Được tiếng khen ho hen cả đời

Suốt cả tuần qua, dư luận bức xúc về chuyện người dân làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây cũ), nơi nổi tiếng là đất hai vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền) đồng loạt ký vào đơn xin trả lại danh hiệu làng cổ quốc gia. Có người bảo chắc chịu hết xiết rồi nên mới đành dứt tình thế chứ thực lòng bà con nào có muốn. Thực ra nỗi thống khổ của họ không có gì mới bởi nhiều chục năm trở lại đây người dân sinh sống ở phố cổ Hà Nội đã khổ sở vất vả trong tình trạng “nhà mình mà mình không có quyền” như vậy, thậm chí còn tệ hơn, triền miên năm này tháng khác. Chả cần khảo sát tìm hiểu đâu xa, chỉ dạo vài vòng Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Buồm… là tỏ ngay. Thiếu gì trường hợp những căn nhà phố dạng ống đã quá ngưỡng “cổ lai hy”, thậm chí cả trăm tuổi, dựng lên từ hồi đầu thế kỷ trước, nay xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn phải y lệnh án binh bất động. Chỉ bởi “tội” nằm trong khu phố cổ cần bảo tồn. Không ít căn rộng có vài chục mét vuông mà chứa đến cả mấy thế hệ, tứ đại ngũ đại đồng đường, tầng tầng lớp lớp chồng xếp lên nhau như cá hộp nhưng chẳng được phép xây mới, sửa sang. Người dân Đường Lâm giờ cũng vậy, sức chịu đựng có hạn, danh thơm đâu chả thấy, chỉ thấy hứng đủ mọi khổ sở trong cuộc sống hằng ngày. Thế mà trên báo có vị quan chức thủ đô còn dọa "nếu trả lại danh hiệu, người dân làng cổ lợi đâu không biết, chỉ thấy thiệt thôi".


Chẳng biết ai đúng ai sai, nhưng nghe người dân làng cổ kêu than như thế này (do phóng viên báo Lao Độngbiên ghi lại trong cuộc họp giữa bà con với quan chức Sở VH-TT-DL ngày 15.5) thì tôi nghĩ họ nói thật, nêu lên sự thật: “Đất của cha ông chúng tôi để lại, tiền chúng tôi kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, tại sao chúng tôi không được cái quyền xây nhà, được quyền sống thoải mái trên mảnh đất cha ông của mình? Tại sao chúng tôi sửa nhà, xây lại nhà vệ sinh, lắp thêm cái tum chống nóng cũng bị ra lệnh phá dỡ, không phá thì cán bộ đến cưỡng chế? Thử hỏi, chúng tôi giữ cái danh hiệu làng cổ để làm gì khi không được cái lợi gì mà chỉ toàn thấy cái khổ thôi?” thì thông cảm với họ lắm lắm.

Cứ thử đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh mà bà con đang gánh đang chịu thì mới dễ cảm thông. Đành rằng để giải quyết được bài toán đầy mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển chẳng dễ dàng gì nhưng khi chưa tìm ra đáp số hợp lý không lẽ cứ bắt người dân chịu tất. Vẫn biết “đã mang tiếng ở trong trời đất/phải có danh gì với núi sông”, con người và đất đai, cá nhân và làng xã huyện tỉnh đều cần danh, nhưng cõng cái danh như bà con làng cổ Đường Lâm nào có khác chi “được tiếng khen ho hen cả đời”.

Trộm nghĩ, chả riêng gì cái danh hiệu làng cổ, ở xứ mình thiếu gì những cái đang tồn tại nhưng "không được lợi cái gì mà chỉ toàn thấy khổ thôi".

17.5.2013
Nguyễn Thông
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét