗi việc như các bạn trẻ nước mình.2- Đường truyền kém, tốc độ chậm nên không hấp dẫn người truy cập. Hệ thống điện thoại công cộng cũng rất kém.
Có thể nói Ulanbato rất nhiều quán rượu. Dân ăn thịt nhiều hình như cần rượu cho tiêu hóa tốt hơn. Đêm ở đây rất ngắn, mộtcuộc rượu nghiêng đêm là chuyện bình thường .
Vào mùa hè dân thành phố hầu như không làm việc. Họ kéo nhau về đồng cỏ, ngoại thành nghỉ ngơi. Mỗi gia đình mọt xe ô tô chở theo cả lều bạt, thức ăn vù về thảo nguyên cắm trại. Đồng đất thì mênh mông dựng nhà chỗ nào cũng được. Tôi ngờ rằng dân Mongolia không có kiểu quản lý hộ khẩu như ta và chắc chắn không trình báo tạm trú, tạm vắng như nước mình.
Tiến sỹ Dat nói: Khái niệm ngôi làng chôn nhau cắt rốn ở Mongolia không có vì dân du mục nay đây mai đó. Ông nói cái làng của tôi phải tính cả 300 km. Tôi dẻ ra trong một nhà lều giữa thảo nguyên rồi vài hôm sau bố mẹ lại nhổ trại đi hàng trăm cây số. Nếu khai lý lịch như bên ta thì không biết họ ghi quê quán, nơi sinh thế nào nhỉ ?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét