Sơ cứu cho con và dạy con cách sơ cứu

Giữ an toàn cho bản thân và người khác là điều vô cùng cần thiết, vì vậy mình luôn đề cao việc trang bị kiến thức về an toàn. Tuy nhiên, trong cuộc sống đôi khi không thể tránh khỏi sự cố (xui xẻo đâu có trừ ai ra kia chứ), vì vậy mình nghĩ cần phải trang bị kiến thức sơ cứu nữa. Khi chúng ta có con nhỏ, việc sơ cứu cho con khi cơ thể bị tổn thương là chưa đủ, còn phải dạy con cách sơ cứu nữa, bởi vì không phải lúc nào con cũng có ba mẹ hay người lớn ở bên để có thể nhờ cậy.

1. Sơ cứu cho con

Mình không có ý định trình bày kiến thức về sơ cứu trong một bài viết, hơn nữa mình cũng không phải là chuyên gia. Vì vậy, mình nghĩ mỗi gia đình nên có sẵn tài liệu chi tiết về sơ cứu, khi cần là có thể tham khảo. Ngoài ra chúng ta phải nắm vững những kiến thức sơ cứu cơ bản như xử lý thế nào khi con bị sốt,  bị sặc, ngạt thở, phỏng, ngộ độc, chấn thương, trầy xước, bị côn trùng cắn, chảy máu cam... Đây là cuốn sách mình đã mua từ khi sinh con đầu lòng, mình thấy trình bày rất dễ hiểu và cụ thể:


Cuốn "Cẩm nang sơ cấp cứu trẻ em và người lớn" là tài liệu của Hội chữ thập đỏ Anh Quốc, do bác sĩ Nguyễn Lân Đính dịch - có ở hầu hết các hiệu sách hoặc có thể đặt mua qua mạng.

Bên cạnh đó, trong nhà luôn có sẵn bộ dụng cụ sơ cứu, ít nhất phải bao gồm:

- Nhiệt kế, thuốc hạ sốt
- Gạc tiệt trùng, băng dán cá nhân, đồ băng bó
- Kem/thuốc trị phỏng, côn trùng cắn
- Dung dịch sát trùng vết thương

 2. Dạy con ý thức về sự an toàn

Trước khi trang bị cho con kiến thức sơ cứu bản thân, hãy giúp con có ý thức về sự an toàn. Có thể bé còn rất nhỏ, chỉ hơn 1 tuổi thôi, nhưng không phải vì thế mà bé không nhận thức được những điều ba mẹ nói. Có điều bé nhỏ nên hay quên, bất cẩn..., vì vậy phải kiên nhẫn nhắc nhở bé nhiều lần, mưa dầm thấm lâu mà. Mình thấy không ít bé khi bị ngã là lập tức được người lớn chạy tới ôm chầm lấy xuýt xoa, đòi đánh cái bậc thềm, cái bàn cái ghế... vì tội đã làm cho bé đau. Cá nhân mình không ủng hộ cách giải quyết như vậy, vì nó không làm cho bé ý thức được bé sai ở đâu để lần sau còn tránh, chưa kể nó nuôi dưỡng sự vị kỷ và thói quen dựa dẫm trong bé. Thay vào đó, hãy giúp bé đứng dậy và xử lý vết trầy xước, bầm tím... nếu có, đồng thời nhẹ nhàng giải thích cho bé vì sao bé bị đau. Nếu lần sau bé không muốn bị đau nữa thì bé phải biết tránh những sai lầm như vậy. Dưới đây là một số điều cơ bản về an toàn mà theo mình cần phải giúp bé ý thức được:

- Cẩn thận quan sát khi đi đứng và sinh hoạt: biết tránh các chướng ngại vật trên đường đi, biết tránh những chỗ nguy hiểm như nơi có lửa, nước nóng, ống bô xe máy..., biết cẩn thận ở những nơi dễ té ngã như cầu thang, chỗ trơn trượt...

- Biết kiểm tra độ nóng lạnh của đồ ăn thức uống khi chuẩn bị dùng. Chẳng hạn, với một tô cháo nóng, bé cần biết ấy muỗng hớt phần trên cùng và thổi nguội rồi nếm thử, nếu cháo quá nóng thì nên chờ đợi hoặc làm cho nhanh nguội. Dĩ nhiên, khi mẹ nấu cho con thì thường bao giờ cũng bảo đảm đồ ăn của bé có nhiệt độ vừa phải, nhưng những lúc bé đi chơi nhà người khác hoặc đến chỗ lạ thì không phải luôn được như vậy. Mình kể một câu chuyện vui: hồi Anh Thi 3 tuổi mình có đưa bé đi Vũng Tàu chơi với một bà giáo nước ngoài và một cô đồng nghiệp. Tắm biển xong mọi người gọi cháo hàu ăn. Khi 4 tô cháo nghi ngút khói được bưng lên, Anh Thi sợ nóng nên xin thêm một chén nhỏ san ra, rồi vừa múc từng miếng nhỏ vừa thổi nên ăn ngon lành. Bà giáo nước ngoài múc một muỗng ăn vội kêu lên "so hot", đến lượt cô đồng nghiệp cũng múc một muỗng vội dãy ra liền vì nóng, làm bé Thi ngồi cười quá trời.

- Biết kiểm tra hạn sử dụng của các sản phẩm đóng gói. Ví dụ, mỗi lần lấy cho bé một hũ yaourt hay hộp sữa, đừng quên chỉ cho bé cách nhận biết sản phẩm có còn dùng được hay không.

- Biết tránh những khu vực dự đoán có nhiều côn trùng và vật gây hại như muỗi, bọ, rắn rết... Tuyệt đối không được phá tổ ong, trêu chọc chó mèo quá trớn vì chúng có thể gây tổn thương cho mình.

- Không được nghịch điện, lửa, các vật sắc nhọn như dao kéo

- Tuyệt đối không được chạy nhảy chơi đùa ở khu vực gần hồ bơi, sông ngòi... khi không có người lớn đi cùng. Trẻ con khi vui chơi rất dễ sa đà, bất cẩn, nếu chẳng may bị sẩy chân lọt xuống ao hồ thì cực kỳ nguy hiểm, ngay cả với bé biết bơi thì việc xảy ra bất ngờ cũng khiến bé lúng túng không kịp phản ứng và điều đáng tiếc có thể xảy ra trong tích tắc.

Về phần người lớn, phải ghi nhớ luôn tạo một môi trường an toàn cho con trẻ, không để những thứ gây nguy hiểm cho bé trong tầm với, trang bị những đồ dùng đảm bảo an toàn như đồ chặn cửa, bịt ổ điện, bịt góc nhọn, giữ sàn nhà và toilet luôn khô ráo, dẹp hết các chướng ngại vật có thể gây tổn thương cho bé... 

3. Dạy con cách sơ cứu

Khi cơ thể bị thương tổn, cần xử lý vết thương ngay lập tức trước khi đưa đi bệnh viện nếu bị nặng. Rất tiếc là mặc dù trẻ em không phải luôn ở bên ba mẹ và thường xuyên gặp phải những chấn thương nhỏ khi đi lại, chơi đùa, nhưng rất ít bé được dạy cách sơ cứu cho bản thân. Mình thấy có nhiều phương pháp dạy bé sơ cứu một cách đơn giản và hiệu quả:

- Dạy từ tình huống: Khi xem phim hoặc kể chuyện cho bé nghe, hãy đặt ra những "case study" phù hợp với nội dung câu chuyện, bộ phim... để hỏi bé cách giải quyết. Ví dụ: "Cậu bé trên phim làm sao mà ngã vậy con?" "Tại cậu ta chạy nhanh quá và bị vấp vào một khúc gỗ." "Chà, ai mà lại để khúc gỗ giữa đường thế nhỉ, nếu là con bị vậy con có khóc không?" "Khóc chứ, đau quá mà!" "Ừ, nhưng nếu khóc hoài thì cũng có hết đau đâu nhỉ, con phải làm sao để xử lý vết thương đó chứ?" "Con xem có ai quanh đó không con sẽ nhờ giúp." "Đúng rồi, nhưng nhỡ lúc ấy không có ai thì sao? Con phải tự giúp mình chứ!" "Nhưng con không biết làm thế nào." "Dễ lắm, để mẹ chỉ cho con, rồi khi nào có sự cố thì con tự làm cho mình hoặc giúp các bạn khác nhé."

- Dạy từ thực tế: Nếu bé bị thương, hãy sơ cứu cho bé và đồng thời chỉ cho bé cách làm như thế nào luôn. Hãy nói với bé: "Khi nào không có mẹ ở bên thì con làm như vầy nè, hoặc nếu có bạn nào bị thương thì con giúp bạn nhé." Khi bé bị những tổn thương nhẹ, có thể để bé tự xử lý luôn và mẹ quan sát điều chỉnh nếu cần thiết. Ngoài ra dạy bé những cách xử lý đơn giản khi ở nơi thiếu "đồ nghề", ví dụ một bạn lỡ quẹt chân vào ống bô xe máy trước cổng trường, có thể chạy ngay đến vòi nước lạnh để làm dịu vết phỏng, hoặc nếu có sẵn chai nước suối thì lấy ra xử lý ngay.

- Dạy qua trò chơi bác sĩ: Đây là cách học mà chơi cực kỳ hiệu quả. Mẹ và con có thể luân phiên làm bệnh nhân, bác sĩ để chữa cho nhau. Thay vì cho bệnh nhân mắc phải những bệnh hiểm nghèo về tim gan phèo phổi, hãy để họ bị những tổn thương thường gặp như bị đứt tay, chảy máu cam, ong đốt, bầm tím, phỏng ống bô... và cho con thực hành cách sơ cứu luôn. Đừng tiếc vài miếng gạc, keo dán... mà không cho con thực hành ngay trên cơ thể của mình, đồng thời chỉ cho bé biết đâu là kem trị phỏng, trị côn trùng, đâu là bông băng cá nhân... để dùng khi cần nhưng không được lấy ra đùa nghịch.

Ngoài việc dạy con những kiến thức sơ cứu cơ bản, hãy chuẩn bị cho con một bộ "đồ nghề" sơ cứu gọn nhẹ để con có thể mang đi bất cứ nơi đâu. Khi gặp sự cố thì con có thể lấy ra sử dụng hoặc ít nhất là nhờ người khác giúp. Đây là bộ sơ cứu mình chuẩn bị cho con, nó là một chiếc hộp dễ thương bao gồm những vật dụng sơ cứu cơ bản nhất như gạc, băng dán cá nhân, băng khuỷu tay và đầu gối, giấy lau hút nọc côn trùng, kem trị phỏng, thuốc mỡ kháng sinh..., tất cả đều được sản xuất dành riêng cho trẻ nhỏ với thành phần an toàn, món nào cũng nhỏ nhỏ xinh xinh. Với hộp sơ cứu này, con có thể bỏ vào ba lô khi đi chơi thể thao, bỏ vào cặp đi học, bỏ vào xe hơi đi chơi xa - và nó đầy đủ dụng cụ thuốc thang để xử lý những vết thương cơ bản nhất. Đi chơi thể thao nhỡ bị trượt ngã => lấy ra xử liền. Đi học xô đẩy nhau bị va đập => lấy ra xử liền. Đi picnic lỡ bị quẹt ống bô xe máy => lấy ra xử liền. Đi cắm trại lỡ bị côn trùng cắn => lấy ra xử liền. Nói chung rất là tiện.



Việc sơ cứu giúp vết thương chóng hồi phục và tạo điều kiện điều trị vết thương nặng. Dạy con cách sơ cứu là một trong những việc nên làm để con có thể tự lo cho bản thân và những người xung quanh. Mặc dù chúng ta luôn tâm niệm giữ được an toàn là tốt nhất nhưng nếu chẳng may xảy ra sự cố thì việc sơ cứu sẽ giảm thiểu được những hậu quả đáng tiếc trong khả năng có thể. Vì thế, hãy cố gắng giúp con nhận thức điều này từ những điều đơn giản nhất.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét