Kinh te... phi thi truong

Kinh tế… phi thị trường

Nguyễn Vạn Phú

Trong khi Việt Nam đi theo nền kinh tế thị trường đã khá lâu, cách suy nghĩ của nhiều nhà quản lý, nhiều chuyên gia kinh tế và thậm chí của một số doanh nhân lại không theo quy luật thị trường chút nào mà chủ yếu theo trực giác bị tác động bởi tư duy kinh tế thời bao cấp.

Lấy ví dụ chuyện lãi suất. Nhiều người cứ nhầm cắt giảm lãi suất cơ bản ở Việt Nam cũng giống kiểu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Thật ra, lãi suất Fed thường tuyên bố cắt là lãi suất qua đêm (Fed Fund rate), tức là lãi suất các ngân hàng tính cho nhau khi vay mượn qua đêm các khoản tiền gởi ở Fed để bảo đảm mức dự trữ bắt buộc. Nói chính xác hơn nữa, Fed cũng không quyết định lãi suất mà chỉ đưa ra mức lãi suất muốn hướng đến; sau đó dùng thị trường mở để tác động sao cho lãi suất qua đêm ứng với lãi suất muốn có.

Ở Việt Nam, lãi suất cơ bản là “lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh”. Nói nôm na, đây là lãi suất tốt nhất do ngân hàng tốt nhất cho khách hàng vay. Bỗng nhiên, sau lần tranh cãi xem có nên sửa đổi Bộ Luật dân sự (“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”), lãi suất này tự dưng trở thành mốc để suy ra lãi suất trần. Ví dụ, lãi suất cơ bản vừa được cắt giảm còn 12%, người ta suy ra lãi suất cho vay tối đa sẽ ở mức 18%! Tức là một điều luật nhằm ngăn chận hiện tượng cho vay nặng lãi ngoài xã hội bỗng trở thành yếu tố điều tiết lãi suất của hệ thống ngân hàng chính thống!

Lẽ ra, để giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải dùng các công cụ khác như thị trường mở, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu… còn lãi suất cơ bản chỉ là kết quả hướng đến sau cùng, làm định hướng cho các ngân hàng thấy xu hướng của lãi suất. Lấy lãi suất cơ bản để ấn định trần lãi suất là việc làm trái quy luật thị trường.

Chưa hết, khi lập luận lãi suất cao hay thấp, nhiều người dùng chỉ số lạm phát của tháng 10 hay chỉ số lạm phát từ đầu năm đến nay. Nếu lấy chỉ số tháng 10 (âm 0,19%) ai cũng nói lãi suất quá cao; còn lấy mức từ đầu năm đến nay (23,15%), ai cũng thấy chưa nên giảm lãi suất. Trong khi đó chỉ cần nhớ lại lãi suất thực dương là lãi suất cao hơn mức lạm phát kỳ vọng trong tương lai, việc phải làm trước khi nói lãi suất cao hay thấp là dự đoán cho được mức lạm phát kỳ vọng chứ không phải dùng số liệu đã qua. Quốc hội vừa mới thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, trong đó chỉ số giá tiêu dùng cho năm 2009 dưới 15%. Đấy chính là một trong những mốc có thể lấy để suy xét lãi suất nên ở mức nào để “thực dương”. Và đấy cũng là một chỉ dấu để giải quyết cuộc tranh luận liệu Việt Nam đã rơi vào tình trạng giảm phát, một tranh luận không đáng có bởi những người vội vàng nhìn vào con số âm 0,19% nói trên.

Chính vì không nhìn sự vận hành của nền kinh tế theo quy luật thị trường nên giới quản lý thường muốn phát biểu mang tính trấn an thị trường chứ không phân tích thấu đáo, cặn kẽ rồi để tự thị trường quyết định. Ví dụ, khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới biên độ giao dịch giữa tiền đồng và đô-la Mỹ lên cộng trừ 3% từ mức cộng trừ 2% trước đó, chắc chắn đô-la sẽ lên giá so với tiền đồng. Lẽ ra phải nhấn mạnh đây là bước đi hoàn toàn bình thường trong bối cảnh đô-la Mỹ lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác, một số người lại trấn an một cách không cần thiết rằng tỷ giá không vượt qua mức 17.000 đồng/đô-la. Đến khi tỷ giá lên mức này, lại có người giải thích ấy là do dân buôn lậu vàng gom đô-la! Nếu đứng tách ra một chút người ta dễ thấy rằng tiền đồng, khi gắn với giá trị đồng đô-la, đang lên giá mạnh so với đa số đồng tiền trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới mà chúng ta có quan hệ thương mại và cần phải điều chỉnh ngay để duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của nước ta. Tính thị trường ở đây là đặt tương quan tiền đồng với một rỗ ngoại tệ chứ không chỉ đô-la Mỹ và cần giải thích một cách sòng phẳng như thế.

Các phát biểu phi thị trường xuất hiện nhiều nhất từ các công ty quốc doanh, từ ngành kinh doanh xăng dầu (chuyện lời lỗ), kinh doanh điện lực (chuyện đầu tư) đến các doanh nghiệp địa ốc (chuyện bơm vốn). Nếu chúng chỉ dừng ở mức phát biểu thì không sao vì người dân họ rất nhạy bén để hiểu đâu là phát biểu có thể làm lạc hướng dư luận. Nhưng nếu chúng trở thành áp lực “vận động hành lang” để tác động lên chính sách thì đó là điều nguy hiểm cho nền kinh tế thị trường đang hình thành và dần bén rễ.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét