Giải đáp bài tập tiếng Anh #3


Hôm trước tôi có ra “đề” câu hỏi về tiếng Anh trong mô tả biểu đồ. Có vài bạn tham gia trả lời, nhưng tôi chưa có dịp bình luận vì bận viết một chương sách về time series theo yêu cầu của một bạn. Nay chương sách xong, tôi quay lại trả lời câu hỏi để chia sẻ cùng các bạn. 




Câu hỏi 1: Đưa ra nhận xét về hai biểu đồ (xem hình trên), và nếu muốn chỉnh sửa thì hình thức chỉnh sửa cụ thể là gì. 

Bạn ĐH
1. Tỷ lệ phần trăm trong pie chart không chính xác.
2. Pie chart cũng không cần thiết, chúng ta có thể mô tả nó bằng một câu văn
.”

Bình luận của tôi: Tôi không biết tỉ lệ phần trăm trong cái pie chart có chính xác hay không, nhưng hai thành phần cộng lại thành 100. Nhưng tôi đồng ý cái pie chart này không cần thiết, vì nó chỉ có 2 giá trị và có thể mô tả bằng một câu văn, chứ đâu cần phí giấy mực cho một biểu đồ.

Bạn NBĐ có nhiều nhận xét mà tôi nghĩ rất xác đáng:
1. Tiêu đề biểu đồ (figure caption) chưa hợp lý và không đầy đủ thông tin như dữ liệu này của ai, ở đâu và khi nào.

2. Phân chia nhóm dữ liệu trục hoành chưa khoa học. Giả định tác giả biểu đồ muốn thể hiện sự khác biệt giữa nhóm sinh viên theo học công lập và dân lập theo hệ đào tạo cao đẳng và đại học ở Việt Nam trong năm 2014. Vì thế, nên sếp loại trục hoành thành cao đẳng, đại học và tổng số. Trong đó chia dự liệu thành hai nhóm trường công lập và trường dân lập tương ứng. Khi đó người đọc sẽ dễ dàng so sánh được số người học công lập và dân lập theo từng hệ đào tạo, bên cạnh đó cũng dễ dàng so sánh tương quan số người theo học cao đẳng và đại học.

3. Trục tung chưa có đơn vị tính. Tuy nhiên, ở đây là “người” nên chuyển thành “nghìn người”. Mức độ phân chia trục tung chưa hợp lý khi chỉ có 2 khoảng, nên tăng số khoảng phân chia trong trường hợp này.

4. Tương quan trục tung và trục hoành (chỉ số rối). Vì tỷ lệ trục tung thấp: có 2 khoảng chia và ngắn. Do đó gây nên hiệu ứng giảm sự khác biệt số liệu. Ví dụ, số học sinh theo đại học của trường ngoài công lập (151,883) gần bằng 1.5 lần so với cao đẳng ngoài công lập (102,918). Nhưng trong hình lại biểu thị cho người đọc hai dữ liệu này là gần như tương ứng.

5. Định dạng bản đồ không hợp lý: dạng biểu đồ 3D không cần thiết, tô màu hai cột bất hợp lý vì nếu in ở đen trắng sẽ không phân biệt được hơn nữa tốn mực in, và nghi số liệu trên mỗi cột là không cần thiết (tuy nhiên trong trường hợp này lại hữu ích cho em và các bạn khác vẽ lại biểu đồ).

Biểu đồ 2:

1. Mật độ dự liệu biểu đồ thấp vì thế biểu đồ này là không cần thiết. Nên dùng chữ để mô tả.

2. Một số lỗi khác như tên biều đồ (giống như biểu đồ 1), tô màu, dạng biểu đồ bánh tách rời là không cần thiết nên để liền
.”

Tôi đồng ý với tất cả nhận xét trên của bạn NBĐ. Định dạng 3D là rất dở, tuy nó có vẻ 3 chiều nhưng thật ra rất khó đọc. Người đọc sẽ tốn thì giờ nhiều hơn cho loại biểu đồ này. Một lần nữa, tôi đồng ý là biểu đồ pie chart là không cần thiết. Bạn này có suy nghĩ và sự tinh tế của một nhà khoa học. I like it.

Nhận xét của tôi

Thật ra, tôi chẳng có gì nhiều để thêm vì hai bạn ấy đã nói gần hết những gì tôi muốn nói. Ý tưởng lớn gặp nhau . Tôi chỉ muốn nói rằng mỗi một biểu đố tốt phải đứng một mình -- “stand alone”. Đứng một mình có nghĩa là khi người đọc nhìn vào biểu đồ, người ta biết ngay câu chuyện mà không cần phải đọc thêm phần văn bản (text). Do đó, một biểu đồ phải có tựa đề cho rõ ràng, địa điểm và thời gian.

Nếu chỉ viết tựa đề “Quy mô HSSV các trường đại học, cao đẳng” thì không rõ ràng. Người ta sẽ hỏi HSSV là gì? Tại sao không nói rõ là “Số sinh viên” mà phải õng ẹo nói “Qui mô”? Phải có thời gian và địa điểm (của cả nước hay của một vùng?)

Trục tung quá ngắn. Khó tưởng tượng tác giả chọn đơn vị từ 0, 500000 đến 1000000! Rồi những con số trên mỗi bar làm cho biểu đồ thêm rối rắm và khó học, làm mất mĩ quan của biểu đồ.

Vấn đề ở đây là chọn biến nào làm trục hoàng. Hiện nay, cách trình bày của tác giả làm cho người đọc ngầm hiểu rằng tác giả muốn so sánh giữa số sinh viên đại học và cao đẳng. Nhưng tôi nghĩ ý của tác giả là so sánh số sinh viên giữa trường công và trường tư cho mỗi bậc học. Do đó, cách trình bày tốt hơn phải dùng trục hoành để thể hiện cái ý đó. Đúng như cách bạn NBĐ trình bày. Nhưng còn tốt hơn nữa, nếu mỗi bar có một con số phần trăm để người đọc dễ hiểu và dễ cảm nhận vấn đề hơn. Tôi sẽ sửa theo hình thức đó (xem hình dưới đây). 




Biểu đồ 2 qua đơn giản, nên hoàn toàn không cần. Có thể mô tả thông tin bằng một câu văn như bạn ĐH nói.

Câu hỏi 2: Viết một đoạn văn bằng tiếng Anh không quá 100 chữ để mô tả số liệu trong 2 biểu đồ. Nếu không rành hay chưa tự tin về tiếng Anh thì viết tiếng Việt cũng được.

Bạn ĐH viết:
We enrolled 1662665 students. A number of students in private schools [n(%)]were significantly lower than those in public schools (254801 (15.3) vs 1407864 (84.7)). In addition, the students in public schools were also higher than those in private school both colleges and universities.”

Câu văn mô tả này có vấn đề về cấu trúc và ý nghĩa. Ở đây không phải là công trình nghiên cứu, nên không có “enrol”. Câu “A number of students” phải viết đúng là “The number of students”. Em không biết có ý nghĩa thống kê hay không, nên không thể viết “significantly lower”. Viết “the students in public schools … were” là không đúng; phải là “The number of students in public colleges and universities was”. Nói chung câu mô tả này chưa đạt, phải viết lại hoàn toàn.

Bạn NBĐ:
A distribution of Vietnamese students flow by type of program and schools in the 2014 was shown in fig. 1. A number of the students in the public schools was higher about five times than that of the private schools for both college and university program. Therefore, it was the same trend for total student of each program. Moreover, a number of the students studied university program was higher about twice times than that of the college program in the public schools. However, it was 1.5 times for the private schools. The results provided that the trend selected a type of program and school when Vietnamese students graduated high school in the recent years.”

Câu “A distribution of Vietnamese students flow by type of program and schools in the 2014 was shown in fig. 1” hơi thừa, vì không có thông tin trong câu văn. Còn mấy câu còn lại tuy có cung cấp thêm thông tin cho biểu đồ nhưng không nói lên cái thông điệp chính. Cần phải có một thông điệp chính. Ngoài ra, có quá nhiều vấn đề về tiếng Anh: “A distribution of …” phải là “The distribution of …”; “A number of students” nên là “The number of students”; câu “The results provided that the trend selected a type of program and school when Vietnamese students graduated high school in the recent years” làm cho người đọc không hiểu em muốn nói gì. Câu này cũng phải viết lại hoàn toàn.

Nhận xét của tôi: Viết câu nhận xét hay bình luận một biểu đồ hoặc một bảng số liệu đòi hỏi phải suy nghĩ. Suy nghĩ đến cái thông điệp chính mà mình muốn gửi đến người đọc. Tất cả mô tả phải xoay quanh cái thông điệp đó. Mỗi biểu đồ chỉ có MỘT thông điệp chính; nhiều quá người ta quên. Tuyệt đối không lặp lại con số trong biểu đồ. Theo tôi, biểu đồ 1 (sau khi đã thiết kế lại như NBĐ làm) có thể mô tả như sau:

In 2014, a total of 1.66 million students were admitted to nationwide post-secondary education institutions; of which, 85% were in public institutions (Figure 1). Moreover, approximately two-thirds of the total were university students, and the rest was college students. Relatively, there were slightly more students in public universities (86%) than in public colleges (82%). Consequently, the ratio of university students over college students was greater in public institutions (2.0) compared with private institutions (1.5). Thus, more students were in universities than in colleges, and in each group, an overwhelming majority of students was in public institutions.”

Tiếng Việt, tôi nghĩ có thể mô tả như sau: 

Trong năm 2014, có tất cả 1.66 triệu sinh viên được nhận vào học tại các trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc. Trong số này, 85% theo học tại các trường công lập (Biểu đồ 1). Khoảng 2/3 tổng số sinh viên là bậc đại học. Ở bậc đại học, 86% sinh viên theo học ở các trường công lập; tỉ lệ này ở bậc cao đẳng là 82%. Hệ quả là ở các trường công, số sinh viên đại học cao gấp 2 lần số sinh viên cao đẳng; tỉ số này ở các trường tư là 1.5 Những dữ liệu trên cho thấy có nhiều sinh viên ở bậc đại học hơn là bậc cao đẳng, và ở mỗi bậc, đại đa số số sinh viên theo học ở trường công.”

Cám ơn các bạn đã tham gia giải câu hỏi. Hi vọng các bạn đã có vài giây phút giải trí có ích!



Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét