Ke dot chay pho Wall

Kẻ đốt cháy phố Wall

Quốc Học

Nói cho chính xác, David Li không đốt cháy phố Wall – anh ta chỉ cung cấp diêm cho người khác đốt.

Cách đây một năm, viễn tượng David Li có ngày sẽ nhận được giải Nobel kinh tế không phải là chuyện hoang đường. Một chuyên gia toán kinh tế với bằng tiến sĩ trong lãnh vực thống kê, David Li nổi tiếng trong giới tài chính nhờ một công thức giúp lập mô hình tính toán rủi ro và định giá chứng khoán. Công thức của anh được phổ biến rộng rãi, là chỗ dựa cho giới tài chính nhào nặn đủ loại chứng khoán phái sinh và là đầu mối gây nên sự sụp đổ của thị trường tài chính thế giới trong thời gian qua. Tuy nhiên Harry Panjer, giáo sư cũ của David Li tại Đại học Waterloo nhận xét: “Nói David làm sụp đổ thị trường thì cũng chẳng khác nào trách Einstein gây ra thảm họa Hiroshima. Anh ta không chịu trách nhiệm cho thế giới tài chính. Anh ta chỉ viết một bài báo”.

*                      *                      *

David Li sinh trưởng ở một vùng quê Trung Quốc, tên thật là Xiang Lin Li. Lúc nhỏ anh học giỏi toán và sau khi lấy bằng thạc sĩ kinh tế ở trường đại học Nankai, anh dành được học bổng đi du học ở Canada. Đầu tiên anh lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) ở Đại học Laval vào năm 1991 rồi sau đó thêm một bằng thạc sĩ về định giá trong ngành bảo hiểm và bằng tiến sĩ thống kê tại Đại học Waterloo. Năm 1997 anh vào làm cho Ngân hàng Thương mại Hoàng Gia Canada và sau đó chuyển sang làm cho Barclays Capital, với nhiệm vụ xây dựng lại nhóm chuyên gia phân tích định lượng.

Đó cũng là thời điểm bùng nổ xu hướng tuyển dụng các chuyên gia toán học, xác suất thống kê và vật lý vào phân tích, xây dựng mô hình định giá tại các công ty tài chính, chứng khoán. Giới học thuật không thể cưỡng nổi mức lương hàng triệu đô-la nên đổ dồn về Wall Street làm việc.

Năm 2000, khi đang làm cho JPMorgan Chase, David Li cho đăng một bài báo trên tạp chí chuyên ngành mang tựa đề: “Về tương quan vi ước: Cách tiếp cận hàm phối ngẫu”. Mọi chuyện bắt đầu từ đó.

*                      *                      *

 

Trái phiếu về bản chất là một tờ giấy nợ. Nhưng để sẵn lòng mua tờ giấy nợ như thế, người ta phải đánh giá được rủi ro người phát hành “chạy làng” xù nợ - tức là vi ước. Dân đầu tư không sợ rủi ro vì gắn với độ rủi ro cao thì mức lãi phải lớn tương ứng. Họ rất khoái khái niệm xác suất; ví dụ nếu trái phiếu có 1% xác suất vi ước, họ chỉ cần tăng lãi suất lên thêm 2% thì vẫn yên tâm. Từng trái phiếu riêng rẽ, việc tính toán rủi ro tương đối không có gì phức tạp lắm. Nhưng nếu trong danh mục đầu tư có hàng trăm hay hàng ngàn trái phiếu đủ loại, từ thế chấp mua nhà, mua xe đến trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ phải tìm cách đánh giá rủi ro trong tương quan giữa các loại trái phiếu như thế.

Để hiểu được quy mô vấn đề, hãy hình dung tình huống sau: Có một em bé tiểu học tên Alice. Xác suất cha mẹ em sẽ ly dị là 5%; rủi ro em bị chấy trên đầu là 5%; khả năng em chứng kiến một cô giáo bị trượt vỏ chuối cũng 5% và cuối cùng chuyện em thắng giải nhất trong cuộc thi đố vui để học cũng là 5%. Giả dụ nhà đầu tư mua bán trái phiếu dựa vào các xác suất này thì họ sẽ định giá chúng gần gần như nhau.

Nhưng giả định tiếp ngồi cạnh Alice là Britney. Nếu cha mẹ Britney ly dị thì xác suất cha mẹ Alice ly dị là bao nhiêu – vẫn 5% như trước. Mối tương quan giữa hai chuyện này là gần bằng không. Nhưng nếu Britney bị chấy, rủi ro Alice cũng bị chấy tăng cao hơn nhiều, khoảng 50% - có nghĩa mối tương quan đã tăng lên mức 0,5. Nếu Britney chứng kiến cô giáo bị trượt vỏ chuối thì khả năng Alice cũng thấy chuyện đó tăng lên rất cao vì hai em ngồi gần nhau, có thể lên đến 95% - tức tương quan gần bằng 1. Còn nếu Britney đã thắng giải nhất rồi, Alice hầu như khó lòng được giải duy nhất này nữa và ở đây tương quan là -1.

Thử tưởng tượng nhà đầu tư mua bán trái phiếu với hàng triệu thông số, hàng triệu khả năng xảy ra hay không xảy ra, hàng loạt tương quan chằng chịt, họ sẽ bó tay không thể nào định giá chính xác.

*                      *                      *

Bài báo “Về tương quan vi ước: Cách tiếp cận hàm phối ngẫu” của David Li xuất hiện như một vị cứu tinh. Bằng cách sử dụng những phép toán đơn giản (đơn giản theo nghĩa phố Wall!), David Li đã tìm ra công thức tính toán tương quan vi ước và nhờ đó lập được mô hình định giá cho mọi trái phiếu mua bán trên thị trường. Cho dù nó được khen ngợi là đơn giản đến tuyệt vời, người thường như chúng ta khó lòng hiểu hết công thức của Li. Chỉ biết rằng nó dựa vào công cụ gọi là “Hoán đổi vi ước tín dụng” và đẩy mạnh sự sinh sôi của công cụ tài chính này (gọi tắt là CDS). Cái này thì tương đối dễ hiểu.

Nhà đầu tư có hai lựa chọn: hoặc là cho vay trực tiếp (tức mua trái phiếu) hay bán “Hoán đổi vi ước tín dụng” (tức là bán bảo hiểm phòng ngừa những người đi vay xù nợ). Cả hai cách đều đem lại dòng tiền đều đặn: hoặc lãi suất từ trái phiếu hay bảo phí từ hợp đồng bảo hiểm chúng. Cả hai đều sẽ gây thua lỗ nặng nề nếu người vay phá sản. Nhưng khác với trái phiếu chỉ phát hành theo nhu cầu, loại hợp đồng hoán đổi vi ước tín dụng có thể sản sinh bao nhiêu cũng được, miễn sao chúng dựa vào trái phiếu theo kiểu cá cược.

Trang bị công thức của David Li, thị trường tài chính hăm hở lao vào sản xuất đại trà các CDS. Cuối năm 2001, dư nợ CDS chỉ ở mức 920 tỷ đô-la; đến cuối năm 2007, con số này nở rộ lên mức kinh khủng: 62 ngàn tỷ đô-la, một mức tăng 6.700% chỉ trong vòng 6 năm Bên trong cơn bùng nổ này chính là công thức “Hàm phối ngẫu Gaussian” của Li vì áp dụng nó vào đâu cũng được. Điều đáng ghi nhận là bản thân Li không nhận đồng xu nào từ công thức được sử dụng rộng rãi của mình mà chỉ là danh tiếng như cồn trong giới tài chính.

*                      *                      *

Mọi chuyện ổn thỏa khi thị trường phát triển theo đúng mô hình mà David Li hình dung. Và đó chính là gót chân Asin của công thức này. Cách tiếp cận của anh không dành chỗ cho những biến cố bất thường. Mối tương quan tưởng đâu có thể tính toán được lại hoàn toàn sụp đổ khi thị trường địa ốc của Mỹ đóng băng. Khi càng có nhiều người vay tiền mua nhà bội ước, không trả nợ được nữa, thị trường CDS bùng cháy và tiêu tan trong nháy mắt. Mọi chuyện sau đó diễn ra như những gì chúng ta đã chứng kiến.

Bây giờ nhìn lại, đã có không hiếm lời cảnh báo từ giới học thuật về chuyện áp dụng công thức của David Li một cách mù quáng. Nhưng lúc đó, không ai chịu nghe vì giới quản lý không đủ kiến thức toán học để hiểu hết ý nghĩa của công thức, lại không đủ can đảm từ chối những món lời khổng lồ. Ở đây chính lời tiên đoán của Nassim Taleb, tác giả cuốn Thiên Nga Đen là chính xác hơn hết. Công thức của Li đã triệt tiêu rủi ro trong 99% nhưng vẫn còn 1% ở đó. Chính 1% này đã phá vỡ bức màn toán học phô bày lòng tham của giới tài chính muốn tự đánh lừa mình bằng công thức. Taleb nói: “Người ta cứ hăm hở về hàm phối ngẫu Gaussian bởi sự tinh tế toán học của nó. Nhưng bất cứ thứ gì dựa vào tương quan [trong xác suất để định giá trái phiếu] là đồ lang băm”. Ngay chính David Li, trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal năm 2005 đã cảnh báo: “Rất ít người hiểu được cái tinh túy của mô hình này”, “Thật là nguy hiểm khi người ta hoàn toàn tin vào kết quả từ nó”.

Thật ra David Li không đáng trách. Anh ta chỉ phát minh ra một mô hình tính toán. Cái đánh trách là người sử dụng nó một cách mù quáng để kiếm tiền. David Li hầu như không lên tiếng sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ. Anh cũng không còn ở Mỹ. Năm ngoái anh đã dọn về Bắc Kinh, Trung Quốc, làm trưởng phòng quản lý rủi ro cho tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Hoa và cho đến nay vẫn giữ im lặng.

(Theo tạp chí Wired và báo chí Canada)

 

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét