BÁ TÂN
Chạy không phải là thế mạnh của Việt Nam trên đấu trường thể thao khu vực cũng như thế giới. Trong các cuộc thi cũng như danh mục thành tích chạy mang tầm quốc tế, hiếm khi Việt Nam được nhắc đến.
Trên “sân chơi” dư luận xã hội cũng như báo chí thì ngược lại, từ chạy xuất hiện với mật độ không nhỏ. Chạy chức. Chạy tội. Chạy dự án. Chạy trường. Chạy biên chế... Gần đây lại có thêm “mặt hàng mới” chạy phiếu.
Suy cho cùng, truy nguyên về bản chất, chạy phiếu cùng dòng tộc với chạy chức. Chạy chức và chạy phiếu có cùng bản chất nhưng không phải là một. Đối tượng giống nhau nhưng kiểu chạy mang màu sắc khác nhau, mức đầu tư không như nhau.
Kỳ họp quốc hội lần này sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ngay lập tức, dư luận xã hội đặt ra vấn đề chạy phiếu. Đừng quen thói chụp mũ mà cho rằng chỉ có những người thiếu thiện chí, thiếu niềm tin mới “chọc ngoáy” kiểu đó. Không chỉ là người dân, mà kể cả đại biểu quốc hội cũng vô cùng nghiêm túc và có trách nhiệm cao khi đặt ra vấn đề chạy phiếu. “Dư luận đang đặt ra lo ngại về tình trạng chạy phiếu. Tuy nhiên, những đại biểu quốc hội thực sự vì dân sẽ không chấp nhận điều đó và sẽ có dũng khí để đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu quốc hội TP.HCM đã thẳng thắn bộc lộ chính kiến như vậy (báo Thanh Niên, trang 3, ngày 20.5.2013).
Không loại trừ sẽ có những quan chức cố giữ ghế bằng cách chạy phiếu. Chạy là một vế của sản phẩm mua-bán. Chỉ có mua hoặc bán thì không thể tạo ra cái sản phẩm sặc mùi đổi chác ấy. Làm được như “tiếng lòng” của đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa, kẻ chạy phiếu sẽ không có đất dung thân.
Bá Tân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét