Bài viết dưới đây là của Nguyễn Thiên Việt, đăng trên báo Sông Hương. Tác giả tốt nghiệp Tổng hợp Văn Hà Nội, có thời gian lao động xuất khẩu tại Liên Xô. Bài viết rất hay, và cảm động về một người Mông Cổ thật thà, nhân hậu, tốt bụng. Lòng tốt của người Mông Cổ lần nữa được khẳng định không phải qua con mắt của người từng sống ở Mông Cổ như cựu sinh viên chúng tôi, mà của người xa lạ. Xin giới thiệu cùng các bạn.
ÔNG GIÀ MÔNG CỔ VÀ TÔI
Nguyễn Thiên Việt
Năm năm, tôi sống và làm việc ở một thành phố nhỏ. Nước Nga với những năm tháng ngọt ngào, ấm áp tình người, thật khó quên. Liên Xô tan rã, cuộc sống rối ren, số phận lại một lần nữa đưa đẩy tôi sang Đức.
Ở Beclin, mấy anh em thuê chung một căn phòng nhỏ trong cư xá dành cho người Việt. Tối, rải đệm xuống sàn nằm khòng kheo cả lũ. Ban ngày, ăn xong, lê đôi giầy vẹt gót lang thang trên các nẻo phố xin việc. Có lần đi bộ mỏi quá, tôi với thằng bạn chui vào một công viên cũ của Beclin, tìm góc khuất, leo lên ghế đánh một giấc rõ lâu. Trong mơ, tôi thấy mình bơi giữa một dòng sông vàng lấp lánh. Vàng đến ngộp thở. Tỉnh dậy, thấy những lá phong của mùa thu rơi rụng trùm khắp lên người. Cả một rừng phong vàng rực. Trời xanh, cao, yên tĩnh. Một thời gian, công việc hết, tiền cạn. Bạn bè bảo: “Xuống đường làm sinh viên trường thuốc đi”. “Sinh viên trường thuốc” đây nghĩa là ra hè phố đứng bán thuốc lá lậu. Buổi sáng, vào giờ đi làm, từng tốp ba, tốp bẩy lên đường, ra vị trí chiến đấu. Mỗi người một túi, hai, ba chục cây vuông chằn chặn, trông rõ là thuốc lá. Xếp thuốc vào túi thế nào là cả một nghệ thuật, xếp sao cho khéo, vuông vắn, chứa được nhiều mà vẫn gọn, đầu cây thuốc lá thò đủ trên miệng túi, Tây nó chỉ cây nào là rút ra được ngay.
Bẩy giờ sáng, đeo một túi thuốc vuông vắn nặng chịch, tôi thập thò ra khỏi cửa, ngay lập tức xuất hiện cảm giác sợ hãi và ngượng nghịu. Sợ hãi thì hẳn rồi: đụng công an thì có chạy đằng trời, nhất là cái túi cồng kềnh. Còn ngượng: trên tầu điện, hàng trăm dân Đức nhìn chằm chằm, bỏng lựng, “những ánh mắt hình viện đạn”. Qua lớp túi ni-lon mỏng có thể đọc rõ trong túi tên từng loại thuốc: Marlboro, West, HB...
Nỗi sợ hãi và ngượng nghịu bám theo suốt cả ngày cho đến khi trở về nhà mới thôi. Đến chợ rồi, tự động tản ra, người đứng đầu đường, kẻ ngồi cửa chợ. Chợ ở đây là một phố trung tâm đông đúc người qua lại, rồi cứ cái túi có cây thuốc lá chìa ra ngoài miệng, lang thang trên phố, gặp ông đi qua, gặp bà đi lại, thì dí vào tận mặt họ. “Bitte schoen”. Mất một hai tuần tôi mới quen với kiểu mua bán này, vì mình hay ngượng, hay sĩ diện hão, lại không chịu xô lấn tranh khách. Ngành thẩm mỹ học trong những năm ở trường Tổng hợp, rõ ràng đã không giúp ích gì cho tôi trong việc tiếp thị thuốc lá.
Được vài tháng, cũng chỉ đủ tiền ăn. Dạo này làm ăn mỗi ngày một khó. Những vùng xa, ngoại ô thì được coi như vùng tự do, ai có sức ra mà bán. Bạn bè xui tôi chuyển sang ga Kruynau tuy xa nhưng khả dĩ, chứ ở Schoenhause Allee này, bây giờ dân bán thuốc đi nườm nượp," lười như ông thì nước mẹ gì!" Tôi nghe bùi tai, xách túi sang ga Kruynau thử vận. Nhưng tình hình cũng chẳng khá hơn. Những vị trí tốt nhất đã có hơn một tá chị em chiếm lĩnh, nhan nhản như họp chợ. Tôi đành cứ vở cũ, bày túi vào một góc, đứng nhẩn nha. Hết ngày, về. Giống như đi câu cá, lâu lâu lạc vào một chú.
Dăm bữa, tôi thấy gần cửa ga có một ông già người châu Á bán báo, lối chừng 70 tuổi. Bên cạnh chồng báo to tướng, ông ta đứng im lặng, kiên nhẫn, không vẻ cầu xin hạ mình, nho nhã, phớt lờ trước dòng khách ngược xuôi ầm ĩ. Hình như người Mông Cổ. Nước da bánh mật săn chắc, sạm nắng phong trần, mái tóc điểm bạc. Ông già có gương mặt hiền từ, đôi mắt thông minh, nhân hậu, thoáng nét cười dí dỏm mỗi khi thấy lũ lau nhau chúng tôi chạy trốn, ẩn nấp cảnh sát. Trông nét mặt dãi dầu, dáng vẻ ung dung, ánh mắt điềm đạm, cảm giác bố già đã trải qua hết mọi vinh nhục của cuộc đời, thấu hết mọi sự trong cõi phù vân này.
Tôi nghĩ, nếu có một trái núi sụp đổ trước mặt, chắc ông vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xẩy ra !
Chị em ta “dân vận” ngay được ông già để giấu thuốc. Thông thường, lúc đi từ nhà, ai cũng xách một bị to dăm ba chục cây. Lúc đứng bán, chỉ chìa ra năm, bẩy cây. Khi bán hết, ra “kho” lấy thêm. “Cơ cấu” như vậy, khi cảnh sát đuổi, dễ chạy. Ai gửi thuốc, ông già bán báo đều nhận rồi phủ chồng báo to tướng lấp lên trên. Những lúc gã cảnh sát bụng phệ chạy xộc vào nhà ga, trợn trạo truy tìm thuốc lá, tôi thấy ông cười cười, rung rung chòm râu bạc, khoái trá trước sự bất lực của người thi hành công vụ. Cảnh sát Đức không ngờ rằng thứ hàng họ đang truy lùng nằm ngay ở chân người bán báo già, cách họ không đầy gang tấc.
Nhìn cảnh các cô bé cười nói ríu rít vây quanh ông già hiền từ, quần áo bạc mầu, râu tóc trắng xóa, tự nhiên tôi liên tưởng tới hình ảnh lão du kích hoạt động vùng địch hậu trong một bộ phim nào đó xem từ hồi còn bé. Vài lần, tôi lân la bắt chuyện. Người Mông Cổ nào chẳng thạo tiếng Nga. Họ được giáo dục “Russki day dứt” từ trong trường phổ thông. Sau vài câu làm quen, té ra cũng là người nhà cả. Ông già có thời học báo chí ở Liên Xô, sau làm phóng viên quân đội kiêm dịch giả văn học Nga. Thảo nào, cụ nói tiếng Nga như “thợ”. Chúng tôi chìa tay cho nhau. Cái bắt tay ấm và chặt. Bàn tay phải người bán báo già có những vết sẹo dài, tím tái. Tên ông là Timua. Ông lấy tên đó là vì yêu và kỷ niệm nhân vật của nhà văn Xô Viết lừng danh Ackaidi Gaiđa. Tôi lùi lại, ngắm nghía ... Nếu như còn sống, Timua năm xưa cũng độ tuổi này chăng?
Hơn một tí, kém một tí, song tính cách hẳn phải như vậy: thông minh, can đảm, dí dỏm và nghĩa hiệp.
Timua nheo cặp mắt ẩn hiện ngọn lửa nhỏ, cười hề hề, bảo: “Tớ thấy chú mày không biết làm kinh tế, chàng trai ạ. Các “đêvôtski” (cô gái) buôn bán giỏi hơn.“ Tôi cũng cười, thấy vui vui vì cho đó là một lời khen.
Có cái gì đó làm tôi tin vào nụ cười hóm hỉnh, ánh mắt đầm ấm, thân hình mộc mạc của ông. Hình như chúng tôi đồng cảm lâu rồi.
Lúc rỗi, tôi thường tới trò chuyện, tán gẫu với ông già. Được biết Timua về hưu, nay sang Đức thăm con, nhân thể đi bán báo phụ thêm vào đồng lương ít ỏi cho con cháu. Giữa chúng tôi, có một tình yêu với những năm tháng xa xưa ở nước Nga, với nền văn học Nga- Xô Viết nên chuyện không dứt.
Một chiều thứ bẩy, khi túi thuốc lá đã vơi vơi, tôi thu xếp “đồ nghề” tiến lại ông bán báo, đề nghị: "Chúng ta hãy vào bar uống với nhau một cái gì đó nhân dịp cuối tuần." Tỷ như người Đức thường nói trong dịp này: “Vockhenendơ” (nghỉ cuối tuần). Câu trả lời của Timua là một nụ cười.
Tôi xin phép được gọi một chai Congac cỡ nhỏ. Cốc đầu tiên dành cho sự gặp gỡ tình cờ và lý thú. Chúng tôi nói chuyện về Lép, về “Những con đường đau khổ"của A.Tôlstôi, về Blôk. Êxênhin và văn tài lãng tử Bunhin. Con đường xưa xa lắc với cỗ xe tam mã im lặng. Rừng bạch dương Nga ẩn hiện đâu đây, xanh mướt đến nao lòng. Tiếng lá mùa thu rụng, tiếng vó ngựa, tiếng giọt mưa rơi nghe chậm rãi...
Ngoài kia, chiều buông chầm chậm, ánh đèn xanh lạnh. Những chiếc xe Audi, Mercedes bóng lộn, phóng vùn vụt như bầy quái vật. Vẳng nhạc Disco thình thịch.
Trời tối thẫm từ bao giờ. Timua gọi chai thứ hai. Mắt người già đã bắt đầu óng ánh. Ông cẩn thận đếm những đồng xu lẻ từ số lãi của một ngày bán báo. Bàn tay gân guốc cộm vết sẹo có những ngón dài lóng ngóng.
Rồi đề tài quay về văn học Xô Viết: Aitmatốp hùng vĩ với “Cây phong non quàng khăn đỏ.”, truyện “Núi đồi và thảo nguyên”, nhà thơ trữ tình Đagestan- Raxun Gamdalốp, thế hệ nhà văn “trung úy” Bonđarep... Ôi nước Nga, nước Nga !
Thỉnh thoảng, Timua lại kêu lên. Trong giọng nói khàn khàn hơi rượu của ông ẩn chứa một nỗi buồn, một sự nuối tiếc day dứt.
Tôi nói với Timua là đã có dịp đọc tác phẩm nổi tiếng của văn học Mông Cổ “Sông Thami trong xanh”. Ông ngạc nhiên và tỏ ra cảm động. Sau này, tôi nhớ có lần Timua giới thiệu tôi với vợ khi bà đi đâu đó tạt qua. Một người phụ nữ luống tuổi nhưng vẻ đẹp đường bệ và quý phái hiện trên khuôn mặt. “Đây là thằng Việt, nó đã đọc chuyện “Sông Thami trong xanh” của chúng ta”.
Cuối buổi rượu, người bán báo ngà ngà, khuôn mặt ửng đỏ thì thầm bí mật vào tai tôi:
- Bây giờ tôi sẽ tiết lộ cho cậu một tin tức quan trọng. Ông dừng lại mấy giây, rồi nhìn vào mắt tôi, không cao giọng. - Tớ đã từng là Bansôi trelavec (cán bộ cao cấp) đấy nhé!
Thấy tôi trố mắt, ngớ người, ông cười khà khà, đắc chí:
- Trước khi về hưu, tôi là Phó tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân Mông Cổ- Ông nháy mắt cười- Hừm, cũng không phải là xoàng đâu nhé !
Nói rồi, Timua đưa cho tôi xem ảnh. Trong ảnh, trông ông có vẻ trẻ hơn. Khuôn mặt chữ điền chằn chặn, đôi mắt nghiêm khắc với quân hàm đại tá lấp lánh trên ve áo.
Timua hẹn chủ nhật sau mời tôi đến thăm gia đình và làm quen với các con ông. Sau đó, tất cả sẽ đi câu cá. Họ biết một chỗ phong cảnh tuyệt đẹp và có thể câu được. Nếu câu được nhiều cá sẽ nấu món cháo cá ngay tại chỗ. Ông già vuốt râu, tủm tỉm nửa đùa nửa thật. À, mà nếu cậu chưa có gia đình thì tôi sẽ giới thiệu cho cậu một cô bé Mông Cổ, chàng trai trẻ ạ!
Nhưng, cái ngày chủ nhật hứa hẹn nhiều niềm vui đó đã không đến. Mấy hôm sau, cảnh sát tổ chức một đợt vây ráp lớn tại khu nhà ga. Lần này, họ thả “thường phục” (nhân viên hình sự) vào trước để quan sát nên tường tận mọi việc. Một tiếng sau, cảnh sát rút lui, tôi từ chỗ ẩn nấp thập thò quay lại. Ông già bán báo đã không còn ở đó nữa. Quanh chỗ ông đứng bây giờ lố nhố vòng tròn các cô bé bán thuốc, mặt mũi đờ đẫn tái nhợt vì vừa thoát hiểm. Họ đang kháo nhau về cái chuyện cảnh sát tìm thấy thuốc lá lậu giấu ở trong đống báo của ông già và đã đưa ông đi.
Một cô khác, người bé loắt choắt, đầu to đùng như cây nấm di động, quả quyết: Dứt khoát lão già tranh thủ lúc hỗn độn, “bùng” của chị em mình mấy chục cây. Đểu thật, chỗ ấy phải hút hàng năm mới hết. Tôi chạnh buồn. Tôi muốn giải thích cho họ biết là Timua không bao giờ làm điều đó vì ông ấy tên là... Timua. Như Timua của ngày xưa, ông chỉ làm công việc chằng yêu thích là giúp đỡ những ai gặp khó khăn. Nhưng tôi nghĩ có nói ra điều đó cũng chẳng ích gì, bởi vì mấy cô đó chắc chắn là không biết và cũng chẳng cần biết nhân vật Timua là ai, làm gì?
Những ngày sau, không thấy ông già bán báo trở lại. Nhiều lần tôi thử hỏi thăm vài người Mông Cổ nhưng tất cả họ đều ú ớ lắc đầu quầy quậy hoặc đần mặt ra khi nghe cái tên Timua xa lạ.
Chuyện gì đã xẩy ra với ông hôm đó?
Thời gian sau, tôi xin được việc làm và không bán thuốc lá lậu nữa. Lâu lâu, có dịp qua chốn cũ, tôi hay dòm vào cái góc, nơi xưa kia Timua đứng bán báo. Ở chỗ đó, giờ đây lúc là một người Đức mắt xanh biếc, tóc vàng, gườm gườm nhìn người qua lại với chồng báo to tướng, lúc là một chàng trai Mông Cổ ngơ ngác như buồn ngủ.
Nhiều năm sau, tình cờ qua một người bạn tôi mới biết, hôm đó Timua bị cảnh sát bắt giam vì tội che giấu hàng lậu. Khi sự việc sáng tỏ, ông được thả nhưng bị tịch thu giấy phép bán báo. Sau đó nghe nói ông đã rời Đức trở về Mông Cổ.
Tôi tưởng tượng Timua của tôi râu tóc trắng xóa, mắt nheo cười, gương mặt nom phúc hậu, bàn tay nhiều vết sẹo sần sùi, tím tái, đang gò người trên lưng ngựa, băng qua những thảo nguyên mêng mông tuyết trắng, những cánh rừng Taiga heo hút tận chân trời...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét