Nhưng điều cũng rất dễ nhận ra, trong những ngày cuối cùng của quy trình “một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi” ấy, làng quê chìm trong màn khói. Khói theo gió thổi thốc vào nhà cửa, bay mù mịt đường cái quan lẫn đường liên thôn liên xã, lan lên tận những khu dân cư thị trấn hoặc ven thành phố. Có lúc tất cả như được phủ bức màn khói khổng lồ khiến ai đó không rành dễ liên tưởng đám cháy lớn đang xảy ra đâu đây. Ấy là khói đốt rơm đốt rạ sau thu hoạch.
Ta đều biết giờ đây người nông dân không cần vun vén nhặt nhạnh từng cọng rơm như trước nữa. Chất đốt đã có gas có điện hoặc bét nhất cũng than tổ ong. Làm đồng đã có máy móc vừa nhanh vừa nhàn nên lũ trâu cũng được “về hưu”, họa hoằn mới gặp vài con, chả cần rơm tích thành đống trữ thức ăn cho chúng làm gì. Tự dưng cái cọng rơm trở nên mất giá, vướng víu, thừa thãi, rẻ như rơm, chỉ muốn khuất mắt cho xong. Để phơi trên ruộng, biết bao giờ nó mới mục mới hoai trong khi đất cần quay vòng làm ngay, “không cho đất nghỉ không ngừng tay ta”. Ruộng đất ít người đông, chả nên để phí ngày nào. Nông dân chỉ còn cách hỏa thiêu rơm rạ. Vẫn hiểu như thế là lãng phí, là nguy hiểm, tổn hại môi trường, là này là nọ nhưng đành phải vậy thôi. Có ai bày cho họ cách tốt hơn đâu, xưa nay họ bị tự xoay xở quá nhiều thành quen rồi.
Đốt rơm gây nhiều cái hại. Trước hết là sự lãng phí lượng chất mùn hữu cơ dinh dưỡng rất cần thiết cho đồng ruộng miền Bắc vốn đã bị khai thác tối đa, cạn kiệt, trở nên cằn cỗi suốt bao năm nay. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách làm của bà con nông dân Nam bộ, ruộng không những liên tục được bồi bổ phù sa tự nhiên mà còn từ các phụ phẩm sau thu hoạch (tất nhiên một phần do sự vắt đất không căng thẳng như miền Bắc). Sau nữa việc đốt rơm tùy tiện tự phát không chỉ tác động xấu đến môi trường (khói, bụi tro, tăng nhiệt độ, không khí ngột ngạt, mất vệ sinh) mà rất dễ biến thành hỏa hoạn giữa làng xóm đông đúc, tai nạn giao thông.
Có cảm tưởng khoa học kỹ thuật về với nông thôn nông dân cứ như theo định kỳ, phong trào. Khi hô hào, phát động thì rầm rầm rồ rộ, điển hình nọ kết quả kia, xong rồi lại như đống lửa rơm lụi tàn nguội lạnh. Người ta chú ý, ca ngợi những nhà cao tầng bê tông ken dày xóm láng, cánh đồng mẫu năng suất cao, thậm chí cả những thứ chả thiết thực mấy với bà con như trạm internet… nhưng lại quên mất còn bao thứ mà nông dân đang ngóng chờ, cần sự giúp đỡ. Quay về chuyện cọng rơm, sao không có công trình, dự án nào, viện này viện nọ nghiên cứu, chỉ bảo cho bà con cách xử lý rơm rạ, chặng hạn ép thành bánh làm chất đốt, chất xúc tác chi đó để ủ mục rơm rạ thời gian ngắn làm phân hữu cơ… Không chỉ rơm rạ, còn bao điều khác nữa.
Nông dân làm ra hạt gạo nuôi cả xã hội thì xã hội phải có trách nhiệm cụ thể với nông dân thì mới phải đạo.
28.5.2013
Nguyễn Thông
(bài này cũng được đăng trên báo Thanh Niên ngày 1.6.2013)
(bài này cũng được đăng trên báo Thanh Niên ngày 1.6.2013)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét