Thiếu thông tin
Nguyễn Vạn Phú
Chỉ tính từ đầu năm 2009 đến nay, lãnh đạo các nước đã liên tục gởi nhiều thông điệp tới người dân nước họ để nhận định tình hình, giải thích chính sách, bày tỏ suy nghĩ hay đơn thuần là cung cấp thông tin trực tiếp cho người dân.
Lấy ví dụ gần đây nhất, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuần trước cho biết Trung Quốc đang theo dõi tình hình kinh tế của Mỹ rất sát sao vì hiện nay Mỹ là con nợ lớn nhất của Trung Quốc. “Tổng thống Obama và chính phủ của ông đã thông qua một loạt các biện pháp để đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính. Chúng tôi kỳ vọng vào hiệu quả của những biện pháp này. Chúng tôi đã cho Hoa Kỳ vay một khoản tiền lớn. Dĩ nhiên chúng tôi quan ngại về sự an toàn cho tài sản của chúng tôi. Thiệt tình mà nói là tôi hơi lo”.
Có thể tổng hợp liệt kê hàng loạt phát biểu như thế của lãnh đạo nhiều nước trong vòng hơn hai tháng qua, những phát biểu mà người dân nước họ cần nghe, cần biết trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang lan rộng và tác động sâu sắc đến mọi người. Dĩ nhiên, không phải đây là những diễn văn đọc trước toàn dân; nó là những phát biểu tại các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn hay thậm chí nằm trong diễn văn đọc tại một dịp lễ nào đó chỉ liên quan đến một ngành, một địa phương cụ thể. Với sức lan tỏa của truyền thông, các chính khách luôn biết biến những dịp như thế để gởi thông điệp cần gởi đến người dân.
Ở Việt
Từ góc độ người dân sống trong thời khủng hoảng kinh tế, chúng ta đang rất muốn biết những gì Chính phủ đang làm và sẽ làm để đưa đất nước vượt qua khó khăn. Giả dụ, chúng ta muốn biết Quốc hội sẽ quyết định như thế nào về việc giãn thu thuế thu nhập cá nhân trong năm tháng đầu năm. Dĩ nhiên, Quốc hội chưa họp thì không thể quyết định nhưng Chính phủ, trong vai trò điều hành kinh tế, phải nói rõ chủ kiến của mình, sẽ trình phương án nào cho Quốc hội, sẽ thuyết phục đại biểu Quốc hội bỏ phiếu theo hướng nào. Là người làm công ăn lương, chúng ta cũng rất muốn biết bên cạnh các khoản tiền rót trực tiếp cho doanh nghiệp nhằm kích thích kinh tế, Chính phủ sẽ làm gì đối với hướng kích cầu thật sự, tức là nâng sức mua của người dân. Năm ngoái quyết định giãn, giảm đầu tư công để chống lạm phát thế thì năm nay sẽ như thế nào.
Ở bình diện ngành hay địa phương người dân cũng cần những thông điệp cụ thể, rõ ràng từ người lãnh đạo; như ngành giáo dục sẽ được cải tổ theo hướng nào chứ không phải những thông tin “trái tai” như bộ chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi! Người dân TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, rất muốn biết lãnh đạo thành phố sẽ làm gì để tổ chức việc thi công tại các “lô cốt” khoa học hơn, nhanh hơn và ít bầy hầy hơn.
Truyền thông giữa bộ máy công quyền và người dân là một khoa học, cần sự tham gia tư vấn của nhiều chuyên gia về nhiều lãnh vực. Và dường như trong dòng xoáy họp hành, chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ở nước ta bỏ quên hoạt động này. Những năm trước, báo chí còn đăng tải khá nhiều phỏng vấn các lãnh đạo đương chức, thỉnh thoảng xuất hiện và tạo được mối dây liên hệ giữa bộ máy hành chính và người dân. Hai năm gần đây, loại hình phỏng vấn này hầu như vắng bóng. Dường như hoạt động này chỉ còn giới hạn vào buổi họp báo của Chính phủ sau mỗi phiên họp thường kỳ hằng tháng.
Đó là nói về sự chủ động đưa thông tin đến người dân như một trong những biện pháp điều hành bộ máy nhà nước – sử dụng chính người dân đã được trang bị thông tin để giúp giám sát hoạt động của bộ máy hành chính bên dưới. Lợi ích của sự chủ động này là rất rõ - ví dụ nếu trước khi Chính phủ triển khai chương trình hỗ trợ tiền cho người nghèo nhân dịp tết, một thành viên Chính phủ công khai chương trình, hướng dẫn rõ ràng tiêu chí, số tiền, ý nghĩa, mục đích… chắc chắn số trường hợp ăn chặn tiền này đã giảm bớt được nhiều.
Còn nói về nghĩa vụ công khai thông tin như một yêu cầu của một bộ máy hành chính minh bạch, có tính giải trình, người dân có quyền biết hiện nay ngân sách đang được chi tiêu như thế nào cho những chương trình kích cầu trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng. Khi báo chí đặt vấn đề trên 93.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất đã được giải ngân trong tháng 2-2009, nhưng dư nợ tháng này chỉ tăng 0,23% thì Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm giải trình cho người dân biết vì sao như thế, liệu tiền hỗ trợ bù lãi suất từ ngân sách, tức từ tiền đóng thuế của người dân có đang bị lợi dụng vào những mục đích khác, không phục vụ cho chính sách kích cầu.
Xét cho cùng, hoạt động của nhà nước phải dựa vào việc người dân muốn gì chứ không phải nhà nước muốn gì và chiến lược thực hiện ý muốn của người dân như thế phải được phản hồi trở lại mới thực hiện được nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét