Mất trí giác là mất cái gì?


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2011/NĐ-CP- ngày 16.9.2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Nghị định 74 sẽ có hiệu lực từ ngày 27.6.2013. Sau khi nhận được thông tin này từ Văn phòng chính phủ, báo chí truyền thông đã đồng loạt đăng, công bố cho bàn dân thiên hạ biết, thậm chí có tờ báo còn dự đoán người đầu tiên thụ hình bằng thuốc độc sẽ là tử tù Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ đã giết người yêu và chặt ra nhiều khúc, lý ra đã bị thi hành án từ năm 2011 nhưng do không có thuốc độc nên phải dây dưa hoãn lại.

Hầu như tất cả báo in (chỉ trừ tờ Lao Động đã dùng từ khác cho chính xác hơn, còn tờ Tuổi Trẻ lờ đi chi tiết sai) đều ghi rõ "thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình gồm 3 loại: thuốc làm mất trí giác; thuốc làm liệt hệ vận động; thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Một liều  thuốc gồm 3 loại thuốc nêu trên và dùng cho một người". Sẽ không có gì đáng nói nếu không có từ "trí giác" trong văn bản được đề cập.

Mặc dù biết mười mươi rằng họ đã sai nhưng tôi vẫn lấy làm nghi ngờ sự hiểu biết của mình. Tôi vội lật giở mấy cuốn từ điển (do tính chất công việc hằng ngày nên tôi rất sẵn loại sách quan trọng này) để kiểm tra. Trong cả hai cuốn từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ và Trung tâm Từ điển biên soạn đều chỉ có mục từ "tri giác" với nghĩa "hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, phản ánh trực tiếp và trọn vẹn sự vật, hiện tượng bên ngoài với đầy đủ đặc tính của nó". Hoàn toàn không có từ "trí giác". Cẩn thận hơn, tôi giở cuốn Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh thì các từ "tri", "giác" đều có nghĩa là nhận biết, biết, tỉnh; còn "tri giác" được cụ giải nghĩa là dạng nhận biết rõ ràng, cụ thể, ví dụ gần lửa thì biết nóng, gần nước biết lạnh, ngửi hoa mà biết thơm, thấy sắc mà biết đẹp. Và cũng như những cuốn từ điển của hậu sinh, từ điển do cụ Đào tiên sinh soạn hoàn toàn không có mục từ "trí giác" mặc dù "từ" này có vẻ Hán Việt.

Thế là rõ. Một văn bản quan trọng của chính phủ, liên quan đến nhiều bộ ngành (ít nhất là các bộ Tư pháp, Công an, Tòa án, Viện KSND tối cao), trải qua rất nhiều cửa, lên đến cả cấp cao nhất của chính phủ, nhưng lại lọt một cái lỗi sơ đẳng, đến đứa học trò cấp 2 loại trung bình cũng phải biết, cũng phân biệt được đúng sai. Xưa nay tôi cứ nghĩ đã làm đến cán bộ, quan chức chính phủ, trung ương là ghê lắm, toàn vẹn lắm, cẩn trọng lắm, khó mà bắt lỗi họ được. Thì cũng có thời đã xa xôi gì cho cam, những văn bản, công văn, chỉ thị, nghị định... của nhà nước từ ngữ vô cùng chính xác, câu cú chuẩn mực, văn phong giản dị, diễn đạt rõ ràng. Ấy là khi người nhà nước thực sự hiểu công việc của mình, và trước hết họ là người có tài, họ giỏi thực sự. Một chế độ chính sách có liên quan tới hàng triệu người thể hiện thông qua văn bản thì không thể ẩu tả, tùy tiện được. Nhưng cái thời ấy, những con người như thế qua lâu rồi. Giờ thì cấp dưới đã không hết lòng với công việc, chỉ cốt qua loa cho xong, sai đúng đâu mặc kệ, còn cấp trên cứ nhắm mắt ký bừa, tội vạ đâu đã có đám lâu la sai nha gánh chịu. Và tất cả họ, quan lẫn sai nha, ngồi ở ghế cầm cân nẩy mực, cai trị đám đông nhưng hình như thiếu một thứ rất quan trọng: cái tài, cái kiến thức tương xứng với chỗ ngồi.

Ai ký cái văn bản nói trên, tôi nghĩ không quan trọng bởi sai có tính hệ thống, từ trên xuống dưới, đâu chỉ do một người.

Cũng lạ thêm ở chỗ những tờ báo chính thống của nhà nước cứ nhắm mắt nhắm mũi mà đăng. Biết sai lè lè nhưng không dám sửa, bởi văn bản của chính phủ, sai đã có chính phủ chịu. Tôi than phiền với những bạn đồng nghiệp, sao lại làm thế, họ chỉ biết lắc đầu giơ tay. Khổ nỗi, trên đe dưới búa, có dám làm gì. Họ sợ.

Tôi ngẫm, chỉ một chữ thôi, nhưng biết nó sai, mình phải lên tiếng. Ai cũng ngậm miệng họ sẽ tưởng họ là nhất, làm gì cũng đúng. Điều nguy hiểm là tâm lý cứ chấp nhận cái sai, biến nó thành cái được thừa nhận thì không hiểu rồi xã hội này sẽ đi đến đâu.

16.5.2013
Nguyễn Thông


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét