Xin giới thiệu bài phỏng vấn tôi do phóng viên Công Quang của báo Dân Trí thực hiện. Bài này không có liên quan gì đến vụ kiện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang được dư luận chú ý, nhưng Dân Trí lại lồng vào cái vụ kiện đó! Bài phỏng vấn xoay quanh vấn đề xuất bản khoa học, cơ quan chủ quản và mối liên quan với nhà xuất bản, vai trò của ban biên tập và tổng biên tập, v.v. (Bản rút ngắn đã đăng trên Dân Trí (1). Đây là bản gốc và đầy đủ.)
Dân Trí: Tôi được biết Giáo sư có xuất bản sách về nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, trong đó Giáo sư có nói khá nhiều về xuất bản khoa học. Xin Giáo sư vui lòng nói sơ qua về kinh nghiệm của giáo sư liên quan đến xuất bản khoa học, cũng như quá trình tham gia sáng lập, điều hành, vị trí của Giáo sư đối với các tạp chí khoa học quốc tế mà giáo sư đã/đang thực hiện.
NVT:Tôi có kinh nghiệm xuất bản công trình khoa học khoảng 25 năm, trong thời gian đó, hơn 10 năm làm thành viên ban biên tập cho gần 10 tạp chí chuyên ngành nội tiết và loãng xương, và phó biên tập (associate editor) cho 3 tạp chí kể cả tạp chí Mở PLoS ONE. Tôi phục vụ trong Uỷ ban Xuất bản Khoa học (Scientific Publication Committee) của Hội loãng xương Mĩ 2 nhiệm kì, hội này có khoảng 10,000 hội viên. Tôi làm expert reviewer (bình duyệt bài báo khoa học) cho hơn 30 tạp chí trên thế giới, kể cả Science, Nature, Lancet, New England Journal of Medicine, và JAMA. Tôi cũng bình duyệt đơn tài trợ cho các tổ chức như NIH, NHMRC, WHO, Wellcome Trust, và các cơ quan nghiên cứu của Hà Lan, Phần Lan, Scotland, Hồng Kông, China, Do Thái, Saudi Arabia, v.v. Trước đây, tôi có tham gia cùng các đồng nghiệp bên Mĩ sáng lập tạp chí JCD, và phục vụ một nhiệm kì trong ban biên tập.
Dân Trí: Giáo sư có thể cho biết việc thành lập tạp chí khoa học quốc tế diễn ra như thế nào?
NVT: Việc thành lập tạp chí khoa học bắt đầu từ một trường, hiệp hội khoa học, hoặc cá nhân nhà khoa học. Ví dụ như trước đây, khi Hội đo lường xương muốn có một “cơ quan ngôn luận”, họ thành lập một uỷ ban, và uỷ ban có nhiệm vụ soạn đề án, tìm nhà xuất bản. Uỷ ban đề cử một tổng biên tập, và các nhân sự hành chính chủ chốt để cùng với nhà xuất bản quản lí tạp chí. Sau đó, ban biên tập được hình thành, và kêu gọi các đồng nghiệp đóng góp bài vở.
Khi tạp chí hoạt động được vài năm và ổn định, thì có thể làm đơn xin vào các thư mục như Thomson ISI. Các tiêu chuẩn mà ISI xét duyệt là tạp chí có ban biên tập quốc tế, công bố bài vở đều đặn, bài công bố có người trích dẫn, v.v. thì họ đồng ý cho vào danh mục. Cũng có trường hợp một số tạp chí đã được vào danh mục nhưng sau đó hoạt động không tốt nên bị loại ra. Trường hợp tạp chí JCD mà tôi đề cập trên, chúng tôi phải cần đến 2 năm mới đáp ứng các tiêu chuẩn để được “kết nạp” vào ISI.
Dân Trí: Như vậy, tạp chí khoa học quốc tế thì ai đứng vai trò chủ quản? Có ý kiến cho rằng nhà xuất bản là chủ sở hữu tạp chí, Giáo sư thấy đúng không?
NVT: Tôi có thể nói ngay rằng nhà xuất bản không nhất thiết phải là “chủ sở hữu” tạp chí. Khái niệm “chủ quản” trong tạp chí khoa học có lẽ không như báo chí phổ thông. Trong xuất bản khoa học có hai loại quản lí: quản lí khoa học thì do cơ quan chủ quản phụ trách, nhưng quản lí hành chính và tài chính của tạp chí thì đó là nhiệm vụ của nhà xuất bản.
Chủ quản của tạp chí khoa học khá phong phú, nhưng thông thường, các hiệp hội chuyên môn đóng vai trò chủ quản và sở hữu tạp chí khoa học. Ví dụ như Journal of Applied Mechanics là của Hội kĩ sư cơ khí Hoa Kì (American Society Of Mechanical Engineers), hay European Journal of Mechanics là cơ quan ngôn luận của EUROMECH European Mechanics Society, hay Journal of Bone and Mineral Research là của Hội loãng xương Hoa Kì, JAMA là của Hội Y học Mĩ, BMJ là của Hội Y học Anh, v.v. Trong những trường hợp này, nhà xuất bản không phải là chủ của tạp chí, mà chỉ xuất bản thay mặt hội. Chẳng hạn như Journal of Mechanics, nhà xuất bản phải ghi rõ là “Published on behalf of the Society of Theoretical and Applied Mechanics, ROC” (xuất bản cho Hội Cơ học lí thuyết và ứng dụng, Đài Loan). Hay như tạp chí Journal of Bone and Mineral Research thì bản quyền thuộc về chủ tạp chí, tức Hội ASBMR.
Nhưng cũng có khi trường đại học là cơ quan chủ quản. Chẳng hạn như Journal of Fluid Mechanics là xuất phát từ Bộ môn Toán lí thuyết và ứng dụng của Đại học Cambridge. Mấy năm gần đây, các đại học ở Á châu lập tạp chí khoa học với các nhà xuất bản nổi tiếng như Elsevier và Springer.
Ngoài ra, có khi tạp chí là của nhà xuất bản. Chẳng hạn như khi Nhà xuất bản BiomedCentral (BMC) họ cũng lập ra một nhóm tạp chí (mà sau này Springer mua lại), thì chủ quản chính là nhà xuất bản.
Dân Trí: Với tạp chí APJCEN, theo thông lệ quốc tế thì ĐH Tôn Đức Thắng có phải là nhà sáng lập và có quyền sở hữu hay không?
NVT: Tôi không am hiểu quá trình thành lập APJCEN và mối liên hệ với giữa Đại học Tôn Đức Thắng, nên không thể bình luận được.
Dân Trí: Quay lại tạp chí khoa học, có một giáo sư nói rằng "Vị trí tổng biên tập không phải vấn đề của trường đại học". Xin hỏi Giáo sư là ai bổ nhiệm tổng biên tập, có phải ban biên tập bầu ra?
NVT:Không, ban biên tập không bầu ra tổng biên tập. Nếu cơ quan chủ quản là trường đại học hay hiệp hội chuyên môn thì trường / hiệp hội có thể chỉ định tổng biên tập khi tạp chí mới thành lập. Chẳng hạn như Hội loãng xương Hoa Kì khi mới thành lập tạp chí Journal of Bone and Mineral Research (JBMR, impact factor = 6.59) thì một nhà khoa học nổi tiếng trong Hội được chỉ định làm tổng biên tập. Không có bầu cử ở đây.
Nhưng khi tạp chí đã đi vào ổn định, thì việc bổ nhiệm các tổng biên tập kế tiếp là do Uỷ ban Xuất bản của Hội phụ trách. Thông thường, họ quảng cáo trên các tạp chí khoa học quốc tế, và ứng viên có triển vọng được phỏng vấn, và ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ được bổ nhiệm tổng biên tập. Qui trình này thường kéo dài khoảng 1 năm.
Dân Trí: Một giáo sư Pháp cho rằng nhà xuất bản bổ nhiệm tổng biên tập. Kinh nghiệm của Giáo sư ra sao?
NVT:Như nói trên, nếu hiệp hội là chủ quản thì nhà xuất bản không có quyền gì trong việc bổ nhiệm tổng biên tập. Điều này tôi biết rất rõ vì tôi từng phục vụ trong uỷ ban xuất bản của ASBMR và ASBMS và từng tham gia phỏng vấn ứng viên. Việc bổ nhiệm tổng biên tập phải do một uỷ ban xuất bản của hiệp hội phụ trách. Còn đối với các tạp chí do nhà xuất bản làm chủ quản thì tôi không biết họ bổ nhiệm tổng biên tập như thế nào.
Dân Trí: Như vậy tổng biên tập phải là một nhà khoa học số 1 trong ngành?
NVT: Hoàn toàn không. Tổng biên tập là các nhà khoa học có uy tín trong ngành và có kinh nghiệm trong xuất bản khoa học, chứ không hẳn phải có giải Nobel hay là “cây đa cây đề” trong ngành. Nhiều nhà khoa học lừng danh trong ngành không muốn làm tổng biên tập của một tạp chí khoa học, bởi vì chức vụ đó đòi hỏi thời gian dành cho tạp chí rất nhiều. Không chỉ quản lí khoa học, mà còn phải giải quyết các khiếu nại của tác giả, phải giải quyết các vấn nạn đạo văn, tranh chấp tác quyền, tranh chấp giữa tác giả và nhà xuất bản, v.v. Ngày xưa, sếp tôi làm tổng biên tập của một tạp chí lớn, ông phải mướn hẳn một thư kí để lo vấn đề hành chính và quản lí bản thảo các bài báo (nhưng ngày nay thì các nhà xuất bản thường giao cho một công ti chuyên quản lí bản thảo).
Dân Trí: Còn ban biên tập cũng do hội bổ nhiệm? Họ có hưởng lương không?
NVT: Không, ban biên tập không phải do hội bổ nhiệm. Việc thành lập ban biên tập giống như thành nội các. Tổng biên tập là người sẽ mời đồng nghiệp tham gia ban biên tập. Cùng với Uỷ ban Xuất bản, tổng biên tập sẽ chỉ định một vài người làm phó biên tập. Thông thường, người được mời tham gia ban biên tập là người quen trong chuyên ngành. Thành viên của ban biên tập thay đổi mỗi khi tạp chí thay tổng biên tập. Thành viên ban biên tập làm việc hoàn toàn thiện nguyện và không có lương.
Dân Trí: Vai trò của nhà xuất bản đối với một tạp chí khoa học là gì?
NVT: Các nhà xuất bản lớn như John Wiley, Elsevier, Springer, họ có hàng ngàn tạp chí đủ loại chuyên ngành khoa học. Nhà xuất bản là một doanh nghiệp, và cũng như bất cứ doanh nghiệp nào, họ quan tâm đầu tiên đến thị trường và lợi nhuận. Nếu tạp chí do hiệp hội chuyên môn làm chủ quản thì hội có nhiệm vụ quản lí nội dung khoa học và ban biên tập, còn nhà xuất bản có nhiệm vụ hậu cần như in ấn, xác định giá cả, quản lí tài chính, quản lí impact factor, và phân tích và so sánh thị trường (với các tạp chí khác). Mỗi năm chúng tôi họp ban biên tập thì có đại diện nhà xuất bản báo cáo những vấn đề tôi vừa đề cập.
Dân Trí: Đăng bài trả bao nhiêu tiền? Khác biệt gì giữa Open Access hay tạp chí in?
NVT: Ấn phí thì còn tuỳ thuộc vào tạp chí in hay tạp chí trực tuyến (online). Cũng cần nói thêm là ngay cả tạp chí in thì ngày nay cũng đều có phiên bản online. Trong ngành y, họ tính ấn phí trên số trang và hình ảnh có màu hay không. Nếu hình ảnh là trắng đen, thì ấn phí cho mỗi trang là 70 đến 100 USD, tuỳ theo tạp chí. Do đó, một bài báo trung bình có 6 trang thì thì tiến ấn phí có thể từ 400 đến 600 USD.
Còn tạp chí Mở (OA) thì còn tuỳ thuộc vào OA Xanh hay OA Vàng. Tạp chí OA Xanh không có bình duyệt, và nó như là cái kho bài vở, nên không có ấn phí. Nhưng tạp chí OA Vàng thì có bình duyệt nghiêm chỉnh và ấn phí có thể dao động từ 1500-2000 USD mỗi bài. Ở đây, tôi chỉ nói các tạp chí OA nghiêm chỉnh, chứ không phải các tạp chí OA dỏm đang tràn lan trên mạng và làm ô nhiễm hoạt động khoa học.
Tuy nhiên, một số tạp chí và nhà xuất bản có chính sách miễn phí cho các nước nghèo. “Nước nghèo” được định nghĩa theo Liên hiệp quốc. Chẳng hạn như Springer có chính sách miễn ấn phí cho các nước như Việt Nam.
Dân Trí: Làm sao để đánh giá một tạp chí có uy tín hay không (phân biệt với tạp chí dỏm)?
NVT: Đây là một điều không mấy khó khăn. Uy tín của một tạp chí có thể đánh giá qua hệ số ảnh hưởng, thành phần ban biên tập, và chất lượng bài vở. Ba yếu tố này có tương tác với nhau chứ không phải độc lập. Hệ số ảnh hưởng, tuy chưa phải là một thước đo hoàn chỉnh, nhưng nó phản ảnh mức độ tác động của tạp chí trong chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành, tạp chí nào có hệ số ảnh hưởng càng cao, thì uy tín cũng tăng theo. Công bố công trình trên các tạp chí như thế là một vinh dự, một thước đo thành đạt của nhà khoa học.
Uy tín của tạp chí cũng có thể đánh giá qua thành viên của ban biên tập. Nếu tất cả thành viên của ban biên tập là các nhà khoa học “tên tuổi” thì tạp chí được đánh giá cao; nếu gần phân nửa ban biên tập là những người không có tiếng trong ngành thì tạp chí thuộc loại làng nhàng. Do đó, tổng biên tập có kinh nghiệm thường chỉ chọn những thành viên ban biên tập là những nhà khoa học nổi tiếng. Nhưng không phải tạp chí nào cũng làm được, bởi vì những nhà khoa học nổi tiếng không muốn tham gia ban biên tập của tạp chí mới, do họ không biết tương lai ra sao.
Yếu tố thứ ba là bài vở có chất lượng tốt. Tạp chí công bố những bài có ảnh hưởng lớn sẽ nâng cao chỉ số ảnh hưởng, và uy danh của tạp chí. Thông thường có hơn 50% bài không bao giờ được trích dẫn, và trong số 50% bài được trích dẫn, chỉ có một số rất nhỏ được trích dẫn nhiều. Do đó, mỗi năm chúng tôi họp ban biên tập và phân tích tất cả các bài đã công bố, xem tần số trích dẫn và nội dung khoa học, chất lượng khoa học, tác giả, v.v. để nâng cao chất lượng cho năm tới.
Ba yếu tố hệ số ảnh hưởng, thành phần ban biên tập, và chất lượng bài vở giúp chúng ta phân biệt tạp chí thật và tạp chí dỏm. Hiện nay, có rất nhiều tạp chí dỏm trên thế giới, nhất là các tạp chí internet, họ cũng có vài thành viên có tiếng trong ban biên tập, nhưng bài vở thì quá kém về chất lượng khoa học, sai sót kĩ thuật tràn lan, quá nhiều sai sót về tiếng Anh, và tác giả thì không rõ xuất xứ. Những tạp chí loại này đang góp phần làm giảm giá trị khoa học.
Giáo sư đánh giá sự sống còn của một tạp chí mới như thế nào?
NVT: Sự tồn tại của một tạp chí mới lúc nào cũng là một thách thức lớn. Có nhiều tạp chí ra đời, nhưng chỉ tồn tại vài năm thì phải đóng cửa, nhưng cũng có tạp chí phát triển thành các diễn đàn nổi tiếng trong chuyên ngành. Lúc chúng tôi sáng lập JCD, chúng tôi ý thức rất rõ rằng những công trình có chất lượng cao tác giả sẽ không gửi cho tạp chí chúng tôi vì tác giả nào cũng muốn công bố trên các tạp chí có impact factor (hệ số ảnh hưởng) cao. Điều đó có nghĩa là tạp chí mới phải chấp nhận công bố các công trình kém chất lượng. Nhưng nếu tiếp tục như thế thì tạp chí sẽ khó tồn tại vì chẳng ai trích dẫn, nên chúng tôi phải vận động thành viên ban biên tập gửi bài tốt cho tạp chí, và phải mất hai năm mới nâng cao chất lượng được.
Dân Trí: Giáo sư có ý kiến gì về vụ kiện của ĐH Tôn Đức Thắng đối với GS Nguyễn Đăng Hưng?
NVT: Tôi thấy vụ việc xảy ra là đáng tiếc. Vì vấn đề chưa được toà án phân xử nên tôi không có ý kiến gì.
----
(1) Bài trên Dân Trí: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dang-sau-vu-truong-dh-ton-duc-thang-kien-gs-nguyen-dang-hung-929253.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét