Mấy hôm nay tôi bận bịu với workshop về phương pháp nghiên cứu khoa học (dành cho khối khoa học xã hội và kinh tế) nên không có thì giờ viết cái note nào. Nhưng hôm nay phải viết một cái note để giới thiệu công trình nghiên cứu quan trọng này. Đó là công trình định tiêu chuẩn để chẩn đoán béo phì cho người Việt (và Á châu nói chung). Câu chuyện đằng sau công trình này hơi lòng vòng và tôi sẽ giải thích để các bạn hiểu.
Trước đây và cho đến nay, người ta dùng chỉ số tỉ trọng cơ thể (body mass index hay BMI) để chẩn đoán béo phì. BMI được tính bằng cách lấy trọng lượng cơ thể (kg) chia cho chiều cao bình phương (m^2). Ví dụ như một phụ nữ có trọng lượng là 60 kg và chiều cao 1.56 m, thì BMI của chị ấy là 24.6. Theo tiêu chuẩn của WHO, người nào có BMI 30 hay cao hơn thì được xem là "béo phì". Dựa vào tiêu chuẩn này, chúng tôi ước tính chỉ có 1.5% người Việt là béo phì, còn người Âu Mĩ thì khoảng 25-30%.
Nhưng BMI có vấn đề, vì nó không phân biệt được thành phần cơ thể. Trọng lượng cơ thể bao gồm chủ yếu là lượng mỡ (fat mass) và lượng cơ (lean mass hay nạc). Do đó, một người như Arnold Schwarzenegger thì sẽ được xem là béo phì, nhưng chẩn đoán này sai. Sai là vì anh chàng này có nhiều lượng cơ và ít mỡ. Nhiều mỡ mới đáng quan tâm, chứ nhiều cơ là ok.
Do đó, tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì nên dựa vào tỉ trọng mỡ, tức là phần trăm mỡ trong cơ thể (thuật ngữ tiếng Anh viết tắt là PBF - percent body fat). Nhưng vấn đề đặt ra là PBF bao nhiêu thì có thể xem là béo phì?
Để trả lời câu hỏi đó, chúng tôi làm một nghiên cứu ở VN trên khoảng 1200 nam và nữ, tuyển ngẫu nhiên từ Sài Gòn. Chúng tôi dùng máy DXA để đo PBF trong mỗi cá nhân. (Máy DXA là tiêu chuẩn vàng để đo lượng mỡ và cơ trong cơ thể.) Tính trung bình, chúng tôi thấy PBF của nam giới là 25% và nữ giới là 35%. Nói cách khác, mỗi phụ nữ VN mang trong người khoảng 18 kg mỡ, và nam là 15 kg.
Chúng tôi phân tích mối tương quan giữa PBF và BMI thì thấy mối tương quan như sau:
PBF (nữ) = -18.9 + 0.044*tuổi + 3.473*BMI - 0.051*BMI*BMI
PBF (nam) = -29.8 + 0.044*tuổi + 3.473*BMI - 0.051*BMI*BMI
(Các bạn có thể thế tuổi và BMI của mình vào phương trình trên để ước tính mình có bao nhiêu phần trăm mỡ trong cơ thể.)
Phân tích thêm, chúng tôi đề nghị lấy PBF > 30 ở nam giới và PBF > 40 ở nữ giới làm tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì. Dự vào tiêu chuẩn này, có khoảng 15% nam và nữ ở Sài Gòn được xem là béo phì.
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên ứng dụng công nghệ DXA để nghiên cứu béo phì ở VN. Trước đây, người ta chỉ dùng các chỉ số "thô" như BMI để nghiên cứu béo phì, nhưng công trình này chỉ ra rằng có thể dùng PBF để chẩn đoán béo phì chính xác hơn. Tôi hi vọng rằng công trình này sẽ mở ra một hướng đi mới cho nghiên cứu béo phì ở VN trong tương lai.
Qua bài báo này, chúng tôi cũng phản bác một tiêu chuẩn tồn tại khá lâu trong thế giới y khoa. Đó là mấy người ở Singapore đề nghị lấy tiêu chuẩn PBF>25% (nam) hay PBF>35% (nữ) để chẩn đoán béo phì, và họ nói rằng tiêu chuẩn này là từ một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chúng tôi chỉ ra rằng nhóm tác giả Singapore đã nói dóc trong suốt 15 năm trời, vì WHO không hề đề ra tiêu chuẩn nào như thế cả. Cho đến nay, chúng tôi vẫn không hiểu tại sao nhóm Singapore lại có thể nói dóc lâu như thế. Nhưng qua bài báo này thì cái tiêu chuẩn 25/35 đó sẽ trở thành "huyền thoại".
Địa chỉ của bài báo là:
http://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371%2Fjournal.pone.0127198
Ngoài ra, còn có bài trên Sức khoẻ & Đời sống giới thiệu công trình này:
http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/chuan-moi-chan-doan-beo-phi-o-nguoi-viet-nam-20150528191827425.htm
Chuẩn mới chẩn đoán béo phì ở người Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét