Thẳng như nhà chùa

BÁ TÂN 
       Nghe nói chùa Một Cột được xếp hạng” có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”. Không có kiến thức chuyên ngành kiến trúc nên tôi chỉ nói lại chứ không dám nhận xét bình phẩm.

       Chùa Một Cột là một trong những dấu ấn lịch sử nổi bật của Hà Nội.

       Những ngày đầu tháng 5.2013, ngôi chùa “ độc đáo nhất châu Á” lại có thêm ấn tượng cũng rất độc đáo. Đại đức Thích Tâm Kiên, người trụ trì chùa Một Cột, gửi đơn đến các cơ quan chức năng của Hà Nội, đề nghị tu bổ, tôn tạo chùa. Trong đơn, đại đức Thích Tâm Kiên giãi bày rành mạch dứt khoát : “Kể từ hôm nay (2.5.2013 ), sau 30 ngày nếu không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà Mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.

        Đại đức Thích Tâm Kiên viết ra những dòng ấy là nỗi lòng trĩu nặng của người trụ trì chùa Một Cột. Nếu là công chức nhà nước, nhất là dính vào quan chức, chẳng ai dám và không ai dại tỏ bày tâm huyết thật thà mộc mạc như thế. Quan chức, dù nhỏ hay to, muốn được tồn tại, khi phát ngôn phải chiều lòng cấp trên. Không phải quan chức nhà nước cho nên người trụ trì chùa Một Cột thoát vượt ra khỏi khuôn phép… quốc doanh.

         Có người bảo rằng người trụ trì chùa Một Cột “dọa” các cấp chính quyền của Hà Nội. Nói như thế là hàm hồ. Người trụ trì chùa Một Cột cũng như giới tu hành nói chung, không biết dọa ai và cũng chẳng ai dọa được các vị. Làm cho nhà chùa. Làm cho cả phần dương và âm. Công việc nhân tâm ấy, trời biết đất biết . Thế là đủ. Không cần gì hơn. Người trụ trì chùa Một Cột cũng như giới tu hành đâu có trông mong sự ban ơn của quan chức. Con người và biết làm người, đó là chuẩn mực bất di bất dịch của giới tu hành. Cái chuẩn mực ấy trở thành thước đo cho mọi người.

        Nêu lên rồi bỏ đó. Vạch ra rồi mặc kệ. Đề xuất lại đề xuất. Kiến nghị nối tiếp kiến nghị. Đó là kiểu cách hành xử mang đậm dấu ấn của công chức và cơ quan nhà nước. Công việc chây ỳ. Hậu quả không ai chịu trách nhiệm. Chùa Một Cột nếu là công sở nhà nước, do quan chức quản lý, thoát sau khỏi “kiểu chơi” đang thịnh hành trong thực tế.

         Cách làm của người trụ trì chùa Một Cột là rất cần thiết. Gửi đơn và xác định thời gian cụ thể, không thể chờ đợi tháng này qua tháng khác. Việc chùa như việc nhà. Nhà hư thì phải sửa. Chùa cũng vậy. Biến việc sửa chùa thành dự án, tưởng là quan trọng, hóa ra làm biến chất cả về công trình cũng như nhân cách. Ham làm dự án. Cái gì cũng nâng lên thành dự án. Đã là dự án thì có A và B, xin và cho. Kể cả chùa và đền, khi trở thành dự án, dễ trở thành nơi “ trèo hái” của những kẻ kiếm tiền bằng mọi giá.

        Cách làm của người trụ trì chùa Một Cột không hợp với thói quen lạm dụng quyền hành của quan chức. Trong thời buổi này, phải làm như vậy để công phá những bức tường thành được dựng lên từ ma trận thủ tục hành chính phiền hà nhũng nhiễu.
Bá Tân
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét