Sợ mùa hè

Hè đã về. Nhưng đó không phải là tiếng reo hồ hởi của tuổi học trò sau nhiều tháng miệt mài sách vở mà là tâm trạng lo lắng, mối lo thực sự của các bậc phụ huynh. Liên tiếp nhiều vụ trẻ em chết đuối (nay người ta gọi bằng từ nhẹ hơn: đuối nước) diễn ra từ Bắc chí Nam, cả vùng đồng bằng lẫn miền núi, khiến mục thời sự trên những trang báo càng thêm buồn thảm. Vụ mới nhất xảy ra ngày 15.5 hai học sinh lớp 7 ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) đi tắm biển bị sóng cuốn chìm mất tích. Sáng cùng ngày, hai cháu gái 7 và 8 tuổi ở Gia Lâm (Hà Nội) đi chơi ngã xuống hồ nước sinh thái, tử vong. Trước đó ngày 14.5 tại hồ thủy điện Sêrêpốk (Đắk Lắk) 4 hoc sinh lớp 6 chết chìm; cuối tháng 4 ở Bình Định gần như 2 vụ liên tiếp làm 4 em tử vong, ở Nghệ An 2 học sinh trung học chết đuối khi đi dã ngoại… Nhiều lắm, chả muốn thống kê nữa cho đau lòng.

Tại sao lại xảy ra dồn dập dịp hè? Không cần giải thích chắc ai cũng rõ mùa hè học sinh được nghỉ học theo quy định. Không phải đến trường, các em lớn có thời gian đi chơi, tắm biển tắm sông, dã ngoại nơi này nơi khác. Ở vùng nông thôn, vào độ tuổi nhỏ hơn, các em tự trông nom nhau quẩn quanh bên bờ ao con rạch cho bố mẹ đi làm. Mối nguy rình rập tăng lên gấp mấy lần so với thời gian các em phải đến trường. Năm nào cũng thế, cứ chớm hè là tai nạn chết đuối liên tiếp, hầu hết nạn nhân trong độ tuổi đến trường. Theo một báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH năm ngoái, chết đuối là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em, cụ thể năm 2010 thống kê chưa đầy đủ lên tới 4.500 em, bình quân mỗi ngày có tới 12 em chết đuối, tuy nhiên phần lớn vụ xảy ra dịp hè, nhiều nhất ở vùng nông thôn. Liệu có phải là thứ định mệnh, chả nhẽ chúng ta không có cách gì để ngăn chặn giảm bớt bi thương?


Tôi nhớ không ít lần ông Nguyễn Văn Mỹ giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, một người đầy kinh nghiệm về dã ngoại lên tiếng than phiền rằng trong nhà trường bây giờ người ta ít chú ý dạy cho học trò những kỹ năng sống cần thiết, ví dụ bơi phải làm sao, khi đuối nước cần thế nào, bị rắn cắn, bị vết thương chảy máu xử lý ra sao, lạc vào rừng thứ gì ăn được thứ gì không ăn được… Ông Mỹ cũng bảo, trong khi đó, họ lại dạy nhiều thứ mà các em vào đời không biết sẽ dùng để làm gì. Thực tế cho thấy dạy kỹ năng sống ở nhà trường đang là lỗ hổng, cần mau điều chỉnh, không thể chậm bởi nó liên quan đến tính mạng các em. Nhìn vào hệ thống vật chất trường lớp trên cả nước dễ nhận thấy hầu hết không có hồ bơi, đã không có hồ thì việc dạy bơi cho các em chỉ thực hiện trên giấy. Cứ vin lý do không tiền, không cơ sở vật chất cần thiết thì học trò còn đuối nước dài dài.

Cũng chả nên chỉ phó mặc cho nhà trường. Ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, do đặc điểm sông nước, thường bố mẹ rất chú ý dạy con tập bơi, nay một ít mai một ít chứ không cần bài bản tập trung nên dễ nhận ra đại đa số học sinh khu vực sông ngòi kênh rạch chằng chịt này đều bơi tốt, rất ít khi chết đuối. Bố mẹ biết lo cho con những kỹ năng cần thiết để vào đời thì chính mình cũng đỡ phải lo lắng chứ chưa nói chuyện phải đối mặt với bi kịch.

Hãy quan tâm thực sự, mỗi lần hè về đem lại niềm vui chứ đừng để các em phải vĩnh biệt mùa hè.

20.5.2013
Nguyễn Thông
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét