Viết văn như là trị liệu

Mấy tuần ở nhà nằm dưỡng bệnh, tôi nghiệm ra một điều rất cá nhân: viết văn có khả năng trị bệnh! Tuần đầu, tôi rất bực bội, rất tức giận với cái chẩn đoán, nghĩ là đám bác sĩ hay chuyên gia xét nghiệm làm sai, và cảm thấy khó chấp nhận sự mất độc lập của mình. Đến nổi y tá mà cũng có quyền lệnh cho mình! Lúc đó tôi không làm gì cả, một đống sách chọn ra để trên bàn, mà cuối cùng cũng chẳng màn đọc cuốn nào. Máy tính chẳng thèm mở ra. Sụt cân, và chắc cũng tiều tuỵ lắm. Đến tuần thứ hai là giai đoạn chấp nhận cái diagnosis, tức là chấp nhận thực tại, tôi thấy phải làm cái gì đó trong khả năng của mình. Đó chính là viết. Viết đủ thứ, viết nhật kí về chi tiết điều trị, viết về kết quả xét nghiệm theo diễn giải của tôi, viết lại cảm xúc của mình về những thay đổi sinh học trong người, và viết … sách giáo khoa. Viết xuống những cảm xúc vui buồn và sinh học đó tôi thấy mình như giải toả độc chất trong người. Từ lúc nổi nóng ban đầu tôi lại thấy mình yêu đời hơn, dù chỉ quay quẩn trong nhà. Tôi nghiệm ra là viết văn có thể xem như là một trị liệu mà ít ai chú ý. 

 Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ rằng một trong những đề tài phong phú cho văn học là nỗi đau khổ của con người, nhưng lại là đề tài ít được giới cầm bút khai thác. Nói “đau khổ” ở đây, tôi không có ý đề cập đến những nỗi đau trừu tượng, triết lí, kiểu như “thân phận lạc loài”, cô đơn, hoài niệm, bâng khuâng, v.v. mà là sự đau khổ của thân xác do bệnh tật gây nên. Đó là những nỗi đau gần gũi nhất với một cá nhân, là cái mà cá nhân con người có thể cảm nhận được, trải nghiệm được. Ấy thế mà xem lại số lượng tác phẩm và tác giả viết về đề tài này trong văn học Việt Nam, tôi thấy sự có mặt của thể loại văn học này cực kì khiêm tốn. Ngoại trừ trường hợp của Hàn Mặc Tử (hay ở một khía cạnh nào đó, Nguyễn Đình Chiểu), hầu như không mấy ai phơi bày và gửi gấm nỗi đau khổ của thân xác và bệnh tật trên trang giấy.

Gần đây có ý kiến cho rằng so với các dân tộc Tây phương, người Việt không có thói quen viết hồi kí, và điều này có thể là một yếu tố đưa đến tình trạng nghèo nàn của nền văn học Việt Nam. Dùng cách nói này, có lẽ tôi cũng có lí do để cho rằng sự có mặt khiêm tốn của “văn học đau khổ” có thể là một trong những yếu tố làm cho văn học Việt Nam thiếu tính phong phú!

Trong cuốn Illness narrative, tác giả Arthur Kleinman, nhận xét rằng trong khoa học lâm sàng và hành vi không có một phạm trù nào để mô tả sự đau đớn, và cũng không có một phương cách nào để ghi chép cái khía cạnh rất nhân văn này của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Những thước đo dùng để đánh giá chất lượng cuộc sống, triệu chứng, hay bệnh tật đều thất bại một cách thê thảm, không phản ánh được những sự chịu đựng mang tính chất rất riêng tư và rất nội tâm của người bị bệnh. Tôi rất tâm đắc với nhận xét này. Tôi đã từng xem qua xét nghiệm sinh hoá của chính mình và thấy chúng chẳng phản ảnh được cái “nội” trong cá nhân tôi. Xét nghiệm sinh hoá nói cho cùng chỉ phản ảnh cái bề ngoài, cái đã rồi, chứ làm sao phản ảnh được cái đau khổ hay hạnh phúc của bệnh nhân.

Tôi nhớ hơn 10 năm trước tập san JAMA có công bố kết quả thử nghiệm về tác dụng của viết văn đến các triệu chứng liên quan đến bệnh suyễn và viêm khớp xương. Trong cuộc nghiên cứu hi hữu này, các nhà nghiên cứu yêu cầu bệnh nhân viết văn khoảng 20 phút mỗi ngày, trong 3 ngày liên tiếp mỗi tuần. Các bệnh nhân được chia thành hai nhóm: trong nhóm một, đề tài viết là những kinh nghiệm của bệnh nhân trong việc đấu tranh chống trả với bệnh tật, hay những câu chuyện mà bệnh nhân cho là căng thẳng trong cuộc sống của họ; trong nhóm hai, các nhà nghiên cứu chỉ yêu cầu bệnh nhân viết ra những kế hoạch làm việc trong ngày. Sau 4 tháng thử nghiệm, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thuộc nhóm một trở nên tốt hơn một cách đáng kể, trong khi sức khỏe của các bệnh nhân nhóm hai không thay đổi. Tác giả của công trình nghiên cứu này cho rằng đây là một bằng chứng khoa học đầu tiên cho thấy viết văn có tác dụng tích cực đến sức khỏe.

Thực ra, kết quả của cuộc thử nghiệm trên đây không phải là bằng chứng đầu tiên về lợi ích của viết văn đối với sức khỏe bệnh nhân. Trước đó, một số nhà nghiên cứu trên thế giới đã từng tiến hành một loạt thử nghiệm về ảnh hưởng của viết văn đến sức khỏe, và kết quả có thể tóm lược như sau: viết văn đem lại lợi ích cho nhiều thành phần xã hội, thuộc mọi sắc dân, với bất cứ trình độ học vấn nào, mà không chỉ trong những người có năng khiếu về văn chương. Ảnh hưởng tích cực của viết văn đến sức khỏe và thái độ ứng xử được ghi nhận trong các tù nhân, sinh viên y khoa, nạn nhân của những vụ bạo hành trong gia đình, bệnh nhân bị bệnh viêm khớp xương và các bệnh kinh niên, đàn ông bị mất việc làm, và đàn bà mới sinh nở. Những ảnh hưởng này thường được biểu hiện qua các thông số về hệ thống miễn nhiễm, giảm đau, giảm số lần đi tham vấn bác sĩ gia đình, và chất lượng cuộc sống. Những sinh viên tham dự vào các cuộc thử nghiệm như thế cho biết họ cảm thấy viết văn có giá trị lớn đối với cuộc sống của họ. Một số sinh viên, ngày thường tỏ ra rất vô tình, lộn xộn, nhưng khi viết về những kinh nghiệm đau buồn trong đời, họ lại viết rất khúc chiết, mạch lạc và ít lỗi văn phạm!

Mặc dù so với lĩnh vực nghiên cứu sinh học và lâm sàng, các nghiên cứu về mối liên hệ giữa viết văn và sức khỏe vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, bằng chứng trong vòng một thập niên qua cho thấy một cách nhất quán là việc thuật lại những câu chuyện mang tính cách cá nhân hay đau buồn bằng viết văn hay bằng lời nói có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất con người. Nhưng câu hỏi được đặt ra ngay là “tại sao?” Tại sao viết văn có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe? Để giải thích mối liên hệ này, giới nghiên cứu y khoa có thể đề nghị một số mô hình sinh lí liên quan đến mối tương tác giữa tinh thần và thể xác con người, một mối quan hệ mà giới y khoa chính thống đã bỏ quên trong nhiều thập niên.

Tuy nhiên, thay vì giải thích bằng mô hình sinh lí học, tôi muốn đề nghị một mô hình khác liên quan đến chữ nghĩa và triệu chứng của căn bệnh, đến cái có thể thấy được và cái không thể thấy được, một mối quan hệ dựa vào y học và ngôn ngữ diễn đạt, huyền thoại, và thể văn tường thuật trong việc trị liệu.

Một giải thích có thể đề nghị ra ngay là qua diễn đạt lại những xúc cảm chúng ta trở nên có ý thức về sức khỏe hơn và từ đó thay đổi thái độ với thái độ và cách sống hàng ngà. Quá trình viết văn là một hành động tự biểu hiện của một cá nhân. Chỉ đơn thuần mô tả một kinh nghiệm bằng cơ thể không có hiệu quả cho sức khỏe bằng cách mô tả những kinh nghiệm đó thành chữ viết. Lí do là viết văn là một quá trình biến đổi những xúc cảm và hình ảnh vào ngôn từ, và chính cái quá trình chuyển hóa này làm thay đổi suy nghĩ và nhận thức của người viết về những kinh nghiệm đó. Ở đây cần phải nói thêm là một phần của những nỗi đau khổ của một cá nhân không hẳn do một sự kiện nào đó gây nên, mà còn do chính phản ứng cảm tính của cá nhân đó trước sự kiện. Qua việc sắp xếp các ý nghĩ và cảm tưởng, người ta có thể xây dựng hay tái xây dựng câu chuyện một cách có hệ thống. Một khi câu chuyện đã được hình thành, nó được tổng kết, dự trữ, và dễ quên sau đó. Do đó, viết văn cũng có thể xem là một hình thức tống khứ độc tố từ cơ thể và tâm tưởng.

Trong các hoạt động, tôi nghĩ viết văn là một hành động phong phú nhất và mạnh nhất của con người. Trong khi viết, chúng ta tạo và tái tạo quá khứ trong khoảnh khắc hiện tại. Nó là phương tiện cho chúng ta đi đến bóng tối và kéo ra những cái không thể thấy được vào trang giấy, nơi mà những điều này có thể đem ra thảo luận và duyệt xét lại. Trang giấy (hay màn hình) cung cấp cho chúng ta chất liệu để phân tích cái bản ngã của chính chúng ta. Khi viết văn ra những kinh nghiệm của mình, chúng ta viết tự do lựa chọn kinh nghiệm quá khứ, hiện tại, và tương lai. Viết văn, do đó, còn là một cuộc đối thoại với các sự kiện, và mỗi sự kiện đem đến một giá trị riêng, tri thức, và tiềm năng riêng trên bàn phím.

Viết về những kinh nghiệm khổ đau với bệnh tật là cách xây dựng những hình ảnh đau thương vào giây phút hiện tại, song chúng ta bị ngăn cách bằng một bức tường thực tế: chúng ta có thể ngưng viết bất cứ lúc nào, và sau đó quay trở lại viết tiếp, nếu cần. Những gì đã viết rồi có thể viết lại, và có thể viết lại nhiều lần. Bởi vì “cái tôi” của chúng ta được cấu tạo bằng chữ viết, có khi là những câu chữ hoa mĩ, chúng ta trở thành những nhân vật hoàn toàn khác (hiểu theo nghĩa tự tin hơn, thông cảm hơn, yêu đời hơn) so với một người bệnh bình thường. Sự chuyển hóa này làm cho người bệnh viết văn hưởng lợi ích trong việc điều trị.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét