KIM LŨ Y CÓ PHẢI LÀ THƠ? - Phạm Đức Nhì



Tác giả Phạm Đức Nhì


Phạm Đức Nhì

KIM LŨ Y CÓ PHẢI LÀ THƠ?


Mới đây, trong lúc dạo internet, tôi tình cờ đọc được bài Kim Lũ Y – Thơ Xưa Mà Vẫn Mới của Nguyễn Khôi trên trang VanDanViet.Net (vandanvn.net). Phải công nhận bài viết ngắn nhưng được viết công phu, qua đó tác giả đã biểu lộ một kiến thức sâu rộng về văn chương chữ Hán, và đặc biệt, sự yêu thích bài Kim Lũ Y của ông. Sau phần nói sơ qua về sự hình thành và phát triển thơ Đường, ông giới thiệu tác giả “bài thơ” là Đỗ Thu Nương. Sau đó, ông đưa ra hai cách đánh giá bài Kim Lũ Y:

  Đánh giá về bài thơ "Kim Lũ Y" hiện nay có 2 loại ý kiến :

        *1- Nhiều người cho đây là một bài thơ xưa rất độc đáo, hiếm hoi, tuy đã qua trên nghìn năm mà rất hiện đại: bài thơ cảnh báo những người tuổi trẻ phải biết quý tuổi xuân, không lãng phí thời gian, nếu không hậu quả sẽ thảm khốc.

   Nói một cách khác: bài thơ khuyên người ta phải biết tranh thủ sống với thời gian thực tại, phải biết giành lấy hạnh phúc (hưởng thụ) ngay khi còn đang tuổi trẻ, đừng chờ đợi (bỏ phí tuổi xuân xanh) mà chạy theo những cái gì ảo tưởng xa vời (thả mồi bắt bóng hão huyền) mà bỏ qua hạnh phúc trần gian hiện có... nghĩa là bài thơ khá hiện đại, rất hiện sinh ? !

       *2- Có ý kiến phản bác cho rằng "Kim Lũ Y" không phải là Thơ, đó chỉ là những lời giáo huấn khuyên bảo của bậc trưởng thượng đối với người tuổi trẻ "đừng phí tuổi xuân". Những lời giáo huấn đó xuất phát từ "ý", chứ không phải là "tâm", hoàn toàn không có chút "cảm xúc" nào, mà "Thơ là cảm xúc"(nói theo kiểu Ts. N.H.Quốc ở Úc): ta đi tìm đồng cảm để phân biệt Thơ với các lọạị hình nghệ thật khác (dẫn theo Phạm Đức Nhì trên T.Vấn & bạn hữu). 

Ông dành phần còn lại của bài viết chứng minh Kim Lũ Y là một bài thơ, và hơn thế, là Thơ Xưa Mà Vẫn Mới.

Tôi xin phép được trao đổi với ông Nguyễn Khôi vài điểm.

Để mở đầu cho phần chứng minh ông Nguyễn Khôi viết:
             
Xét về nguồn gốc thì Thơ Ca ra đời từ khi chưa có chữ viết (văn tự), thuở sơ khai các bậc huynh trưởng dùng Thơ Ca để giáo huấn (dạy) con em, để chúng trở thành người chính trực, ôn nhu, rộng lượng, kiên nghị, cứng cỏi mà không thô bạo, giản dị mà không ngạo mạn. Thơ dùng để nói Chí (thi ngôn chí). Ca (hát) dùng để ngân dài lời thơ cho nó ngấm sâu vào lòng người.

Vâng, lúc ấy chưa có chữ viết, hoặc nếu có, cũng còn ở dạng sơ khai nên khi muốn truyền đạt những điều cần giáo huấn người ta dùng “thơ”, trong đó có vần điệu, để dễ nhớ, dễ thấm sâu vào lòng người. Xã hội dần dần phát triển, nhưng người được đi học chưa nhiều, người nhuần nhuyễn chữ nghĩa để có thể làm thơ lại càng ít. Thêm vào đó quan niệm “văn dĩ tải đạo” đang giữ địa vị thống soái trong xã hội nên thông điệp mang tính đạo lý của Kim Lũ Y được ưa thích, được coi trọng. Vâng! Trong hoàn cảnh ấy Kim Lũ Y, La Cống Khúc và một số bài văn vần khác được quý trọng, được đồng hóa, được gọi chung là “thơ”.

Sau đây là vài bài thơ Đường thực sự, cảm xúc dạt dào:

Hoàng Hạc Lâu: Thôi Hiệu
Phong Kiều Dạ Bạc: Trương Kế
Bạc Tần Hoài: Đỗ Mục
Đề Đô Thành Nam Trang: Thôi Hộ
Tĩnh Dạ Tứ: Lý Bạch
Lương Châu Từ: Vương Hàn

Ngày tôi còn mài đũng quần ở trung học, thơ được hiểu là một loại hình nghệ thuật dùng chữ, có vần điệu để biểu lộ một cảm xúc hoặc diễn đạt một ý tưởng cao đẹp (noble thought). Khi tôi vào đại học, Kim Lũ Y là bài thơ Đường được giảng dạy ở Văn Khoa. Nhưng khoảng mấy thập niên sau này cái phần đuôi của định nghĩa thơ: hoặc diễn đạt một ý tưởng cao đẹp (noble thought), trong rất nhiều sách và trang web thơ ca, đã lặng lẽ biến mất.

Theo Nguyễn Đình Thi thì “Làm thơ, ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói -tức là chữ- để thể hiện một trạng thái tâm lý đang rung chuyển mạnh mẽ khác thường”… "thơ không nói bằng ý niệm thuần tuý, bởi nếu thế, thơ đã bị đánh đồng với đạo đức (luân lí), triết học... Con đường của thơ hướng tới việc "lay động những chiều sâu của tâm hồn, đem cảm xúc mà đi thẳng vào sự suy nghĩ.”  … (Mấy Ý Nghĩ Về Thơ)

Vậy “tình” ở đây thoát ra từ những lời khuyên (ý), nếu không phải từ tâm (cõi lòng) không có cảm xúc thì làm sao bột phát (xuất thần) ra được một ý mới/ tứ lạ như Kim Lũ Y? (Nguyễn Khôi)

Cảm xúc để làm nên thơ là cái cảm xúc của người trong cuộc, của người đã bước vào khung cảnh thơ. Nó hoàn toàn khác với “sự khao khát” (ý chí) của người viết muốn truyền đạt kiến thức, quan điểm, học thuyết của mình. Không phải cứ “bột phát (xuất thần) ra được một ý mới” thì bắt buộc tâm (cõi lòng) phải có cảm xúc. Giữa Tâm và Trí thì Trí nhiều quyền lực hơn, thường tỉnh thức để điều khiển hầu hết mọi hoạt động của con người. Những lúc “Trí lộng hành” thì Tâm nằm im re hay trốn biệt. Đó là trường hợp của Đỗ Thu Nương khi viết Kim Lũ Y; chữ nghĩa, ý tưởng hoàn toàn là sản phẩm cuả lý trí. Rất hiếm hoi mới có lúc “Tâm độc diễn”, là lúc cảm xúc trào lên lấn át lý trí. Vơí người làm thơ thì đó là lúc “nổi điên”, cao hứng. Nhưng khi chữ nghĩa đã đổ lên trang giấy thì Trí có quyền phủ quyết. Nó có thể chấp nhận hoặc hủy bỏ toàn bộ bài thơ. Nó cũng có thể yêu cầu sửa chữa, thêm bớt … nghĩa là có sự thương lượng để Tâm Trí hoà hợp. Thông thường, Trí càng lấn lướt thì bài thơ càng dở vì thiếu chất “tình”. Nói vậy không có nghĩa là anh không được dùng thơ để chuyển tải đến người đọc những gì mình tin là đúng, là tốt. Nhưng khi làm thơ đừng viết lý thuyết suông, những thứ đang nằm trên bề mặt ý thức trong đầu anh. Nó chỉ là LÝ. Phải biến nó thành SỰ. Phải tạo ra hoàn cảnh trong đó anh sống, tương tác với những người khác (theo quan điểm của mình) và lúc đó phải có ít nhất một trong những trạng thái tâm sau đây: hỷ nộ ái ố ai lạc cụ (thất tình) và ham muốn về sắc thanh hương vị xúc pháp (lục dục). (1)

"Hình ảnh của thơ trái lại, phải là hình ảnh thực nẩy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc trạng thái nào đấy. Đụng chạm với hành động hằng ngày, tâm hồn nẩy lên bao nhiêu hình ảnh như những tia lửa toé lên khi búa đập vào sắt trên đe. Người làm thơ lượm những tia lửa ấy, kết nên một bó sáng, nó là hình ảnh thơ". (Nguyễn Đình Thi, Mấy Ý Nghĩ Về Thơ)

Lý tiềm ẩn trong Sự.

Sự là phương tiện để hiển (diễn đạt) Lý.

Lý chỉ là lý thuyết

Sự mới là cuộc sống. Chỉ có SỰ mới có chỗ cho Thơ nảy nở.

“Mọi lý thuyết đều xám xịt. Chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi.” (Goethe).


Ta thử so sánh hai bài dưới đây:


   KIM LŨY

   Khuyến quân mạc tích Kim Lũ Y
   Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì
   Hoa khai kham chiết trực tu chiết
   Mạc đãi vô hoa không chiết chi.

Dịch:

ÁO KIM TUYẾN

Khuyên anh đừng tiếc áo thêu vàng
Khuyên anh nên tiếc thời trẻ trung
Hoa nở đáng bẻ thì nên bẻ
Đừng chờ hoa hết, bẻ cành không



KHUYẾN HỌC

Hỡi các cậu bé con
Các cậu tuổi còn non
Các cậu phải chăm học
Có học mới nên khôn 

Cả hai bài đều là những lời khuyên, sản phẩm của lý trí (ý). Không thấy bóng dáng của tâm. Không có lấy một chút cảm xúc (thất tình, lục dục) nên không thể gọi là thơ.

Và hai bài kế tiếp: 

LA CỐNG KHÚC

       Kỳ nhị

Mạc tác thương nhân phụ
Kim thoa đương bốc tiền
Triêu triêu giang khẩu vọng
Thác nhận kỷ nhân thuyền.
          ( Lưu Thái Xuân)

Dịch:

BÀI CA LA CỐNG

(Bài 2)

Chớ làm vợ khách thương
Thoa với tiền: đồ bói
Sớm sớm ngóng đầu sông
Nhận nhầm thuyền khách tới


KHUYÊN CON GÁI

Con gái phải giữ mình
Chớ bồ bịch linh tinh
Chớ hộp đêm, khách sạn
Kẻo rồi lại mất trinh

(PĐN chế ra để làm thí dụ) 

Cả hai bài:

Tâm chưa đối cảnh nên chưa khởi.
Tâm chưa khởi nên chưa có cảm xúc.
Tất cả chỉ là sản phẩm của lý trí.


KHUYẾN HỌC và KHUYÊN CON GÁI không phải là thơ. Điều đó dễ được chấp nhận. Cái chính vì nó là sản phẩm của lý trí, nhưng phần khác vì nó đơn giản, nôm na, dân dã. KIM LŨ Y và LA CỐNG KHÚC - những con tương cận - được ông Nguyễn Khôi cho là thơ vì nó có vẻ “bác học” và được viết bằng chữ Hán chăng?


Thử xét 2 bài kế tiếp.

HÃY TIN CHÚA

Hãy tin nơi Thiên Chúa
Hồn xác dâng cho ngài
Hãy sống theo lời Chúa
Chết, sẽ về nước Trời

Hoặc:

LỜI PHẬT DẠY

Thông hiểu Tứ Diệu Đế
Thực hành Bát Chánh Đạo
Thân tâm thường an lạc
Đó là lời Phật dạy

Mặc dù tác giả rất mong muốn người đọc nghe lời mình tin Chúa để được cứu rỗi hoặc nghe lời Phật dạy để thân tâm thường an lạc, nhưng ông ta chưa bước vào khung cảnh của bài thơ nên đó vẫn chỉ là lời khuyên, sản phẩm của lý trí, không có cảm xúc, không phải là thơ.

Sau đây là vài cách nhìn nhận thơ ca nhấn mạnh vào cảm xúc.

Thể trong thơ là toàn bộ "hình ảnh, âm và nghĩa" quyện với nhau, gây nên cảm xúc. Thể là nhân, cảm xúc là quả. Thể truyền cho người đọc cảm xúc, rung động. Và ở đâu có rung động là có thơ: Tình yêu là một bài thơ không chữ, không vần (Thụy Khê, Cấu Trúc Thơ).

Poetry is the spontaneous overflow of powerful feelings. Poetry is a matter of mood and inspiration. Poetry evolves from the feelings of the poet. Poetry’s source is the feelings in the heart, not the ideas of the intellect. (Wordsworth William)

Tạm dịch:

Thơ  là sự trào dâng tự phát của những cảm xúc mãnh liệt. Thơ là vấn đề của tâm trạng và cảm hứng. Thơ tiến hóa từ những cảm xúc của nhà thơ. Nguồn thơ là cảm giác ở trong lòng, không phải là ý tưởng của trí tuệ.

Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu" (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ Điển Thuật Ngữ Văn Học)


KẾT LUẬN:

Con người càng văn minh thì vỏ bọc văn hóa càng dầy. Họ phải ứng xử với môi trường xã hội ngày càng khách sáo, giả tạo. Và họ đã vong thân, đánh mất chính mình, trở thành những “Kẻ Xa Lạ” ngay trong thân xác mình.

Nếu thi sĩ trong lúc cao hứng, lạc thần trí – quên hẳn những lối suy nghĩ, phong cách ứng xử văn hóa của người đời, bỏ hết những quy luật giao tế xã hội, tống cổ “Kẻ Xa Lạ” ra khỏi thân xác mình - viết lên những vần thơ biểu lộ cảm xúc chân thật từ con người nguyên thủy của minh, và người đọc - nếu hiểu được, đồng cảm được với tác giả - sẽ tìm lại được “cái tôi đã mất”, gặp lại được “bản lai diện mục”của họ. Chỉ cần vài bài thơ như vậy thi ca cũng có thể góp công lớn giúp khai phóng con người, giải thoát họ khỏi những trói buộc nội tại, đưa họ – không chỉ đến gần – mà còn đến đúng ngôi nhà mà Chân Thiện Mỹ đang cư ngụ.

Chú thích:

Thất tình: hỷ nộ á ố ai lạc cụ (vui, giận, yêu, ghét, buồn, vui, sợ)

                Lục dục gồm:

              1. Sắc dục: ham muốn nhìn thấy sắc đẹp.
              2. Thanh dục: ham muốn nghe âm thanh êm tai.
              3. Hương dục: ham muốn ngữi mùi thơm dễ chịu.
              4. Vị dục: ham muốn món ăn ngon miệng.
              5. Xúc dục: ham muốn xác thân sung sướng.
              6. Pháp dục: ham muốn ý nghĩ được thỏa mãn.


                                                          PHẠM ĐỨC NHÌ


                                                      nhidpham@gmail.com


PHỤ LỤC:
Nguyễn Khôi: "KIM LŨ Y" - THƠ XƯA MÀ VẪN MỚI
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét